Nguyễn Phi Châu – “Quái nhân” điêu khắc và vẽ tranh trên… hạt gạo

Thứ Sáu, 08/10/2010, 02:50
Sau khi được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác lập và biểu tượng kỷ lục Người có khả năng vẽ tranh kết hợp giữa tay - chân - miệng cùng lúc nhiều nhất, cùng với 19 cá nhân khác tại Khu Du lịch Bình Quới 2 (TP HCM) vào cuối tháng 3/2010, sáng 27/9 vừa qua, chàng sinh viên Nguyễn Phi Châu (Cần Thơ) đã thông tin riêng cho PV Chuyên đề ANTG rằng mình vừa xác lập được kỷ lục điêu khắc và vẽ trên hạt gạo với tổng cộng khoảng 200 tác phẩm.

Những tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Phi Châu thể hiện chủ yếu là về Bác Hồ và Thăng Long - Hà Nội.

Biệt tài của chàng sinh viên biết quý trọng hạt gạo....

Trong căn phòng trọ nhỏ hẹp tại địa chỉ 28/12/4, đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) mà sinh viên Nguyễn Phi Châu tá túc cách nay 5 năm trời nay có thêm bộ sưu tập mới độc nhất vô nhị. Đó là khoảng 200 tác phẩm (điêu khắc và vẽ siêu nhỏ) được chàng sinh viên tài hoa này thể hiện lên hạt gạo với rất nhiều nội dung. Và để bảo quản số tác phẩm đặc biệt này khỏi bị hư, Châu đã cẩn thận cất giữ tất cả vào các keo lọ mini khá xinh xắn...

Tôi thật sự thích mắt và cảm thấy thú vị khi trở thành nhà báo đầu tiên được Châu giới thiệu về những tác phẩm đặc sắc này. Thật điêu luyện và chuyên nghiệp. Không dừng lại ở những bông, hoa, thư pháp, thiếu nữ, hình muông thú, phong cảnh... Châu còn thể hiện sinh động hình ảnh Bác Hồ, chùa Một Cột, tượng Vua Lý Thái Tổ, bản đồ Việt Nam...

Châu kể, có tác phẩm, Châu chỉ mất có 15 phút (thư pháp, hoa hồng...) nhưng những tác phẩm về Bác, chùa Một Cột, Lý Thái Tổ... Châu phải mất ít nhất là 3 ngày.

Ba ngày dồn sức vào tác phẩm trên hạt gạo - nói thì nghe thế nhưng thấy Châu thực hiện mới thật khâm phục. Châu kể thêm, Châu đã phải công phu tự chế lấy dụng cụ để thực hiện các công việc trên. Từng động tác điêu khắc, vẽ, Châu đều thể hiện một cách chính xác, tỉ mỉ và có khi phải nín thở mới đạt được mục tiêu.

Điều khiến Châu cảm thấy hài lòng là toàn bộ những tác phẩm mà Châu xác lập được, người ta có thể thưởng lãm bằng mắt thường chứ không phải dùng kính lúp như có người trên thế giới đã làm.

"Việt Nam là quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Gạo đã làm nên tên tuổi của Việt Nam. Nền nông nghiệp và văn minh lúa nước cũng là niềm tự hào của người dân Việt. Gắn với cây lúa, hạt gạo là bao nhiêu truyền thuyết và tôi rất mê từ hồi nhỏ được cha mẹ, thầy cô kể. Để có được những tác phẩm nghệ thật hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà cả nước đang hướng về, cũng nhờ hạt gạo, nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ và bao bậc hiền nhân... Tôi dồn tâm huyết của mình lên hạt gạo cũng là do suy nghĩ đó" - Nguyễn Phi Châu bộc bạch.

Hành trình xác lập kỷ lục guinness Việt Nam

Điều khiến tôi cảm thấy trân trọng sinh viên Nguyễn Phi Châu là trước khi lập kỳ tích vừa kể trên, em từng có tên trong danh sách được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chọn trao giấy xác lập và biểu tượng kỷ lục. "Em không bao giờ hài lòng với cái mình đã làm được" - Châu nói.

Câu hỏi của tôi đã khiến Châu lùi ngược thời gian cách nay 2 năm khi có người biết chàng sinh viên này có biệt tài: Vẽ hàng trăm bức tranh bằng miệng, tứ chi,... (?!). Châu cho biết đã có một số người đã tìm tới căn phòng trọ tại địa chỉ kể trên để "coi" Châu trổ tài. Bận bịu với chuyện học nhưng chẳng còn cách nào khác nên Châu phải "phục vụ miễn phí cho bà con cô bác".

Vẫn với vóc người nhỏ, và rất vui tính, Châu kể với chúng tôi rằng nhà em ở gần chợ xã Tân Thới, huyện Phong Điền (Cần Thơ). Do xa trung tâm TP quá nên cách nay 5 năm, khi Châu vào đại học (Châu vừa hoàn thành chương trình của Khoa Điện tử - Viễn thông Khóa 28 - Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ - PV), mấy anh em cùng nhau đi tìm và thuê được chỗ trọ khá yên ắng này.

Châu kể về khả năng đặc biệt của mình: "Hồi nhỏ, em phát hiện mình thuận cả hai tay, chẳng có cảm giác tay nào là tay phải, tay nào là tay trái. Ở nhà, mỗi khi vào bàn ăn cơm, thấy bị vướng người ngồi bên cạnh hoặc không thuận tiện khi gắp một món thức ăn nào đó trên bàn là em đổi tay cầm đũa ngay. Mới đầu, trong nhà ai cũng ngờ ngợ nhưng riết rồi thấy quen. Vào lớp học, viết bài một hồi mỏi tay, em cũng đổi tay cầm bút. Tay trái của em viết cũng nhanh và đẹp gần bằng tay phải. Khi thấy cô giáo xuống gần, em cầm bút trở lại tay phải".

Đối với bạn bè cùng lứa với Châu ở chợ Tân Thới, mỗi khi nghe nhắc đến tên Châu trong chuyện bắn bi là "tụi nó bái phục và sợ lắm". Đơn giản là do Châu không chỉ thuận cả 2 tay mà cả 10 ngón, ngón nào Châu chơi bắn bi  cũng chính xác. Một số người lớn tuổi trong xóm thì ngạc nhiên vì em cùng lúc đánh cờ tướng được với 2 đối thủ trên 2 bàn cờ khác nhau và "họ rất khó chiếu bí được em".

Châu kể thêm, là con út trong nhà có tất cả 5 anh em trai, không chỉ thuận cả 2 tay từ hồi nhỏ mà Châu còn sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. "Cũng giống như viết chữ, em vẽ được cả hai tay". Không chỉ vẽ được  tranh, Châu còn khéo tay kẻ vẽ được biển hiệu cho quán xá, điểm kinh doanh. Đôi lúc, Châu còn tự cảm thấy khó hiểu về khả năng "thấy người khác làm cái gì đó là về mình làm được ngay" của mình.

Châu nhớ lại vào hè năm 2006 sau khi kết thúc năm học thứ nhất bậc đại học, Châu xuống nhà người dì ruột ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng để học nghề thợ bạc. Với một người theo học nghề này, nhanh nhất họ cũng phải mất  hơn một năm, thậm chí lâu hơn. Nhưng đối với Châu, mùa hè kết thúc thì em đã sắp thành một thợ lành nghề. Thấy cháu sáng dạ, dì của Châu giao cho Châu mang hàng về Cần Thơ để lúc rảnh rỗi, giúp dì làm theo kiểu dáng mà khách đặt. Châu nhận ngay chẳng chút ái ngại. "Ở đời anh thấy có ai như em không. Sinh viên ở nhà trọ mà dám nhận làm đồ cho tiệm vàng. Làm được thời gian, em sợ đạo chích dòm ngó nên thôi" - Châu cười.--PageBreak--

Trở lại với khả năng đặc biệt - viết được cùng lúc bằng hai tay, Châu kể thêm: "Một lần đang học môn triết học, người bạn thân tên Quân ngồi cạnh bên bỗng "biến" đâu mất. Chợt nhớ tới khả năng viết bằng 2 tay của mình, em quơ quyển tập của nó rồi viết bài cho bạn. Lâu quá mới thử lại, mấy dòng đầu có hơi trầy trật nhưng sau đó bắt đầu quen dần. Chỉ cần em đặt bút đúng vị trí là viết được ngay, khỏi cần phải nhìn. Mà nếu cứ nhìn qua nhìn lại hoài thì viết đâu kịp lời thầy giảng. Coi như lần đó, gần suốt 2 buổi lên lớp, em viết bài cho Quân bằng tay trái. Đến ngày hôm sau, nghe em kể lại, Quân và nhiều bạn chẳng tin lời em rằng đã giúp bạn như thế. Nó và các bạn kêu em làm lại thử xem. Thế là cả lớp, rồi cả trường đều biết đến chuyện em viết cùng lúc bằng hai tay".

Biệt tài của Châu khiến các bạn ngạc nhiên. Có người nói rằng "Châu có ma thuật" hoặc "có bùa". Thậm chí có người nói Châu là "cái thằng không được bình thường". Tuy nhiên, hầu hết bạn bè tin vào khả năng của Châu là do Châu chịu khó... luyện "chiêu". Châu kể thêm: Một hôm, có người khuyên Châu đăng ký dự Kỷ lục Guinness Việt Nam nhất là khi thấy có người ghi được tên mình vào Sách Kỷ lục Guinness với khả năng bắn cung chính xác bằng... chân. "Em cũng thấy thích với đề nghị này nhưng nghĩ khả năng mình có phần đơn giản quá. Muốn lập kỷ lục Guinness cần phải luyện tập thêm món gì độc chiêu hơn. Vậy là em bắt đầu nghĩ tới đôi chân".

Một lần nữa, Châu lại phát hiện hai chân của mình cũng có khả năng kẹp viết và viết được chữ. Từ một thoáng ý nghĩ qua đầu: "Viết được thì vẽ cũng được", Châu chạy một mạch ra cửa hàng bán dụng cụ học sinh mua mấy cây cọ và màu nước. Châu luyện thêm khả năng viết bằng chân, khả năng kẻ những đường cong, đường thẳng, đường... ngoằn ngoèo bằng chân. Cho tới một ngày kia, Châu mua mấy tờ giấy A1 về và bắt đầu vẽ. Bức vẽ đầu tiên là hình đầu cọp với màu sắc rực rỡ nhưng hài hòa, tiếp sau đó là phong cảnh đồng quê, sông nước sơn thủy hữu tình...

Một điều thú vị là mấy người anh ruột của Châu tuy ở cùng phòng trọ nhưng chẳng hề biết quá trình tập luyện lặng lẽ của cậu em. Mà làm sau biết được mỗi khi thấy mấy anh mình ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, Châu mới lặng lẽ đem đồ nghề ra luyện tập. Cho tới một hôm, Châu quyết định công bố "thành tích" của mình sau khi đã hoàn thành tới bức tranh thứ 100. Chẳng anh nào của Châu tin rằng ấy là sản phẩm... nghệ thuật được em trai mình sáng tác bằng... tứ chi.

Mà đâu phải chỉ tứ chi, Châu kể: "Khi tập xong môn tứ chi viết, vẽ phối hợp, em chuyển sang tập cái miệng của mình. Nó có phần đơn giản hơn nhưng hơi mỏi con mắt do mình phải tiếp cận với mặt giấy vẽ gần quá. Em chạy tìm những cây cọ dài". Và một lần nữa, Châu đã thành công với cái miệng. Châu kể, ban đầu, em dùng chân kẹp viết rất khó. Chân Châu bị rớm máu và cây viết thì cứ rớt ra hoài. Khi tập đến miệng, Châu cắn bút khiến hàm răng bị tê rần và miệng thì sưng vù, bỏ cả ăn mấy ngày. Nhưng rồi tập quen, viết và cọ đã dần chịu... nghe theo ý Châu. Cách nay chưa lâu, Châu tự thử thách mình bằng việc dùng khuỷu tay, khuỷu chân để kẹp cọ, kẹp viết. Và Châu đã rút ra khả năng đặc biệt của mình rằng: Trên cơ thể mình, bất cứ chỗ nào, hễ kẹp được cọ, viết vào là có thể vẽ, viết được.

Một số tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ trên hạt gạo của Nguyễn Phi Châu.

Để cho tôi tận mắt chứng kiến, Châu mang từ trong tủ ra mớ đồ nghề; tất cả cũng chẳng khác nào của một họa sĩ chuyên nghiệp. Hết viết chữ bằng hai chân, Châu chuyển sang vẽ. Và chỉ trong khoảng thời gian chưa tới 3 giờ đồng hồ, qua phối hợp nhuần nhuyễn của tứ chi và miệng, Châu đã vẽ hoàn tất bức tranh "Long Hổ tranh hùng".

Thú vị nhất là quá trình vẽ, ngoài tứ chi và miệng, Châu còn biểu diễn cho tôi xem khả năng của nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể; thậm chí khi pha màu, Châu đã dùng đến... cùi chỏ. Châu kể thêm, cùng một lúc, trên người em có thể kẹp và điều khiển hiệu quả hàng chục cây cọ. Tuy nhiên, hiện em thể hiện hiệu quả nhất là phối hợp viết, vẽ cùng lúc hai tay; hai tay và một chân, hai tay và hai chân, hai chân và một tay, miệng và hai tay;... Và Châu đã vẽ hoàn tất hàng trăm bức tranh.

Khi thấy khả năng của mình "không đụng hàng", năm 2008, Châu đã mạo muội liên hệ với Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đăng ký vào danh sách đề xuất kỷ lục Việt Nam. Sau khi lọt qua công tác thẩm định (từ 300 đề xuất), Châu đã lọt vào tốp 32 cá nhân, tổ chức được Trung tâm công nhận trao Giấy xác lập và biểu tượng Guinness Việt Nam.

Tiễn tôi rời khỏi phòng trọ, Châu bộc bạch cho tôi nghe thông điệp của mình muốn nhắn nhủ với xã hội, đặc biệt là đối với những ai chẳng may bị tật nguyền, khiếm khuyết tay, chân: "Khả năng của con người là vô hạn. Một số bộ phận trên cơ thể con người ta có thể làm thay chức năng của bộ phận khác. Vấn đề còn lại là ý chí, nghị lực. Sẽ không có sự hoàn hảo nào nếu như không có sự tập luyện nghiêm túc và lòng kiên trì".

Tôi càng cảm thấy quý Châu hơn khi em biết dành tâm sức của mình hướng đến ngày Đại lễ. Tôi hỏi em đã có dự tính xin việc ở đâu chưa? Châu cười: "Em vẫn đang thích thú với cái trò điêu khắc và vẽ tranh trên hạt gạo. Cũng có lúc, em định dừng cuộc chơi để đi xin việc nhưng hễ vẽ, điêu khắc xong tác phẩm này là em lại có ý tưởng cho tác phẩm khác. Có khi em làm mệt quá, lăn ra nền nhà ngủ. Thức dậy, bụng đói meo vội lục đục nấu mì tôm ăn. Ăn chưa xong tô mì lại nảy sinh đề tài. Vậy là tô mì dở dang...".

PV Chuyên đề ANTG xin được gọi em là "quái nhân" kèm theo vài dòng viết về em thay lời động viên...

Thái Bình
.
.