Nhà 100 Yết Kiêu và những buổi sáng thúc giục

Thứ Tư, 17/08/2016, 13:25
Phóng viên phải dậy sớm và 7 giờ 30 phút phải có mặt ở tòa soạn. Trước bất cứ sự kiện gì cũng phải vểnh tai lên mà nghe. Đừng ngại bất cứ câu hỏi gì khi tiếp xúc nhân vật… Đó chính là những bài học mà tôi đã học được ở một nhân vật đặc biệt, ở nhà 100 Yết Kiêu ngày ấy.


Buổi sáng bắt buộc

Sau ngày rời báo Quân đội, tôi về Chuyên đề An ninh thế giới Tuần.

An ninh thế giới khi đó làm mưa làm gió ngoài các sạp báo. Mỗi góc phố, mỗi ngõ hẹp là tiếng rao của người bán báo. Nghe cũng hứng lắm, nhưng cứ rụt rè như lần đầu đi tán gái, cộng với cái tâm lý của loại trai con nhà "đứng đắn" sợ có lấy nhầm vợ không…

Ảnh: Minh Tiến.

Lúc đó, chú Như Phong làm "mama tổng quản" của An ninh thế giới.

Lính "ông môi cong" cũng chẳng sung sướng gì đâu. Phóng viên, hội chuyên thức đêm dậy trễ thế mà ông cứ lùa lên toà soạn. Sáng đúng 7 giờ 30 phút phải có mặt tại phòng để giao ban. Sáng nào cũng thế, đều như vắt chanh. Đông cũng như hè. Mưa cũng như nắng.

Phải đứa nào lười biếng mà nói dối hỏng xe, ông truy cho bằng chết. Là đang sửa xe tiệm nào. Nếu tới đó mà không thấy đang sửa xe hoặc không được xác tín việc sửa xe, rồi, chúng mày đời tàn như nến tan! Nhẹ thì cũng lương loại B, bị trừ kha khá lương, rồi một lần mất tin vạn lần mất tín.

Tôi nhập cuộc nhanh. Dân quân đội, dậy sớm có hà gì. Nhà lại gần toà soạn, chẳng thể có sự cố xe cộ. Sáng nào cũng thế, chạy bộ vòng công viên Thống Nhất, về tắm, ăn sáng, qua toà soạn. Thế mà lúc nào tôi cũng là kẻ đến sau. Nam thanh nữ tú toà soạn cứ gọi là đầy đủ, ngồi uống trà, trò chuyện, bàn thảo cái này nên làm, và nên làm thì làm thế này hay làm thế kia.

Sau một tháng tôi nhận ra, đúng thời gian buổi sáng là thời điểm con người ta tỉnh táo đưa ra nhiều ý tưởng và giải pháp cho công việc một cách đúng đắn nhất. Chúng tôi trưởng thành hơn sau mỗi sáng. Chúng tôi biết cách triển khai sâu hơn một vấn đề, đi vào sâu hơn một thân phận. Chúng tôi biết cách làm báo cho bạn đọc thích. Chúng tôi biết cách dùng ngôn ngữ báo chí thế nào cho cá tính hơn là ngồi à ơi tả mưa tả nắng hết ¾ bài báo mà bạn đọc không biết là người viết đang viết cái gì.

Đến hôm nay, tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm để làm việc. Buổi sáng yên tĩnh, đầu óc minh mẫn, là thời điểm tôi có thể tìm ra những ý tưởng hay cho công việc. Những tuyến bài sâu. Những cái mới mẻ từ các nhân vật. Làm mới ngôn ngữ. Ôi, các buổi sáng của tôi. Mười mấy năm qua rồi, trong các buổi sáng ấy, vẫn ám ảnh đâu đây cái giọng chua chua gắt gắt của "mama tổng quản". Nhờ thế mà tôi trưởng thành.

"Mày viết cho mày đọc à?"

Chuyên "thân phận", tôi không quá bỡ ngỡ với môi trường mới.

Nhưng, ở An ninh thế giới, bài vở luôn bị soi kỹ từng chữ một và kết quả biên tập là những chữ đỏ... gây sốc bị viết trực tiếp vào bản thảo. Còn nhớ, trong một bài viết của tôi có chi tiết một ông nhận mình là tình báo nói 3 ngày đào tạo được thuần thục một con rắn để phục vụ cho công việc. Sau đó, bản thảo của tôi bị phê những câu thần thánh: "Đi phỏng vấn, những chuyện ngớ ngẩn thế này mà cũng tin à?"

Toàn bài là những chữ bút đỏ cứ nhảy múa trên bản thảo chi chít sau đó. Thế rồi, chú Như Phong chốt một câu: "Làm phóng viên mà để nhân vật lừa cho thì đừng nên làm. Không tỉnh đòn là ăn đạn đấy!".

Tôi cầm lấy bản thảo, giấu khẽ vào cặp.

Đoàn công tác của chuyên đề An ninh Thế giới trong một chuyến đi Điện Biên.

Những bút tích ấy theo tôi một thời gian dài lắm, nó cứ ẩn hiện, vừa như tra tấn lại vừa như dạy bảo. Tôi chỉ biết là kể từ đó, khi đi phỏng vấn, không phải nhân vật nói cái gì tôi cũng tin. Và không tin thì phản biện lại. Thế rồi, những bài phỏng vấn sau này của tôi, theo các đồng nghiệp đánh giá, luôn có một cái tôi đủ chín chắn nhưng vẫn ngông cuồng. Người dạy nghề, nghề dạy người cứ thế tự nhiên mà thành.

Chuyển vào Sài Gòn, công tác ở văn phòng An ninh thế giới phía Nam, tôi đi thực hiện một tuyến bài ký sự "Những điều chưa biết trong câu chuyện "Sống như Anh". Khi thực hiện ký sự này tôi gọi điện cho chú Như Phong, câu trả lời vỏn vẹn thôi: "Viết cái gì mà người ta viết rồi thì tốt nhất đừng gửi bản thảo ra".

Nhân vật không còn mới. Câu chuyện nhiều thế hệ đã thuộc nằm lòng. Chỉ có cách duy nhất là theo dõi nhịp sống của nhân vật mỗi ngày, để hiểu được cuộc sống thật sự của nhân vật. Cái này chẳng khó vì ở An ninh thế giới, chúng tôi từng được dạy phải "vểnh tai lên" là thế.

Tôi gửi bài viết ra. 30 phút sau, nhận điện thoại thấy thấp thoáng ảnh của "mama tổng quản" trên màn hình, tôi nghĩ, chắc được khen đây. Hí hửng lắm, tôi khe khẽ "cháu chào chú" trong trạng thái chờ tin vui, chờ cái niềm vui hiếm hoi, nụ cười hiếm hoi nơi ấy.

Nhưng không. Một xô nước lạnh, khuyến mãi thêm mùi mắm tôm!

- Mày viết cho mày đọc à? Viết cái gì mà khô như bà cô goá chồng thế này? An ninh thế giới đâu có dành cả bao nhiêu trang để đăng một bài viết thông tấn cho nhân vật đâu? Hoặc viết lại, hoặc vứt bài này đi!

Tôi gần như bị stress về vụ đó. Và tính dứt áo ra đi. Trời đất, rình mò nhân vật cả tuần trời, có sao viết thế bị chê tơi tả. Văn chương não nuột thì bị dập không tiếc thương.

Tôi bình tĩnh ngồi và đọc lại. Đúng là mình viết nhởn nhơ thật. Câu chữ cứ như đứng ngoài cuộc sống nhân vật. Tôi bốc máy gọi chị Đặng Huyền. Chị Huyền đã đọc bài này, và chỉ nói nho nhỏ nhè nhẹ: "Nhạt, em ạ".

Vốn bản tính không dễ đầu hàng, tôi ngồi lục những bức ảnh mình chụp chị Quyên. Ngồi nghe lại băng ghi âm chị Quyên kể về những kỷ niệm. Chợt thấy, đúng là mình bỏ qua quá nhiều ngôn ngữ thể hiện nhân vật sao cho đúng.

Tôi ngồi viết lại, bằng những ngôn ngữ chân thật nhất, phản ánh đúng nhân vật, tâm trạng nhân vật nhất. Đọc đi đọc lại, như một bạn đọc khó tính, tôi thấy tạm ổn. Email gửi đi, kèm vài lời như "trăng trối": “Thế này mà chú còn vùi dập nữa, chắc cháu có nước ra trước cổng nhà 100 Yết Kiêu mà treo cổ trước cây hoa sữa!”.

Đúng 30 phút sau, bờ môi vi diệu của "mama tổng quản" lại hiện lên trên màn hình điện thoại. Tôi chuẩn bị tinh thần cả rồi. Mắm tôm mắm tép gì cũng chuẩn bị để hứng cả rồi. Ơ, thế mà bên kia là một nụ cười: "Chả hổ dân chuyên văn nòi!".

Tôi từ đó cũng học được cách thể hiện ký sự nhân vật. Những ký sự chân thật, đậm chất con người. Và tôi cũng biết rõ cách để nhân vật thổ lộ những điều sâu kín từ cuộc đời họ. Đó là lý do sau này khi phỏng vấn nhân vật, tôi thường mang được những chặng đời chìm khuất có màu sắc thân phận lên mặt báo.

Bao năm đã qua. Tôi đã rời căn nhà 100 Yết Kiêu nơi chúng tôi đã xem là một không gian nghề nghiệp thực sự và yêu quý thật sự.

Và căn nhà ấy là một ngôi trường mà ngoài người thầy chính, còn rất nhiều người trợ giảng.

Ngôi trường đó có kỷ luật, có thời gian làm việc khoa học, có những nhận xét bổ ích mà sau này, tất cả dân An ninh thế giới khi ra ngoài, đều là những nhân vật thực sự trưởng thành trong làng báo.

Hình như, năm xưa, cũng thời điểm này, tôi bước vào ngôi nhà 100 Yết Kiêu. Sau này, khá nhiều lần về Hà Nội, tôi vẫn trở lại chốn này.

Những lối cầu thang rải thảm đã cũ. Bức tường trắng nhạt đã ố màu nhiều hơn. Nhưng những người xưa vẫn thế, hoà nhã, yêu thương và trách nhiệm, giữa làng báo đầy biến động.

Như một lời tạ ơn!

Hoàng Nguyên Vũ
.
.