Nhận diện hành vi phạm pháp tại giáo xứ Thái Hà

Thứ Ba, 23/09/2008, 08:00
Các linh mục ở giáo xứ Thái Hà đã phớt lờ những ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tiếp tục kích động, xúi giục gây rối trật tự công cộng, tụ tập đông người, kích động giáo dân mang nhiều tranh ảnh, tượng đặt vào bên trong khu đất, dựng lều bạt trong khu đất này. Hành vi cố ý vi phạm pháp luật trong thời gian dài cho thấy động cơ mưu lợi của một số cá nhân trong vụ việc là rất rõ.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng: "Những ai cố tình vi phạm, cố tình kích động, xúi giục, gây rối hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác sẽ bị xử lý nghiêm khắc".

Căn nguyên vụ việc xảy ra tại giáo xứ Thái Hà là tranh chấp dân sự giữa hai bên đương sự - hai tổ chức: giáo xứ Thái Hà và Công ty may Chiến Thắng. Tranh chấp dân sự, theo nguyên tắc, nó phải được giải quyết bằng pháp luật dân sự.

Đối tượng vụ việc liên quan vấn đề đất đai - hoàn toàn không mới với tính chất không có gì phức tạp, tuy nhiên, vụ việc khiếu kiện dân sự đã bị chính người khởi kiện (giáo xứ Thái Hà) lợi dụng và chính họ làm phức tạp hóa tình hình, gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Đằng sau đó, đã có những cá nhân lợi dụng với ý đồ mưu lợi cá nhân, lợi dụng những tấm lòng ngay tình của giáo dân để làm điều phi pháp. Mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo với các động cơ, mục đích tiêu cực là vi phạm pháp luật, hiển nhiên phải được xử lý nghiêm khắc.

Chúng tôi phân tích bản chất sự việc và hành vi lợi dụng khiếu kiện dân sự để phạm pháp cũng như quan điểm giải quyết của chính quyền địa phương.

Sự thật về thửa đất ở 178 nguyễn lương bằng

Về lý do khiếu nại đòi lại thửa đất ở 178 - Nguyễn Lương Bằng, thực tế, việc cho rằng "Đất đai, tài sản của Dòng Chúa cứu thế - xứ Thái Hà đã làm chủ, đã xác lập quyền sở hữu" là trái pháp luật bởi quyền sở hữu đất đai thuộc Nhà nước (Điều 5, Luật Đất đai năm 2003 quy định "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu"). Tổ chức, cá nhân chỉ được Nhà nước giao cho quyền sử dụng theo quy định pháp luật.

Đối với thửa đất ở 178 - Nguyễn Lương Bằng, nguồn gốc trước đây do giáo xứ Thái Hà sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo XHCN ở miền Bắc, Nhà nước đã thống nhất quản lý thửa đất này với các tài liệu, căn cứ đã được UBND TP Hà Nội công bố (gồm có bản kê khai tổng số nhà giao Nhà nước quản lý (ký ngày 10/11/1961); bản mẫu kê khai nhà quản lý (ký ngày 9/11/1961); đơn xin bàn giao đất của linh mục Vũ Ngọc Bích (ký ngày 27/5/1963; văn bản của linh mục Vũ Ngọc Bích gửi Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thảm Đống Đa về việc xác nhận đã nhận của Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã 40 triệu đồng). Đây là những căn cứ pháp lý giữa bên giao và bên nhận, thống nhất quản lý, đảm bảo giá trị chứng minh vững chắc.

Về tính pháp lý của Nghị quyết số 23/2003 của Quốc hội, đó là văn bản pháp lý của cơ quan quyền lực cao nhất, được xã hội chấp thuận và đồng tình ủng hộ, phạm vi điều chỉnh trên toàn quốc. Hiển nhiên, không cá nhân, tổ chức nào nếu thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết lại tự tách mình khỏi phạm vi áp dụng. Do đó, việc giáo xứ Thái Hà cho rằng họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết cũng là sự ngụy biện để vi phạm.

Cần thấy, để ra Nghị quyết này, phải đặt trong bối cảnh lịch sử những năm 1959-1991 ở miền Bắc và 1977-1991 ở miền Nam, Nhà nước đã ban hành trên 40 văn bản, chính sách quản lý nhà đất, chính sách cải tạo liên quan tới nhà đất. Tổng cộng có hơn 6,8 triệu m2 nhà đất đã được các cơ quan trung ương, địa phương đưa vào quản lý.

Như vậy, việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân giao quyền quản lý, sử dụng đất cho Nhà nước vào thời kỳ đó mang tính lịch sử, phần đất của giáo xứ Thái Hà giao lại chỉ là một dẫn chứng.

Việc Quốc hội quy định "Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất" là căn cứ các yếu tố lý luận và thực tiễn.

Vấn đề thứ hai, việc lợi dụng khiếu nại để phạm pháp. Theo Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại bằng văn bản hoặc gặp trực tiếp cơ quan chức năng, nêu rõ nội dung khiếu nại. Vụ việc ở giáo xứ Thái Hà, đơn khiếu nại đưa ra từ năm 1996. Quá trình đó, cơ quan chức  năng của TP Hà Nội đã có các văn bản trả lời, khẳng định việc đòi lại thửa đất là không có căn cứ và không thể giải quyết theo đề nghị của giáo xứ Thái Hà là giao lại lô đất cho giáo xứ quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, giáo xứ Thái Hà tiếp tục có khiếu nại và kể từ cuối năm 2007, đầu 2008 tới nay, họ đã có hành vi khiếu nại bằng cách gây sức ép như tụ tập đông người để cầu nguyện trái quy định, gây rối, hủy hoại tài sản...

Những hành vi này vi phạm điều cấm của Luật Khiếu nại, tố cáo: Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hính sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật; Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân... (Điều 100, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998).

Việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, gây sức ép cho vụ khiếu kiện có nội dung trái pháp luật cũng đồng thời vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm nguyên tắc ứng xử đạo đức.

Về phía cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, ở đây là UBND TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa và các ngành liên quan như Sở Tài nguyên & Môi trường, Thanh tra... Xem lại hồ sơ giải quyết vụ việc, chúng tôi nhận thấy, vụ việc đã được nhiều cơ quan chức năng thụ lý và có văn bản kết luận, trả lời. Đến ngày 27/8/2008, Phó chủ tịch UBNDTP Vũ Hồng Khanh ký văn bản số 733 về việc tiếp tục xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất tại khu vực 178 - Nguyễn Lương Bằng.

Theo văn bản này, ngày 30/6/2008, UBND TP đã có Quyết định 2476/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn của linh mục Trịnh Ngọc Hiên và một số linh mục giáo xứ Thái Hà khiếu nại đòi quyền sử dụng đất tại khu vực 178 phố Nguyễn Lương Bằng mà linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao Nhà nước quản lý khi thực hiện chính sách nhà đất thời kỳ 1961-1963.

Không những giải quyết về mặt pháp lý, chính quyền địa phương cũng có các biện pháp nhắc nhở, giáo dục, tuyên truyền để họ hiểu và nắm rõ pháp luật. Chẳng hạn, ngày 19/8/2008, UBND TP Hà Nội có Công văn số 455 gửi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Hà Nội, đề nghị có thái độ, việc làm nhắc nhở, yêu cầu giáo sĩ và giáo dân Thái Hà chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật.

UBND TP Hà Nội cũng có Công văn số 450 yêu cầu linh mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà di chuyển tài sản, trả lại nguyên trạng mặt bằng khu đất cho Công ty Cổ phần may Chiến Thắng trong thời gian đoàn thanh tra đang làm việc.

Tuy nhiên, các linh mục ở giáo xứ Thái Hà như Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong đã phớt lờ những ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tiếp tục kích động, xúi giục gây rối trật tự công cộng, tụ tập đông người, kích động giáo dân mang nhiều tranh ảnh, tượng đặt vào bên trong khu đất, dựng lều bạt trong khu đất này. Hành vi cố ý vi phạm pháp luật trong thời gian dài cho thấy động cơ mưu lợi của một số cá nhân nói trên trong vụ việc là rất rõ. --PageBreak--

Thực tế, giáo dân giáo xứ Thái Hà phần lớn tụ tập, thực hiện hành vi do bị kích động của một số linh mục tại đây. Họ không hiểu bản chất mưu mô của đối tượng xấu dưới lớp áo linh mục, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để kích động, xúi giục làm việc phi pháp. Hành vi của những linh mục này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của bà con giáo dân, ảnh hưởng việc lao động, sản xuất khiến giáo dân từ chỗ đang sống bình yên, ổn định, nay phải bỏ việc đi theo họ, đời sống gặp khó khăn.

Việt Nam là nước đa tín ngưỡng, tôn giáo. Từ ngàn xưa, các tín ngưỡng, tôn giáo đều chung sống hòa hợp, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Bản tính người Việt là khoan dung, cởi mở, do vậy dù tôn giáo nào, tín ngưỡng nào, từ đâu đến thì cộng đồng người Việt cũng sẵn sàng chấp thuận, miễn là họ chấp hành pháp luật, không đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc. Tinh thần đó được quán triệt trong Hiến pháp, pháp luật ở nước ta. 

Ngay sau khi thành lập nước, giữa bộn bề khó khăn, thách thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vấn đề này khi ký Sắc lệnh số 234, ngày 14/6/1946, quy định: "Việc tự do tín ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân, Chính quyền Dân chủ cộng hòa luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện".

Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định: "Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".

Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo. Cả nước hiện có 56.125 chức sắc, nhà tu hành, trong đó Công giáo có 42 giám mục; 2.700 linh mục và 11.282 tu sĩ. Giáo hội Công giáo có 6 đại chủng viện với 1.085 chủng sinh và 1.712 chủng sinh dự bị. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được tạo điều kiện đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng.

Việc Nhà nước cấp mới đất đai để giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo theo Nghị quyết 23 của Quốc hội hoàn toàn không phải "lý thuyết" như một số phần tử xấu rêu rao. Thực tế, hàng năm các địa phương đều quan tâm giải quyết. Chẳng hạn tỉnh Lâm Đồng cấp mới cho Tòa Giám mục Đà Lạt 13.000m2; tỉnh Quảng Trị cấp cho Tòa Tổng Giám mục Huế 20ha đất để xây dựng Trung tâm Thánh mẫu La Vang; tỉnh Thái Bình cấp 2.100m2 đất cho Tòa Giám mục Thái Bình làm chủng viện... Vấn đề ở đây là bản thân tổ chức tôn giáo đó có nguyện vọng chính đáng và thực hiện theo quy trình, thủ tục pháp luật quy định chứ không phải chuyện cố tình đòi đất bất hợp pháp.

Cần phải xử lý nghiêm các hành vi kích động, vi phạm pháp luật

Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng chiều 8/9, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định quan điểm nhất quán của Cơ quan Công an trong vụ việc này.

Thứ trưởng cho rằng việc Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và bắt tạm giam một số bị can có hành vi quá khích, gây rối, hủy hoại tài sản trong vụ việc tại giáo xứ Thái Hà là biện pháp cần thiết và đúng pháp luật. Thời gian tới, Công an Hà Nội cần tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng liên quan và tùy tính chất, mức độ để xử lý.

Trong vụ việc này cũng đã xuất hiện một số đối tượng có bài viết đưa lên mạng, nội dung xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt. Hành vi này là vi phạm pháp luật, do đó, Công an Hà Nội và đơn vị chức năng sẽ điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật những đối tượng có hành vi nói trên.

Thứ trưởng phân tích: Quan điểm của Đảng, Nhà nước về tự do, tín ngưỡng, tôn giáo đã được khẳng định rõ. Những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước bảo hộ, ngược lại bất kỳ hành vi lợi dụng hoạt động này để vi phạm pháp luật đều phải điều tra, làm rõ, xác định các đối tượng chủ mưu kích động, xúi giục người khác vi phạm.

Đối với các giáo dân trong vụ việc này, phần lớn do nhận thức chưa đúng, họ bị đối tượng xấu lợi dụng để kích động, xúi giục nên cơ quan chức năng sẽ tăng cường giáo dục, tuyên truyền để họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, từ đó yên tâm lao động, sản xuất, không tiếp tay cho các vi phạm pháp luật xảy ra tại đây. "Những ai cố tình vi phạm, cố tình kích động, xúi giục, gây rối hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác sẽ bị xử lý nghiêm khắc" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng nêu rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội cho hay, riêng việc linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái phép hoặc tại địa điểm có hành vi gây rối, hủy hoại tài sản thì việc có mặt đó đã là hành vi xúi giục, kích động.

Bởi vì, lẽ ra linh mục là người có chức sắc, uy tín, họ phải có trách nhiệm giáo dục, khuyên bảo giáo dân chấm dứt các hành vi vi phạm, chấp hành pháp luật. Nay việc họ có mặt, chứng kiến giáo dân có hành vi vi phạm mà không can thiệp, tức là tiếp tay, kích động người khác vi phạm. Trên thực tế, qua tài liệu Cơ quan Công an có được, một số linh mục ở giáo xứ Thái Hà đã có hành vi, lời nói kích động, xúi giục rất rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh cũng nêu việc các đối tượng lợi dụng tình hình để bịa đặt, vu cáo. Chẳng hạn, sự việc xảy ra tối 31/8, một số đối tượng tung tin công an dùng hơi cay, dùi cui điện dẫn tới một số người bị thương khi đang cầu nguyện. Thế nhưng khi Cơ quan Công an yêu cầu một số linh mục ở đây đưa ra dẫn chứng ai bị thương, ai bị xịt hơi cay thì hoàn toàn không có ai. Công an quận Đống Đa yêu cầu nếu ai bị xịt hơi cay thì vào ngay bệnh viện để khám chứng thương, thế nhưng không hề có.

Sau ngày 2/9/2008 đến nay, để kích động giáo dân đến Thái Hà, các đối tượng đã đưa ra các tin đồn như Đức Mẹ hiện hình trên bầu trời khu đất tranh chấp và nếu đòi được đất sẽ xây dựng ký túc xá cho sinh viên và người nghèo. Chính vì vậy, đồng bào giáo dân ở các địa phương cần cảnh giác trước những tin đồn thổi này để không bị đối tượng xấu kích động, tung tin giả.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tái khẳng định, chính quyền địa phương đã nhiều lần công khai nguồn gốc thửa đất trên báo chí, các kết luận của cơ quan chức năng cũng như các tài liệu, căn cứ liên quan. Những tài liệu đó là bằng chứng khẳng định lô đất đã được Nhà nước thống nhất quản lý.

UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các Sở liên quan, UBND quận Đống Đa tiến hành kiểm tra, làm rõ để trả lời các ý kiến người dân, khẳng định quan điểm xử lý của chính quyền là trong mọi trường hợp phải tuân thủ các quy định của pháp luật. UBND TP Hà Nội luôn rộng mở để xem xét các nguyện vọng chính đáng của giáo xứ Thái Hà cũng như tổ chức tôn giáo khác trong việc cấp đất phục vụ các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định. Vấn đề là, việc cấp đất phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, không thể mượn cớ đòi đất để phục vụ ý đồ một số đối tượng xấu

Đăng Trường
.
.