Nhớ con sông Kinh Thầy

Thứ Ba, 30/06/2020, 08:12
Nếu nhà thơ Tế Hanh có bài thơ nổi tiếng “Nhớ con sông quê hương” thì tôi xin mạo muội chỉ đích danh con sông quê hương tôi ấy là sông Kinh Thầy. Đó là con sông không nổi bật về chiều dài (chưa đến 50km) trong số hàng chục con sông ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại được nhiều người biết đến qua bài thơ “Hạt gạo làng ta” của “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa.

Dòng sông thi ca

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, dưới cái nắng “cháy da, cháy thịt”, tôi lại nghĩ về quê hương, nơi có những con sông thơ mộng, hiền hòa, nơi có những cánh đồng bát ngát rợp cánh cò bay, nơi có những quả đồi xanh ngăn ngắt. Khi đang miên man theo dòng ký ức ấy thì bỗng dưng nhạc sĩ Đoàn Bổng gửi qua Zalo bài hát mà ông vừa mới thu thanh với tựa đề “Chuyện tình bên sông Kinh Thày” (thơ Vũ Hà Nguyên) qua tiếng hát trong trẻo, da diết của hai NSƯT Diệu Hương, Văn Tuấn.

Tôi bị cuốn theo giai điệu của bài hát: “Kinh Môn có sông Kinh Thày/ Có đồng lúa chín ngất ngất, ngây ngây hạt vàng/ Vải thơm, thơm cả xóm làng/ Thơm vai em gánh cho chàng yêu em, cho chàng yêu em/ Ngày xưa bên sông Kinh Thày/ Có cô là cô thiếu nữ đánh Tây, đánh Tây ngày nào/ Áo em thêu sợi chỉ đào/ Áo rơi vườn vải rơi vào tay anh/ Nhìn đồng lúa chín như anh/ Vải mùa chín đỏ, chúng mình yêu nhau/ Kinh Môn đất tốt xanh màu/ Kinh Thày sóng vỗ không đâu sánh bằng/ Thuyền em đậu để anh sang/ Chúng mình duyên thắm, duyên thắm cả làng cùng vui”.

Cầu Mây bắc qua sông Kinh Thầy đang được gấp rút hoàn thành.

Có thể nói bằng bút pháp tài hoa của mình, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã “vẽ” nên một bức tranh quê bên dòng sông Kinh Thầy trữ tình có những chàng trai, cô gái yêu nhau nhưng tình yêu ấy đã được nâng lên và hòa quyện cùng tình yêu quê hương đất nước, một tình yêu cao cả và vĩ đại hơn bất cứ tình yêu nào. Nhạc sĩ xứ Đoài này từ lâu đã được mệnh danh là “nhạc sĩ của những dòng sông” bởi ông đã viết hàng chục ca khúc về những dòng sông trên dặm dài đất nước nhưng ca khúc được nhiều yêu thích nhất là “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” ông viết cách đây hơn 40 năm về trước.

Ông cũng đã có lần tâm sự với tôi rằng: “Đứng trước sông, được ngắm nhìn dòng nước đỏ nặng phù sa, tôi thấy đẹp vô cùng, đẹp đến nao lòng và với trách nhiệm của người nhạc sĩ tôi thấy mình phải viết ca khúc về nó. Dòng sông Kinh Thày cũng không là ngoại lệ”.

Trước nhạc sĩ Đoàn Bổng gần 4 thập niên, khi cả nước đang hối hả bước vào thời kỳ Đổi mới nhạc sĩ Hồ Bắc, người con của quê hương quan họ, trong một lần về thăm tỉnh Hải Hưng (cũ) đã sáng tác ca khúc “Tiếng hát bên sông Kinh Thầy” với nét nhạc vui tươi, ca từ giàu hình tượng: “Mặt trời lớp lớp trên sông Kinh Thầy/ Cánh hoa đang nở mỉm cười chào em/ Chúng em đi tưới những ruộng cà/ Cánh đồng cà chua hôm nay đang nở rộ/ Hoa cà hương thơm bay lan đôi bờ sông dài/ Hải Hưng quê em câu ca vui được mùa/ Ruộng đồng em chăm bốn mùa quay vòng/ Đất quê chẳng phụ người trồng quanh năm/ Lúa vàng ăm ắp đầy xe bon nhanh/ Sân phơi đẹp lắm mắt người long lanh/ Lúa vừa gặt xong chúng em mau làm vụ đông/ Hải Hưng quê em đã thắng trời/ Khoai tròn đầy ngõ rau thơm đầy vườn/ Chuồng trại ríu rít (i) đàn lợn đàn gà/ Máy cày rộn vang đêm trăng/ Quê hương giờ tiến nhanh trên con đường mới/ Anh về quê em giữa những ngày vui sôi nổi/ Bà con đang chung tay vun xới cho quê mình đẹp tươi!”.

Phải nói rằng, tác giả của ca khúc “Làng tôi” nổi tiếng đã cho khán giả thấy được một không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc của những người nông dân chăm chỉ, chịu thương chịu khó trên cánh đồng quê mà dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu việc có được cây cối tốt tươi, “chuồng trại ríu rít” thì dòng sông Kinh Thầy có đóng góp không nhỏ.

Vải thiều Thanh Hà - đặc sản của Hải Dương.

Tạo hóa đã cho đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta một hệ thống sông ngòi chằng chịt và đã từng làm nên một nền văn minh lúa nước rực rỡ trong lịch sử. Dòng sông Kinh Thầy đã bồi đắp cho mảnh đất xứ Đông một lượng phù sa khổng lồ để rồi trên chính mảnh đất này đã sản sinh ra những trái vải Thanh Hà ngọt dịu, man mát, những mẻ gốm Chu Đậu (Nam Sách) nức tiếng xa gần...

Tất nhiên, hiện nay vải thiều đã được trồng ở nhiều địa phương, trong đó có Lục Ngạn (Bắc Giang) thế nhưng vải Thanh Hà vẫn có vị khác biệt mà chỉ thực khách tinh ý mới có thể nhận ra. Nếu như bên dòng sông Hồng có gốm Bát Tràng thì bên sông Kinh Thầy có gốm Chu Đậu nổi tiếng không kém. Những sản phẩm của gốm Chu Đậu hiện nay vẫn chiếm được thị trường lớn ở trong và ngoài nước.

Tôi cũng đã từng tự hào khi ở đâu đó gặp những người bạn mới quen khi giới thiệu quê Hải Dương, người bạn ấy nhắc ngay đến sông Kinh Thầy. Bởi lẽ hình ảnh con sông Kinh Thầy từ lâu đã khắc sâu trong trí nhớ nhiều người qua những câu thơ quen thuộc của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay...”.

Sông Kinh Thầy qua ký ức của cậu bé Khoa ngày ấy thật hồn hậu, dung dị và tự nhiên. Và có thể nói sông Kinh Thầy đã đi vào trong thi ca nước nhà như một “bầu sữa mẹ” bất tận mà ở đó có thể làm cho tâm hồn người nghệ sĩ nảy nở những điều thật đẹp đẽ, mộng mơ.

Dòng sông lịch sử

Nhưng sông Kinh Thầy đâu chỉ đẹp trong thi ca mà nó còn là nhân chứng của lịch sử. Cũng chính tại dòng sông này là nơi nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mạc Thị Bưởi (1927-1951) đã có những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ác liệt. Năm 19 tuổi, chị Bưởi tham gia du kích, xây dựng cơ sở kháng chiến, làm liên lạc, trinh sát, nhiều lần vượt sông Kinh Thầy vào ban đêm bằng thuyền và bơi lặn. Có lần gặp tàu giặc đi qua, chị đã khôn khéo lấy bèo tây đội lên đầu che mắt địch để đưa đón cán bộ qua sông.

Hình ảnh người nữ du kích đầu chít khăn vuông, tay vung mã tấu “xuất quỷ nhập thần” thực sự như một huyền thoại, là nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho quân địch. Và dòng sông Kinh Thầy cũng đớn đau, quằn quại khi chứng kiến người con gái kiên cường ấy bị địch tra tấn dã man khi bị bắt và hy sinh khi tuổi đời mới ở ngưỡng 24.

Gốm Chu Đậu - “món quà” mà sông Kinh Thầy ban tặng cho quê hương Nam Sách, Hải Dương.

Hôm nay, nếu ai có dịp về thăm mảnh đất xứ Đông, chỉ cần đến đường quốc lộ 5 trên địa phận phường Ái Quốc (nay thuộc thành phố Hải Dương) sẽ thấy tượng đài và khu lưu niệm chị Mạc Thị Bưởi uy nguy, sừng sững (cạnh đền thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi). Để ghi nhớ công ơn của chị, năm 1956, Nhà nước đã cho phát hành bộ tem “Anh hùng Mạc Thị Bưởi (1927-1951)” do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế và in offset màu tại nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Hiện nay nó vẫn đang giữ kỷ lục là bộ tem Việt Nam đắt giá nhất.

Cùng với đó, ở một số tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Bình đã có con đường mang tên chị. Chị Mạc Thị Bưởi đã đi xa gần 70 năm nhưng những câu chuyện gan dạ, mưu trí vượt sông Kinh Thầy của chị mãi mãi như một kỳ tích, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và cũng không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về quê hương, hình ảnh của chị như thôi thúc tôi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực không ngừng để xứng đáng là thế hệ trẻ, thế hệ tiếp bước truyền thống của quê hương.

Giữ bình yên cho sông

Thời Mạc Thị Bưởi bơi sông đã qua, thời Trần Đăng Khoa làm thơ bên sông Kinh Thầy cũng đã lùi vào dĩ vãng, hôm nay sông Kinh Thầy đang bị đè nặng bởi sức ép phát triển kinh tế quá lớn. Con sông đang phải “oằn mình” trong nhịp sống hối hả của con người, đó là những chiếc thuyền bán hàng, bán sim điện thoại di động, cửa hàng đại lý xăng dầu lưu động, trạm sửa chữa cơ khí, nạp ắc quy, gò hàn xì trên bờ; đó là những “cát tặc” ngày đêm hoành hành, không chỉ tàn phá môi trường mà còn gây cản trở giao thông.

Những chủ phương tiện không bằng lái, không đăng ký, đăng kiểm, thậm chí mù tịt các ký hiệu, biển báo... nhưng vẫn tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lớn. Họ chạy theo tiếng gọi đồng tiền, lợi nhuận mà bỏ qua mọi luật lệ và sự an toàn của chính mình cùng những người khác.

Bộ tem “Anh hùng Mạc Thị Bưởi”.

Trong gian khó luôn có những người tiên phong “đứng mũi chịu sào”, đó là các cán bộ nhân viên của Công ty Cp Quản lý đường thủy Hải Dương. Họ đã làm tốt công tác bảo trì gần 2.000 lượt biển báo hiệu từ nguồn sửa chữa thường xuyên; thanh thải gần 3.000 mét khối bèo rác, điều tiết đảm bảo giao thông, nạo vét dòng chảy, lắp đặt báo hiệu, kiểm tra vi phạm trên sông. Nhưng, điều đó là chưa đủ nếu không có sự góp sức, chung tay, đồng lòng, đồng sức của toàn thể nhân dân trong việc bảo vệ sự bình yên của dòng sông.

Hôm nay, trong vai một người con xa quê, tôi lại về “úp mặt vào sông quê” để nghe tiếng sóng vỗ “dạt dào như lòng mẹ”. Dòng sông Kinh Thầy vẫn hiền hòa, lẳng lặng trôi nhưng có một tín hiệu đáng mừng là cây cầu Mây (nối xã Thăng Long, thị xã Kinh Môn với xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành) đang được gấp rút hoàn thành. Đây cũng là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Cây cầu dài gần 600 mét này kỳ vọng sẽ mở ra sự phát triển mới cho thị xã Kinh Môn non trẻ (huyện Kinh Môn được nâng cấp lên thị xã từ ngày 1-11-2019) nói riêng, của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung.

Những người giữ bình yên cho dòng sông.

Rồi đây, giao thông đi lại thông thương thuận lợi hơn, đời sống nhân dân hai bên bờ sông sẽ ấm no, hạnh phúc hơn. Rồi đây, những chuyến phà, chuyến đò qua sông Kinh Thầy sẽ giảm tải đáng kể, điều đó cũng có nghĩa là dòng sông sẽ được bình yên hơn, sẽ được trả về với vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó. Nhưng ai ơi hãy nhớ rằng, đã có một thời sông Kinh Thầy che chở, bao bọc con người vượt qua đạn bom quân thù, vượt qua cái nghèo đói, lạc hậu, thô sơ.

Ngô Khiêm
.
.