Những biện pháp cắt cơn nghiện game online

Chủ Nhật, 14/06/2009, 21:25
Với tỉ lệ “cai nghiện” thành công 18/20 người tham gia lớp cai nghiện game online (GO) được tổ chức vào cuối năm 2008, kết thúc vào đầu năm 2009, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TT TTNMN) đã thông báo về một liệu pháp khả dĩ nhất “cai nghiện” thành công GO. Ngày 1/6 vừa qua, TT TTNMN tiếp tục khai giảng thêm khóa “cai nghiện” GO mới cho gần 30 người. Sắp tới, liệu pháp cai nghiện GO này sẽ được triển khai tại Hà Nội.

Trở về thế giới… thật

Theo Bà Trần Thị Kim Liên, Phó giám đốc TT TTNMN, khóa đầu tiên, chỉ với 20 học viên “cai nghiện” GO, TT TTNMN đã phải huy động tổng lực lượng của trung tâm, gồm 40 điều phối viên, 1 tiến sĩ tâm lý, ban lãnh đạo giám đốc trung tâm, cuộc chiến giành giật lại từng con người trở về từ GO không hề đơn giản.

Em Phạm Lê Long (ngụ Hóc Môn, TP HCM), một game thủ 13 tuổi "ăn ngủ cùng game" trước đó và gần 20 game thủ khác đã thoát được cơn nghiện game và trở về với thế giới thực.

Sinh ra trong gia đình khá giả, được cưng chiều, ngoài game, Long không hề quan tâm đến việc gì khác. Cậu học sinh lớp 8 này chỉ biết mình là một hiệp khách giang hồ... Chị Hương, mẹ của Long kể lại: Biết được TT TTNMN mở lớp cai nghiện game nên chị đưa con đến đăng ký học ngay. Đã có thời gian Long bỏ học, gia đình phải "áp giải" đến cổng trường. Thế nhưng, Long lại tìm cách trốn ra quán net để tìm lại vị trí "đại bang chủ" của mình trong thế giới ảo.

Sau 8 tuần cai nghiện, từ việc không rời máy một phút, sống chết trong thế giới ảo, lao vào những trò chơi bạo lực, Long đã biết quan tâm đến gia đình, bản thân và quay lại học hành. Vẻ mặt đầy tự hào, Long khoe: "Bây giờ một tuần em chỉ lên net một tiếng để tìm thông tin và liên lạc với bạn bè thôi. Em từ bỏ GO rồi".

Học viên trò chuyện với tiến sĩ tâm lý.

Chị Nguyệt mẹ của Khoa - một học sinh lớp 10 nghiện game rất nặng - từng sống dở chết dở khi biết quý tử của mình từ một học sinh giỏi trở thành học sinh yếu rồi bỏ học chỉ vì GO. "Say sưa đâm chém trong thế giới ảo nên nó ngày càng hung hăng, không ít lần lấy cắp tiền và nói dối mọi người trong nhà để  chơi game. Nó nói có tiền mới mua được "kim nguyên bảo" để chiến đấu trên "chiến trường" - chị Nguyệt kể lại.

Tình trạng báo động đến mức cả nhà Khoa phải khăn gói đưa cậu từ miền Trung vào TP HCM "cai nghiện". Trong khi con vào trung tâm thì người mẹ quê nghèo ấy phải thuê phòng trọ bên ngoài, sống trong cảnh thiếu thốn tứ bề. "Giờ đây, Khoa đã không còn màng tới GO nữa. Lớp học đã giúp con tôi thoát khỏi những cơn nghiện GO" - chị Nguyệt tâm sự trong niềm vui khôn tả.

Tuấn "người rừng" - biệt danh mà các game thủ phong cho là chàng trai nghiện GO nặng nhất trong lớp, giờ đã được các thầy cô kéo trở về với cuộc sống thường nhật, biết yêu thương gia đình, ý thức được hành động của mình...

Các điều phối viên kể lại, trước đây Tuấn rất khó tiếp cận vì cậu ta sống "hoang dã" như "người rừng". Bà Kim Liên kể rằng, ngày đầu được cha mẹ đưa đến trung tâm, Tuấn còn xưng "mày, tao" với cha, chửi mắng cha sa sả, không chấp nhận đi cai nghiện GO.

Tuấn cứng đầu đến nỗi, ông Nguyễn Thành Nhân, quyền Giám đốc TT TTNMN phải cho Tuấn vào trò chuyện trong một phòng riêng, hết tâm sự rồi hăm dọa, gây áp lực... buộc Tuấn tham gia khóa cai nghiện. Lúc ấy Tuấn mới miễn cưỡng gật đầu. Trông bộ dạng Tuấn khi ấy, ngay cả lãnh đạo trung tâm cũng không dám đặt nhiều hy vọng.

Vậy mà Tuấn thoát hẳn, một ngày cuối tháng 5, chúng tôi liên hệ với mẹ của Tuấn và được chị hạnh phúc thông báo giờ thì Tuấn đã không còn nghiện GO, một ngày Tuấn chỉ xin cha mẹ cho lên Internet 1 giờ để giải trí, cuộc sống của Tuấn đã trở lại bình thường.

Liệu pháp điều trị

Giám đốc Nhân trò chuyện với học viên.

Tất nhiên không thành viên nào tự nguyện "cai nghiện" GO, mà cả người nhà lẫn những người thực hiện chương trình đều phải thuyết phục bằng mọi cách có thể. Ông Nhân kể, có một lần, đang làm việc thì nghe bên ngoài có người to tiếng. "Mày đưa tao lên đây làm gì? Mày muốn hại đời tao phải không? Mày đợi đó, tao lớn lên thì mày biết tay tao". Nghe đoạn đối đáp ấy, mấy ai tin đấy là những lời của người con dành cho cha mẹ mình.

Theo ông Nhân, bằng 3 liệu pháp: Xúc cảm, thể lực và công tác xã hội, các điều phối viên đã "đánh" vào tâm lý của các em, đưa các em từ thế giới ảo trở về thế giới thực. Ngoài ra, những ngày đầu, để các em quên được game, các điều phối viên tổ chức lớp huấn luyện các môn thể thao và tổ chức cho các em chơi chung như hiphop, khiêu vũ, bóng rổ, cầu lông, tennis... theo một thời gian biểu nhất định.

Bà Kim Liên nói rằng: "Để thực hiện chương trình "cai nghiện" GO, trung tâm chỉ gọi đây là lớp "Xây dựng hình ảnh bản thân và sử dụng Internet có ích", để các em không bị tổn thương, dùng những liệu pháp tâm lý để thức tỉnh các em bằng những câu chuyện, hướng niềm đam mê và ước muốn thể hiện chính mình trong thế giới ảo của các em sang niềm đam mê khác trong cuộc sống hằng ngày.

Trong 2 tháng đào tạo, những "con nghiện" GO sẽ ở lại với chúng tôi, tham gia các hoạt động trong khóa học như: nghe các chuyên gia tâm lý kể chuyện, phân tích; sinh hoạt tập thể, các trò chơi vận động, học bài theo tổ, bình phẩm tranh, viết nhật ký... Đây cũng là những liệu pháp để giúp các em từ bỏ đam mê cũ và đón nhận niềm đam mê mới, có ích hơn.

Các em được trải nghiệm bằng các hoạt động: "Ngày hội giặt áo trắng" do chính tay các em giặt những chiếc áo của mình, học làm bánh, tự đóng gói tặng cho trẻ em nghèo, từ những hoạt động xã hội này, xúc cảm của các em dần được phục hồi và nuôi dưỡng. Cuối  tuần, trung tâm đánh giá, xếp hạng từng em. Nhiều em bị xếp hạng kém dần dần đã biết xấu hổ.

Sau các hoạt động, các học viên lại có thời gian ghi cảm nhận của mình ra giấy bỏ vào chiếc hộp cảm xúc”. Như em V.H., trong một trang nhật ký đã viết những dòng chữ rất cảm động rằng: "Con rất thương ba mẹ. Mỗi lần làm ba mẹ buồn, con cũng buồn. Con sẽ cố gắng. Mong ba mẹ sống lâu với con...".

Lãnh đạo TT TTNMN cho biết thêm, bí quyết “cai nghiện” GO của trung tâm là liệu pháp đám đông, tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể để khôi phục xúc cảm và sự quan tâm đến người khác. Liệu pháp này đã mang lại hiệu quả tốt. Mới đây, truyền hình Nhật Bản đã đến quay mô hình cai nghiện GO của TT TTNMN để về giới thiệu tại nước họ. Họ đánh giá cao hiệu quả “cai nghiện” game của Việt Nam.--PageBreak--

Những điều còn lại

Phó giám đốc Trần Thị Kim Liên cho rằng, khóa học sẽ là vô ích nếu như người “cai nghiện” không có sự hợp tác tích cực, hay sự hỗ trợ từ phía gia đình. Lãnh đạo TT TTNMN rất áy náy về 2 trường hợp không thành công trong khóa học đầu tiên.

Em thứ nhất là con của một lãnh đạo bệnh viện tại TP HCM, cha mẹ bỏ nhau từ khi cậu bé còn rất nhỏ. Em ở với mẹ nhưng mẹ bận đi làm suốt, bè bạn với cậu chỉ là GO. Khi biết con mình nghiện GO đến quên ăn quên ngủ, người mẹ mới vội vàng tìm đến TT TTNMN. Phải mất bao nhiêu thời gian các điều phối viên mới thuyết phục được em chịu ở lại trung tâm. Nhưng suốt thời gian cậu bé tham gia khóa học, trong khi cậu bé rất cần sự chăm sóc, thương yêu của người mẹ, thì bà ta lại quá "vô tình", bà sợ người ta biết con bà là một người nghiện GO, mọi việc bà "giao khoán" cả cho trung tâm.

Không như nhiều em khác, cậu bé phải đến trung tâm một mình, và cuối cùng cậu bé đã thoát khỏi GO trở về nhà. Thế nhưng trong căn biệt thự rộng thênh trống vắng, GO trở lại là người bạn duy nhất của cậu bé. Khi biết con mình nghiện lại, người mẹ lại gọi đến trung tâm, đổ hết trách nhiệm cho trung tâm, kết tội trung tâm... lừa đảo, rằng tại sao con của bà vẫn không có tiến triển, vẫn vùi đầu vào GO, bỏ bê học hành.

Trường hợp thứ 2 là một cậu bé ở Thủ Đức, cậu nghiện GO đến mức thù cha, oán mẹ... Người ta xác định cậu đã có biểu hiện của chứng bệnh tâm thần. Không ít lần cậu bé cầm dao đuổi bố ra khỏi nhà, một ngày của cậu chỉ có ăn, ngủ và GO. Mẹ của cậu đã không ít lần khóc ròng ở trung tâm khi nói về con trai, nài nỉ trung tâm dành cho cậu một chỗ trong khóa học đầu tiên để cứu cậu bé.

Lãnh đạo trung tâm rất có cảm tình với người mẹ này, bà tham gia không thiếu buổi nói chuyện nào dành cho phụ huynh. Bà theo từng bước chân của con suốt 8 tuần “cai nghiện”. Kết quả có phần khả quan, cậu bé biết thương em, vâng lời mẹ, tiếp tục đến trường học, nhưng cho đến giờ cậu bé vẫn không dứt ra khỏi ma lực của GO...

Ngay khi triển khai kế hoạch đợt 2 về lớp “cai nghiện” game, nhiều phụ huynh không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội từ miền Bắc, miền Trung tìm đến TT TTNMN để được tư vấn.

Có phụ huynh ở Bà Rịa - Vũng Tàu kể rằng, con của họ, cứ dứt GO là lại lao ra đường đòi đâm đầu vào xe tải, chỉ có ngồi trước máy tính, con họ mới "bình tĩnh". Có bà mẹ ở một tỉnh vùng cao phía Bắc vào gặp lãnh đạo trung tâm, tha thiết mong con mình được tham gia khóa học.

Một ông bố tận miền Trung, phải "áp tải" con đến trung tâm để "bàn giao". Theo lời ông kể, con ông, một sinh viên đang học đại học tại TP HCM, những tưởng cậu sẽ có một tương lai tươi đẹp, ai ngờ, một lần vào thăm con, vô tình ông mới biết, nó bỏ học đã gần 2 năm, ông phải lặn lội khắp các tiệm net mới tìm thấy, thì ra, hơn 2 năm qua tiền học ông gửi vào tài khoản của con đã đi vào tiệm net. Trông con tiều tụy, xơ xác, người cha bật khóc, ông đem con về nhà quản chặt, cho đến ngày nghe tin về trung tâm, ông mới lặn lội tìm đến với hy vọng sẽ cứu được con mình...

Tham gia trò chơi cộng đồng.

Khóa cai nghiện GO thứ 2 sẽ tập trung 10 ngày liên tiếp, trong đó học ở Trung đoàn 88 thuộc Quân khu 7 trong vòng 5 ngày, còn lại học ở trung tâm. Theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn, trong thời gian tới lớp học này sẽ được triển khai ở Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, nghiện GO đã đến lúc nguy hại hơn cả... nghiện ma túy. Chuyện trốn học, bỏ học, bỏ nhà "định cư" tại tiệm net, đánh nhau... giờ đã thành chuyện thường ngày. Những năm gần đây đã xuất hiện hàng loạt các vụ cướp, bắt cóc, giết người dã man... do các con nghiện GO gây ra. Sự tàn bạo, nhẫn tâm của một số thanh thiếu niên nghiện GO đã khiến các bậc cha mẹ, thầy cô và cả cộng đồng luôn thường trực những nỗi ám ảnh, sợ hãi.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 5/2009, không có tiền đến tiệm Internet chơi game, một game thủ 12 tuổi ở TP HCM trộm tiền của mẹ. Bị mẹ phát hiện la rầy, "thiếu hiệp" đã uống thuốc diệt cỏ để tìm đến cái chết. Cậu được đưa đến bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, hiện nay tình trạng sức khỏe của cậu đã phục hồi. Cậu bé thừa nhận do uất ức vì bị mẹ mắng lấy trộm tiền chơi game nên đã uống thuốc diệt cỏ. Chuyên đề ANTG cũng đã không ít lần cảnh báo về mối nguy hại từ GO.

Hiện nay trên thế giới, Hàn Quốc và Trung Quốc đang dùng biện pháp chủ yếu là tập trung cai nghiện 10 đến 20 ngày liên tục, kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thiết quân luật. Thậm chí, tại Trung Quốc, người ta còn cho sử dụng điện giật để “cai nghiện” GO. Ở các nước này, họ xác định nghiện GO là một căn bệnh ảnh hưởng nặng nề đối với xã hội.

Theo thông tin chúng tôi có được, cùng với khóa học thứ 2 của TT TTN MN về cai nghiện GO, trên thị trường GO, những "game bom tấn" hứa hẹn sẽ thu hút hàng ngàn game thủ: Bá chủ thế giới (FPT online), Atlantica (VTC Game), Độc bá giang hồ (Asiasoft)... đã đồng loạt được "kích hoạt". Thêm vào đó là hàng chục GO cũng khá hấp dẫn, đa dạng về thể loại sẽ "nhập hội" cùng với các GO nổi danh, giữ chặt cả triệu game thủ cũ, chinh phục thêm nhiều "người hùng" trẻ tuổi mới.

Nhiều bậc làm cha làm mẹ không ít lần day dứt: Làm sao để kiểm soát được con em mình? Sẽ có bao nhiêu vụ đâm chém, giết chóc nữa xảy ra? Bao giờ GO mới được các cơ quan có thẩm quyền quản lý triệt để? Ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng, nếu xã hội, nhà trường, gia đình không quyết liệt thì mọi liệu pháp “cai nghiện” GO, dù có hiệu quả đến đâu, cũng chỉ là... chữa cháy mà thôi

Thuận Thiên
.
.