Những cán bộ y tế Việt Nam trở về từ "siêu bão" Nargis

Thứ Ba, 15/07/2008, 10:30
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành y tế Việt Nam, một đoàn cứu trợ tình nguyện đi ra nước ngoài để thực hiện nghĩa vụ cứu trợ nhân đạo quốc tế. Đó là đoàn cứu trợ Y tế của Việt Nam sang giúp nhân dân Myanmar sau "siêu bão" Nargis.

Đoàn cứu trợ y tế đầu tiên “xuất ngoại”

Bão nhiệt đới Nargis được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất và có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 2 ngày 3 và 4/5/2008, Nargis đã đổ bộ vào Myanmar từ Ấn Độ Dương với sức gió giật trên cấp 12, kèm theo đó là mưa lớn và lốc xoáy. Ngay sau cơn bão này là những trận lũ khủng khiếp đã gây tổn thất nặng nề cho nhân dân Myanmar với 150.000 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 11 tỉ USD.

Cơn bão Nargis đi qua không chỉ gây những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản mà còn để lại những nguy cơ về dịch bệnh và môi trường sống cho nhân dân Myanmar.

Ngày 30/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã quyết định thành lập đoàn công tác y tế gồm 15 thành viên đi Myanmar cứu trợ nạn nhân bão Nargis. Đoàn gồm 15 cán bộ của Bộ Y tế, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi trung ương, Viện Da liễu Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương. Đoàn đã chuẩn bị thuốc, trang thiết bị y tế, hậu cần với tổng trọng lượng khoảng 3 tấn, sẵn sàng phục vụ khám, điều trị, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường tại Myanmar.

“Đã từng nhiều lần đi vào các vùng dịch bệnh nguy hiểm nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, mình đi vào một nơi có thảm họa khủng khiếp như vậy... Thị trấn này cách Yangon chưa đầy 70km nhưng như đang quay lại thời hoang sơ...” - Đó là những dòng đầu tiên trong nhật ký cá nhân của TS. Lương Ngọc Khuê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - Trưởng đoàn công tác y tế tình nguyện Việt Nam tham gia cứu trợ bão Nargis tại Myanmar.

Đoàn công tác y tế tình nguyện Việt Nam sang Myanmar giúp đỡ với 3 hoạt động chính: tham gia cấp cứu, khám chữa bệnh; giúp đỡ về công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và cung cấp các trang thiết bị, thuốc men để giúp đỡ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng của cơn bão. 15 cán bộ, chuyên gia giỏi của y tế Việt Nam cùng với 3 tấn hàng, 88 loại thuốc cần thiết nhất, 47 loại trang thiết bị với tổng trị giá gần 100.000 USD được chuẩn bị mang sang giúp đỡ nhân dân nước bạn.

Đoàn công tác được chia làm 2 tổ, tổ thứ nhất do PGS.TS Hoàng Công Đắc - PGĐ Bệnh viện E Trung ương làm tổ trưởng, có nhiệm vụ tổ chức khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh nhân. Tổ thứ hai do TS Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang dẫn đầu có nhiệm vụ thực hiện công tác tổ chức xử lý vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Sau 2 giờ bay từ Việt Nam sang Thái Lan, đoàn phải chờ tại sân bay Bangkok 5 tiếng đồng hồ để chuyển chuyến bay đi Yangon - thủ đô Myanmar. Nhiều chuyến bay đến Myanmar buộc phải điều chỉnh lại thời gian, hành trình do ảnh hưởng của cơn bão.

Sang đến Myanmar, việc đầu tiên là tất tả nhờ Đại sứ quán giúp đỡ, thuê một phiên dịch người Myanmar bởi vì đa số người dân trong vùng không biết nói tiếng Anh. Hơn nữa, trong khi chữa trị, cấp phát thuốc mà có sự bất đồng về ngôn ngữ thì có thể nói là... sai một ly, đi một dặm.

Trong khi nhiều đoàn tình nguyện của nhiều quốc gia khác chọn các thành phố và thủ đô Yangon làm nơi “đóng quân” cứu trợ thì đoàn y tế của chúng ta chọn thị trấn Ton - Tay, ở cách xa thủ đô khoảng 70km. Ton Tay là một thị trấn nhỏ với nhiều vùng đất thấp, nhiều kênh rạch, ao tù nước đọng và là một trong những “ổ dịch” tiềm tàng nhất sau cơn bão. Đoàn công tác chọn nơi này cũng vì đây là vùng nông nghiệp lạc hậu có rất nhiều trẻ em (31.949 em dưới 5 tuổi) - đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất.

Đang trong thảm họa nhưng bệnh viện duy nhất của Ton Tay chỉ có 25 giường bệnh, cả phòng bệnh rộng thênh thang chỉ có một bệnh nhân duy nhất. Các thiết bị chụp X-Quang, siêu âm đều không có; thiết bị “hiện đại” nhất của bệnh viện chính là chiếc kính hiển vi đã cũ.

Đoàn được bố trí ngủ tại một trại dưỡng lão gần như bỏ hoang sau cơn bão. Các thành viên đều phải tự lo chăn màn và ban đêm thì trải chiếu xuống nền nhà ẩm thấp để ngủ.

Ngay trong đêm đầu tiên nằm cảnh “chiếu đất” này, nhiều người đã phát hoảng khi phát hiện ra con gì đó bò loằng ngoằng giữa sàn ximăng - nơi ngủ của cả đoàn. Bật đèn pin lên soi: một con rắn - đêm đó nhiều người trong đoàn không dám ngủ.

Mọi hoạt động của các thành viên đều phải diễn ra trong màn vì sau cơn bão, nước tù đọng ẩm ướt khiến muỗi sinh sôi nhiều vô kể. Anh em ăn trong màn, hội ý trong màn và làm việc trong màn...

Lá cờ đỏ sao vàng giữa vùng “siêu bão”

Ngày đầu tiên, đoàn công tác xuống địa điểm cách thị trấn 20km. Công việc chữa bệnh cho người dân trong vùng diễn ra cũng không hề đơn giản. Phần lớn dân số Ton Tay theo đạo Phật và các nhà sư mới là những người uy tín nhất và chỉ khi các nhà sư vận động thì người dân mới chịu đi khám chữa bệnh.

Việc đầu tiên của Trưởng đoàn Lương Ngọc Khuê là cùng với các phiên dịch tìm cách thuyết phục các nhà sư có uy tín giúp đỡ, vận động người dân tự giác đến khám bệnh. Mỗi tổ khám bệnh phải nhờ một vị sư đứng bên cạnh giúp đỡ, vị này sẽ đích thân hướng dẫn từng người dân cách sử dụng thuốc, sử dụng các dụng cụ y tế.

Đến tối mịt, đoàn mới quay trở về trung tâm thị trấn Ton Tay bằng canô. Công việc đầu tiên của các thành viên là lo... đi chợ nấu cơm. Sau bão, thực phẩm trở nên đắt đỏ, nhiều thức ăn không đảm bảo vệ sinh, khẩu vị lạ, một số thành viên trong đoàn lại phải quay lại với điệp khúc... mỳ ăn liền.

Đến ngày thứ 3, đoàn hành quân 45km bằng ôtô và thuyền đến làng Ohn Bin Choang. Tiếng lành đồn xa, nghe tiếng có đoàn bác sĩ Việt Nam đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí, trưởng làng đã kêu gọi từ trước và nhiều người dân đã tự giác tìm đến điểm khám bệnh.

Bữa cơm trưa hôm đó, thấy đầu bếp của đoàn vất vả tìm mua thức ăn, một người dân Ohn Bin Choang đã mời cả đoàn bác sĩ Việt Nam vào nhà nấu cơm chiêu đãi. Bữa cơm ấm cúng với thức ăn chính là những con cá họ bắt ngay ở các vũng nước xung quanh nhà.

“Khi mình đến nhà phát thuốc, 5 bố con đang chuẩn bị ăn cơm tối. Căn nhà bay mất 1 phần mái, không biết có còn nên gọi là nhà nữa hay không. Bên ánh đèn dầu buồn hiu hắt, mâm cơm chỉ có vài cọng rau, một đĩa bột canh. Mẹ của 4 đứa trẻ đã chết trong cơn bão Nargis kinh hoàng. 4 đứa trẻ đen nhẻm, quần áo rách rưới mừng rỡ khi được một người trong đoàn cho một gói bánh bích quy...” - những dòng nhật ký của TS Lương Ngọc Khuê viết lại những khoảnh khắc không thể quên của ông về những tang thương trong vùng bão.

Công việc của đoàn công tác là mở các bàn khám bệnh trong từng cụm dân cư, khám, trị bệnh giúp họ, đồng thời cấp phát các thứ thuốc cần thiết để đối phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân khử trùng nước sinh hoạt... Trong thời gian 12 ngày, đoàn bác sĩ, chuyên viên y tế tình nguyện đã thực hiện việc khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 1.859 người tại 7 ngôi làng.

Những người trong đoàn tình nguyện cho PV ANTG biết: điều làm họ sung sướng nhất là khi đoàn đến địa phương nào, người dân ở đó đều mang cờ Việt Nam ra treo cùng với cờ Myanmar để chào đón.

Nhà sư U Kaw Wi Da, trụ trì ngôi chùa lớn nhất thị trấn Ton Tay nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi được các bác sĩ Việt Nam sang giúp khám bệnh, hết sức cám ơn các bạn Việt Nam. Không có gì hơn là gửi lời cám ơn  chân thành tới các bạn, tới nhân dân Việt Nam”.

Bác sĩ của Bộ Y tế Myanmar đi cùng đoàn cũng xúc động nói: “Chúng tôi thật cảm động khi con thuyền chở các thầy thuốc Việt Nam phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rẽ sóng trên  rạch nước. Các bạn mang đến cho nhân dân Myanmar sự giúp đỡ tuy nhỏ bé nhưng đầy tình người”.

Khi thời gian công tác đã hết, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã giúp đỡ đoàn tình nguyện tổ chức lễ bàn giao trang thiết bị y tế, dược phẩm cho Bộ Y tế Myanmar. Trong buổi tiễn đoàn, đại diện ngoại giao Myanmar đã gửi lời cảm ơn đến toàn bộ thành viên đoàn tình nguyện, đến Nhà nước, nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ kịp thời và thắm đượm tình người.

Hoạt động cứu trợ, giúp đỡ nhân dân nước bạn Myanmar khắc phục hậu quả sau “siêu bão” Nargis không chỉ là một hoạt động nhân đạo mà còn được xem là một nét son vun đắp thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Myanmar.

Với những chuyên gia y tế tình nguyện, điều làm họ vui sướng nhất sau chuyến đi này là tấm lòng của chính những người dân sống trong vùng thảm họa. TS Lương Ngọc Khuê cho tôi xem bài thơ do một nhà sư Myanmar tặng cho đoàn trước khi chia tay, trong đó có 2 câu cuối được tạm dịch là: “Tất cả rồi sẽ về với cát bụi, chỉ có tình thân hữu là mãi bền lâu”. Cuối bài thơ là dòng lưu bút: “Cám ơn các bạn, cám ơn các bạn Việt Nam”

Hoàng Thắng
.
.