Những công dân mới trên biên giới Việt – Lào

Thứ Sáu, 21/05/2021, 09:30
Ngày 8-7-2013, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã ký thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Đến nay, tại 36 huyện biên giới thuộc 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Lào đã có 1.157 trường hợp được Chủ tịch nước ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.


Sau nhiều năm sống không hợp pháp trên đất Việt, giờ đây, họ chính thức có quyền công dân. Những ngày này, họ đang chờ đợi ngày được cầm lá phiếu để bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Không còn “bản xâm cư”, người “không quốc tịch”

Khi gió Lào sầm sập phả đến xơ xác những triền rừng biên giới, chúng tôi theo chân những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đến tuyên truyền vận động bầu cử tại xã A Dơi huyện Đakrông.

Sau 2 tiếng vượt đèo dốc để đến thôn A Dơi Đớ, chúng tôi gặp Đại úy Lê Đức Luận, Trưởng Công an xã A Dơi đang cùng các cơ quan chức năng và đội công tác cắm bản của Đồn Biên phòng Ba Tầng kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại thôn biên giới đặc biệt này.

Công an xã A Dơi, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn A Dơi Đớ.

Nói là đặc biệt, bởi từ trước năm 2019, những công dân ở đây được gọi bằng một cái tên rất buồn là “bản xâm cư” từ năm 1998. Người dân ở bản này vốn sinh sống nhiều đời ở đây nhưng thời kỳ chiến tranh, họ lùi sâu hơn vào rừng. Khu vực đó khi hoạch định biên giới thuộc thành lãnh thổ của Lào, vì thế cả bản trở thành công dân Lào. Ở trên đất Lào nhưng nương rẫy, mồ mả tổ tiên của những hộ dân này chủ yếu ở đất Việt nên từ năm 1995 đến năm 2000, họ lần lượt bảo nhau tìm về quê cha đất tổ.

Mặc dù chính quyền, BĐBP, Công an xã thường xuyên vận động bà con quay lại Lào nhưng bà con chỉ xin ở lại Việt Nam. Suốt 20 năm qua, những con người này sống không quốc tịch, không hộ khẩu, bởi vậy không có bất cứ quyền công dân nào. Trẻ em ở “bản xâm cư” thì đi học “chui”, đi học “nợ” vì không có giấy khai sinh, không có học bạ nên chỉ có thể theo cái chữ đến hết cấp 2.

Tháng 4-2019, 41 hộ với gần 300 nhân khẩu người Vân Kiều ở đây đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Cho tới bây giờ, già làng Hồ Văn Kía vẫn nhớ hôm ông Hồ Văn Tháo - Trưởng Công an xã A Dơi trước đây (nay là cán bộ tư pháp xã) cùng với đoàn cán bộ đến thông báo tin vui. “Công an Tháo là người có ơn với bản nhiều lắm, nó đi lại hỗ trợ dân bản làm giấy tờ, khai lý lịch, làm hộ khẩu cho bà con. Dân chúng tôi đều yêu quý công an Tháo”, già Kia bảo. Mới đây, công an xã đã cùng với cơ quan tư pháp xã rà soát dân cư, tiến hành lên danh sách, làm thẻ cử tri cho gần 192 người trong độ tuổi và đủ điều kiện tham gia bầu cử đợt này.

Vui không kém người dân A Dơi Đớ là 53 người thuộc diện di dân tự do từ Lào sang sinh sống lâu dài tại 2 huyện biên giới Ngọc Hồi và Đăk Glei của tỉnh Kon Tum. Không giấu niềm vui khi chính thức được công nhận là công dân Việt Nam, anh Say Xạ Nạ, sinh năm 1979 tại Lào, hiện trú tại thôn Đắk Ôn, xã Đắk Long, Đăk Glei đã bày tỏ lòng cảm ơn vì sự quan tâm của chính quyền đã hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho anh cùng hàng chục hộ khác được nhập quốc tịch Việt Nam. “Từ nay tôi là người Việt Nam rồi, tôi sẽ đàng hoàng tham dự các hoạt động cộng đồng của buôn làng mà không cần phải e dè, mặc cảm nữa”, Say Xạ Nạ phấn khởi nói.

Mừng đến mức ngày nào cũng mang Quyết định của Chủ tịch nước ra ngắm là cảm xúc của bà Un Lợ, sinh năm 1950, trú tại thôn Đắc Ro, xã Đắc Tôi, H. Nam Giang, Quảng Nam. Bà Lợ vốn là người Việt lấy chồng Lào, rồi chuyển về xã Đăk Tôi sinh sống từ năm 1993 cùng với một số hộ dân khác. Từ đó, những người này không được công nhận quốc tịch Việt Nam vì thuộc diện di cư tự do nên chỉ được chính quyền cho đăng ký tạm trú, không được vay vốn sản xuất, đứng tên sở hữu nhà cửa, ruộng đất vì không hộ khẩu. “Tôi phải mang phận xâm cư ngay trên mảnh đất quê hương. Nay tôi đã thỏa tâm nguyện được là người Việt Nam, con cháu tôi đã được cấp giấy khai sinh, được công an xã làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân để yên tâm sinh sống”, bà Un Lợ bùi ngùi.

Niềm vui của người dân khi được nhận sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân.

Niềm vui của những cặp vợ chồng hợp pháp

Hôm đến bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, chúng tôi được nghe câu chuyện của vợ chồng ông Lam Phon sinh năm 1959 và bà Việt Hà Thị Thiên, sinh năm 1955. Hai người kết hôn từ năm 1994 nhưng tới bây giờ mới có giấy kết hôn.

Cho chúng tôi xem đăng ký kết hôn còn thơm mùi giấy mực, ông Lam Phon bảo: “Cái giấy này xác nhận tôi chính thức được là công dân Việt Nam mang tên Hà Văn Mồn, là chồng hợp pháp của bà Hà Thị Thiên. Con trai chúng tôi cũng vui khi bố mẹ đã là “vợ chồng hợp pháp”. Huyện cũng đã hỗ trợ cho chúng tôi có đất sản xuất, có con giống để lập đàn, chúng tôi yên tâm hưởng tuổi già rồi”.

Cũng trong năm 2019, theo Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam, 44 người Lào cư trú trên địa bàn huyện Mường Lát và 7 người cư trú tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa chính thức được nhập quốc tịch. Vậy là 44 cặp vợ chồng trên vùng biên xa xôi này sau hàng chục năm chung sống, sinh con đẻ cái đã có niềm vui bình dị như bao người khác là được đăng ký kết hôn, được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân. Những đứa trẻ sẽ không còn phải học “chui”, học “nợ” như trước.

Đến thăm gia đình chị Y Ngin, sinh năm 1970 tại Lào, hiện làm dâu tại thôn Đắk Ba, xã Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum, thấy chị đang ngồi bên hiên nhà miệt mài “phắn phải” (se sợi). Gương mặt chị sáng bừng khi nhắc đến việc mình vừa được cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Kon Tum hướng dẫn làm thẻ căn cước có ảnh và dấu vân tay của mình; chị chia sẻ rằng, sau khi được nhập quốc tịch, đời sống bà con người Lào ở Đăk Dục đã có nhiều thay đổi. Gia đình chị cũng như bà con khác được cấp đất, có thẻ bảo hiểm y tế, được quan tâm nhiều chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ngày hội chốn non xanh 

Những ngày này, ủy ban bầu cử của các xã biên giới bao gồm nhiều lực lượng tư pháp, công an, bộ đội biên phòng... đã và đang tích cực triển khai công tác bầu cử, thành lập các điểm bầu cử và tổ bầu cử phù hợp với địa bàn, đảm bảo chặt chẽ, chu đáo và an toàn cho bầu cử... Nhất là đặc biệt chú trọng đến việc quản lí hành chính dân cư và tuyên truyền bầu cử cho những công dân vừa được cấp quốc tịch trên địa bàn xã mình.

Công an thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tén Tằn xuống từng hộ dân để tuyên truyền.

Tại khu vực biên giới của tỉnh Thanh Hóa, các địa phương và cơ quan chức năng đã chủ động tăng cường công tác quản lý hành chính dân cư phục vụ công tác bầu cử. Công an các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn chú trọng đẩy mạnh công tác rà soát, quản lý hành chính, nhân khẩu. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa chủ động xây dựng các kế hoạch, chỉ đạo các đồn biên phòng triển khai bám sát địa bàn, tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.

Thiếu tá Phan Hồng Khoái, Phó trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết, do nhận thức của bà con không đồng đều, lại nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn rộng, phân tán, nên ban chỉ huy công an huyện chủ trương kết hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn triển khai công tác tuyên truyền bầu cử gắn với tuyên truyền về xuất nhập cảnh trái phép và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Vậy là mỗi đơn vị công an xã là một điểm tuyên truyền, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an là một tuyên truyền viên.

Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn cho biết, đơn vị đã phối hợp rất chặt chẽ với Công an thị trấn Mường Lát và đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ trong hoạt động tuyên truyền bầu cử. Tài liệu được in bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa theo chân các cán bộ xuống bản phát tới tận tay bà con. Đồng thời tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh hay trực tiếp tại các cuộc họp có bà con tham dự.

Trên các trên trang mạng xã hội của đồn, của tỉnh và trang cá nhân như Zalo, Facebook của từng cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng đồng loạt chia sẻ những bài viết về vấn đề bầu cử... Đối với những công dân mới nhập quốc tịch, cán bộ xuống tận nhà để phát tờ rơi, tuyên truyền để họ hiểu hơn về công tác bầu cử của Việt Nam. Hầu hết các công dân này rất nghiêm túc lắng nghe, tìm hiểu và cảm thấy vinh dự khi được tham gia sự kiện trọng đại của cả nước. 

Tại Quảng Trị, từ năm 2016 đến nay, tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã có 756/855 người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam, cư trú tại các xã Ba Tầng, A Túc, Xy, Thanh, Thuận, A Xing, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập... Những người này được các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện giấy tờ cần thiết như: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... Hầu hết cư dân tự do biên giới đã được nhập quốc tịch Việt Nam đều trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bầu cử theo luật pháp Việt Nam. Bà con vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri.

Ông Hồ Văn Tiêng ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết: “Năm 2018, 119 người của xã A Dơi được nhập quốc tịch nên năm nay lần đầu tiên cả thôn chúng tôi được đi bầu cử. Phấn khởi và tò mò nên khi rảnh rỗi, bà con thay nhau đến Đồn Biên phòng Ba Tầng và UBND xã A Dơi để nghe nhạc, nghe loa tuyên truyền và xem ảnh của các đại biểu. Vui lắm”.

Phạm Vân Anh
.
.