Những cuộc đi cung đặc biệt: “Đi cung” trên đồi

Thứ Hai, 16/06/2014, 11:25

Đã nhiều năm trôi qua nhưng, khi chúng tôi hỏi: “Điều gì đáng nhớ nhất trong quá trình điều tra vụ án Vũ Xuân Trường?” thì Đại  tá Nguyễn Trần Giang (hiện là Phó trưởng Phòng PC 17 Công an Hà Nội)  trả lời ngay: "Đó là Đào Xuân Xe". Thời làm vụ Vũ Xuân Trường, Nguyễn Trần Giang mới đeo hàm Đại úy, được điều động từ Phòng An ninh điều tra sang, nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ hỏi cung hầu hết các đối tượng chính trong đó có Đào Xuân Xe.

Đã gần 20 năm  trôi qua mà Đại tá Nguyễn Trần Giang vẫn nhớ rất nhiều về Xe, từ dáng điệu, giọng nói đến tính cách. Nhưng nhớ nhất vẫn là cuộc hỏi cung vào một ngày mùa đông lãng đãng sương mù, trên một quả đồi rộng ở vùng núi Ba Vì, chỉ có anh và Xe. Anh mang thuốc lá thơm cho Xe hút, mang cà phê cho Xe nhâm nhi. Và Xe đã khai, thành khẩn ngoài sức tưởng tượng về liên minh Xe - Trường cùng những chân rết một cách tường tận…

1. Vụ án Vũ Xuân Trường khi ấy được Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội  cho chọn Đội điều tra trọng án làm lực luợng điều tra. Lý do chính dẫn đến sự lựa chọn này (mà sau này quá trình điều tra đã chứng minh rằng, đây là lựa chọn cực kỳ đúng đắn) vì Đội điều tra trọng án là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, là đội quân tinh nhuệ của Công an TP trong đấu tranh chống tội phạm hình sự.

Các điều tra viên ở đây, ngoài nghiệp vụ giỏi và kỷ luật cao còn là những người do thường xuyên phải đối đầu với những tên tội phạm hình sự nguy hiểm nên họ rất mưu trí và quyết liệt.

Nhưng cùng với lực lượng của Đội điều tra trọng án, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội khi đó còn quyết định tăng cường thêm một tổ điều tra viên giỏi nghiệp vụ gồm 5 đồng chí  từ Phòng An ninh điều tra (PA 24) sang. 14 điều tra viên trong liên quân Đội điều tra trọng án (khi ấy thuộc Phòng Cảnh sát điều tra) - An ninh điều tra được lệnh nhận nhiệm vụ mới và tất cả họ, trước khi bắt tay vào chuyên án này, đều phải tự tay viết một bản cam kết riêng về việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bảo mật của chuyên án. Những bản cam kết này, bây giờ những người tham gia chuyên án mà chúng tôi gặp, tất cả đều vẫn còn giữ, như một thứ kỷ vật quý giá.

Đại tá Nguyễn Trần Giang nói rằng, khi rời Phòng An ninh điều tra sang nhận nhiệm vụ mới ở tổ điều tra vụ án Vũ Xuân Trường, cũng giống như nhiều đồng đội khác, anh rất lo lắng. Cảm giác của anh lúc bấy giờ y như cậu học trò gặp phải một đề toán khó, một bài thi đặc biệt. Phải nỗ lực, phải quyết tâm, phải chấp nhận khó khăn, thậm chí cả hiểm nguy để vượt qua. Bởi, anh cũng như tất cả những người đồng đội khi bắt tay vào điều tra vụ án này đều đã nhìn thấy trước được hành trình gian khổ trước mặt…

2. Ở Điện Biên thời ấy, giới kinh doanh hầu như ai cũng biết đến Đào Xuân Xe. Sinh năm 1955, quê gốc ở Hưng Yên nhưng Xe lên Điện Biên lập nghiệp từ trẻ rồi lấy vợ, mua nhà, sinh con đẻ cái, tất tật đều ở Điện Biên. Tuy chỉ là anh lái xe của Xí nghiệp Vận tải ôtô số 3, văn hóa hết có lớp 7, dáng vẻ lại cục mịch, quê mùa nhưng ở Điện Biên, Xe lại là người rất nổi tiếng trong giới kinh doanh.

Suốt từ những năm 1986-1987, khi còn bao cấp, cuộc sống nói chung rất khó khăn thì ở Điện Biên, Xe đã giàu sụ. Gần chục năm trời từ 1984 đến 1992 làm lái xe của Xí nghiệp Vận tải ôtô số 3 (thường gọi là Đoàn 3) chuyên lái xe quá cảnh sang Lào, những chuyến hàng về, trong xe của Xe thường xuyên có "cơm đen" (tức là thuốc phiện).

Năm 1986, có lần Xe đã bị bắt quả tang cùng một nhóm lái xe với tang vật là 65kg thuốc phiện. Nhưng rồi, lần ấy Xe cũng chỉ bị xử có 5 năm tù, mà lại còn cho hưởng án treo, để rồi lại tiếp tục trở về Đoàn 3, lại lái xe quá cảnh sang Lào và lại buôn tiếp. Lợi nhuận kếch xù từ những chuyến "cơm đen" đã khiến Xe có một đời sống vương giả ở cái thị xã biên giới còn nhiều khó khăn này.

Phần vì nhiều tiền, phần vì mặc dù trông dáng hình thô kệch nhưng Xe lại khéo léo trong đối nhân xử thế, đặc biệt là rất chu đáo với bạn bè nên Đào Xuân Xe không chỉ nổi tiếng vì giàu mà còn được vị nể vì có nhiều mối quan hệ. Chả thế mà sau này khi Đào Xuân Xe chuyển từ buôn "cơm đen" sang buôn "hàng trắng" tức là hêrôin, Xe chỉ cần nói qua là ở Trạm Biên phòng Tây Trang thời ấy, cả Trạm trưởng Bùi Danh Ca lẫn Trạm phó Trần Ngọc Dương đều "ok" hết.

Ca và Dương còn bảo: "Anh làm được thì cứ làm. Hàng qua chỉ cần báo với em một tiếng là xong". Ngay cả với đám người Lào đầu mối cung cấp hàng trắng ở bên kia biên giới, Xe cũng thâu tóm được hết. Vì thế, trong suốt một thời gian dài, Xe một mình một ngựa, buôn tận gốc, bán tận ngọn, chả cần qua trung gian nào…

Cho đến khoảng đầu năm 1989 thì Ca gặp Vũ Xuân Trường, lúc bấy giờ đang là trung úy cảnh sát kinh tế - hình sự Công an Điện Biên.

Vốn là người khôn ngoan, điềm đạm, có bề dày kinh nghiệm trong các phi vụ buôn bán "cơm đen", "hàng trắng' nên Xe rất dễ dàng nhận ra máu làm giàu đang bốc lên ngùn ngụt trong chàng trung úy cảnh sát hình sự - kinh tế Vũ Xuân Trường.  Xe ngỏ ý muốn có Trường trong một liên minh làm ăn mới, chấm dứt cảnh một mình một ngựa trước đây. Và, đúng như dự đoán của Xe, Trường đã không thể chối từ.

Đào Xuân Xe bị dẫn giải đến tòa án.

Cho đến đầu năm 1992 thì liên minh Xe - Trường cơ bản đã thiết lập xong đường dây ma túy từ Lào về Hà Nội. Hàng mua từ Lào do đám Xiêng Khăm Chăn, Xiêng Văn Đi, Xiêng Phon… cung cấp. Đám người Lào do đã thân thiết với Xe nên khi giao hàng thường cho chịu một nửa hoặc 1/3 tiền. Khi nào tiêu thụ xong thì Trường sẽ gom tiền hoặc xuống làng Triều Khúc mua tơ đem lên Điện Biên cho Xe để Xe thanh toán với đám người Lào bằng tiền mặt hoặc bằng tơ.

Hàng từ Lào về qua cửa khẩu Tây Trang sẽ được một số cán bộ biên phòng biến chất như Bùi Danh Ca, Trần Ngọc Dương, Nguyễn Trọng Tuấn… bảo kê. Xe thường phải làm luật mỗi cặp hêrôin (trọng lượng 700gr) từ 100 USD đến 200USD thì đám Ca, Dương mới nhắm mắt làm ngơ, không kiểm tra xe. Sau khi hàng đã qua được biên giới trót lọt thì Xe cho tập kết tại Điện Biên rồi mới vận chuyển về Hà Nội.

3. Đào Xuân Xe cùng với Vũ Xuân Trường bị bắt đầu tiên vào đêm ngày 3/7/1996. Một mũi trinh sát đã bao vây toàn bộ ngôi nhà trên phố Khâm Thiên của Đào Xuân Xe. Nhưng có một tình huống đặt ra là các nguồn tin trinh sát vào thời điểm lúc bấy giờ chỉ xác định được chắc chắn là Xe ở Hà Nội nhưng không biết Xe có ở nhà hay không. Một trinh sát đã nghĩ ra kế bốc máy gọi vào số điện thoại cố định của nhà Xe.

Chuông reo mấy hồi thì phía đầu dây có giọng đàn ông gắt gỏng: "Alô, ai gọi gì mà khuya thế?". Nhiều khả năng đó là giọng của Xe, trinh sát độp luôn: "Anh Xe đấy à? Tôi ở Điện Biên vừa về tới đây, muốn gặp anh ngay được không?". Chần chừ một thoáng, Xe đáp: "Thôi, để mai đi, tôi đang ngủ" rồi cúp máy. Nhưng khi Xe còn chưa kịp rời bàn điện thoại để chui vào giường ngủ tiếp thì công an đã ập vào. Lệnh bắt, khám xét được thi hành.

Xe vào trại. Vốn là người khôn ngoan, lọc lõi, lại đã từng ở tù nên những ngày đầu tiên, hầu như Xe áp dụng chiêu bài "đổ bê tông". Nghĩa là, "3 không": hỏi gì cũng không biết, không nghe, không thấy. Thậm chí, Xe còn luôn luôn tìm cách để thông cung với đồng bọn và ra ngoài. Có lần biết một phạm nhân cùng phòng giam chuẩn bị được tha, Xe viết số tiền mua ma túy mà đồng bọn còn nợ  vào quai dép của người này để nhờ chuyển ra ngoài cho vợ. Tất nhiên là bị quản giáo phát hiện. Trong tình thế đó, hỏi cung Xe, đối với Đại tá Nguyễn Trần Giang và đồng đội của anh, đúng là "một bài toán hóc búa".

Đại tá Nguyễn Trần Giang khi ấy mới là Đại úy, còn khá trẻ. Nhưng anh được đào tạo bài bản, lại vốn là người đằm tính, ôn hòa. Ôn hòa từ cách nói chuyện lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Ôn hòa từ nụ cười nom rất hiền. Đào Xuân Xe khi ấy bị giam ở một trại giam cách Hà Nội chỉ vài chục kilômét nhưng là miền núi. Cán bộ điều tra khi ấy hầu hết là di chuyển từ Hà Nội lên bằng xe máy thôi nên quãng đường tuy thế nhưng đi lại cũng khá vất vả nhất là trong những ngày mưa, lạnh. Ấy thế mà chả ai quản ngại gì. Đại tá Giang lên trên ấy nhiều lần, ngồi với Đào Xuân Xe nhiều buổi, có cả những buổi mà hầu hết thời gian đều trò chuyện thôi chứ chả hỏi - đáp theo kiểu làm cung.

Giờ đã gần 20 năm trôi qua rồi mà Đại tá Giang vẫn còn nhớ rất nhiều về Xe, từ dáng người cao to lênh khênh có phần thô kệch nhưng nói năng thì nhỏ nhẹ, khéo léo, biết khoan, biết nhặt đến sở thích, tính cách. Và rồi, có một buổi trò chuyện, cũng giống như nhiều buổi trò chuyện khác, ở trên một quả đồi lãng đãng sương mù, có cả cà phê nghi ngút khói, cả thuốc lá thơm do Đại tá Giang mang từ Hà Nội lên mời Đào Xuân Xe. Chỉ khác là Xe đã khai, thành khẩn ngoài sức tưởng tượng về liên minh Xe - Trường cùng những chân rết một cách tường tận

Đ.H.
.
.