Những đứa trẻ được sinh giữa tâm dịch

Thứ Bảy, 14/03/2020, 23:07
Có một điều ít người biết, trong số những người bị cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 hoặc trở về từ vùng dịch, bao gồm cả thai phụ. Và bởi vì thế, những em bé chào đời tại khu cách ly phòng ngừa dịch COVID-19 ở các bệnh viện đã được đội ngũ y bác sĩ theo dõi và chăm sóc theo chế độ đặc biệt.

Không chỉ thế, việc đẩy nhanh nghiên cứu và thực hiện xét nghiệm sàng lọc virus COVID-19 ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã đạt được kết quả. Trong tâm dịch, việc bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ luôn được các bác sĩ đặt lên hàng đầu. Họ chấp nhận vất vả, hy sinh để đổi lại nụ cười cho các em thơ.

Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt

Ngày 27/2, thai phụ N.T.H. (21 tuổi, quê ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) từ Hàn Quốc về Việt Nam. Vì chị H. trở về từ vùng dịch nên được cách ly tập trung, theo dõi trong 14 ngày theo đúng quy định. Ngay từ hôm đó, bà mẹ trẻ đang mang thai ở tuần 39 này đã được chú ý theo dõi sát sao trong những ngày cuối thai kỳ.

Bé gái 3,1kg trong vòng tay của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) ngày 5/3.

Chiều ngày 4/3, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ và lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trực tiếp bác sĩ Vương Trung Kiên - Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi sản phụ trong thời gian chờ sinh.

Trao đổi với phóng viên An ninh thế giới chiều ngày 9/3, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó giám đốc bệnh viện cho biết phương án hỗ trợ cho sản phụ đã được ê-kíp y bác sĩ của bệnh viện đưa ra từ trước để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Chị H. được chuyển vào viện từ chiều tối 4/3. Xe vận chuyển được phun khử trùng ngay từ cổng vào.

Đến 11 giờ ngày 5/3, bệnh nhân gặp khó khăn không thể sinh thường nên ngay lập tức được chuyển lên mổ cấp cứu. Kíp mổ gồm 20 người đã được huy động. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa I Phạm Mạnh Tiến - Trưởng khoa Sản đã trực tiếp mổ lấy thai cho chị H. Bé gái kháu khỉnh nặng 3,1kg đã chào đời trong niềm vui của cả ê-kip thực hiện ca mổ thành công.

Mẹ con sản phụ N.T.H. trong khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh chụp chiều 9/3.

Ca mổ tuân thủ đúng những quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế trong điều trị cho người đang cách ly, theo dõi phòng dịch. Toàn bộ kíp mổ được trang bị đồ bảo hộ theo đúng quy định để tránh lây nhiễm cho các bác sĩ cũng như tránh lây chéo trong bệnh viện khi gặp tình huống xấu. Toàn bộ phòng mổ sau ca mổ được khử khuẩn.

Không chỉ khoa Sản mà cả khoa Nội, khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cũng sẵn sàng các phương án hỗ trợ nếu xảy ra tình huống sản phụ xuất hiện những bệnh lý phối hợp khác. Bác sĩ Hằng nói với tôi rằng, vì đây là một ca đặc biệt nên các điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật được bệnh viện cố gắng trang bị đầy đủ. Với một bệnh viện tuyến huyện thì đây là nỗ lực không hề nhỏ.

Sau khi sinh, hai mẹ con chị H. được đưa vào một khu cách ly đặc biệt. Để vào được khu vực đặc biệt đó, các bác sĩ phải qua một khu đệm được ngăn cách bởi các lớp cửa kính. Do chị H đang trong thời gian cách ly phòng ngừa dịch bệnh nên người thân không được vào. Tất cả các khâu chăm sóc cho mẹ và con đều do nhân viên điều dưỡng của bệnh viện đảm nhiệm.

Chị H. đang là sinh viên học tại Hàn Quốc và ban đầu có kế hoạch sinh con ở nước này. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, nhà trường cho nghỉ học để phòng dịch, chị đã về nước. Bà mẹ trẻ này rất lo lắng khi sắp đến ngày sinh mà phải cách ly tập trung và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Hiểu được tâm lý đó, bác sĩ Hằng và toàn bộ kíp mổ đã thay nhau luôn túc trực cạnh hai mẹ con, luôn quan tâm động viên và chăm sóc sản phụ tận tình.

Em bé chào đời khỏe mạnh trong khu cách ly ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn sáng 9/3.

Hiện tại sức khỏe của hai mẹ con đều ổn định và vẫn đang được chăm sóc, theo dõi trong khu cách ly. Các bác sĩ và điều dưỡng sát sao từng bữa ăn cho chị H., đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho phụ nữ sau sinh.

Bác sĩ Hằng nói với chúng tôi rằng, bà mẹ trẻ này dự định đặt tên cho con là Hương Ly, như để nhắc nhớ thời khắc em bé chào đời trong khu cách ly đặc biệt.

Mới đây nhất vào sáng 9/3, một bé gái cũng đã cất tiếng khóc chào đời trong khu cách ly thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Bé gái nặng 2,8kg, là con của sản phụ 29 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trước đó, ngày 27/2, người mẹ này từ Trung Quốc nhập cảnh về Việt Nam và được cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe tại Trung đoàn 123. Đêm 8/3, chị có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt trong điều trị cho trường hợp đang cách ly, theo dõi phòng dịch được kíp bác sĩ của bệnh viện áp dụng để giúp sản phụ sinh con thành công. Hiện tại, hai mẹ con đều khoẻ mạnh và vẫn được cách ly để chăm sóc theo chế độ đặc biệt.

Như vậy cho đến nay đã có hai trường hợp sản phụ đi từ vùng dịch về Việt Nam an toàn và được các bác sĩ hỗ trợ sinh con khoẻ mạnh trong thời gian cách ly tập trung.

Bệnh nhi 3 tháng tuổi khỏi Covid-19

Cho đến thời điểm này, bé N.G.L. (xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sinh ngày 5/11/2019 là bệnh nhi duy nhất ở Việt Nam nhiễm virus COVID-19 mới và đã khỏi bệnh. Đối với hai mẹ con bé L., những ngày được theo dõi, chăm sóc trong khu cách ly Bệnh viện Nhi Trung ương là kỷ niệm không bao giờ quên.

Khi xác định bà ngoại của bé L. mắc bệnh (ca thứ 10 tại Việt Nam), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành điều tra lập danh sách người tiếp xúc gần trong đó có bé L. và mẹ cháu. Y tế cơ sở theo dõi hai mẹ con bé L. hàng ngày theo quy định và phát hiện ngày 6/2, cháu L. có biểu hiện quấy khóc, chảy nước mũi, ho húng hắng, khò khè nhẹ, sốt nhẹ 37.4 độ C, vẫn bú mẹ, không khó thở. Bệnh nhi được đưa đi khám và cách ly tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Bé N.G.L. (3 tháng tuổi) được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm dịch mũi họng và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

Ngày 11/2, bé L. được xác định dương tính với COVID-19, khi đó bé mới 3 tháng tuổi, là trường hợp F3 đầu tiên bị lây nhiễm ở Việt Nam. Bé đã lây từ bà ngoại, còn bà ngoại trước đó đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính COVID-19 ngày 22/1. Vậy là ngay trong ngày hôm đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên đã hội chẩn về trường hợp bé L.

Các bác sĩ nhận định tuy lúc đó sức khoẻ của bé ổn định nhưng do L. còn quá nhỏ, việc chăm sóc, điều trị cần có những yêu cầu riêng.

Thêm nữa, đề phòng ca bệnh này có những diễn biến phức tạp cần sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại nên 20 giờ 30 phút ngày 11/2, bé L. và mẹ được chuyển đến Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương và được đưa thẳng đến khu cách ly. Hai bác sĩ và hai điều dưỡng trong trang phục bảo hộ chờ sẵn để đón bệnh nhân. Họ được phân công cùng cách ly để chăm sóc điều trị riêng cho bé. Một chút hồi hộp và lo lắng lướt qua trong đầu họ, bởi đây là ca bệnh nhỏ tuổi nhất mắc COVID-19.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, Ban lãnh đạo và các bác sĩ tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương đã có chiến lược điều trị rõ ràng, khẩn trương và tập trung mọi sức lực để chữa khỏi cho cháu bé. Khi vào viện, bé L. tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhiệt độ 36,6 độ C. Trẻ có ho húng hắng, bụng mềm, gan, lách không to, bú tốt, đại tiểu tiện bình thường. Kết quả chụp X-quang tim, phổi cho thấy có tuyến hung to, tăng đậm nhánh phế quản sau tim trái.

Do cháu L. còn quá nhỏ nên không dùng được các phương tiện phòng hộ (đeo khẩu trang) nên nguy cơ thải tác nhân gây bệnh ra môi trường rất lớn, rất khó khăn trong việc ngăn nguồn lây. Một số hành động của trẻ như ho, nôn, trớ… đều có thể làm tăng thải virus ra môi trường. Vậy là làm thế nào để tránh lây bệnh cho mẹ và các nhân viên y tế?

Giải đáp thắc mắc này, TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Phòng ngừa và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương bật mí, bệnh viện đã cách ly hai mẹ con bé L. trong phòng áp lực âm tiêu chuẩn (dùng làm phòng mổ đặc biệt khi cần cách ly).

Để đảm bảo mẹ cháu bé không bị nhiễm bệnh, các bác sĩ hướng dẫn người mẹ không cho con bú trực tiếp, đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn tay theo đúng quy trình, đeo găng tay khi chăm sóc trẻ, giữ vệ sinh cá nhân để cắt đứt các đường lây nhiễm do tiếp xúc và giọt bắn. Vì vậy, người mẹ cũng như các điều dưỡng mặc dù thường xuyên chăm sóc, gần gũi bệnh nhi nhưng không lây bệnh.

Bệnh viện cũng đã cân nhắc nhiều phương án bố trí nguồn lực chăm sóc, điều trị ca bệnh. Ban đầu, phương án điều trị cho bé sẽ có 1 êkip làm việc liên tục trong buồng cách ly và cách ly luôn với gia đình họ. Nhưng nếu ê-kip đó làm việc liên tục, họ sẽ mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và sai sót có thể xảy ra. Chính vì vậy, Bệnh viện đã lựa chọn phương án có 2 ê-kip thay nhau chăm sóc và điều trị cho trẻ, khi đó hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.

Đến ngày 13/2, bé L. không sốt, còn ho, có đờm, không khó thở, tim phổi bình thường, đại tiểu tiện bình thường. Từ ngày 14/2 đến 17/2, tình trạng lâm sàng của bệnh nhi ổn định. Bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm 2 lần và đều cho kết quả âm tính với virus corona chủng mới.

Sau 10 ngày điều trị cách ly, đến ngày 20/2, bé L. đã khỏi bệnh và được xuất viện cùng mẹ. Giây phút rời bệnh viện, mẹ bé L. bày tỏ lòng biết ơn tới các bác sĩ, điều dưỡng đã không quản đêm ngày chăm sóc 2 mẹ con cô. Nhờ đó bé L. hồi phục tốt, đã hoàn toàn khỏi bệnh, ăn tốt, ngủ tốt, chịu chơi và không quấy khóc. Mẹ bé L. mong mỏi con gái lớn lên học giỏi, làm bác sĩ giống các bác để chữa bệnh cứu người.

Ngày 7/3/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 802/QĐ-BYT cho phép khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus Corona. Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương đủ năng lực và được phép thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm ca nhiễm COVID-19 để cách ly và điều trị kịp thời.
Huyền Châm
.
.