Những hiểm hoạ từ nạn trộm cáp quang

Chủ Nhật, 10/06/2007, 14:27

Tuyến cáp quang biển quốc tế TVH bị khai thác trái phép đã trở thành một sự kiện "nóng" trong những tuần qua. Không thể tưởng tượng nổi nền kinh tế nước ta sẽ bị suy sụp thế nào nếu như liên lạc giữa Việt Nam và quốc tế bị cắt đứt qua các đường truyền Internet.

Cho tới khi tuyến cáp quang biển TVH đã bị cắt tới gần 100km, sự việc tuyến cáp quang biển bị các ngư dân khai thác để... bán phế liệu mới được “phát hiện”, sự việc nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ này đã khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong việc khắc phục sự cố cũng như phòng ngừa những nguy cơ tương tự có thể xảy ra.

Sự cố đứt cáp ngầm được phát hiện tại Cà Mau, khi Công ty VTI, đơn vị quản lý hai tuyến cáp quang biển SMW-3 và TVH cho sửa chữa một bộ phận trên tuyến cáp này, từ đây người ta mới phát hiện ra nhiều đoạn cáp đã bị cắt đứt, lúc đầu phát hiện chỉ là 11km, càng lần theo mối cắt, càng thấy bị chặt nhiều, cho đến giờ chiều dài cáp quang biển bị cắt đứt được phát hiện đã lên đến gần 100km.

Nguyên nhân sự cố đứt cáp quang biển đã được xác định là do ngư dân cắt cáp để bán phế liệu. Hiện tại thì toàn bộ thông tin liên lạc qua cáp quang biển đã được chuyển sang tuyến SMW-3, nhưng sau sự cố với TVH thì cho thấy, đến giờ vẫn chưa có biện pháp nào để đảm bảo rằng, tuyến cáp SMW-3 còn lại không trở thành hàng... phế liệu.

Thông tin từ Việt Nam đi quốc tế được truyền tải trên hai tuyến cáp quang biển là SMW-3 và TVH; 3 tuyến cáp đất liền là CSC, VNPT- China Unicom và TP HCM - Phnom Penh; hệ thống thông tin vệ tinh. 2 tuyến cáp quang biển truyền tải đến hơn 83% dung lượng thông tin liên lạc, nếu xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mạng Internet, nếu sự cố cắt cáp quang tiếp tục xảy ra với tuyến cáp SMW-3 như đã xảy ra với TVH, mạng Internet có nguy cơ bị sập trước tiên. Lưu lượng thông tin của tất cả các ngành, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, cũng đều chạy trên 2 tuyến cáp biển này.

Tại Việt Nam, đơn vị quản lý nhiều tuyến cáp quang nhất là Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI)  thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông. VTI là thành viên trực tiếp quản lý hai trạm cập bờ của hai hệ thống cáp quang biển quốc tế là SMW-3 và TVH. Hệ thống cáp quang bị cắt trộm TVH được đưa vào khai thác tháng 11-1995 kết nối Thái Lan - Hồng Công - Việt Nam. SMW-3 và TVH được coi là hai hệ thống cáp quang huyết mạch chính kết nối mạng viễn thông Việt Nam ra thế giới, cung cấp các dịch vụ thoại, fax, Internet và truyền số liệu.

Cắt trộm cáp viễn thông trên biển.

Tình trạng khai thác cáp ngầm trên biển đã manh nha từ năm 2006 và bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2007, theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an, tổng số cáp viễn thông đã bị ngư dân “khai thác” theo kiểu phế liệu bị cơ quan chức năng bắt giữ và phát hiện lên đến 808.250 kg.

Tháng 5/2006, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã phát hiện và bắt giữ hai tàu đánh cá Kiên Giang đang “khai thác” dây cáp viễn thông. Đầu tháng 6/2006, Công an tỉnh BR-VT phát hiện nhiều đối tượng đang trên đường vận chuyển hơn 15.000 kg dây cáp đã qua sử dụng đi tiêu thụ. Đối tượng khai nhận đã mua lại của một chủ tàu đánh cá Kiên Giang.

Ngày 16/8/2006, không hiểu lý do gì, UBND tỉnh BR-VT đã có công văn đồng ý để ông Nguyễn Văn Hòa phối hợp với một cơ quan chức năng tổ chức thu gom cáp phế liệu trên biển tại các tọa độ đã được xác định trước. Có thông tin cho rằng, ngay sau khi được cấp phép, ông Hòa đã huy động thêm một số người cùng nhiều tàu bè tổ chức “khai thác” triệt để phế liệu, cáp viễn thông dưới biển rồi đưa về TP HCM tiêu thụ.

Ngay lập tức nhiều chủ tàu khác đã lợi dụng điều này để khai thác hàng chục tấn cáp ngầm viễn thông. Đến đầu tháng 2/2007, trước việc khai thác cáp ngầm ngày một rầm rộ, Công an tỉnh BR-VT đã có công văn gửi UBND tỉnh với đề nghị không cho người dân khai thác cáp ngầm trên vùng biển Vũng Tàu.

Ngày 13/2/2007, UBND tỉnh BR-VT đã có công văn yêu cầu chấm dứt ngay việc thu gom cáp phế liệu trên biển. Nhưng đến lúc này thì các đơn vị chức năng đã không thể kiểm soát được tình hình dù đã thu hồi giấy phép khai thác cáp phế liệu trên biển.

Sự việc cắt cáp quang biển không chỉ được phát hiện tại tỉnh BR-VT mà còn được các cơ quan chức năng phát hiện tại nhiều địa phương khác. Tháng 2/2007, trên 150.000 kg cáp viễn thông đã được lực lượng chống buôn lậu Công an tỉnh Sóc Trăng phát hiện trên hai tàu đánh cá. Các đối tượng trên khai nhận rằng, trong quá trình đánh bắt hải sản, do tàu vướng cáp ngầm nên đã tiện tay... cắt luôn và mang về đất liền để bán.

Tháng 3/2007, Công an tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 3 tàu đánh cá Kiên Giang chở khoảng 366.000kg cáp. Các chủ tàu khai nhận, số cáp này đã được cắt tại vùng biển tỉnh BR-VT.

Mới đây nhất, vào ngày 3/5, trong khi tuần tra, các chiến sĩ Đồn biên phòng 714 - Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã phát hiện hai tàu đánh cá đang chở khoảng 80 tấn cáp, chủ tàu cho biết rằng, trên đường đi khai thác hải sản xa bờ, tàu của ông vướng phải cáp nên đã tìm cách lấy số cáp trên về bán... phế liệu.

Ngày 22/5, Bộ đội Biên phòng BR-VT cũng đã phát hiện và bắt giữ thêm 3 tàu đánh cá chở 40 tấn cáp quang “khai thác” trên biển.

Hầu hết ngư dân cho rằng đi biển và... vô tình gặp cáp biển, tưởng phế liệu nên lấy về bán chứ không biết mức độ, tính chất quan trọng của loại cáp này.

Việc cáp quang biển bị “khai thác” trái phép đã được cảnh báo từ tháng 3/2007, nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện được không ít tàu của ngư dân chở hàng chục tấn cáp quang vừa bị cắt trên nhiều vùng biển.

Ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế VTI cho biết: “Nếu như tuyến SMW-3 mà mất ở địa phận Việt Nam, đây là nguy cơ cực kỳ nguy hiểm, thông tin tại Việt Nam sẽ mất khoảng 90%, ảnh hưởng sẽ là rất lớn không chỉ về tài sản. Những việc làm liều lĩnh, vô ý thức của một số ngư dân khi cắt trộm cáp quang biển có thể đặt Việt Nam vào tình thế bị cô lập thông tin với thế giới”.

Công ty VTI cũng đã làm việc với các địa phương để vận động nhân dân không nên “khai thác” cáp trên biển vì lợi ít hại nhiều. Việc cắt trộm các tuyến cáp quang biển sẽ làm thiệt hại hàng triệu USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Bảo vệ được những tuyến cáp quang quan trọng này hay không, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. --PageBreak--

Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Bưu chính - Viễn thông phối hợp với cùng cơ quan chính quyền các địa phương ven biển nhanh chóng nghiên cứu việc khai thác các loại phế liệu trên biển nhằm hạn chế việc lợi dụng đánh bắt hải sản để xâm hại các loại cáp biển đang được sử dụng.

Công điện ngày 31/5 của Thủ tướng chính phủ cũng nhấn mạnh việc triển khai khẩn cấp một số việc phòng chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển và đảm bảo việc thông tin liên lạc. UBND các tỉnh, TP ven biển phải phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về tầm quan trọng của cáp viễn thông ngầm trên biển và ý thức pháp luật về bảo vệ an ninh thông tin quốc gia, tố giác những người vi phạm.

Xung quanh vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, PV ANTG đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin VNPT.

- Ông đánh giá thế nào về hành vi phá hoại này?

Ông BQV: Hậu quả của sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh thông tin quốc gia, giao lưu quốc tế của Việt Nam vì đây là tuyến cáp kết nối đi hơn 30 hướng trên thế giới.

Đây cũng là sự cố hy hữu, bởi lẽ chưa có quốc gia nào xảy ra tình trạng tương tự. Hơn bao giờ hết, trách nhiệm cũng như thiệt hại của sự cố sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến  hoạt động thông tin liên lạc cũng như uy tín của quốc gia.

Hành vi xâm hại đến công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia như hệ thống cáp viễn thông quốc gia được Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam quy định rõ ràng. Mức hình phạt cao nhất đối với hành vi xâm hại này có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.

- Thưa ông, Tập đoàn  Bưu chính - Viễn thông (VNPT) sẽ khắc phục sự cố “cáp quang” như thế nào?

Ông BQV: Do đặc thù của tuyến cáp viễn thông quốc tế có nhiều nước cùng tham gia xây dựng và bảo dưỡng, vì vậy khi xảy ra sự cố đơn vị chủ quản đã phải thuê tàu chuyên dụng nước ngoài vào để sửa chữa. Theo thông báo của tàu sửa chữa cáp, do cáp bị cắt nhiều đoạn, để khôi phục lại phải sử dụng khoảng 98km cáp mới để nối lại tuyến cáp. Để tiến hành sửa chữa tuyến cáp phải mất thời gian là 3 tháng, ước tính nguyên chi phí thuê tàu để sửa là khoảng 2,8 triệu USD (chưa tính phần vật tư thiết bị). Chi phí phải trả để duy trì thông tin liên lạc qua SMW3 trong thời gian sửa chữa, khôi phục tuyến cáp TVH dự kiến lên tới hàng triệu USD.

Còn ngay từ khi phát hiện sự cố, VNPT đã thông báo tới các đối tác cùng khai thác tuyến cáp để tham gia khắc phục, đồng thời nhanh chóng gửi công văn và hồ sơ liên quan tới các cơ quan hữu quan để cho phép tàu cáp vào sửa chữa. Bên cạnh đó, VNPT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và liên tục gửi các văn bản báo cáo khẩn cấp tới bộ chủ quản, các bộ, UBND các tỉnh, ngành liên quan cũng như thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo tình hình.

Gần đây nhất, VNPT đã có công văn khẩn gửi các đơn vị trực thuộc có liên quan, các bưu điện tỉnh, thành phố ven biển để tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để cảnh báo, nâng cao ý thức của nhân dân. Tuy vậy trong những tuần qua tình trạng khai thác trái phép cáp quang vẫn tiếp tục tái diễn.

Để ngăn chặn kịp thời hơn, ngày 31/5/2007 VNPT cũng đã tổ chức các đoàn công tác do trực tiếp đồng chí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đi cùng với các Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông  đến làm việc với Lãnh đạo các tỉnh ven biển nơi có tuyến cáp biển đi qua và các cơ quan có liên quan để phối hợp với địa phương tìm biện pháp ngăn chặn kịp thời nguy cơ tuyến cáp biển còn lại tiếp tục bị xâm hại.

- Từ sự cố này, theo ông chúng ta nên làm gì?

Ông BQV: Mọi hoạt động thông tin liên lạc của quốc gia với quốc tế đang đứng trước nguy cơ bị tê liệt, uy tín của Việt Nam sẽ bị giảm sút, lợi ích kinh tế của đất nước cũng như mỗi người dân sẽ bị tổn hại nếu như hệ thống cáp viễn thông trên biển không được ngăn chặn, bảo vệ kịp thời.

Với vai trò là đơn vị chủ quản, VNPT mong muốn Chính phủ sẽ có những chỉ đạo kịp thời, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh ven biển ngăn chặn ngay tình trạng khai thác tuyến cáp cũ, phá hoại hệ thống cáp viễn thông biển để bảo vệ tài sản quốc gia cũng như uy tín của Việt Nam với các đối tác quốc tế trong việc khai thác bảo vệ hệ thống cáp viễn thông.

Chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh ven biển đình chỉ ngay đối với những hành vi vi phạm như khai thác, vận chuyển, mua bán cáp quang biển, vì những hoạt động này là nguy cơ dẫn đến phá hoại hệ thống cáp biển đang hoạt động. Về phía Quân đội, Công an chúng tôi mong có sự phối hợp chặt chẽ để bảo vệ tuyến cáp tại thời điểm hiện tại cũng như lâu dài.

Bên cạnh đó đề nghị Cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm minh những hành vi phạm pháp, xâm hại đến hệ thống cáp thông tin biển. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của tuyến cáp thông tin trên biển cũng như những quy định nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi phá hoại, trộm cắp, vận chuyển, buôn bán cáp viễn thông.

- Xin cảm ơn ông!

Thuận Nguyên - Hoài Thu
.
.