Chuyện chưa kể về những chú cảnh khuyển ở Việt Nam:

Những huấn luyện viên tài ba (kỳ 2)

Thứ Sáu, 29/01/2016, 11:20
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 09 của Bộ Công an về “Tăng cường công tác quản lý sử dụng chó nghiệp vụ trong CAND” (từ năm 2004 đến 2014) lực lượng Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đã tham gia 740 vụ án các loại, hỗ trợ tích cực cho các lực lượng nghiệp vụ đấu tranh, điều tra làm rõ nội dung vụ án về hình sự, ma túy, vật liệu nổ… Có được kết quả trên là nhờ những cán bộ chiến sỹ tâm huyết, sống, chết với nghề.


1. Chúng tôi có mặt tại xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) vào một ngày đông buốt giá, gió như hắt nước đá vào mặt. Đúng 9 giờ sáng dù trời đang rét căm căm, nhưng trên thao trường 8 chú chó cùng cán bộ huấn luyện của Phòng 6 K204 vẫn miệt mài tập luyện. Từ những động tác cơ bản như: ngồi, nằm, trườn, bò… đến các động tác nâng cao như truy đuổi, tấn công đối tượng… được tập luyện một cách kỹ lưỡng, thuần thục.

Thượng úy Đỗ Văn Chức cán bộ huấn luyện kể với chúng tôi: Đây là nhóm cảnh khuyển chuyên có nhiệm vụ tấn công, truy lùng tội phạm nên con nào con nấy trông sung sức, dữ tợn. Chính những con Tôm, Itaca… trong đội hình này đã tham gia chuyên án X nảy lửa trên đất Sơn La mùa hè hai năm về trước.

Sang một khu vực khác, ở đây có những mô hình rất lạ mắt. Những giếng nước, nhà kho, đống đất đá, căn hầm bé tí, xe ôtô… được tạo dựng như thật, để các chiến sỹ bốn chân tập luyện. Một chiến sỹ "quân xanh" được lệnh trốn vào một trong những căn hầm. Sau tiếng hô "bắt đầu" của Đội trưởng, Thiếu úy Nguyễn Vũ Cương dẫn chú khuyển tên Rex của mình bắt đầu bài tập truy tìm dấu vết tội phạm.

Rất nhanh, Rex lùng sục trong các bãi đá, giếng nước và "bỏ qua" những vị trí không có người. Khi đến gần căn hầm, đột nhiên nó sững lại đánh hơi kỹ. Rồi như đã phát hiện thấy người, nó nhe răng, nhảy chồm chồm và sủa váng lên. Khi "quân xanh" bò từ trong hầm ra, Cương phải giữ dây thật chặt vì dường như Rex muốn "ăn thua đủ" với "tội phạm".

Cũng theo Thượng úy Chức, việc huấn luyện cho các chú khuyển tưởng đơn giản, song lại vô cùng phức tạp. Người cán bộ phải có lòng kiên trì, yêu động vật, yêu nghề nghiệp… thì mới có thể vượt qua. Nhớ lại ngày 25-10-2013, Chức được đơn vị giao quản lý dạy dỗ Tôm. Nó cứ như đứa trẻ rất háo hức, mừng quýnh chạy quanh chân anh.

Huấn luyện viên Phòng 6 K204 đang luyện tập cho chó nghiệp vụ trên thao trường.

Bắt đầu những giây phút thân hòa đầu tiên và Tôm cũng coi anh như một người chủ thực sự, đặc biệt rất thích được khen. Anh bắt đầu gắn bó với nó chăm sóc như đứa con bé bỏng, hướng dẫn từng động tác nhỏ nhất, giáo dục tính kỷ luật. Sau 1 tháng trời ròng rã, bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 23 giờ đêm và quên cả ngày nghỉ, Thượng úy Chức đã đào tạo Tôm thành một lính chiến thực thụ, hình thành phản xạ của một chú chó nghiệp vụ giỏi.

Có những ngày Tôm bị ốm, nó bỏ ăn khiến cho Chức rất lo lắng. Biết Tôm không nuốt nổi cơm, Chức phải trực tiếp xuống nhà bếp nấu nồi cháo với đầu, cổ gà nghiền nhỏ rồi bón từng thìa cho nó. Bác sỹ thú y của đơn vị xác định Tôm bị tiêu chảy, cần phải uống thuốc. Mỗi khi uống, Chức đều phải có mặt để động viên nó mới chịu cho các bác sỹ chăm sóc.

2. Ở Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ có một đôi vợ chồng mà mọi người hay nói vui là… "vợ chồng cảnh khuyển". Đó là gia đình của Đại tá Lê Xuân Phong, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện cán bộ sử dụng chó nghiệp vụ (Phòng 2) và Thượng tá Bùi Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kiểm tra hướng dẫn sử dụng chó nghiệp vụ (Phòng 5).

Đại tá Phong có vóc người tầm thước, cách nói chuyện chậm rãi từ tốn và khúc chiết, đúng như phong thái của một người thầy giáo. Về công tác tại K204 từ năm 1976, Đại tá Phong đã có 40 năm công tác tại đây, thâm niên có lẽ chỉ sau Đại tá Nguyễn Ngọc Tăng - Phó cục trưởng K204.

Thời gian đầu, Đại tá Phong được phân công công tác tại Phòng Chăm sóc thú y. Chàng lính trẻ khi ấy ngoài tình yêu với động vật ra thì chưa có kiến thức gì cả. Nhưng bằng sự say mê nghề nghiệp, cần cù chịu khó trong học tập Phong đã chăm sóc, nuôi nấng và phát hiện ra hàng trăm cảnh khuyển có năng khiếu tấn công, hoặc nhận biết mùi hơi… để K204 đưa vào sử dụng.

"Thời kỳ mới công tác tại đây, đất nước còn khó khăn, cuộc sống ai cũng vất vả khó khăn. Song nhiệm vụ phải chăm sóc chó khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn nên chuyện cán bộ chiến sỹ phải nhường cơm sẻ áo với chó là chuyện bình thường".

Tình huống tấn công đối tượng.

Rồi giống như một nhà… khuyển học, Đại tá Phong kể tiếp. Được nhập từ Đức và một số nước Đông Âu, giống chó bécgiê lúc đầu chưa quen thủy thổ ở Việt Nam, rất khó nuôi và hay đau ốm. Khi đó thuốc thang còn khó, cán bộ phải đi tìm những cây cỏ như cây nhọ nồi, cây hoa cứt lợn, vỏ xà cừ… để sắc rồi bón cho chúng. Sau một thời gian dài làm quen, đám khuyển bắt đầu mạnh khỏe, sinh sôi.

Chó thường động dục mỗi năm hai lần, vào tháng 2 và tháng 7 hàng năm. Sau 2 tháng mang bầu, chó cái sẽ đẻ từ 4-8 con mỗi lứa. Nhiều khi chó mẹ không đủ sữa, cán bộ phòng chăn nuôi thú y lại phải "lượn" ở nhiều nhà dân xung quanh "tăm tia" xem nhà nào có chó đẻ không để xin cho bú nhờ. Bên cạnh đó, cán bộ thú y còn phải lấy xơranh để hút cháo, hút sữa bơm vào miệng cho chó mẹ.        

"Chăm sóc lũ chó, quả là thập phần vất vả. Có khi đến vợ con mình ở nhà cũng còn chưa được hưởng sự chăm sóc cầu kỳ, chu đáo như những chú khuyển ở đây. Hiện K204 thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện đến 300 cá thể chó nghiệp vụ (bao gồm cả chó gây giống, chó trưởng thành…). Cũng vì thế mà nhiệm vụ của các cán bộ, bác sỹ thú y của Cục luôn phải cố gắng hết sức mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Đại tá Phong chia sẻ.

Khi chó đã được từ 9-12 tháng, cán bộ K204 bắt đầu tuyển lựa xem từng con có những năng khiếu nào để tiếp tục bồi dưỡng. Có những chú thần kinh vững vàng, nhạy với mùi sẽ được đào tạo để giám biệt mùi hơi, chất đặc định (như ma túy, chất nổ). Có chú thì tính khí "hung hăng", thích sục sạo, có sức khỏe sẽ được phân sang "khoa" tấn công tội phạm hoặc bảo vệ, chống khủng bố.

Cũng theo Đại tá Phong, việc sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội được đưa thành "giáo trình" không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước khác trên thế giới.

Lợi dụng bản năng ưu việt của chó như: mắt tinh, tai thính; mũi nhạy, hàm răng chắc khỏe; trung thành với con người; sức chạy nhanh; tính cảnh giác cao… Lực lượng Công an đã tiến hành huấn luyện chó nghiệp vụ tham gia công tác bảo vệ, phòng ngừa rất có hiệu quả. Lĩnh vực công tác nghiệp vụ này được huấn luyện và sử dụng nhiều nhất so với cơ cấu các lĩnh vực công tác nghiệp vụ khác (thường chiếm 65 - 70% tổng số chó nghiệp vụ toàn quốc).

Phút "thư giãn" của Thiếu úy Nguyễn Vũ Cương và Rex sau những giờ luyện tập vất vả.

Trong hiện tại và quá khứ chó nghiệp vụ được huấn luyện để sử dụng bảo vệ các mục tiêu, các sự kiện quan trọng.

Trong công tác bảo vệ, phòng ngừa, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tuần tra kiểm soát rất có hiệu quả, chó nghiệp vụ được các lực lượng nghiệp vụ yêu cầu sử dụng đã có tác dụng răn đe, uy hiếp tội phạm, đã hạn chế các hành động manh động, quá khích của đối tượng, bảo vệ an toàn tính mạng của lực lượng Công an thi hành nhiệm vụ.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, các đối tượng phạm nhân, trại viên nhiễm HIV/AIDS tăng lên, chúng thường xuyên gây rối, quậy phá, chống lại sự quản lý của lực lượng Cảnh sát trại giam. Các đơn vị thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) đã sử dụng chó nghiệp vụ răn đe, trấn áp, cưỡng chế các phạm nhân về nơi giam giữ, lập lại trật tự an toàn của trại giam; chó nghiệp vụ được sử dụng để dẫn giải can phạm nhân, bảo vệ thi hành án, bảo vệ phiên tòa xét xử, đuổi bắt các đối tượng côn đồ hung hãn, khống chế bắt giữ các đối tượng chống người thi hành công vụ; giải tán các vụ tụ tập đông người bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng.

Ngoài ra, chó nghiệp vụ còn tham gia các hoạt động nghiệp vụ khác như tham gia hợp luyện, diễn tập các phương án chống gây rối trật tự công cộng, bạo loạn biểu tình, bắt cóc con tin…

Một số chiến công nổi bật của lực lượng chó nghiệp vụ

Khám phá vụ giết người ở Phú Thọ:

Ngày 7-12-2004, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị C69 sử dụng chó nghiệp vụ giám biệt hơi vụ giết cướp xảy ra ngày 4-12-2004 tại thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ). Tại hiện trường phát hiện một thi thể phụ nữ được nhét trong bao tải và một chiếc nón lá buộc dây bằng chiếc khăn mùi xoa. Đây là vụ án rất nghiêm trọng, gây hoang mang trong nhân dân.

Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tập trung điều tra để nhanh chóng làm rõ vụ án và đề nghị sử dụng chó nghiệp vụ để hỗ trợ công tác điều tra phá án. Trong các ngày 9, 10 và 11-12-2004, chó nghiệp vụ giám biệt hơi đều phản ứng giữa hơi chiếc khăn mùi soa trên chiếc nón lá và hơi của Hà Thị Bích Thủy (một trong 7 mẫu hơi so sánh) là đồng nhất.

Đây chính là một căn cứ quan trọng để Cơ quan CSĐT đã tập trung hướng điều tra vào đối tượng Hà Thị Bích Thủy và Thủy đã thừa nhận cùng chồng giết chị Hà Thị Thơm để cướp tài sản.

Khám phá vụ trọng án ở TP Hải Phòng:

Hồi 16 giờ 45 phút ngày 2-5-2010, ông Phạm Đề Kháng (SN 1949, trú tại 15/213 Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, Lê Chân) bị hung thủ đột nhập vào nhà dùng súng bút sát hại.

Quá trình điều tra, Công an quận Lê Chân đã thu được 1 khẩu súng hình bút màu đen dài khoảng 20cm, 1 áo phông ngắn tay màu trắng và 1 quần soóc nam màu ghi tại khu vực nhà số 7/213 Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, Lê Chân nghi là của đối tượng vứt lại trên đường bỏ chạy.

Sau khi sàng lọc, Cơ quan CSĐT đã thu tại nhà đồ vật của đối tượng nghi vấn gồm: 1 chiếc mũ lưỡi trai, 1 áo phông dài tay, 1 áo phông ngắn tay, 1 áo sơ mi ngắn tay, một quần bò. Kết quả: nguồn hơi thu trên khẩu súng hình bút, áo phông ngắn tay và quần soóc nam màu ghi thu ở hiện trường đồng nhất với nguồn hơi trên chiếc mũ lưỡi trai và 3 chiếc áo, 1 chiếc quần bò của đối tượng Nguyễn Tiến Công (SN 1974, trú tại 5/213 Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Lê Chân) là đối tượng đã có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích.

Kết quả này đã giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng phá án, đối tượng đã bị bắt và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Minh Tiến
.
.