Những lá thư gửi từ trái tim

Thứ Sáu, 26/06/2015, 15:00
Mỗi lần nhắc đến các liệt sĩ, bà Tuyết lại khóc. Chẳng ai giao, bà cứ thế tự liên hệ, tự tìm đến cơ quan chức năng, thậm chí là tự đến nghĩa trang hay tìm đến tận nơi chôn cất các anh để lấy thông tin, rồi gửi thư báo về cho các gia đình. Hơn 10 năm đi tìm kiếm thông tin liệt sĩ, hơn 10 nghìn lá thư báo tin như thế đã gửi đi. Có thư phản hồi tréo ngoe, có lá gửi đi bặt vô âm tín. Có người bảo bà… hâm! Kệ. Bà vẫn làm. Bà tự nhủ mình làm việc này bằng tâm niệm với người đã ngã xuống vì đất nước này, đâu phải làm cho người đang sống?

1. Tôi cố gắng hình dung người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu, nước da trắng với mái tóc bạc gần hết đang ngồi trước mặt tôi từng là một xã đội trưởng kiên cường trong bom rơi đạn lửa. Mai Thị Tuyết ngày xưa, cùng với Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng từng là 3 cái tên "lẫy lừng" thời kháng chiến chống Mỹ với những thành tích mà đến cả nam giới cũng ít người bì kịp.

Cái thời mà Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu ở Hàm Rồng, Thanh Hóa thì xã đội phó Mai Thị Tuyết cũng chỉ huy cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ ngay trên quê hương Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định.

Tham gia dân quân từ năm 1962, năm 1967, khi đi dự Hội nghị Chiến sĩ Quyết thắng của Quân khu 3, Mai Thị Tuyết đã là chỉ huy xã đội. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, cô xã đội trưởng xinh đẹp Mai Thị Tuyết còn là cả một câu chuyện về vận động thành lập đội nữ dân quân ngay giữa cộng đồng Công giáo, một việc không mấy ai làm được…

Xinh đẹp, quả cảm, nữ dân quân Mai Thị Tuyết bén duyên với anh bộ đội quê Cần Thơ tập kết Nguyễn Thanh Toàn. Hai người xây dựng gia đình năm 1964. Thế nhưng phải đến 6 năm sau, khi năm 1969 chồng ở chiến trường ra, bản thân thì bị sức ép bom đạn nên phải đi an dưỡng, họ mới sinh được mụn con trai đầu lòng vào năm 1970. Sinh con xong chồng lại đi biền biệt. Đến khi đất nước thống nhất năm 1975, bà Tuyết mới quyết định theo chồng vào Nam.

Ban đầu công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, sau về Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương II thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và định cư tại số nhà 50/1, tổ 3, đường 4, khu phố 5, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM.

Cựu chiến binh Mai Thị Tuyết bên chồng thư đã viết xong, chuẩn bị gửi.

Năm 1984, vết thương cũ tái phát, bà được nghỉ mất sức. Sau thời gian hồi phục, các con đã lớn, bà Tuyết bắt đầu những chuyến đi về chiến trường xưa. Và bước ngoặt mở đầu thôi thúc bà thực hiện những lá thư gửi báo tin liệt sĩ bắt đầu từ một trong những chuyến đi như thế.

2. Một lần, bà trở về quê hương Hải Chính, Hải Hậu. Đất nước giờ đây đã hòa bình. Cảnh vật, làng quê cũng khác xưa. Những cô, anh dân quân bắn rơi máy bay địch ngày nào, nay đã lên chức ông, chức bà, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chỉ có điều, đi thăm lại các gia đình khi xưa từng đến để vận động chồng, cha, anh họ nhập ngũ, bà xã đội trưởng mới giật mình thảng thốt: Trời ơi, sao nhiều người chưa về vậy?

Mỗi lần như thế, trái tim bà Tuyết như thắt lại. Các anh ra đi theo tiếng gọi của non sông, đã trọn nghĩa vẹn tình với đất nước. Nhưng còn với người ở lại, bà Tuyết nghĩ, họ đâu có lý gì cứ phải mãi canh cánh trong lòng với tờ giấy báo tử chỉ có dòng thông báo cụt lủn: Hy sinh tại mặt trận phía Nam! Có người còn níu tay bà xã đội trưởng lại để hỏi: Bà ơi, thế bà ở trong đó, bà nói cho con nghe "mặt trận phía Nam" là chỗ nào với? Thiên địa ơi! Thời chiến, tất cả hướng về tiền tuyến, mọi thứ giản lược tối đa thì thôi. Hòa bình đã bao nhiêu năm rồi, sao vẫn vậy? Trong đầu bà cựu chiến binh chợt bùng lên tâm huyết: Mình sẽ đi tìm các anh về. Chắc chắn thế! Đó là khoảng những năm 2000.

Nhưng cũng phải đến đầu năm 2004, những chuyến đi đầu tiên mới được khởi động. Hành trình tìm kiếm vừa mới bắt đầu thì cũng là lúc bà Tuyết nhận được tin dữ: Người con trai thứ hai của ông bà, sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, mắc căn bệnh nan y giai đoạn cuối. Chồng qua đời vì bạo bệnh chưa lâu, giờ lại đến con trai… Nhưng còn lời hứa với các anh thì sao? Rồi bà tự nhủ: Mỗi người một số phận. Cũng không thể lần lữa thêm được nữa. Và thực tình trong tâm người mẹ, bà mong muốn có một phép mầu sẽ xảy ra…

Bà Tuyết (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo xã Hải Chính và Hội đồng hương trong lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của xã Hải Chính, năm 2010.

Nhưng rồi chẳng có phép mầu nào cả. Cuộc sống luôn nghiệt ngã vậy. Gạt nỗi đau sang bên, bà Tuyết quyết chí thực hiện tâm nguyện. Ban đầu, chủ ý của bà chỉ định tìm những liệt sĩ đồng hương quê Hải Chính, Hải Hậu để báo tin về các gia đình ở quê mình. Nhưng đến khi tiếp xúc với thông tin, bà mới lại bàng hoàng thêm một lần nữa: Các anh hy sinh nhiều đến vậy sao? Đâu phải chỉ Nam Định, mà từ Cao Bằng đến Hà Tây, từ Hà Nam đến Hà Tĩnh, làng nào, xã nào cũng có người ngã xuống. Và khi nhìn vào danh sách ấy bà mới lại càng thương hơn nữa. Phần nhiều là chiến sĩ, A trưởng, A phó, B trưởng, B phó… Các anh ra đi còn trẻ quá! Thế là bà Tuyết tự giao nhiệm vụ cho mình: Sẽ tìm kiếm thông tin, lần lượt gửi hết thông báo về gia đình các anh. Từng người một. Và không phân biệt quê quán nữa!

3. Thế nhưng tìm là tìm thế nào? Hay lại như mấy trò mê tín dị đoan mà cả xã hội đang lên án chăng? Bà Tuyết bảo, chính vì đã từng chứng kiến một số gia đình khổ sở vì mấy trò lừa đảo ấy nên bà càng quyết tâm thực hiện công việc này.

Thời gian đầu, bà đi khắp các tỉnh phía Nam, gõ cửa các cơ quan có chức năng để xin danh sách liệt sĩ theo quê quán. Nơi nào không đến được, bà Tuyết gửi thư đề nghị xin được cung cấp thông tin qua đường bưu điện.

Lại có trường hợp, thông qua ký ức của các cựu chiến binh khác, bà cất công tìm đến tận nơi mai táng các anh như lời kể. Từ mô tả của đồng đội và sự mách bảo của người dân địa phương, bà cùng đơn vị bộ đội địa phương khai quật được nơi các anh nằm bên dưới, trên là chuồng nuôi gia súc của bà con. Sau lần ấy, cứ nghĩ đến cảnh các anh phải nằm dưới chỗ ẩm thấp, hôi hám ấy bà khóc cạn nước mắt…

Biết việc làm của nữ cựu chiến binh năm xưa, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ cả bằng tinh thần và hành động. Bà Tuyết đưa cho tôi xem bản "Danh sách liệt sĩ quê Vĩnh Phú thuộc F9-QĐ4" do ông Nguyễn Sỹ Hồ cung cấp. Được biết bản danh sách này ông Hồ đã đăng tải lên mạng rồi, nhưng khi biết việc bà Tuyết làm, ông Hồ đã in ra vì "tôi không có điều kiện gửi thư thì tôi chuyển cho bà để bà thông báo về gia đình các anh em!".

Mai Thị Tuyết và Ninh Thị Hoàn tại Đại hội Quyết thắng Quân khu 3/1967.

Bà Tuyết bảo toàn bộ thu nhập từ quán trứng vịt lộn buổi chiều của bà, bà dành cả cho chi phí in giấy tờ, phong bì, bao thư. Ngày bán nhiều được 100 nghìn, ít được 60 nghìn. Cứ dăm ba ngày đạp xe ra phố gửi một lần. Ấy thế mà cũng đủ hết các chiến trường miền Nam. Bây giờ  bà bắt đầu chuyển sang chiến trường Campuchia…

Bất chợt nhìn vào một trong những dòng có đánh dấu bằng bút đỏ (tức là đã gửi thư rồi), tôi thấy số thứ tự 34; liệt sĩ Nguyễn Hữu Cầu; H1-AT; nguyên quán Việt Long/Đa Phúc; tỉnh Vĩnh Phú; ngày nhập ngũ 4/1/1968; đơn vị E3-F9; ngày hy sinh 27/5/1972; nơi mai táng Đồi 100 Tây bắc An Lộc; người thân là Nguyễn Thị Lộc.

Bà Tuyết cho biết những thông tin này được gửi cho gia đình liệt sĩ. Việc của bà phải làm là chuyển những địa danh xã, huyện, tỉnh cũ (khi chưa tách tỉnh) bằng cách đối chiếu với tỉnh đã tách hoặc xã, huyện đã đổi tên để địa chỉ gửi đến sao cho đúng tay người cần nhận. Đây cũng là một trong những lý do thôi thúc bà Tuyết làm việc này bởi nhiều thông tin liệt sĩ, tuy đã được công khai nhưng thân nhân các gia đình không tiếp cận được một cách đầy đủ.

Trong trường hợp gia đình nhận được thư báo của bà Tuyết mà có phản hồi yêu cầu được giúp đỡ, thì bà lại gửi tiếp cho gia đình các mẫu đơn đề nghị được chế bản, in sẵn với các dòng địa chỉ gửi: Ban chính sách, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh ấy. Đơn này, theo bà Tuyết, được soạn dựa theo Mẫu 09, Phiếu cung cấp thông tin về nơi đã chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Trong đơn, bà Tuyết cho in sẵn các dòng như tên gia đình thân nhân, đơn vị của liệt sĩ, ngày hy sinh, nơi mai táng liệt sĩ lúc hy sinh và đề nghị hỏi liệt sĩ có ở trong nghĩa trang của tỉnh quản lý không cho gia đình được biết? Gia đình chỉ việc điền thêm những thông tin cần thiết và gửi theo địa chỉ như trên, chờ cơ quan ấy trả lời kết quả tra cứu.

Cho đến tận khi viết lên những dòng này, tôi vẫn băn khoăn vì sao một việc rất cụ thể và hiệu quả ấy, hóa ra lại được hệ thống lại theo cách đơn giản bởi một cựu chiến binh đã gần cái tuổi thất thập cổ lai hy? Phải chăng nó xuất phát từ cái tâm của người thực sự mong muốn đưa liệt sĩ về với thân nhân của họ, thay vì chỉ như nghĩa vụ phải làm, một cách máy móc theo những quy định, hay văn bản cứng nhắc nào đó?

4. Phản hồi về với bà Tuyết nhiều lắm. Có những gia đình đang đêm cũng phải điện thoại cho bà để bày tỏ sự biết ơn vì bao nhiêu năm người thân bặt vô âm tín. Trong lá thư gửi bà Mai Thị Tuyết, ông Nông Phúc Tính, địa chỉ thôn Lăng Hối, xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, là anh trai của của liệt sĩ Nông Phúc Niên cho biết: "Liệt sĩ Nông Phúc Niên sinh năm 1949, cấp bậc Thượng sĩ, nhập ngũ tháng 2/1968, chức vụ A trưởng, đơn vị K-B, hy sinh ngày 7/2/1970 tại mặt trận phía Nam và theo giấy báo tử của liệt sĩ là đã được mai táng tại Nghĩa trang mặt trận phía Nam".

Mặc dù chưa thể đi tìm do điều kiện gia đình và đường sá xa xôi, ông Tính cũng "rất chân thành cảm ơn cô đã báo tin" cùng mong muốn bà Tuyết xác nhận lại giúp thông tin về nơi chôn cất của liệt sĩ Niên. Được biết bố của liệt sĩ Niên, ông Nông Phúc Đàn, cũng là một liệt sĩ.

Lại có trường hợp như La Văn Điền ở thôn Sàng Bến, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, thư của bà Tuyết gửi về gia đình ông chẳng khác nào tấm giấy… báo tử lần 2? Theo thư, ông Điền khi "nhận được lá thư gửi về thấy đột ngột quá" là bởi, trước đó, ở địa phương ông La Văn Điền đã từng là… liệt sĩ!

Khi có giấy báo tử của ông về, xã đã làm lễ truy điệu ông cùng 2 liệt sĩ nữa ở đình làng. Nhưng trên thực tế trong thư cho biết ông bị giam 3 năm 5 tháng ở Phú Quốc; đến ngày 9/3/1973 ông được trao trả về huyện Triệu Phong, Quảng Trị; sau đó về an dưỡng tại Đoàn 195 Hải Dương và năm 1990 đã về quê, thương binh hạng 3/4… Vừa ngạc nhiên vừa bày tỏ sự cảm ơn người hết lòng vì liệt sĩ, ông Điền không ngần ngại gửi lời nhờ bà Tuyết tìm hiểu tung tích của một số đồng đội cũ ở Đơn vị C95, Sư 9 của ông.

Và cuối cùng, xin được kết bằng những lời trong lá thư của bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gửi bà Mai Thị Tuyết ngày 23/4/2014: …rất xúc động và cảm kích trước việc làm thắm đượm tình người, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của chị trong thời gian qua đối với người có công với Cách mạng.

Việc làm thầm lặng đó có ý nghĩa to lớn giúp các gia đình có người thân đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc phần nào vơi đi những nỗi đau, sự hy sinh mất mát, đồng thời là thông tin hữu ích để các đơn vị, gia đình sớm tìm lại được hài cốt đồng đội và người thân của mình.

Việt Ba
.
.