Những người bắc nhịp cầu ánh sáng

Thứ Ba, 05/03/2019, 07:39
Họ đã khóc. Những người đàn ông rắn rỏi ấy cố nén nước mắt vào trong. Chứng kiến tình mẫu tử, phụ tử, tình thân trước giờ phút ly biệt và sự nhân văn của gia đình người hiến giác mạc, họ không thể kìm lòng. Mỗi chuyến đi tiếp nhận giác mạc từ người hiến là một lần họ dâng trào cảm xúc.

Ghi lại một hành trình đầy ý nghĩa của những kỹ thuật viên mặc áo blouse trắng ở Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt trung ương) để thấy họ thật sự là những người đã bắc nhịp cầu ánh sáng, xua tan bóng đêm, thắp lên ngọn lửa ấm áp của lòng nhân văn cao cả.

Câu chuyện lay động lòng người

Chiếc xe cứu thương lao vun vút vào bóng đêm. Ánh đèn pha rọi rõ từng ngọn cỏ, gốc cây trên lối đi qua. Vẫn như nhiều lần trước, các kỹ thuật viên trên xe biểu lộ chút lo lắng. Chuyến tiếp nhận giác mạc từ người hiến đã mất có thể thuận lợi nhưng cũng có nguy cơ phải trở về tay không. Bởi nơi họ đến đang có sự mất mát, sinh ly tử biệt. Tình huống có thể bất ngờ thay đổi. Nhưng họ luôn mang theo hy vọng - hy vọng được tiếp nhận nguồn sáng từ người mất để truyền lại cho người còn sống. Và, đã có những câu chuyện làm lay động lòng người từ những chuyến đi như thế.

Giác mạc từ người đã mất - quà tặng ánh sáng.

Những ngày cuối tháng 2-2018, dư luận cả nước dõi theo chuyện của bé Hải An 7 tuổi ở Hà Nội bằng cả trái tim thổn thức. Trước khi từ giã cõi đời, cô bé đã tự nguyện hiến giác mạc, để lại nguồn ánh sáng vô giá, để lại sự ấm áp, sẻ chia của tình người và lòng nhân ái. Câu chuyện được mọi người biết đến bắt đầu từ dòng trạng thái đầy cảm xúc trên trang Facebook của anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt.

Ngày 22-2-2018, Hoàng viết: “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”. Người mẹ nói và đặt nụ hôn lên trán cô bé làm mình thấy sống mũi cay cay. Cô bé nằm đó như một thiên thần đang ngủ. Mình bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành kia... Kết thúc công việc, người mẹ ngắm cô bé và nói: “Mẹ tự hào về con”. Hơn 10 năm đi làm, chưa bao giờ cảm xúc đến thế!”. Đôi mắt trong trẻo của cô bé đã khép mi. Những giọt nước mắt lăn dài trên má người thân nhưng cô bé đã truyền cảm xúc cho biết bao người.

Hoàng tâm sự: “Lần đầu tiên, trước khi thực hiện kỹ thuật lấy giác mạc, tôi nghe thấy lời độc thoại của người mẹ. Tiếng nói ấy, hình ảnh ấy không bao giờ quên được”. Anh nhớ lại trưa hôm đó, anh nhận được một cuộc điện thoại từ Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép bộ phận cơ thể người hỏi về chuyện một bé gái 7 tuổi đang điều trị u não và tiên lượng không thể qua khỏi trong ngày. Gia đình có nguyện vọng xin để lại đôi giác mạc của bé, mong muốn đem lại ánh sáng cho người khác khi bé qua đời. Bé được phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao. Sau rất nhiều nỗ lực với những hi vọng nhưng phép màu đã không xảy ra.

“Tôi trả lời là có và khoảng 1 giờ sau thì Trung tâm gọi điện thoại lại thông báo bé đã mất, đồng thời chuyển cho tôi số điện thoại của mẹ bé”, anh Hoàng nhớ lại. Anh liên hệ qua điện thoại với mẹ cháu bé để xác nhận thông tin. Ngay sau đó, khoảng 15h, các bác sỹ, kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt và Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép bộ phận cơ thể người đã lên đường đến nhà cháu bé.

“Lúc chúng tôi đến, bé đang nằm trên giường, đắp chiếc chăn mỏng. Mẹ đang ngồi bên cạnh ôm con giống như cô bé vẫn đang ngủ. Khoảng 6-7 người thân đứng bên cạnh, ai cũng đau đớn không kìm được nước mắt. Mẹ bé vuốt ve, hôn lên trán con gái và thì thầm. Đã trải qua rất nhiều lần đi nhận giác mạc từ người hiến nhưng đây là lần đầu tiên anh Hoàng và đồng nghiệp có một xúc cảm đặc biệt như thế.

Giác mạc từ người đã mất - quà tặng ánh sáng.

Bé Vân Nhi hơn Hải An 5 tuổi, cùng ở Hà Nội. Vân Nhi cũng trở thành một thiên thần ánh sáng sau cuộc chiến đấu không thành công với căn bệnh u nhú dây thanh quản suốt 10 năm. Trước khi con hôn mê, mẹ Vân Nhi từng chia sẻ với con câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An. Dù không nói được nhưng khi hỏi con sẵn sàng tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé, Vân Nhi mỉm cười gật đầu. Không những thế, bé còn có di nguyện được hiến tặng mô tạng cho các bạn kém may mắn khác. Nói lời từ biệt với Vân Nhi nhỏ bé, anh Hoàng chia sẻ trên Facebook của mình: “Thiên thần nhỏ bé hãy mỉm cười và bay về trời nhé!”. Hôm đó là ngày 30-6-2018.

Ngày 24-12-2018, khi trẻ em mọi nơi đang súng sính váy áo, hào hứng đón Giáng sinh thì một cậu bé phải rời bỏ thế giới này. Bé Mai Reon là con chị Mai Mika và anh Nguyễn Mạnh Minh Toàn bị tai nạn và đã ra đi đúng vào ngày sinh nhật 4 tuổi của mình. Đau xót vô cùng nhưng gia đình đã quyết định giữ lại nguồn ánh sáng của con để truyền lại cho người khác, cũng coi như cậu bé vẫn đâu đó được nhìn thấy bố mẹ trên cõi đời này.

Khi kỹ thuật viên tiến hành lấy giác mạc cũng là lúc chị Mai Mika nói với con: “Chiến binh của mẹ! Con giỏi và kiên cường lắm, giờ hãy tặng giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé chàng trai”. Chứng kiến giờ khắc ly biệt ấy, Hoàng viết như lời nhắn nhủ: “Ông già Noel đưa cỗ xe tuần lộc đến đón con nhé. Hãy ngao du và tặng quà cho mọi người trên khắp thế gian cùng ông già Noel. Ánh mắt đầy tự hào của ba mẹ con chắc sẽ nhớ mãi...”.

Các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt đã thực hiện hàng trăm ca lấy giác mạc từ người hiến. Đọng lại cảm xúc nhiều hơn cả là khi họ thực hiện trên đôi mắt của những đứa trẻ ở độ tuổi trong sáng, hồn nhiên như Hải An, Vân Nhi hay Mai Reon - những em bé mà họ vẫn gọi là những “Thiên thần ánh sáng”.

Vạn sự khởi đầu nan

Chuyện của anh Nguyễn Hữu Hoàng và các cộng sự ở Ngân hàng Mắt, câu chuyện nào cũng đong đầy cảm xúc, luôn là những điều tốt đẹp được bắt đầu từ sự mất mát lớn lao. Nhiều người cứ ngỡ Hoàng là bác sỹ “xịn”. Thế nhưng không phải. Đến với công việc đặc biệt này, đó là một cơ duyên của Hoàng mà cái duyên đó lại bắt đầu từ nghề báo.

Năm 1998, Hoàng tốt nghiệp Khoa Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Sau đó anh vào quân ngũ và mãi tới năm 2006, anh mới về nhận công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Đây cũng là thời điểm Bệnh viện tiến hành xây dựng và hình thành mô hình hoạt động Ngân hàng Mắt thông qua dự án “Nâng cao năng lực điều trị các bệnh giác mạc bằng ghép giác mạc” dưới sự giúp đỡ của tổ chức Orbis. Khi đó, Nguyễn Hữu Hoàng và kỹ thuật viên Bùi Hoàng Sơn hoạt động cho dự án với nhiệm vụ truyền thông.

Sau đó, hai anh đã được đào tạo thành các kỹ thuật viên để lấy giác mạc trên nhãn cầu. Hoàng sang Ấn Độ học kỹ thuật lấy giác mạc. “Chúng tôi đã biên dịch, cải biên các tài liệu của nước ngoài sang tiếng Việt cho dễ hiểu và phù hợp với văn hóa, tập quán của người Việt”, anh chia sẻ.

Thực tế, kỹ thuật lấy giác mạc trên nhãn cầu dễ hơn nhiều so với lấy giác mạc trên người hiến nhưng họ phải lựa chọn cách khó để bảo toàn nguyên vẹn hình hài đôi mắt của người hiến. Giác mạc có thể lấy ở bất cứ địa điểm nào như ở nhà, bệnh viện... chỉ cần công tác vệ sinh tiệt trùng được đảm bảo đúng yêu cầu. Thế nhưng, trên thực tế, để thực hiện thành công một ca lấy giác mạc lại không chỉ có vậy.

Không giống như các bác sỹ phẫu thuật trong điều kiện vô trùng và thuận lợi ở phòng phẫu thuật, các kỹ thuật viên lấy giác mạc từ người hiến thường chịu áp lực khá cao khi thực hiện trong môi trường đặc biệt. Đó là lấy giác mạc tại nhà người mất, giữa không gian đau thương và đầy tiếng khóc xót xa. Bởi vậy, gia đình đặt người mất ở vị trí nào thì kỹ thuật viên phải thực hiện lấy giác mạc ở vị trí đó, dù khó khăn nhưng không để ảnh hưởng tới tâm lý người thân. Có trường hợp nơi đặt người mất rất chật chội, kỹ thuật viên phải xoay đi xoay lại, toát mồ hôi mới thực hiện thành công trước sự chứng kiến của gia đình người mất.

Áp lực nhất có lẽ là ca hiến giác mạc đầu tiên. Anh Hoàng chia sẻ, trước đó Ngân hàng Mắt cùng tổ chức Orbis đã tuyên truyền để mọi người cùng hiểu về kỹ thuật và ý nghĩa của việc hiến giác mạc, nhưng việc thực hiện ca đầu thành công có sức mạnh tuyên truyền hơn cả. Nếu ca lấy giác mạc đầu tiên thành công thì dự án truyền thông gần 2 năm qua rất thuận lợi. Còn nếu thất bại thì cũng đồng nghĩa với việc bao công lao sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Cụ Nguyễn Thị Hoa (83 tuổi, trú tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) là người Việt Nam đầu tiên hiến tặng giác mạc cho một bệnh nhân ở Ninh Bình cần ghép giác mạc do tai nạn khi đi làm rẫy. Sau khi cụ Hoa qua đời, các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt lúc đó là anh Hoàng, anh Sơn và bác sỹ Phạm Ngọc Đông (hiện là TS. Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương) nhận điện thoại đã nhanh chóng về địa phương để kịp lấy giác mạc trong “giờ vàng”.

Giác mạc hiến tặng cần có sự đồng thuận từ gia đình người mất.

Để mọi việc diễn ra bình thường, không gây xáo trộn, đoàn dừng xe tại cổng làng, để lại áo blouse trắng, hộp đồ nghề nhờ người chở vào nhà, còn các kỹ thuật viên đi vào như người đến thăm viếng. Để tránh sự bàn tán, dị nghị do quan niệm cũ ảnh hưởng tới tâm lý gia đình người mất, chỉ có vài người thân ở trong nhà chứng kiến cuộc lấy giác mạc.

Thật may mắn, sau khoảng 50 phút, ca lấy giác mạc đầu tiên ở Việt Nam đã thành công. Gia đình cụ Hoa cảm thấy an lòng khi không thấy có sự thay đổi trên khuôn mặt người thân. Mọi lo lắng ban đầu được xóa tan. Đó là vào năm 2007.

Nhịp cầu ánh sáng      

Lễ tôn vinh người hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam tại xã Cồn Thoi sau đó đã gạt đi những suy nghĩ chưa đúng của người dân xã Cồn Thoi về việc cụ Hoa hiến tặng giác mạc. Từ đó, phong trào hiến giác mạc ở Cồn Thoi dựa vào các cộng tác viên tuyên truyền là linh mục, bà con giáo dân... đã thu được kết quả bất ngờ. Cồn Thoi là xã có nhiều người hiến giác mạc nhất cả nước với hơn 100 người trên tổng số hơn 500 người hiến giác mạc cả nước. Cũng từ xã Cồn Thoi mà các xã xung quanh như Kim Mỹ, Kim Chung, Văn Hải... nhân rộng phong trào này.

Sau ca hiến tặng giác mạc đầu tiên ấy, có thêm 8 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Sau đó, số người đăng ký hiến tặng tăng đều từ 25-30 người/năm. Năm 2017 có 77 người và năm 2018 là 109 người. Cho đến thời điểm này, ở 16 tỉnh, thành cả nước đã có 543 người hiến tặng giác mạc, trong đó chiếm số lượng lớn là tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nội.

Riêng năm 2018, số người hiến giác mạc ở Nam Định đã gấp 2 lần so với Ninh Bình. Người hiến giác mạc cao tuổi nhất là 107 tuổi và trẻ nhất là 6 tuổi. Số người đăng ký chờ được ghép giác mạc hiện nay là gần 1.000 người, trong khi đó mỗi ngày có 1 người chờ ghép, mỗi năm có khoảng 250 giác mạc để ghép.

“Có bao giờ các anh lên đường trở về thất bại?”. “Có chứ! Chúng tôi gọi đó là tai nạn nghề nghiệp”, Hoàng nói. Anh phân tích: “Khi người hiến giác mạc mất đi thì người thân trong gia đình có vai trò quan trọng thực hiện di nguyện ấy. Tuy nhiên, nếu sau khi người hiến mất, gia đình không thông báo hoặc không đồng ý hiến giác mạc thì đành chịu, họ cũng phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Nhưng cũng có trường hợp ban đầu gia đình không đồng ý, sau khi được vận động đã đồng thuận hiến xác cho khoa học chứ không chỉ hiến riêng giác mạc như trường hợp ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội”.

Giờ đây, người dân đã hiểu hơn về mục đích và ý nghĩa của việc hiến giác mạc cũng như hiến tặng mô tạng. Đã có những câu chuyện thấm đẫm tình người được lan tỏa, truyền đi thông điệp của lòng nhân ái. Đó là nghĩa cử cao đẹp mà bao người đã dành tặng món quà ánh sáng trước khi mãi mãi ra đi.

Số điện thoại liên hệ hiến tặng giác mạc: 0243.9454799. Để giác mạc hiến tặng có chất lượng tốt thì ngay sau khi người đăng ký hiến qua đời, thân nhân cần vuốt mắt, đặt bông ẩm hoặc đắp khăn ướt (có đá ở trên) lên mắt, đặt đầu người quá cố lên gối cao, tắt quạt, bật điều hòa (nếu có).
Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.