Những rắc rối phát sinh từ chuyện mang thai hộ

Thứ Tư, 01/04/2015, 21:20
"Bà xã tui bị u xơ tử cung, đã mổ bóc tách nhưng mấy lần có thai mà lần nào cũng hư. Hồi vợ tui còn nhỏ, má vợ tui nhận một đứa bé hàng xóm làm con nuôi, làng xã ai cũng biết. Bây giờ cô đó đồng ý mang thai dùm vợ tui, chồng cổ cũng bằng lòng và đã viết giấy cam kết nhưng tui hơi lo vì tính tình cô này hung hăng lắm. Cổ bán cá ngoài chợ, khách mua trả giá một hai tiếng là cổ "nạp" liền. Ở nhà, chồng cổ cũng bị cổ "nạp" hoài. Tui sợ con tui sau này lớn lên, nó giống cổ thì chắc chết"...

1. Như chúng tôi đã viết trong bài trước, kể từ khi Nghị định số 10 có hiệu lực thi hành thì tại TP HCM, khá nhiều cặp vợ chồng đã đến BV Từ Dũ để tìm hiểu về thủ tục, cách thức mang thai hộ. Bên cạnh đó, cũng có những thắc mắc được nêu ra, chẳng hạn như sau khi sinh, người mang thai hộ không chịu trả con cho cặp vợ chồng đã nhờ họ mang thai hộ thì sao, hoặc khi đứa bé lớn lên và biết rằng người sinh ra nó lại không phải là người mà nó vẫn đang cùng chung sống thì tâm lý nó sẽ biến đổi theo chiều hướng nào?

Vợ chồng anh Thành ở đường Hậu Giang, quận 6, TP HCM lấy nhau hơn 7 năm mà vẫn chưa có con. Hai năm trước ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 10, một người chị họ của vợ anh đồng ý mang thai hộ.

Lếch nhếch kéo nhau sang Bệnh viện BIC, Thái Lan. May mắn sao, chỉ một lần thụ tinh thì phôi phát triển tốt. Trở lại TP HCM rồi khi sinh được một bé trai, bà chị vợ nhất định không chịu trả con cho vợ chồng anh Thành mà lý do là bà đẻ 4 lần, toàn là con gái.

Anh Thành nói: "Giấy chứng sinh do bệnh viện cấp mang tên bà ấy, đứa bé đẻ ra là con của bà ấy. Khi đi làm khai sinh, bả cũng khai y như vậy. Thuyết phục bằng tình cảm mãi không được, vợ chồng tôi tính kiện ra tòa bằng cách thử ADN. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, kiện ra tòa mình cũng có tội vì vi phạm luật pháp, chưa kể mọi việc bung bét, người ta dè bỉu, chê cười".

Bây giờ, vợ chồng anh Thành ngậm đắng nuốt cay nhìn đứa con ruột gọi bà chị vợ bằng mẹ, còn gọi mình là dì, dượng. Vợ anh Thành nói: "Thôi thì số phận như vậy, đành phải chịu thôi. Sau này nó lớn lên, tôi sẽ lựa lời kể cho nó biết rồi quyết định ra sao là tùy nó"...

Chị Dung, nhà ở đường Phạm Văn Chí, quận 6 nói: "Vợ chồng tui đang tính nhờ người bà con mang thai hộ. Trường hợp sinh xong mà họ không giao đứa bé thì tui sẽ kiện ra tòa và dĩ nhiên sau khi làm xét nghiệm ADN, tòa sẽ buộc họ phải trả con cho tui".

Nhưng điều mà vợ chồng chị phân vân là trong quá trình chờ làm xét nghiệm, chờ tòa phán xử thì ai sẽ là người nuôi đứa bé ấy? Chị Dung nói tiếp: "Chẳng lẽ lại đưa nó vào cơ sở bảo trợ xã hội? Còn nếu cứ để người đẻ ra nó chăm sóc cho tới khi tòa ra bản án thì rất có thể - do biết rằng sẽ không giữ được nó - họ sẽ hành hạ nó, làm nó bị thương tật thì sao? Lúc ấy, chắc chắn họ sẽ bị pháp luật nghiêm trị nhưng với con mình thì lợn lành đã thành lợn què…".

Người chị vợ (bìa trái) mang thai hộ cho em gái và đẻ sinh đôi.

Mang thai hộ, còn một vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, đó là trong suốt quá trình mang thai, thai nhi được nuôi bởi dưỡng chất trong máu của người mang thai hộ thì khi đứa bé chào đời, nó có chịu ảnh hưởng về tính cách hay những bệnh lý mà người mang thai hộ mắc phải không?

Anh Đường, vợ là chị Lài - cặp vợ chồng đang  khao khát được làm cha mẹ thông qua hình thức mang thai hộ, nhà ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM - cho chúng tôi biết: "Bà xã tui bị u xơ tử cung, đã mổ bóc tách nhưng mấy lần có thai mà lần nào cũng hư. Hồi vợ tui còn nhỏ, má vợ tui nhận một đứa bé hàng xóm làm con nuôi, làng xã ai cũng biết. Bây giờ cô đó đồng ý mang thai dùm vợ tui, chồng cổ cũng bằng lòng và đã viết giấy cam kết nhưng tui hơi lo vì tính tình cô này hung hăng lắm. Cổ bán cá ngoài chợ, khách mua trả giá một hai tiếng là cổ "nạp" liền. Ở nhà, chồng cổ cũng bị cổ "nạp" hoài. Tui sợ con tui sau này lớn lên, nó giống cổ thì chắc chết".

Cũng cùng tâm trạng như anh Đường, chị Huệ, ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An phân vân: "Em có đứa em họ xa. Nó đồng ý mang thai hộ em. Ngặt một nỗi là nó có tính ăn cắp vặt. Vô nhà ai thấy cái gì đẹp, lợi dụng lúc sơ hở, nó nhét vô túi liền. Nó ăn cắp không phải để xài, cũng không đem bán vì những thứ ăn cắp là những thứ chẳng đáng giá như cây kẹp tóc, cái móc chìa khóa, đồ bấm móng tay, cây viết, cái hộp quẹt gaz... Đem về nhà, nó quăng vô một góc, cả năm cũng chẳng thèm nhìn ngó tới. Bác sĩ nói đó không phải là thói xấu, mà là một dạng bệnh lý tâm thần. Bây giờ nó mang thai cho em, rủi mai này con em ra đời rồi cũng… ăn cắp như nó thì còn mặt mũi nào nữa, nhất là trong Nghị định số 10 có nói: "Hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ...".

Một người khác là chị Diệu, nhà ở đường Nguyễn Lương Bằng, khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 thắc mắc: "Lỡ mới có bầu chừng 1, 2 tháng mà người mang thai hộ mắc bệnh lao chẳng hạn, thì đứa bé sẽ như thế nào khi họ phải uống thuốc trị lao suốt 6 tháng?"…

2. Trước những ý kiến này, chúng tôi đã gặp gỡ Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM. Theo Tiến sĩ Cường, với các tiến bộ trong lĩnh vực sinh sản, chức năng làm mẹ sinh học hoàn toàn có thể được phối hợp giữa người mẹ chính thức - là người cung cấp trứng - và người mẹ mang thai hộ - là người phụ nữ mang phôi thai từ trứng của người vợ đã được thụ tinh với tinh trùng của người chồng.

Vì thế, xét về mặt sinh học thì người mang thai hộ hoàn toàn không phải là mẹ của đứa bé, mà chỉ là người giúp cho phôi thai phát triển rồi khi đủ ngày đủ tháng, nó ra đời mà thôi.

Tiến sĩ Cường nói: "Người mang thai hộ không nhất thiết phải cùng nhóm máu với người mẹ có trứng, nhưng buộc phải làm xét nghiệm Rh, là yếu tố cho biết tình trạng protein trong tế bào máu. Người có yếu tố này được ký hiệu là Rh+ còn nếu không có thì sẽ là Rh-. Mục đích của việc xét nghiệm nhằm xác định người mang thai hộ có cùng Rh- hoặc Rh+ với phụ nữ có trứng hay không bởi lẽ nếu không tương đồng về Rh thì thai dễ bị sảy…".

Riêng với việc trong suốt quá trình mang thai, thai nhi được nuôi bởi dưỡng chất trong máu của người mang thai hộ thì khi đứa bé chào đời, nó có chịu ảnh hưởng về tính cách hay những bệnh lý mà người mang thai hộ mắc phải không?

Tiến sĩ Cường cho biết: "Nhóm máu, cũng như bộ gen di truyền của đứa trẻ được hình thành ngay khi tinh trùng của người cha kết hợp với trứng của người mẹ. Thế nên tính cách của đứa trẻ hoàn toàn không bị tác động bởi người mang thai hộ. Nếu có tác động thì do nguyên nhân bên ngoài, chẳng hạn người mang thai hộ bị tai nạn, phải chụp X quang. Khi ấy, tia X có thể ảnh hưởng đến bộ gien của thai nhi. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai mà người mang thai hộ mắc phải các bệnh như lao, tiểu đường, viêm gan siêu vi…, và phải điều trị dài ngày  thì sức khỏe thai nhi có thể bị ảnh hưởng"...

Thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào trứng.

Vì vậy, vẫn theo Tiến sĩ Đào Đại Cường, để biết người mang thai hộ có đủ điều kiện sức khỏe hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nhóm máu, yếu tố Rh, công thức máu toàn phần, các xét nghiệm miễn dịch như Herpes, Rubella, bệnh giang mai, viêm gan B, viêm gan C, HIV…, thành phần đường, creatinin, ure, Pap smear nhằm phát hiện những bệnh mãn tính, ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm nội tiết tố, kiểm tra buồng tử cung qua siêu âm và chụp X quang tử cung vòi trứng.

Tuy nhiên, phôi của vợ chồng người này cấy vào tử cung người khác đâu phải lúc nào cũng thành công. Chị Minh, ở Vị Thanh, Hậu Giang, người đã 3 lần sang Thái Lan để mang thai hộ cho một cặp ở Cần Thơ kể: "ba lần cấy phôi thì cả 3 lần đều hỏng. Mà cứ mỗi lần cấy là 60 triệu, chưa kể tiền ăn ở, đi lại. Mặc dù không phải lỗi do mình nhưng thấy họ tốn tiền, tôi cũng áy náy lắm".

Tại Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, chúng tôi gặp một người đàn ông tên Mạn, 32 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Mạn lập gia đình đã 5 năm nhưng vẫn chưa được làm cha.

Ngồi chờ vợ làm một số xét nghiệm, tưởng chúng tôi cũng là người đồng cảnh, Mạn thở dài kể chuyện đời éo le của vợ chồng mình: "Tôi là con trai út trong gia đình có 4 chị em. Trên tôi có 3 bà chị đều lấy chồng ra riêng, còn tôi ở với ông bà già. Ông bà cần có cháu nội bế bồng nhưng ngặt nỗi vợ tôi đã qua hai lần thụ thai, lần nào thai cũng chết lưu, phải mổ lấy ra. Vừa rồi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ cho biết tử cung vợ tôi có vấn đề, cần phải cắt bỏ. Tôi sợ quá nên đưa vợ lên đây. Giờ nghe nói Chính phủ cho phép mang thai hộ nên tôi vẫn còn có chút hy vọng chứ nếu không, coi như gia đình tôi tiệt đường con cháu".

Với nhiều người khác mà chúng tôi đã tiếp xúc trong buổi sáng hôm ấy, có người bảo sẽ xin con nuôi vì hai bên gia đình nội ngoại, chẳng biết phải nhờ ai. Có người kín đáo thăm dò tìm người mang thai hộ. Lại có bà mếu máo rằng nếu không nhờ được ai mang thai hộ, có lẽ bà sẽ phải nhắm mắt cho chồng "lập phòng nhì" nhằm kiếm người  nối dõi bởi lẽ chồng bà là con một!

3. Không chỉ gặp phải những khó khăn về mặt sinh lý cơ thể, mang thai hộ còn có thể nảy sinh nhiều tiêu cực và một trong những tiêu cực này là thuê mướn.

Trước đây, khi chưa có Nghị định số 10, theo những gì chúng tôi chứng kiến thì việc thuê mướn người mang thai hộ diễn ra gần như công khai, chẳng cần phải giấu giếm vì việc thụ tinh nhân tạo, cấy phôi được thực hiện tại Thái Lan rồi khi có kết quả, người mang thai hộ về Việt Nam chờ ngày sinh nở.

Đến khi sinh, họ vào một nhà hộ sinh tư nhân, khai rằng đó là hoang thai. Tiếp theo, họ làm giấy cam kết cho người khác làm con nuôi - mà "người khác" chẳng ai xa lạ, chính là cặp vợ chồng đã thuê họ mang thai hộ.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa sản BV quận 3 TP HCM cho biết, ở một số nhà hộ sinh tư nhân, việc cấp giấy chứng sinh rất đơn giản. Chỉ cần vào đẻ là có giấy, họ tên muốn khai gì cũng được.

Thậm chí khi làm giấy chứng sinh, nhân viên nhà hộ sinh sẵn sàng ghi tên cha mẹ theo yêu cầu của người sinh dù họ biết rằng những cái tên trong giấy chứng sinh chẳng ăn nhập gì đến người đàn bà đang nằm trong phòng hậu sản, miễn là chịu trả tiền!

Một vấn đề khác cũng gây đau khổ cho không ít những cặp vợ chồng nhờ người mang thai hộ trước ngày có Nghị định số 10.

Chị Hiền, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai kể cho chúng tôi nghe về "đoạn đường chông gai" mà chị đã trải qua: "Khi đó, một người quen giới thiệu cho vợ chồng tôi một cô gái 26 tuổi nhưng đã có 2 đời chồng và 2 đứa con. Sau khi thảo luận, cô ta bằng lòng mang thai hộ cho tôi với giá 120 triệu đồng. Sang Thái Lan làm thụ tinh nhân tạo, cấy phôi, khi trở lại Việt Nam cô ta yêu cầu phải mướn nhà riêng cho cô ở. Ăn uống thì nay đòi thứ này, mai thứ khác. Thậm chí đến mùa nóng, cô ta còn bắt vợ chồng tôi cho đi nghỉ mát ở Nha Trang.

Thấy  chúng tôi phản ứng, cô ta làm mình làm mẩy, bảo rằng thai có triệu chứng muốn hư. Có lần bực mình quá, chồng tôi nói nếu không muốn giữ thai nữa, phải trả lại tiền thì mặt cô ta câng câng lên, rằng tiền trả nợ hết rồi, bây giờ nếu không muốn đẻ nữa thì cô ta… đi nạo! Chị Hiền nói: "Vợ chồng tôi phải ngậm đắng nuốt cay, chiều nó như chiều vong".

Thế đã hết đâu, ngày cô ta hạ sinh một bé trai, cô đòi vợ chồng chị Hiền phải cho cô thêm 10 triệu vì nếu không, dứt khoát cô sẽ không cho bế bé về.

Hiện tại, cả nước có 19 cơ sở y tế có chức năng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chỉ 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ TP HCM.

Việc Bộ Y tế chỉ cho phép 3 BV nêu trên mang tính đại diện khu vực nhằm tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, cũng như để cơ quan chức năng có thể tổng kết, rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn về vấn đề này.

Thế nên, những rắc rối phát sinh trong quá trình mang thai hộ cũng như lúc đứa bé ra đời, nếu không có những biện pháp giải quyết thấu đáo thì có thể sẽ khiến cho việc tìm người mang thai hộ khó khăn hơn, cũng như dẫn đến hiện tượng thuê mướn.

Bác sĩ Hồng nói: "Thí dụ địa phương biết cặp vợ chồng đó không có con. Nay họ thuê người mang thai hộ và dù biết đó là thuê mướn nhưng vì lòng nhân đạo, vì tình cảm xóm làng, vì cái đức nên địa phương ký giấy xác nhận họ có quan hệ họ hàng thì xử lý thế nào? Bắt họ hủy thai là không được rồi. Còn phạt họ thì họ chấp nhận vì mục đích cuối cùng của họ vẫn là có được một đứa con…".

Quy định thì phải chấp hành. Nhưng thực tế mang nặng đẻ đau - nghĩa đen hoàn toàn trong câu chuyện mang thai hộ lại chứa đựng trong nó vô vàn những khúc mắc không phải quy định nào có thể điều chỉnh được hết.

V. Cao - T. Dũng
.
.