Những tấm căn cước nghĩa tình ở bản

Thứ Ba, 14/01/2020, 15:36
Những ngày cuối năm 2019, dù bộn bề với các công việc thường xuyên và đột xuất nhưng những cán bộ thuộc đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC-TTXH) tại Công an các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Nghệ An vẫn dành thời gian để xuống tận các bản, làng để làm chứng minh nhân dân (CMND) miễn phí cho những người dân có hoàn cảnh đặc biệt.

Nghe các anh, em trong Công an huyện kể nhiều về những kỷ niệm vui khi xuống bản làm CMND, chúng tôi đã sắp xếp và xin đi cùng tổ công tác của Công an một số huyện miền núi, biên giới của tỉnh Nghệ An để có dịp trải nghiệm, hiểu thêm về công việc của các anh.

Theo Quốc lộ 1A, rồi rẽ lên Quốc lộ 48A, từ TP Vinh lên huyện biên giới Quế Phong gần 200Km, mất 4 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại Công an huyện Quế Phong theo lịch hẹn để đi cùng cán bộ, chiến sỹ Công an huyện đến tận bản để làm CMND miễn phí cho bà con. 

Công an huyện Quế Phong làm chứng minh nhân dân tại bản Mòng, xã Cắm Muộn.

Tiết trời mùa này ở các huyện rẻo cao của xứ Nghệ lạnh hơn nhiều, sương phủ cũng dày hơn, càng làm đẹp thêm hình ảnh những bước chân của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Quế Phong đến tận nơi cư trú của người dân tại xã Cắm Muộn để làm CMND miễn phí. Đường đồi núi ở địa bàn giáp Lào như thế này, cuốc bộ vài cây số vào bản đã trở nên quen thuộc với mỗi cán bộ, chiến sỹ. 

Trường hợp được Công an huyện làm CMND đầu tiên trong chuyến công tác lần này là bác Lô Văn Vòng, 62 tuổi, nhà ở bản Pún, xã Cắm Muộn. Bác Lô Văn Vòng chỉ còn lại 01 chân, nên đi lại rất khó khăn. 

Khi biết tin được cán bộ Công an đến làm CMND thì bác Vòng xúc động tâm sự: "1 chân tôi bị nhiễm trùng uốn ván nên đã cắt bỏ từ lâu, được làm CMND tại nhà lại được miễn phí nữa thì tôi rất vui, cảm ơn các chú Công an huyện nhiều lắm". 

Với thái độ ân cần, niềm nở khi làm CMND cho người dân, các cán bộ Công an huyện đã nhanh chóng hoàn thành mọi thủ tục làm CMND cho bác Vòng. Công việc cứ đều đặn, khẩn trương như vậy, chỉ trong một buổi sáng tổ công tác đã hoàn thành làm CMND cho 7 người dân tại bản Pún. Tranh thủ giữa giờ trưa, tổ công tác rời bản Pún để đến bản Mòng, xã Cắm Muộn để làm CMND cho người  già yếu, bệnh tật.

Thượng tá Hồ Minh Sơn, Phó trưởng CA huyện Quế Phong tâm sự: "Anh em làm CMND ở địa bàn người dân tộc thiểu số sinh sống nên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều danh chỉ bản thì nhiều bà con không biết tiếng Kinh nên cán bộ Công an phải ghi giúp họ, rồi hướng dẫn, giải thích mọi thắc mắc cho bà con hiểu cũng mất khá nhiều thời gian". 

Cũng theo Thượng tá Hồ Minh Sơn, thì qua mỗi đợt công tác như thế này, giúp cho CBCS hiểu thêm về phong tục tập quán của bà con dân bản, từ đó có những điều chỉnh trong giao tiếp, ứng xử để giúp đỡ bà con được hiệu quả hơn. 

Quá trưa công việc cũng gần xong, khi bà con dân bản ngỏ ý mời cơm trưa, thì tổ công tác của Công an huyện đành từ chối khéo để tranh thủ thời gian đầu giờ chiều còn đến các bản khác để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ nguy hiểm. Qua mỗi chuyến công tác như thế này, Công an huyện Quế Phong đã thu giữ được hàng trăm khẩu súng kíp, dao kiếm nguy hiểm mà bà con dân bản tự giác giao nộp.

Tiếp tục chuyến công tác tại các huyện miền Tây xứ Nghệ, từ huyện Quế Phong, ngược lên quốc lộ 48A, rồi rẽ dọc theo Quốc lộ 7, gần đến địa phận huyện Kỳ Sơn. Mất khoảng 02 tiếng đồng hồ đường dốc, quanh co, chúng tôi đã có mặt tại huyện biên giới Kỳ Sơn, khác với các huyện biên giới khác, mùa đông ở đây thời tiết rét buốt, có nơi xuất hiện băng giá. 

Chúng tôi theo chân các cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Kỳ Sơn vào 2 xã biên giới Keng Đu, Hữu Kiệm để làm các thủ tục cấp, đổi chứng minh nhân dân cho công dân. Do đã được thông báo trước đó một tuần, ông Vừ A Chừ, bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu cùng nhiều người dân khác trong xã đã tập trung khá đông đủ về nhà văn hóa bản để làm chứng minh nhân dân. 

Ông Vừ A Chừ, phấn khởi cho biết: "Khi nghe tin có cán bộ Công an huyện về tận bản làm chứng minh nhân dân ông rất vui mừng vì đường sá cách trở và xa xôi, trong khi ông lại rất cần chứng minh nhân dân để giải quyết nhiều công việc. Cũng chung tâm trạng phấn khởi đó, dù vẫn đang bận bịu công việc chăm sóc con nhỏ, nhưng chị Hờ Y Cờ, ở bản Huồi Phuôn 1 vẫn cõng theo đứa con nhỏ của mình đi bộ hơn 4 km đường rừng để đến nhà văn hóa bản Huồi Phuôn để lần đầu tiên làm giấy chứng minh của bản thân. 

Chị Y Cờ, chia sẻ: “Tôi năm nay hơn 22 tuổi rồi, có hai đứa con, nhưng chưa có cái chứng minh, cũng muốn ra huyện làm lắm, nhưng con còn nhỏ quá, đường thì đi xa nên không đi được, hôm nay nghe nói có Công an về làm ở trong xã ta cũng đi làm để có việc còn dùng đến”.

Đại úy Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng Đội cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an huyện Kỳ Sơn, cho biết: Năm 2019, đã có 6.461 người dân được các cán bộ hướng dẫn cấp, đổi chứng minh nhân dân, trong đó Công an huyện miễn phí cho gần 800 người dân thuộc diện hộ nghèo, diện khó khăn, tàn tật trên địa bàn huyện. 

Qua những chuyến công tác xuống bản song song với cấp, đổi chứng minh cho người dân, đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Kỳ Sơn cũng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến bà con, cùng với đó các chiến sỹ cũng triển khai các công tác nắm tình hình, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, cung cấp thông tin tố giác tội phạm. 

Nhờ đó mà công tác nắm tình hình đã được nâng lên, nhiều điểm nóng, tụ điểm về ma túy hoạt động ở các bản làng gây bức xúc cho người dân được triệt xóa, bắt giữ, điều tra thành công nhiều chuyên án ma túy lớn.

Đức Vũ
.
.