Những truyền nhân môn phái Bạch Hổ Lâm ở Đà Nẵng

Thứ Hai, 31/10/2011, 22:50

Những trang đầu tiên trong lịch sử môn phái võ thuật Bạch Hổ Lâm ở Đà Nẵng viết rằng: Tiền thân của môn phái Bạch Hổ Lâm là môn phái võ Sinh Tồn do Sư tổ Lý Tự Nhiên có Đạo hiệu là Bạch Hổ thiền sư sáng lập nên vào thế kỷ thứ XV trên một ngọn núi cao có tên là Bạch Hổ thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trên cơ sở kế thừa và phát triển những tinh hoa của môn phái Nam Thiếu Lâm và Bắc Thiếu Lâm.

Khoảng những năm đầu của thế kỷ XVIII, môn phái Bạch Hổ Lâm mới du nhập vào nước Việt.

Theo thời gian, những môn đệ của Bạch Hổ Lâm di cư vào phương Nam dựng nghiệp và một đệ tử chân truyền đời thứ 8 của môn phái là võ sư Đặng Văn Vàng đã dừng chân ở mảnh đất nằm bên bờ biển xanh và dòng sông Hàn thơ mộng để mở võ đường truyền thụ những tinh hoa của môn phái cho đệ tử gần xa. Năm 1965, võ đường đầu tiên của võ sư Đặng Văn Vàng được thành lập với tên gọi là võ đường Sinh Tồn được Liên đoàn Quyền thuật Quân khu 1 thuộc Tổng cục Quyền thuật Việt Nam công nhận. Năm 1980, 5 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Câu lạc bộ võ thuật Bạch Hổ Lâm ở Đà Nẵng được chính thức thành lập với sự cho phép của Sở Văn hóa Thông tin - Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.

1. Đúng hẹn, võ sư Hổ Lâm Tri (tức Trung tá Nguyễn Văn Tri - hiện là Trưởng Công an phường An Hải Đông - quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đưa tôi và nhà báo Hồng Thanh (Báo Công an Đà Nẵng) đến một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Văn Thoại, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng để gặp vị chưởng môn đời thứ 9 của môn phái Bạch Hổ Lâm ở Đà Nẵng, đó là võ sư Hổ Phụng Giáo (tức Hồ Giáo).

Sau khi thắp nhang trên bàn thờ vị Tổ sư của môn phái mình, võ sư Giáo và võ sư Tri ngồi tiếp chuyện chúng tôi trước sân nhà, dưới giàn hoa xanh mát. Võ sư Giáo kể rằng: Ông sinh năm 1951 ở một ngôi làng nhỏ nằm về phía thượng nguồn của con sông Thu Bồn, thuộc thôn Quế Lộc, xã Nông Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ, ông được mọi người trong gia đình xem là một người con hiếu động, thích thú với võ thuật, vì vậy, năm 1960 khi tròn 9 tuổi ông được thân phụ của mình dắt đến gặp võ sĩ Hùng Sơn để nhờ thầy khai tâm võ thuật và chỉ dạy cho những đường roi cơ bản trong một phái võ cổ truyền dân tộc Việt Nam. Lớn lên một chút, ông trở thành một chàng thanh niên chọn võ thuật làm niềm đam mê số một cho mình, và trên hành trình ngược xuôi dọc dải đất Quảng Nam - Đà Nẵng để "tầm sư học đạo", ông đã may mắn gặp được võ sư Đặng Văn Vàng, vị chưởng môn đời thứ 8 của môn phái Bạch Hổ Lâm tại Đà Nẵng.

Trong những ngày tháng theo thầy khổ luyện, võ sư Đặng Văn Vàng đã nhìn thấy từ người học trò của mình một bản tính siêng năng, tấm lòng quả cảm và nhiều sáng tạo trong tiếp thu, học hỏi, đạo đức trong sáng, chuẩn mực trên tinh thần thượng võ. Chẳng tiếc công sức, võ sư Đặng Văn Vàng đã tận tình truyền thụ tất cả những tinh hoa võ thuật của Bạch Hổ Lâm cho ông Giáo. Sau nhiều năm ròng rã khổ luyện, ông Giáo đã học hết thập bát ban võ nghệ, đạt đẳng cấp cao về nội công, ngoại công, tinh thông các bài quyền và binh khí của môn phái Bạch Hổ Lâm.

Khi tôi hỏi về nguồn gốc cái tên của môn phái võ thuật mà võ sư Hổ Phụng Giáo đã được học, rồi truyền thụ cho nhiều thế hệ môn đệ của mình cho đến ngày nay. Võ sư Giáo từ tốn kể: Hổ là một trong những hình tượng quyền, chỉ đứng sau Rồng, trong nhóm ngũ hành quyền: Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo. Hổ quyền là mô phỏng động tác tấn công,  phòng thủ của loài Hổ, trong đời sống rừng xanh hoang dã, Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm, bởi sự oai nghiêm, hùng dũng của nó. Hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và có khả năng chiến đấu rất cao, dũng mãnh. Đây cũng là đặc trưng của môn phái Bạch Hổ Lâm.

Cũng như các môn phái võ cổ truyền khác, người được nhập môn phải là người có sức khỏe, yêu thích võ thuật, có năng khiếu và hơn nữa phải có đạo đức của một con người thượng võ. Từ hình tượng là con Hổ, người học võ phải luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi nhanh nhẹn. Yếu chí quyền pháp dũng mãnh, uy nghiêm nhằm phát huy nội lực. Biến đổi tình trạng gân cốt, có sức bền bỉ dẻo dai, linh hoạt, phát kình nội lực, phát nội ngoại công. Từ lúc nhập môn, môn sinh phải luyện tập qua nhiều giai đoạn, đầu tiên là học tấn, như "ngũ hành tấn", các bộ tấn pháp... Luyện về các đòn tay, như "thôi sơn", "cương dực", "phương dực" - (cùi chỏ, đầu gối), bộ "thủ chỉ" - (đầu ngón tay)... Luyện về chân, gồm các bộ "cước pháp", như "tiêu cước" - (đá thẳng), "hậu cước" - (đá sau). Các bài "thảo" như "song quyền", "hầu mi thế", "hổ phục sơn", "hổ lâm xuất thế", "đoản côn", "trường côn"…

Nhấp một ngụm trà xanh đang tỏa hương ngào ngạt, võ sư Giáo lại kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm không thể nào quên của ông trong những chuyến du đấu võ thuật. Trận thượng đài đầu tiên trong võ nghiệp của võ sư Giáo diễn ra vào mùa hè năm 1969 trong một giải đấu võ tự do được Liên đoàn Võ thuật miền Trung phối hợp với Quân đoàn 1 (chế độ Sài Gòn) tổ chức tại Liên Chiểu (Đà Nẵng). Trận đó, võ sĩ Hổ Phụng Giáo so găng cùng với một võ sĩ thuộc môn phái Ngũ Long Quyền của thành phố Nha Trang ở hạng cân 56kg. Theo quy định lúc bấy giờ, mỗi trận đấu sẽ diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp là 3 phút.

Khi chuông rung vào trận hai võ sĩ xông vào quyết chiến, hai hiệp đầu, cả Hổ Phụng Giáo cùng võ sĩ của Ngũ Long Quyền quần nhau tơi tả nhưng vẫn bất phân thắng bại. Bước vào hiệp 3, võ sĩ của Ngũ Long Quyền dùng thế "bắt ngựa", hòng hất Hổ Phụng Giáo văng khỏi vũ đài, hoặc bẻ gãy chân, gãy xương sườn... Hổ Phụng Giáo chuyển thế trụ tấn, dùng đòn "phương dực" (cùi chỏ, đầu gối) tạo thế trên đe dưới búa kết hợp, bắt trúng đòn của võ sĩ Ngũ Long Quyền, quật một phát mạnh tựa trời giáng làm võ sĩ đến từ thành phố biển Nha Trang văng ra khỏi vũ đài để giành phần thắng. Thời đó, các võ sĩ giành thắng lợi sau mỗi trận thượng đài chỉ được trả tiền chứ không có cờ và huy chương như những năm sau này. Nhưng lúc đó, đánh thắng mỗi trận được Ban tổ chức trả cho 500 đồng là một khoản tiền rất lớn, có thể mua được cả chiếc xe honda.

Võ sư Hổ Phụng Giáo bảo rằng, trong cuộc đời mình ông đã từng tham gia rất nhiều trận thượng đài, đối đầu với rất nhiều võ sĩ từng một thời vang bóng, nhưng trận so găng vào mùa Xuân năm 1972 tại Thanh Khê (Đà Nẵng) là trận thượng đài làm ông nhớ nhất. Lần ấy, Liên đoàn Võ thuật miền Trung cũng phối hợp với Quân đoàn 1 tổ chức giải đấu võ tự do. Võ sĩ Thanh Thanh Hùng là em ruột của võ sư Thanh Hồng (một võ sư tên tuổi lúc đó đang là huấn luyện viên võ thuật cho lực lượng cảnh sát ngụy tại Ty Gia Long - Đà Nẵng) thách đấu với võ sĩ Hổ Phụng Giáo. Theo cam kết, nếu võ sĩ nào giành chiến thắng trong trận tử chiến này sẽ được toàn bộ tiền thưởng của Ban tổ chức khoảng trên 1.000 đồng.

Sau hiệu lệnh của trọng tài, hai võ sĩ lao vào nhau tung những đòn chí mạng trong tiếng hò reo như sấm rền của hàng nghìn khán giả. Hiệp một trôi qua, hiệp hai trôi qua, những giọt máu của hai võ sĩ đã ướt sàn đài nhưng vẫn chưa tìm ra người thắng cuộc. Bước vào hiệp đấu thứ ba, võ sĩ Thanh Thanh Hùng liên tục tung ra những đòn đá để áp đảo đối thủ, dồn đối thủ về một góc sàn đài chờ cơ hội ra đòn quyết định. Võ sĩ Hổ Phụng Giáo cũng chẳng vừa, ông khôn khéo né đòn và tìm cách áp sát vào đối thủ, sử dụng thế "hoành quyền" (đảo người) liên tiếp phản kích đối thủ, hạ nốc ao võ sĩ Thanh Thanh Hùng ngay trên sàn đấu. Khán giả tung hê người võ sĩ tài hoa của Bạch Hổ Lâm Đà Nẵng, vì vậy mà sau trận đấu đó danh tiếng của võ sĩ Hổ Phụng Giáo và võ đường Bạch Hổ Lâm cũng bay xa đến nhiều địa phương trong khu vực miền Trung.

Cùng thời với võ sư Hổ Phụng Giáo, võ đường Bạch Hổ Lâm của võ sư Đặng Văn Vàng còn có nhiều võ sư lừng danh khác như: Hổ Phụng Thi (tên thật là Hứa Văn Thi, quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam); Hổ Thanh Tùng (tên thật là Lê Ba, còn gọi là Ba Non Nước, quê ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)… Các thế hệ sau này có các võ sư Hổ Lâm Thương (Phạm Văn Thương), Hổ Lâm Tri (Nguyễn Văn Tri), Hổ Lâm Một (Trần Phúc Một), Hổ Lâm Hậu (Võ Công Hậu), Hổ Lâm Hùng (Bùi Văn Hùng), Hổ Lâm Nghĩ (Trần Đình Nghĩ) cùng hơn 100 huấn luyện viên và hướng dẫn viên ưu tú đang từng ngày truyền thụ những tinh hoa võ học của môn phái Bạch Hổ Lâm cho môn đệ của mình.

Võ sư Giáo hướng dẫn môn đệ đánh đối kháng.

2. Năm 1990, võ sư Đặng Văn Vàng qua đời, sau khi lo việc tang chế cho sư phụ của mình xong. Những đệ tử tiền bối đã triệu tập một cuộc họp mặt gồm tất cả các võ sư, huấn luyện viên và môn sinh của môn phái để bầu chọn võ sư Hổ Phụng Giáo nối tiếp sư phụ đảm trách vai trò võ sư chưởng môn. Từ đó, võ sư Hổ Phụng Giáo trở thành truyền nhân ưu tú đời thứ 9 của môn phái Bạch Hổ Lâm. Không phụ lòng sư phụ, không phụ niềm tin của các võ sư và huấn luyện viên đồng môn.

Võ sư Giáo đã truyền thụ một cách tận tình những tuyệt kỹ của môn phái cho các môn đệ của mình, vì vậy suốt một thời gian dài, võ đường Bạch Hổ Lâm thường xuyên có những võ sĩ thượng đài mang về thắng lợi. Những võ sĩ như Hổ Lâm Tri, Hổ Lâm Nghĩ, Hổ Lâm Thương… liên tục nhiều năm liền mang về uy danh cho môn phái sau những trận thượng đài cân não với các võ sĩ của các môn phái khác nằm dọc theo vùng duyên hải miền Trung.

Trong số những học trò của mình đã trưởng thành, võ sư Hổ Phụng Giáo say sưa nhất khi kể về Hổ Lâm Nghĩ. Võ sư Nghĩ sinh năm 1964 tại xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.  Năm 12 tuổi, Trần Đình Nghĩ đã tìm đường đến xứ Huế thơ mộng để thượng sơn tìm thầy học võ. Thấy Nghĩ mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng lại có chí khí nên Hòa thượng Thích Thiện Quả trụ trì chùa Thiên Hỷ đã bằng lòng thâu nhận làm đệ tử của môn phái Thiếu lâm La Hán Quyền để truyền thụ võ công.

Năm 1984, Trần Đình Nghĩ giã biệt sư phụ ở chùa Thiên Hỷ để hạ sơn vượt Hải Vân Quan vào Đà Nẵng với mục đích vừa kiếm việc làm để nuôi thân, đồng thời sẽ tìm thầy học võ. Như một mối lương duyên tiền định, chỉ sau mấy ngày ở Đà Nẵng, Nghĩ đã gặp được võ sư Hổ Phụng Giáo ở võ đường Bạch Hổ Lâm. Thấu tỏ hoàn cảnh của đệ tử nghèo xa xứ, võ sư Giáo đã nhận cưu mang Nghĩ, rồi hết lòng truyền dạy tất cả những gì tinh hoa nhất của môn phái Bạch Hổ Lâm. Sau 12 năm khổ luyện với thầy, từ một môn sinh, Nghĩ đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho sư phụ của mình ở võ đường Bạch Hổ Lâm.

Năm 1998, Trần Đình Nghĩ xin phép sư phụ để trở lại quê nhà, từ đó anh mướn một mảnh đất ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để mở võ đường dựng nghiệp. Sau hơn 10 năm gây dựng, võ đường của Nghĩ đã phát triển thành 10 câu lạc bộ với gần 2 vạn môn sinh nằm rải rác khắp các huyện của tỉnh Quảng Bình. Từ đó đã đào tạo được hơn 100 huấn luyện viên có đẳng cấp để kèm cặp cho hàng trăm võ sĩ tham dự gần 30 giải đấu võ cổ truyền vô địch quốc gia và khu vực, giành 10 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 21 huy chương đồng.

Cũng như sư phụ chưởng môn, võ sư Nghĩ cùng những võ sư đồng môn khác, luôn tâm niệm rằng, dạy võ cho các thế hệ thanh thiếu niên là dạy cho các em cách rèn luyện để có một cơ thể khỏe mạnh, có một trí tuệ thông minh và một tâm hồn cao thượng… để khi các em trưởng thành sẽ là những công dân tốt, biết đấu tranh cho lẽ phải trên tinh thần hướng thiện

Phan Bùi Bảo Thy
.
.