Những vận động viên khuyết tật: Thèm một tiếng khóc trẻ thơ

Thứ Hai, 14/04/2014, 16:30

"Con cái là lộc trời ban", "cái lộc" này có thể đối với những cặp vợ chồng lành lặn thì việc "được ban" hết sức đơn giản và hiển nhiên. Thế nhưng đối với một vài vận động viên khuyết tật tôi quen thì ngay cả khát khao đời thường ấy cũng là một hành trình dài gian khổ, những ngày tháng khắc khoải chờ đợi. Thậm chí nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng đánh đổi cả gia sản, sức khỏe, tính mạng chỉ để được nghe một tiếng khóc trẻ thơ!

Chuyện của VĐV bóng bàn Đỗ Đại Dương: "Không bao giờ buông tay!"

Sáng, trong một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Sơn (Gia Lâm, Hà Nội), có một ngôi nhà với cánh cổng khép hờ, bên trong véo von tiếng chim hót như gọi mời. Thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông đang ngồi chơi đùa với một bé gái. Bé gái rúc vào lòng bố nắc nẻ, bố nhìn con rồi cũng bật cười theo. Cái không khí gia đình ấy khiến những người khách đang lấp ló sau cánh cổng là chúng tôi cũng cảm thấy vui lây và thật ấm lòng.

Là anh, Đỗ Đại Dương. Vận động viên khuyết tật đã quen thuộc xuất hiện trên các trang báo với nhiều thành tích trong những kỳ Para Games. Thì đây, trước mặt chúng tôi, anh hiện lên trọn vẹn là một người cha, gần gũi hơn bao giờ hết. Gương mặt đàn ông điển trai, đôi vai vạm vỡ và nụ cười dễ mến đủ khiến người đối diện không khỏi thốt lên khi nhìn thấy đôi chân bị liệt của anh: "Tiếc thay…".

Thế nhưng, anh chỉ nhẹ nhàng ôm con gái vào lòng xua tay: "Mình quen rồi mà, đời mình, hơn người ta ở nhiều cái, đó là tận cùng đau đớn tưởng chừng như rơi xuống địa ngục và hạnh phúc đến độ bay lên thiên đường mình cũng đều nếm trải cả rồi. Những cung bậc cảm xúc mà nếu cứ sống cuộc sống bình lặng thì có khi không cảm nhận được. Thôi, vậy là mãn nguyện…".

Anh tự nhận mình là một người đàn ông nhút nhát và "lành như hòn đất". Năm 1988, 18 tuổi, cao 1m80, nặng 70kg, gương mặt sáng sủa và hiền lành, thành tích học tập tốt. Anh đã ôm mộng trở thành phi công. Anh đã được chọn qua vòng loại, hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ để sang nước Nga học. Anh kể khi ấy, cảm giác mình như "hoàng tử bé", chỉ cần giơ tay ra là có thể nắm được sao trên trời.

Con gái thứ hai đang say ngủ trong vòng tay anh Đỗ Đại Dương.

Thế nhưng, số mệnh thật oan nghiệt. Trong khoảng thời gian chờ nhập học, anh có dự tiệc cưới một người bạn. Chếnh choáng vì rượu, anh ra vòi nước của gia đình người bạn ngồi rửa mặt cho tỉnh táo. Bỗng, đám cưới xảy ra ẩu đả, đám đông trở nên hỗn loạn. Chưa kịp định thần, vẫn trong tình trạng khom lưng ấy, anh bị một nhóm thanh niên trong làng ập đến đánh túi bụi. Một nhát dao chém vào lưng đã cắt đứt tủy sống của anh. Oan uổng thay, mãi sau này anh mới biết mình bị đánh nhầm. Hôm ấy là một ngày Noel lạnh buốt, và đẫm máu mà anh không bao giờ quên…

Vết thương phạm vào tủy sống ấy đã cướp đi của anh hơn 95% sức khỏe. Từ một thanh niên khỏe mạnh với tương lai xán lạn, giờ đây anh phải đau đớn chấp nhận sự thật là hai chân mãi mãi sẽ không đi lại được. Dần dà, được sự động viên của gia đình, anh bắt đầu tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Thể thao Khúc Hạo, đầu tiên anh tập chơi cầu lông, cử tạ, sau đó chuyển dần sang bộ môn bóng bàn. Anh đã tham dự nhiều kỳ Para Games và đem về không ít vinh quang. Thế nhưng, sau bước ngoặt cuộc đời ấy, anh trở nên khép kín, và lạnh lùng hơn. Mặc dù bố mẹ, người quen nhiều lần mai mối nhưng anh đều từ chối, anh cương quyết không lấy vợ vì sợ sẽ làm khổ người ta. Đời anh buồn, anh tự chịu là đủ rồi…

Tình yêu đến với anh như một sự bù đắp muộn màng của tạo hóa. Anh gặp chị Tạ Thị Lương, cháu gái của một người hàng xóm một cách tình cờ. Thoạt đầu,  anh chỉ coi chị như một người em gái, vì chị thua anh đến chục tuổi. Còn chị lại dường như cảm mến anh ngay từ những giây phút đầu. Sau những lần gặp gỡ, tình yêu cứ lớn dần trong lòng hai người. Chị quyết chia sẻ nỗi đau cùng với anh, còn anh đau đáu chỉ lo chị khổ.

Không biết bao nhiêu lần anh hết khuyên nhủ lại vẽ ra một viễn cảnh u ám để dọa chị: "Anh hôm nay còn khỏe thì tự lo được, mai sau anh yếu rồi, ngồi không nổi, có thể chỉ nằm thôi… em sẽ phải chăm sóc anh. Em chịu được không?". Chị ứa nước mắt gật đầu. Làm sao có thể rời xa được khi chị trót thương người đàn ông với vẻ ngoài lạnh lùng sỏi đá nhưng bên trong thật ấm áp này rồi. Bằng đôi tay khéo léo, sự tỉ mỉ, anh chị đã cùng chung nhau mở một cửa hàng chuyên làm hàng mã. Dù thu nhập không cao, nhưng chị vẫn cảm thấy hạnh phúc lạ kỳ. Tình yêu, tự có lý lẽ riêng của nó.

Chị Lương - vợ của anh Dương và con gái đầu lòng.

Năm 2004, sau khi cưới nhau rồi, anh phát hiện tủy sống bị tổn thương quá nặng nên chẳng thể có con. Sau nhiều lần chạy chữa tứ phương, cơ duyên đã đưa anh chị đến gặp bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, lúc đó ông còn đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Anh chấp nhận "chuột bạch" để làm ca bệnh nhân bị liệt bán thân đầu tiên thực hiện thụ tinh nhân tạo. Sau 2 lần thất bại, năm 2008, bác sĩ báo tin mầm sống nhỏ đã thành hình. Hai vợ chồng vỡ òa vì hạnh phúc.

Anh tâm sự: "Vợ chồng mình lúc đó gần như là trong tình trạng "nín thở", vì mình đã được bác sĩ cảnh báo rằng mặc dù thụ tinh thành công, nhưng xác suất dị dạng ở đứa trẻ vẫn rất lớn. Đến ngày con ra đời, hai vợ chồng cứ săm soi mãi xem con có khác biệt với những đứa trẻ khác không. Đến khi con gái được một tuổi, khỏe mạnh, hiếu động, vợ chồng mình mới dám thở phào…".

Năm 2011, anh chị lại tìm đến bác sĩ Vệ với mong muốn sinh thêm cháu nữa. Lần mang thai thứ hai, chị bị biến chứng buồng trứng rất nguy hiểm. Mang thai chưa đầy một tháng, mà bụng chị đã ứ nước trương to . Chị gầy gò xanh xao, nước trong khoang bụng chèn lên phổi, lên tim khiến chị không thể thở nổi. Hàng ngày chị phải vào viện để hút dịch.

Vì thương chồng, thương con, ngay cả những giờ phút sinh tử ấy chị cũng chưa từng nghĩ mình sẽ buông tay con mà luôn tâm niệm: "Sẽ cố đến khi cơ thể không chịu nổi thì thôi, dù "con" chỉ nhỏ bé như hạt đậu, nhưng đó là kết tinh của tình yêu và niềm hy vọng nơi anh dành cho chị…". Đó là một cái tết đáng nhớ nhất mà anh chị cùng đón trong bệnh viện. Khi nhà nhà đang chuẩn bị đón giao thừa, háo hức ngắm pháo hoa ở Bờ Hồ thì chị gồng lên, vật vã hớp từng hơi thở. Còn anh chỉ biết ứa nước mắt, hận không thể chịu đau thay cho vợ.

Bé gái thứ hai chào đời, anh chị đặt tên con là Minh Ngọc, là viên ngọc quý trời ban mà phải hết sức cố gắng mới giữ gìn được. Mỗi khi nhìn các con cười, anh chị biết, quyết định không bao giờ buông tay dẫu có khó khăn hoàn toàn là xứng đáng…

VĐV Vũ Hoài Thanh - Tạ Đình Hán: "Học cách tin vào những điều kỳ diệu"

Chồng là vận động viên điền kinh khiếm thị, vợ là vận động viên cầu lông bị mất một chân. Được mệnh danh là "cặp đôi vàng" làm rạng danh nền thể thao nước nhà. Đúng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, chúng tôi có hẹn với anh chị trên gác hai quán càphê, nơi có thể nhìn xuống sân tập luyện trên đường Lê Hồng Phong. Chị Hoài Thanh, sinh năm 1977, lựa tư thế ngồi sao cho thật thoải mái.

Hôm nay là một ngày mưa. Đối với người bình thường, mưa đơn giản chỉ kéo theo nỗi phiền toái về sự ướt át bất tiện. Nhưng đối với chị, mưa là cả một nỗi ám ảnh về cái chân khuyết tật  đau nhức. Đặc biệt khi mà chị đang mang thai đến tháng thứ 7 như hiện giờ, đùi to lên,  việc ních vào chiếc chân giả cũng khó khăn và đau đớn gấp bội phần.

Tai họa ập đến vào năm 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, tai nạn ôtô cướp đi một chân của chị. Chuyện buồn là thế, nhưng chị vẫn cố gượng cười pha trò: "Cũng còn may lúc đó chị chưa yêu ai, có bị vậy cũng không day dứt phải nói lời chia tay với ai. Đỡ lo làm khổ người dưng. May em nhỉ?". Chị cười, mà sao tôi thấy đắng chát.

"Cặp đôi vàng" Hán - Thanh cùng hai con "Gấu chuột" và "Gấu lợn".

Nói đến đây, từ sân tennis ở tầng 1 bỗng bật lên một quả bóng đi lạc, chị giật mình suýt đánh rơi cốc nước. Rất nhanh, anh Hán chồng chị, dù khiếm thị,  bằng cảm giác đã nhanh chóng chộp được quả bóng tennis và vứt trả xuống sân. Đồng thời, kéo vai chị ngả về phía anh, chở che. Chị siết tay anh, trao cho anh một ánh nhìn trìu mến. Chỉ thế thôi, tôi cảm nhận, có lẽ họ sinh ra là để bù lấp những mất mát trong nhau.

Anh Hán, hơn chị Thanh 3 tuổi. Mặc dù đôi mắt bị hỏng hoàn toàn, nhưng phải công nhận anh rất điển trai. Do di chứng chất độc da cam từ người cha đã từng tham gia chiến trường để lại, đến năm 7 tuổi, thế giới của anh chỉ còn tràn ngập một màu đen.

Kể về chuyện tình yêu của mình, anh chị chia sẻ rất nhiều.

Chị - một vận động viên cầu lông khuyết tật ở câu lạc bộ thầm để ý anh chàng khiếm thị, mỗi khi anh bắt đầu tập luyện điền kinh là say sưa, chẳng cần biết đến ai. Chị nói nhỏ: "Chính sự bất cần ấy tạo cho anh một sức hút kinh khủng. Và hấp dẫn nhất ở anh là cái đẹp tự nhiên không chút màu mè, chỉ có thể bộc lộ khi người ta không hề biết người ta đẹp!".

Sau 3 năm làm bạn thân rồi tiến đến yêu. Ngày nào cũng vậy, chị kiên trì đạp xe từ Trâu Quỳ tới tận Ngõ Gạch đón anh đi ăn sáng, đi tập luyện, rồi lại cặm cụi đạp xe về. Ba năm mà một lời tỏ tình giữa hai người cũng không có, họ chỉ xưng hô "bạn - tớ" với nhau. Tình yêu tưởng "nhạt" ấy thế mà mãnh lực thật phi thường.

Bố mẹ chị can ngăn: "Đã mất một chân rồi, cố mà kiếm chồng lành lặn để có người chăm sóc cho mình. Lấy người hỏng mắt về để hầu hạ người ta ư?". Nói nhẹ có, cấm đoán có, thế mà chị cũng đấu tranh để được đến với anh.

Có lẽ sự hy sinh lớn lao nhất của chị là quyết định sinh những đứa con với anh. Bác sĩ đã nhắc nhở chị rằng: "Với chồng cháu, nguy cơ di truyền chất độc da cam sang con là rất cao, các con có thể bị tàn tật, hoặc dị dạng".

Chị bật khóc và nói với bác sĩ: "Em sinh con ra, cho dù lành lặn hay không thì vẫn sẽ nuôi dạy con bằng toàn bộ khả năng của mình. Nếu lỡ ra, con em có giống như anh ấy thì tin trên đời vẫn có những cô gái giống như em san sẻ cùng với chúng".

Cuối cùng, chị quyết định mang thai và sinh con. Mặc dù bác sĩ khuyên chị thêm là chị nên đẻ mổ. Mất một chân như chị đẻ thường sẽ rất khó khăn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Thêm một lần nữa, chị lại cứng cỏi: "Em tin rằng đẻ thường là điều tốt nhất cho con!".

Và một lần nữa, chị lại đúng.

Trong căn nhà 10m2 lọt thỏm ở 19 Ngõ Gạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hai bé "Gấu lợn" và "Gấu chuột" lớn sàn sàn nhau, khỏe mạnh và nghịch ngợm. Chị kể rằng: "Chị tính đặt tên bé trai đầu là Nhật Minh, bởi vì xưa anh chị chỉ hẹn hò nhau vào ban ngày thôi, chưa một lần đi chơi tối. Vì nhà chị ở xa, vắng vẻ, chị không dám đạp xe về muộn một mình. Nhưng rồi trùng tên người trong họ nên lại thôi, còn bé thứ hai chị đặt tên là Phú, vì chị hy vọng con chị sẽ có một cuộc sống tương lai sung túc, đủ đầy chứ đừng lận đận như cha mẹ nó". Cuộc sống đối với anh chị vẫn hết sức vất vả khi thu nhập chính của hai vợ chồng phụ thuộc vào cửa hàng tẩm quất mát-xa người mù. Cửa hàng chủ yếu tạo cơ hội việc làm cho bạn bè là chính, lời lãi chả được bao nhiêu…

Anh chạm khẽ lên đôi vai vợ. Chị ngả đầu vào anh, đôi mắt thật trìu mến: "Nói vậy thôi, chứ có bao nhiêu bạc vàng để đánh đổi cuộc sống hạnh phúc bên một người chồng hiền lành, tận tụy, với những đứa con xinh xắn hiện tại chị cũng chả chịu. Giờ điều lo nhất của anh chị có lẽ là đứa lớn năm sau lên 7 tuổi rồi. Bằng tuổi anh Hán ngày xưa bắt đầu bị lòa mắt. Hai vợ chồng chị ngày đêm chỉ biết cầu nguyện cho con vượt qua được ngưỡng này. Chúng tôi cũng cầu mong điều kỳ diệu đến với những đứa con bé bỏng của hai người".

Anh Hán ngước nhìn vào khoảng không mênh mông, và lặp lại câu nói của vợ: "Ừ, hãy tin vào những điều kỳ diệu…"

Huyền Vũ
.
.