Nỗ lực vì bản làng bình yên

Thứ Hai, 21/06/2021, 11:47
Ở Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) - huyện giáp biên nghèo nhất cả nước, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự là một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm nhưng không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Trong vô vàn khó khăn, lực lượng Công an huyện Mường Nhé với vai trò nòng cốt vẫn đang từng ngày từng giờ bám địa bàn, kiên trì chuyển hóa để mỗi bản làng được bình yên...


Khó như... chuyển hóa địa bàn

Trong cái nắng hè ngột ngạt, theo chân lãnh đạo Công an huyện Mường Nhé,  chúng tôi được dự hội nghị chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (từ đây gọi tắt là chuyển hóa địa bàn) tại xã Nậm Vì. Ngoài trời đã nóng nhưng không khí hội nghị còn nóng hơn. Những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đặt ra để từng bước đưa Nậm Vì trở thành địa bàn có tình hình an ninh trật tự (ANTT) ổn định.

Cả xã có 94 đối tượng quản lý về ANTT, 68 người nghiện, 41 đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương. Năm 2019, đây chính là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động đòi li khai, lập nhà nước riêng, hoạt động tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” của các tổ chức phản động. Vì là địa bàn phức tạp cả về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nên ngay từ năm 2020, Nậm Vì đã được lựa chọn để chuyển hóa địa bàn.

Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé tại Hội nghị chuyển hóa địa bàn xã Nậm Vì, ngày 27-4-2021.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé nặng trĩu những trăn trở khi ở Nậm Vì, hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, phá rừng làm nương còn diễn ra phức tạp. Bởi thế, sang năm 2021, căn cứ tình hình thực tế ở địa bàn, Ban chỉ đạo chuyển hóa địa bàn quyết định tiếp tục để Nậm Vì trong “danh sách đỏ”.

Thiếu tá Hưng bảo, để chuyển hóa được địa bàn Nậm Vì phải thực hiện song song nhiều giải pháp ở nhiều lĩnh vực đời sống. Dễ thấy nhất là chương trình hỗ trợ nhà cho bà con nghèo của Bộ Công an một năm qua đã đạt được hiệu quả rõ nét. Bà con có nơi ăn chốn ở ổn định rồi, lại tiếp tục làm đường bê tông vào đến tận UBND xã thay cho đường cấp phối lầy lội trước kia.

Là người trực tiếp phụ trách địa bàn, Trung tá Hờ A Lồng - Trưởng Công an xã Nậm Vì là người đứng mũi chịu sào, luôn đau đáu về tình hình ANTT ở 7 bản của xã. Bởi anh hiểu, ở nơi phên giậu này, cuộc sống của bà con phải ổn định thì cương vực biên giới mới vững chắc. Tình hình thôn bản phải nắm hàng ngày, nhà này mất một con ngan, nhà kia bị chặt mấy gốc tre đều lập tức xuống báo công an xã. Đừng nghĩ những vụ việc đó là nhỏ, phải giải quyết nhanh chóng và xác đáng, nếu để kéo dài sẽ nảy sinh mâu thuẫn... Cũng bởi sự sát sao đó mà ở Nậm Vì từ cuối năm 2020 đến nay, nạn trộm trâu trộm lợn đã không còn.

Cơn bão “nhà nước Mông” quét qua Nậm Vì năm 2019 với nhiều phần tử xấu là người trong xã đã khiến địa bàn này bị ảnh hưởng nặng nề. Anh em công an chính quy vừa chân ướt chân ráo về xã là bắt tay vào củng cố địa bàn, ổn định đời sống người dân. Trưởng Công an xã Hờ A Lồng và đồng đội ngày ngày tỏa đi khắp xã để kiểm danh, kiểm diện, quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng tham gia hoạt động lập “nhà nước Mông”. Từ đó hạn chế điều kiện, khả năng hoạt động của các đối tượng, không để chúng mở rộng phạm vi ảnh hưởng hoặc có hoạt động gây mất ANTT tại địa bàn.

Anh em công an đến từng nhà nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, yên tâm lao động sản xuất, không nghe theo kẻ xấu tuyên truyền “nhà nước Mông”, tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, không che giấu, tiếp tay cho kẻ xấu. Việc phụ trách 7 bản với 88% người dân là dân tộc Mông, 0,1% dân tộc Kinh, còn lại là dân tộc Thái, đời sống còn nhiều khó khăn, lạc hậu là một thử thách đối với lực lượng công an xã. Từ xã xuống bản xa nhất là Huổi Cấu, 24 cây số toàn đường đất, đã nhiều lần anh Lồng chọn cách đi bộ băng rừng để nắm tình hình.

Năm 2020, ở Nậm Vì nổi lên hoạt động tà đạo “Giê Sùa” mà đối tượng Cháng A Hù là trưởng nhóm chỉ đạo 5 hộ với 45 khẩu thường xuyên tuyên truyền về việc thành lập “nhà nước Mông”, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của bà con dân bản. Qua những cuộc gặp mặt trực tiếp, những cuộc điện thoại, Trung tá Hờ A Lồng và đồng đội đã từng bước hạn chế và xóa bỏ được hoạt động của nhóm tà đạo này từ cuối năm 2020. Riêng với nhân thân đối tượng Tráng A Chớ (đối tượng cầm đầu từng âm mưu và tiến hành bạo loạn, hiện đang đi thụ án) ở bản Huổi Cấu cần phải quan tâm đặc biệt. Anh thường xuyên đến thăm bố mẹ, em trai và con của Tráng A Chớ để nắm bắt tình hình và tuyên truyền vận động để họ ổn định tâm lý. Ông Tráng A Dia (sinh năm 1954), bố của đối tượng Chớ giờ đã bình tâm hơn sau khi con trai bị bắt. Trong câu chuyện với cán bộ Hờ A Lồng, giọng ông trầm buồn: “Con tôi sai rồi thì giờ phải chịu phạt thôi, mong nó cải tạo tốt để về với gia đình”...

Một hộ dân ở xã Mường Toong hào hứng với điện thắp sáng và đã mua nồi cơm điện để nấu ăn hằng ngày.

Dòng họ Khoàng bình yên

“Xã Mường Toong trải dài dọc theo quốc lộ 4H, là địa bàn rất phức tạp với nạn phá rừng, hơn 200 đối tượng nghiện ma túy, 7 hộ gồm 53 khẩu theo tà đạo “Bà Cô Dợ” lấn át để thành lập “nhà nước Mông”. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên quyết xử lý và đấu tranh quyết liệt, đến nay Mường Toong đã chuyển biến tích cực. Năm 2020, Công an xã Mường Toong phối hợp với Đội Cảnh sát phòng, chống ma túy Công an huyện Mường Nhé bắt giữ các đối tượng buôn bán, tàng trữ ma túy, xóa bỏ tụ điểm ma túy tại bản Tà Hàng.

Hết năm 2020, Mường Toong được đưa ra khỏi danh sách chuyển hóa địa bàn. Để có được kết quả này, anh em chúng tôi phải dựa vào người dân. Dân càng xa, chúng tôi càng phải đến, phải tìm mọi cách gặp để gần. Vào cơ sở, nhiều lúc không để cứng nhắc được”, Thiếu tá Vàng Văn Hoan - Trưởng Công an xã Mường Toong nói những lời đầy tâm huyết như thế.

14 bản và 2 cụm dân cư thuộc xã Mường Toong những ngày này đang có niềm vui lớn. Nhiều hộ nghèo được Bộ Công an tặng nhà ở kiên cố, đường bê tông được xây dựng giúp bà con đi lại dễ dàng. Chỉ một năm trước thôi, buổi tối ở khắp các bản làng chỉ le lói ánh đèn dầu, giờ thì điện đã về khắp các bản làng... Ngay đầu bản Huổi Đanh, bà Cứ Thị Ly mời chúng tôi vào nhà và khoe năm nay bà được ở trong căn nhà đẹp, phải chăm quét dọn để 5 đứa cháu chạy nhảy chơi đùa.

Buổi tối, ánh đèn điện chan hòa khắp gian nhà, không còn cảnh thắp đèn dầu nữa, chiếc máy phát điện bằng thác nước để rỗi ở góc nhà. Có điện rồi, anh con trai Sùng A Phổng mới mua được máy xát gạo để phục vụ cả bản. Chị Thò Thị De - con dâu bà Ly dẫn tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cơm điện và sốt sắng: “Vài tháng nay, mỗi tháng nhà tôi hết 4-5 nghìn đồng tiền điện. Tháng này mới mua nồi cơm điện nên tiền điện tăng lên 9 nghìn đồng. Nhưng mà nồi này hay thật, nấu cơm ngon và sạch, không có bụi tro bay vào”.

Ở Mường Toong, mô hình an ninh “Dòng họ Khoàng bình yên” được thành lập giữa tháng 9-2020, nay đã thành điểm sáng và mang lại hiệu quả thiết thực. 29 hộ gồm 156 nhân khẩu thuộc dòng họ Khoàng sinh sống chủ yếu ở các bản Mường Toong 1, 2, 3 thời gian qua đã luôn chấp hành quy chế hoạt động của dòng họ.

Ông Khoàng Văn Cớm - trưởng dòng họ cùng ban đại diện dòng họ tổ chức quản lý, giáo dục con em trong gia đình dòng họ không vi phạm pháp luật hoặc mắc các tệ nạn xã hội. Chính dòng họ này đã viết đơn để 8 người trong họ được đi cai nghiện ma túy. Cũng chính họ Khoàng đã lập quỹ khuyến học khuyến khích con cháu học hành để ngày một tiến bộ. Ở vùng giáp biên Mường Nhé, mô hình an ninh “dòng họ bình yên” không chỉ thiết thực đối với từng gia đình, từng thôn bản mà cần được nhân rộng để góp phần bảo đảm an ninh tuyến biên giới.

Công an xã ở Mường Nhé đến từng nhà dân để tuyên truyền vận động bà con chấp hành pháp luật, yên tâm lao động sản xuất.

Những trăn trở dài lâu

“Chuyển hóa được địa bàn đã khó nhưng giữ được ổn định lâu dài còn khó hơn. Bởi đời sống vật chất và cả tinh thần của bà con còn mong manh lắm”, Thiếu tá Vàng Văn Hoan nói với tôi. Đơn giản nhất là chuyện lá ngón - bao đời nay và cho đến tận bây giờ vẫn đang là ẩn họa chực chờ, có thể cướp đi mạng sống của người dân bất cứ lúc nào.

Thiếu tá Hoan kể, dịp tết Tân Sửu vừa rồi, anh em công an xã chóng mặt vì các vụ ăn lá ngón tự tử liên tiếp xảy ra. Chiều mùng 3 tết, nhận được tin báo có người nằm bất tỉnh ở ven đường, anh Hoan phóng xe đi ngay. Đến nơi, cậu học sinh chỉ còn thở thoi thóp, mặt tái đi, sùi bọt mép. Anh Hoan vội vã nhờ người dân chở cậu ta đến trạm y tế xã cấp cứu nhưng không kịp. Lá ngón đã cướp đi mạng sống của cậu học sinh trong phút chốc. Thì ra cậu ta có người yêu và đòi lấy vợ. Người anh trai khuyên can là còn trẻ quá, khi nào đủ tuổi sẽ cho lấy. Vậy là cậu ta buồn, thất vọng và hái lá ngón ăn.

Ngay hôm sau, mùng 4, một chị ở bản Nậm Pan (sinh năm 1971) cãi nhau với chồng rồi ra bờ suối ngồi khóc. Khóc mãi không thấy anh chồng ra làm lành, chị tủi thân, bứt nắm lá ngón cho vào miệng. Rồi chị được đưa đi cấp cứu, may cứu được, cũng như 4 lần trước chị cũng đã từng làm vậy. Anh Hoan bảo, nhiều khi bà con doạ nạt, gây áp lực với người khác bằng cách ăn lá ngón. Chỉ định doạ thôi nhưng rất nhiều vụ lại chết thật, vì họ không lường được lá ngón độc đến thế. Khi người dân còn coi thường mạng sống thì còn nhiều gia đình tan hoang, nhiều đứa trẻ mồ côi và những bi kịch cứ nối tiếp sau.

Hay như chuyện bà con phá rừng làm nương rẫy cũng để lại hệ lụy đau lòng. Chỉ riêng năm 2020, ở bản Huổi Đanh đã có đến 4 trường hợp bị khởi tố vì phá rừng, bọn trẻ bơ vơ, nheo nhóc tự nuôi nhau, học hành chểnh mảng. Lớn lên, ít học, chúng lại đi phá rừng làm nương, vòng luẩn quẩn đó mãi không thoát ra được. Bởi vậy, thời gian qua, Công an xã Mường Toong đã tham mưu cho chính quyền địa phương tập trung giải quyết tận gốc vấn đề, cùng cán bộ địa chính xã đi vào từng thôn bản để đo đạc, khoanh vùng lại, giải thích cụ thể cho bà con đâu là đất sản xuất, đâu là đất rừng. Khi nắm rõ rồi, họ sẽ có ý thức định canh, chủ động khoanh nuôi bảo vệ rừng, tạo sinh kế lâu dài dựa vào rừng để từng bước thoát nghèo.

Thời gian qua, nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT trên địa bàn huyện Mường Nhé từng bước được chuyển hóa, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội được kéo giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi năm, sẽ có 1-2 xã được tiến hành chuyển hóa địa bàn. Với phương châm mỗi người dân là một cán bộ chiến sĩ công an trong việc chuyển hóa địa bàn, kế hoạch chuyển hóa sẽ tập trung vào công tác giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, những đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương để trở thành công dân có ích. Đấu tranh với các hoạt động tà đạo, di cư tự do và thành lập nhà nước riêng, tàng trữ vũ khí vật liệu nổ. Từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân” - Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Phó Trưởng ban chỉ đạo chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.

Huyền Châm
.
.