Nỗi đau dưới những bánh xe tải

Chủ Nhật, 26/06/2011, 12:15

Tai nạn giao thông xảy ra, là lại kéo dài thêm nỗi đau. Khi trở thành nạn nhân phía dưới bánh xe tải, người ta không còn phân biệt đẳng cấp, tầng lớp, vị trí xã hội, giàu nghèo… chỉ còn lại nước mắt, tang thương, tiếc nuối…

Những mảnh khăn tang trắng xóa, tiếng nấc nghẹn ngào… Bữa cơm thiếu mất một thành viên, ngày vui vắng bặt một giọng cười nói, con mất cha, chồng mất vợ. Lắm khi, cả gia đình trong một khoảnh khắc của phận người đã hoàn toàn biến mất… Có những mất mát khiến u uất đến nghẹn lời…

Ngày hoảng loạn của Hòa và những câu chuyện khác

Hòa là bạn của tôi thời niên thiếu, ở quê. Thi đậu tú tài, Hòa không lên Sài Gòn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn mà đi làm công nhân ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Làm công nhân được vài năm, Hòa lấy vợ. Vợ Hòa cũng là nhân viên của công ty nơi Hòa đang làm việc, quê ở miền Trung. Lấy nhau hơn năm thì Hòa lên chức bố. Hai vợ chồng thuê căn phòng trọ con con để tiện việc đi làm… Tôi ít khi gặp Hòa, do tính chất của công việc. Nhiều tuần trước, bạn bè gọi điện thoại, bảo: "Về quê viếng đám tang vợ Hòa". Hốt hoảng, bởi không biết chuyện gì đã xảy ra…

Hòa ngồi thất thần trong đám tang, tay ôm chặt cô con gái 3 tuổi, nước mắt đầm đìa trên mặt, khóc không thành tiếng. Hòa thờ ơ nhìn mọi thứ đang diễn ra xung quanh, phía trước cỗ quan tài vợ Hòa là bàn hương án, khói nhang nghi ngút… Hòa già sọm so với số tuổi gần 30 mà Hòa đang sở hữu.

Một ngày Hòa đưa vợ về thăm gia đình, đoạn đường từ TP Biên Hòa đến ngã ba Dầu Giây chưa đến 40km, Hòa vẫn hay chở vợ về thăm gia đình vào mỗi cuối tuần như vậy bằng xe máy.

Chiều Chủ nhật, Hòa đưa vợ về lại TP Biên Hòa để kịp ca làm vào sáng mai. Đến khu vực Bàu Cá, Hòa bị va quệt xe, hai vợ chồng ngã sóng xoài trên đường. May mắn, Hòa ngã theo hướng phía trong lề đường. Vợ Hòa, đã không gặp may vậy…

Chiếc xe tải lao nhanh trên đường, tài xế không kịp xử lý tình huống bất ngờ xảy ra. Hòa buộc phải chứng kiến toàn bộ cái chớp mắt đớn đau ấy, khi vợ Hòa nằm dưới bánh xe tải.

Chưa đến 30 tuổi, Hòa góa vợ, gà trống nuôi con.

Cũng chưa đến 30 tuổi, vợ Hòa vắn số.

Khi tai nạn xảy ra, vợ Hòa đang mang thai đứa con thứ hai, được tròn 4 tháng.

Gặp lại Hòa sau bi kịch ấy, Hòa đã thành con người khác. Lặng im, rít thuốc như tàu hỏa phả khói ngày xa xưa… Hỏi Hòa là đã lấy lại phần nào cân bằng cuộc sống chưa. Hòa chìa bàn tay ra, bắt hờ hững không đáp…

Chuyền, 20 tuổi, quê ở Bình Định. Chuyền là nữ sinh viên năm 3 của Lớp Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP HCM. Ngày Chuyền ở quê, thương mẹ khốn khó, năm Chuyền lên lớp 8, Chuyền đã sáng đi học, trưa về ăn cơm nguội rồi tranh thủ đi cắt lúa mướn cho láng giềng, kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Chuyền đậu đại học, vào Sài Gòn ở trọ cùng hai người chị trong căn phòng trọ nhỏ ở quận Gò Vấp. Mỗi ngày, Chuyền đạp xe đạp hàng chục cây số từ nhà trọ để đến giảng đường. Tối, vẫn chiếc xe đạp cọc cạch ấy, Chuyền lại tất tả kiếm thêm bằng nghề gia sư. Áo quần, mũ nón, giày dép… Chuyền đều dùng chung với hai chị của mình. Chuyền hiểu gia cảnh không dư dả, Chuyền tằn tiện tất cả để mơ đến ngày được mặc áo cử nhân…

Một chiều giữa tháng 5, đường phố lem nhem sau mưa, xui rủi đã gọi tên Chuyền. Máu Chuyền loang thấm cả con đường Trần Quang Diệu, quận 3,  ướt át. Chuyền tử vong bởi chiếc xe tải của Công ty Công viên Cây xanh TP HCM quẹt vào tay lái chiếc xe đạp của Chuyền, Chuyền ngã xuống đường và cái bánh sau của chiếc xe tải oan nghiệt ấy đã không tránh được Chuyền…

Chị Chuyền khóc ngất ở Cơ quan Công an, chị níu áo các cán bộ chiến sĩ, khóc thét: "Trả em lại cho tôi...". Mọi người nhìn chị Chuyền vừa thương cảm vừa ái ngại..

Sau tai nạn, những trang nhật ký của Chuyền được gửi cho một cơ quan truyền thông. Chuyền viết trong nhật ký rằng, Chuyền thương mẹ Chuyền lắm, Chuyền chỉ sợ đến một ngày Chuyền về lại quê nhà, lại không được nhìn dáng mẹ…

Giờ, Chuyền đã không còn nỗi sợ hãi vô hình ấy ám ảnh… Chuyền bị tước mọi cơ hội dưới bánh của chiếc xe tải vô tình.

Cô giáo tên Linh, 27 tuổi, quê ở Đắk Nông. Nửa khuya cuối tháng 5, khi cô giáo được bạn chở trên chiếc xe gắn máy hiệu Atilla dừng chờ đèn tín hiệu sát lề trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM đã bị chiếc xe ben cuốn phăng…

Mãi mãi, không bao giờ cô có thể đứng trên bục giảng được nữa.

Hiện trường vụ xe cắt tỉa cây xanh gây tai nạn cho Chuyên.

Tháng 3/2011, Lê Công Bình 28 tuổi, quê Nghệ An điều khiển xe gắn máy lưu thông đến trước chợ đầu mối nông sản ở Thủ Đức, bất ngờ bị chiếc xe buýt to đùng quệt phải. Bình tử nạn do khi ngã xuống, đầu của Bình đập rất mạnh xuống đường…

Kiểm tra giấy tờ của Bình để biết thông tin nhằm gọi điện thoại báo cho gia đình, người ta phát hiện trong túi xách của Bình có một xấp thiệp hồng.

Tên chú rể được ghi trong thiệp là Lê Công Bình, 28 tuổi.

Bình chết trước ngưỡng cửa của niềm hạnh phúc. Tôi đau đớn vô cùng khi nghĩ đến giọt nước mắt của cô gái, chuẩn bị lên xe hoa nhưng đã không được mặc áo cưới nữa…

Hai vợ chồng chị ở cạnh nhà tôi tại quận 8, TP HCM. Chồng chị thành đạt rất sớm, chưa đến 40 tuổi đã sở hữu biệt thự, xe hơi và một công ty chuyên kinh doanh dược phẩm. Chị có hai cô con gái đẹp như mơ, con gái lớn học lớp 3, cô con gái nhỏ học lớp 2.

Chiều, trên đường đi làm về, tôi thấy hai chiếc cặp xách nhỏ rơi ra trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8. Vết máu còn nóng hổi loang trên đường dưới bánh chiếc xe đưa rước công nhân, loại 54 chỗ ngồi…

Cô con gái học lớp 2 của chị tử vong tại chỗ vì bị bánh xe chèn qua. Cô con gái học lớp 3 bị vỡ xương chậu…. Niềm hy vọng, sự yêu thương của gia đình chị bị cướp mất một cách tàn nhẫn.

Sáng hôm sau, ngay điểm xảy ra tai nạn chiều qua, tôi để ý thấy xuất hiện một bàn hương án lập vội… Khói nhang vòng vèo trên những viên gạch thẻ nhỏ, nhiều cái chén nhựa chứa cháo loãng, một ít bánh ngọt làm từ bột gạo…

Hôm sau nữa, cái bàn hương án tạm ấy đã bị dẹp đi. Ông chủ của căn nhà mặt tiền đường sợ sự xui rủi đã yêu cầu chị bỏ bàn hương án ấy. Giờ, chị đưa cô con gái may mắn thoát nạn đi chữa trị di chứng vết thương ở Bệnh viện Điều dưỡng quận 8, nơi phục hồi chức năng dành cho những người chịu di chứng sau tai nạn…

Triều, 29 tuổi, quê ở Trà Vinh. Anh chở vợ và con trai 6 tuổi đi từ Trà Vinh lên Lâm Đồng có việc riêng. Đến xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chiếc xe tải chở rau phóng bạt mạng đã không kịp tránh chiếc xe gắn máy của Triều. Triều tử vong tại chỗ, con trai Triều cũng vậy. Vợ Triều mất trên đường đưa đi cấp cứu. Chị ấy đang mang thai đứa con thứ hai.

Chuyện xảy ra vào ngày 6/6 vừa qua. Ngày 7/6, gia đình đã đưa Triều về quê nhà Trà Vinh để an nghỉ…

Còn rất nhiều những bi kịch khác dưới bánh những chiếc xe tải. Mà hẳn nhiên, không ai có thể chuyển tải hết những đau thương ấy thành ngôn ngữ…

Mật mã của tội ác

Trên các tần số phát thanh của các chương trình an toàn giao thông, bao giờ xướng ngôn viên cũng lặp đi lặp lại khẩu hiệu: "Trước tay lái là cuộc sống. Hãy lái xe bằng cả trái tim"…. Nói chỉ để nói thì ai cũng nói được, ai cũng nói hay, ai cũng nói tốt… Nhưng để có thể làm được như nói thì là cả một chặng đường rất dài. Dài đến mức, nhiều lúc không phải ai cũng vượt qua được. Dư luận đã hồ nghi, đã hiến kế, đã băn khoăn, đã khẩn cầu, đã hy vọng… Vậy mà, dưới bánh những chiếc xe tải vẫn là nước mắt.

Một tài xế xe đường dài ngồi với tôi ở quán cóc cạnh bến xe miền Đông kể rằng, chi phí được chủ xe trả cho tài xế theo hành trình từ Nam chí Bắc là 2 triệu đồng. Tài xế chính sẽ được trả thêm 120 nghìn đồng tiền cơm mỗi ngày. Phụ xe được trả 1,8 triệu…

Thông thường, mỗi tài xế sẽ mất khoảng 3 ngày 3 đêm cho một chuyến hành trình. Và họ sẽ làm tất cả những gì mình có thể làm được để có thể quay đầu xe một cách nhanh nhất.

Quay đầu xe nhanh, đồng nghĩa với việc họ sẽ có thêm thu nhập để lo cho gia đình.

Một tài xế xe container trong buổi giao lưu trên kênh FM91, than thở với người dẫn chương trình rằng, nhà ngay cạnh cảng Cát Lái (TP HCM), anh chở hàng từ Cát Lái ra các tỉnh miền Bắc. Vậy mà, có khi cả tuần liền anh chỉ được một lần tạt qua nhà để vệ sinh cá nhân, dúi cho vợ ít tiền rồi lại tiếp tục ôm vôlăng. Trong tình trạng thần kinh căng thẳng như dây đàn ấy, trong cơn đánh vật với số tiền sẽ được sở hữu ấy, ai dám chắc họ sẽ lái xe bằng cả trái tim mình(?!).

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên đường Cộng Hòa.

Dư luận cũng không xa lạ với những tay tài xế lái xe đường dài lại có thú tiêu khiển rất quái, chơi hêrôin hoặc chích xì-ke. Họ hút, chích… thản nhiên trước mặt hành khách như khi hít vào thở ra để duy trì sự sống. Tài xế chính lên cơn, vội vã gọi tài xế phụ ôm vô lăng. Còn mình, lủi đến cái ghế trống vốn không bao giờ dành cho hành khách, lập bập lôi từ cái túi con ra cây kim, thuốc, nước cất… lắc đều, bơm thuốc và tìm ven…

Trong trạng thái lờ đờ của ảo giác, chuyện gì sẽ xảy ra(?!).

Dư luận cũng hồ nghi những chiếc xe ben cày nát mặt đường, vì đâu mà sau khi gây tai nạn, tài xế có thể thoải mái điều khiển xe chạy thẳng, mọi thứ có người giải quyết sau?

Hẳn là, dư luận có thể mơ hồ nhận ra quy luật bất thành văn của một số tài xế, thấy nạn nhân còn đang thoi thóp dưới bánh xe, tốt nhất, hãy làm cho người bị nạn tử vong tại chỗ(?!).

Người ta hồ nghi rằng: Cái quy luật nhẫn tâm ấy minh chứng cho mục đích, đền tiền tang gia rẻ hơn lo chi phí thuốc thang nuôi bệnh?!.

Đặng Hữu Anh Tuấn, tài xế xe container đã xác tín cho sự mơ hồ của dư luận. Tuấn điều khiển xe container trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM thì xảy ra va chạm giao thông với xe máy do em Nguyễn Thị Hội, sinh năm 1993 điều khiển.

Vụ va chạm làm Hội ngã xe, bánh sau của chiếc container do Tuấn điều khiển cán qua đùi Hội. Nghe Hội kêu cứu, người tham gia lưu thông vội vàng đập vào cabin xe container yêu cầu Tuấn dừng lại để giải cứu nạn nhân. Nhưng, bất chấp tất cả, Tuấn đã liên tục cho xe lùi lại rồi tiến tới tổng cộng 3 lần với mục đích dã man, không tính người là: nhằm cán chết Hội.

Sau khi gây nên cái chết cho Hội, Tuấn điều khiển xe bỏ chạy một đoạn trước khi bị người đi đường phẫn nộ chặn lại bắt giữ.

Vậy mà, không hiểu bằng cách nào, trong phiên tòa sơ thẩm, Tuấn chỉ bị tuyên án 8 năm tù giam. Mãi sau khi truyền thông chuyển những bức xúc của dư luận đến nhiều cơ quan chức năng, mức án của Tuấn mới được tăng lên 18 năm tù ở phiên phúc thẩm cho thành vi “Giết người có tính chất côn đồ”.

Không thể phủ nhận tình trạng tù túng của cơ sở hạ tầng cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến những thảm cảnh tai nạn giao thông. Nhưng, đó chưa bao giờ là cái cớ để lời đổ thừa trở nên thuyết phục.

Và khi mà một số người điều khiển xe tải, xe khách, xe buýt, xe container, xe ben… vẫn cho rằng phía dưới bánh xe là chuyện của người khác, bi kịch sẽ mãi vẫn còn tiếp diễn.

Họ không thấy nước mắt, họ không thấy tang thương… Họ lờ đi trước lời ai oán, ngoảnh mặt trước đớn đau. Họ dửng dưng tất cả, bởi với họ đó không phải là chuyện của mình.

Cũng có thể, sau khi gây tai nạn, họ cũng hối hận, cũng sợ hãi, cũng hoảng loạn, cũng tiếc nuối, cũng ăn năn…

Thế nhưng, họ lại quên mất, những mệnh đề sau các vụ tai nạn bao giờ cũng là những mệnh đề quá khứ. Mà đã là quá khứ, thì ai có thể tư duy lại được để hy vọng được một lần làm lại…?!

Phía dưới những bánh xe tải là sự khổ đau của đồng loại(!)

Ngô Kinh Luân
.
.