Nỗi đau từ hủ tục

Thứ Tư, 02/04/2014, 21:00

Bắt đầu từ đêm mồng 9 tết Giáp Ngọ cho đến những ngày sau đó, 16 hộ dân của đồng bào dân tộc Cơ Tu đang sinh sống tại tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đồng loạt đập phá nhà cửa, bỏ lại ruộng vườn hoang để cùng nhau chuyển đến một vùng đất mới dựng những ngôi nhà tạm để sinh sống một cách tạm bợ chỉ vì họ tin rằng trong ngôi làng xưa nay họ từng sống đang bị "con ma rừng" quấy phá.

Theo như ông Bươch Quý, Phó chủ tịch UBND xã Sông Kôn thì vào cuối năm 2013, trong tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa có ông A Lăng Tròn (SN 1977), là người bị bệnh tâm thần treo cổ chết trên một cành cây ven suối. Đến ngày mồng 4 tết Giáp Ngọ, cũng ở thôn Bút Tưa, một người đang bị bệnh tâm thần khác tên là A Lăng Nghĩa (SN 1983 - người bà con với A Lăng Tròn) cũng treo cổ chết tại nhà người em trai bằng sợi dây thép thường dùng để bẫy heo rừng.

Chỉ trong thời gian ngắn, trong cùng một tổ dân cư lại có đến 2 trường hợp treo cổ chết đã làm cho người dân nơi đây hết sức hoang mang. Theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu thì đó là những cái chết hết sức bất thường. Họ cho rằng hai cái chết là do bị ma bắt chứ không phải là những vụ tự tử bình thường.

Sau những cái chết này, nhiều lời đồn thổi như bủa vây lấy ngôi làng bé nhỏ làm người dân lo lắng tột độ. Vì lẽ đó, 16 hộ dân với 75 nhân khẩu đã hoảng hốt đập bỏ nhà cửa của mình để rời làng ra đi tìm nơi ở mới…

Trao đổi với báo giới, ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Việc những hộ dân ở thôn Bút Tưa bỏ làng ra đi tìm nơi ở mới là do phong tục tập quán của họ. Lãnh đạo huyện Đông Giang đã có mặt tại địa bàn để kịp thời động viên, giải thích, thậm chí là ngăn cản, nhưng người dân vẫn nhất quyết hành động theo tập quán của mình thì đành phải chấp nhận. Bây giờ chỉ còn cách tổ chức, lên kế hoạch để sắp xếp cho những hộ gia đình này ổn định nơi họ mới đến, đó là tổ dân cư số 1.

Có mặt ở thôn Bút Tưa cùng với lãnh đạo các cấp từ thôn đến huyện, trước mắt chúng tôi là quang cảnh đổ nát, hoang tàn, vắng lặng đến rợn người. Chỉ còn lại trên đống ngổn ngang gạch đá là những phách gỗ, thùng bệ, thau chậu, đồ dùng sinh hoạt thường ngày mà người dân chưa kịp mang đi. Rõ ràng, vì những lời đồn có "con ma rừng" đang quấy phá ấy mà người dân trong làng đã ra đi rất vội vã…

Chỉ tay về phía những ngôi nhà xây khá khang trang vừa bị người dân thôn Bút Tưa đập bỏ, ông Huỳnh Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn than thở: Ở vùng cao này, những câu chuyện liên quan đến phong tục là điều rất khó nói. Bây giờ, tư tưởng người dân rất hoang mang vì trong làng liên tiếp xảy ra những cái chết giống nhau (treo cổ tự tử). Thêm vào đó là việc người dân ở thôn Bút Tưa đi xem thầy bói, rồi nghe thầy bói phán rằng nếu còn ở lại trong làng thì trong thời gian tới sẽ có 3 cái chết nữa sẽ xảy ra đối với 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ.

Chính vì thông tin này mà 16 hộ dân ở tổ dân cư số 2 đã đồng loạt rủ nhau đập bỏ nhà cửa để chạy đi tìm nơi ở mới. Trầm ngâm một lát, ông Thanh thổ lộ: Việc xảy ra là điều lãnh đạo địa phương không ai muốn cả, nhưng người dân họ đã quyết định hành động theo phong tục của dân tộc mình thì chính quyền cũng đành chịu thôi. Tiếc nhất là mười mấy căn nhà được xây dựng rất kiên cố khang trang, chỉ trong phút chốc đã trở thành một đống gạch vụn…

Anh A Lăng Thừa đã đập bỏ căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng để đi khỏi làng vì sợ ma xấu.

Ông Bươch Quý cũng cùng tâm trạng với ông Thanh. Ông Quý bảo rằng, trong số các làng ở đây thì dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa là có điều kiện kinh tế khấm khá nhất, vì hầu hết số hộ ở đây đều là những đối tượng được nhận tiền đền bù từ công trình thủy điện Sông Kôn. Những căn nhà ở tổ dân cư số 2 này đều được xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng, vậy mà chỉ vì tin vào lời phán của thầy bói là có "con ma rừng", mà một sớm một chiều đã phải ra nông nỗi…

Chúng tôi đã gặp một số người đang trú ngụ trong những căn lều tạm dọc theo triền sông Kôn, nói về việc đi và ở của họ. Nhiều người trong số này đều nhất quyết trả lời rằng họ sẽ không bao giờ trở lại sinh sống ở ngôi làng cũ, vì họ rất sợ "con ma rừng" nó quấy phá.

Ngay cả ông A Lăng Nghéo là cha ruột của A Lăng Nghĩa (người vừa treo cổ chết hôm mồng 4 tết Giáp Ngọ) cũng tin rằng ở trong làng mình có ma nên không thể tiếp tục sinh sống ở đó.

Tìm hiểu về phong tục của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện vùng cao Đông Giang (Quảng Nam), chúng tôi được các bậc cao niên ở đây cho biết: Theo phong tục của cộng đồng dân cư ở đây, nếu trong làng xảy ra những cái chết như treo cổ, đuối nước hay thai nghén… thì họ xem đó là những cái chết rất xấu và đương nhiên theo họ là phải bị tà ma quấy phá, người chết sẽ quay lại làng để bắt người đang sống đi theo…

Theo họ thì khi trong làng có người chết rơi vào những trường hợp "chết xấu" như trên thì gia đình của họ thường giết chó lấy máu rải xuống đất quanh nhà, nếu còn có người chết như thế nữa thì tiếp tục rải máu lợn, sau nữa là rải máu dê để đuổi ma, trừ tà. Ngày trước khi cúng người chết thì người nhà không được đi ra khỏi nhà 6 ngày 6 đêm, người ngoài cũng không được đến nhà họ trong thời gian ấy. Giờ dân làng giảm thời gian tục lệ này lại còn 3 ngày 3 đêm.

Để xử lý vụ việc này, ông Đỗ Tài cho biết, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung công tác an dân, tiếp tục làm công tác tư tưởng, nhất là hỗ trợ người dân dựng lại nhà mới ở tổ 1 của thôn Bút Tưa (nơi những hộ dân tổ 2 di dời đến), giúp họ sớm ổn định tinh thần quay trở lại làm ăn sinh sống; đồng thời sẽ bố trí lực lượng bảo vệ tài sản người dân chưa chuyển đi kịp. Hy vọng rằng một ngày không xa nữa, khi địa phương triển khai thực hiện dự án du lịch Bhohoong dọc theo dòng sông Kôn thì đời sống của người dân ở đây sẽ trở lại ổn định.

Cách xã Sông Kôn, Đông Giang không xa, ngày mồng 5 tết Giáp Ngọ khi không khí mùa xuân đang còn trải dài trên những mái nhà thôn bản thì người dân ở thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cũng hết sức bàng hoàng khi hay tin ở Nóc Lép Loa 1 của thôn xảy ra thảm án.

Vụ việc đau lòng này diễn tiến như sau: Ngày mồng 5 tết Giáp Ngọ, Hồ Văn Sơn (SN 1972), sinh sống ở Nóc Lép Loa 1 vào rừng đi săn và bắt được một con khỉ. Sơn không bán con khỉ này cho thương lái như mọi khi mà anh ta mang con khỉ về nhà xẻ thịt để làm mồi nhậu. Trong buổi tiệc tại nhà chiều hôm đó có sự tham dự của anh Hồ Văn Sáu (anh ruột Sơn), cùng các anh Hồ Văn Thu, Hồ Văn Khuyên là em ruột của chị Hồ Thị Xoa (vợ Sơn).

Mấy anh em ngồi nhậu thịt khỉ hết chừng 3 lít rượu thì tiệc tàn, ai về nhà nấy. Sau khi mọi người đã ra về thì vợ chồng Sơn và Xoa xảy ra xích mích và xô xát với nhau. Trong lúc giằng co, Sơn đã dùng lưỡi mác thường dùng để đi săn đâm chị Xoa. Chị Xoa ngã gục xuống nền nhà, còn Sơn đã vác cây mác bỏ chạy vào rừng.

Ngay lập tức, thông tin về vụ án mạng kinh hoàng đã được cấp báo đến Cơ quan Công an huyện Nam Trà My. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại nơi xảy ra án mạng để khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của chị Hồ Thị Xoa. Một tổ trinh sát lên đường truy bắt hung thủ. Tuy nhiên, khi người nhà và lực lượng chức năng đi đến đoạn suối Nước Da thuộc địa bàn của xã Trà Tập thì phát hiện Hồ Văn Sơn đã tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ trên một cành cây cao ở ven bờ suối.

Một người hàng xóm với gia đình Sơn - Xoa kể lại: Thời gian gần đây, vợ chồng Sơn thường xảy ra cãi vã, nguyên nhân là chị Xoa nghi ngờ Sơn có quan hệ bồ bịch với một cô gái khác ở thôn bên cạnh. Rất có thể hôm đó, sau khi uống khá nhiều rượu, vợ chồng Sơn lại hục hặc vì chuyện ghen tuông này…

Tất cả những ngôi nhà ở Bút Tưa chỉ còn là gạch vụn.

Vì vụ án đã rõ, xác định nguyên nhân là từ mâu thuẫn gia đình nên Công an huyện đã thống nhất giao thi thể của vợ chồng Sơn cho người nhà tổ chức tang ma theo phong tục.

Điều đáng nói là, sau khi Sơn xuống tay giết chết người vợ đã từng có với nhau đến 4 mặt con ấy thì ở thôn 3 đã mở một cuộc họp khẩn cấp. Bởi lẽ, theo quan niệm và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Ca Dong thì cái chết của vợ chồng Sơn trong ngày đầu năm mới là "một cái chết rất xấu". Đấy là cái chết do ma bắt chứ không phải là cái chết bình thường, vì lẽ đó, sau khi chôn cất vợ chồng Sơn thì phải thực hiện ngay việc đốt nhà cùng tất cả những tài sản hiện có trong ngôi nhà ấy để trừ khử tà ma.

Người Ca Dong xưa nay vẫn quan niệm rằng: Người chết xấu thì không nên giữ lại nhà cửa và tài sản của con ma xấu. Chết xấu thì phải mang theo tài sản, nhà cửa xấu ấy theo, nếu để lại thì con ma xấu ấy sẽ theo đó để quay về quấy phá xóm làng, thôn bản…

Một già làng ở đây còn khẳng định: Việc đốt nhà và tài sản của gia đình Sơn - Xoa là điều không có gì lạ đối với người dân ở đây. Bởi vì, cách đây 5 năm cha mẹ của chị Xoa cũng đã chết như thế, cha chị Xoa cũng dùng dao đâm chết mẹ chị, rồi ông ấy cũng chạy vào rừng treo cổ tự tử. Họ tin rằng, cái chết của vợ chồng Sơn là do con ma làm chứ không phải do say rượu rồi bức xúc lúc cãi nhau. Họ nhất quyết phải đuổi con ma xấu ấy ra khỏi làng nơi họ đang sinh sống.

Với người Ca Dong, mỗi khi làng đã quyết thì không gì có thể lay chuyển được. Vì vậy mà ngôi nhà của Sơn - Xoa cùng tài sản sau bao năm dành dụm, sau cái chết oan nghiệt của đôi vợ chồng này đã bị đốt thành tro bụi trước sự chứng kiến của rất nhiều người trong làng. Ngay cả những đứa con của Sơn, đôi khi nhớ nhà muốn quay lại bên nền nhà cũ đều bị những người dân trong làng ngăn cản không cho đến đó. Nếu họ không ngăn cản được thì sau đó họ sẽ không bao giờ cho những đứa con của Sơn bước vào sân nhà họ vì họ sợ con ma xấu đi theo làm hại họ.

Người dân ở đây còn kể rằng, trước đây, nếu trong làng có người chết xấu thì ngay sau đó cả làng sẽ bỏ đi đến một nơi khác để lập làng mới để tránh con ma xấu kia. Nhưng về sau nhờ chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, giải thích và động viên nên họ không bỏ làng đi nữa. Tuy nhiên, ở vùng này vẫn còn tồn tại tục lệ "mạng trả mạng" vì vậy mà khi ai đó đã gây ra thương vong hay án mạng mà chính quyền địa phương không can thiệp kịp thời thì người thân của nạn nhân sẽ tìm mọi cách để trả thù. Vì vậy mà ai đó khi đã nhỡ gây ra cái chết cho người khác thì họ thường chọn cách tự sát… 

Vì vậy, sau khi giết vợ, Sơn đã tìm đến cái chết. Nhà cửa, tài sản bị đốt trụi. Còn hai đứa con lớn của vợ chồng Sơn phải sống nhờ ở trường dân tộc nội trú của huyện, hai đứa nhỏ thì được một người cậu ruột cưu mang. Không biết rồi đây tương lai các cháu sẽ thế nào.

Mới đây, tại một ngôi làng hẻo lánh ở trên vùng núi cao thuộc xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), chị Đinh Thị Na, một phụ nữ người H’rê đã bị dân làng đánh đến chết vì nghi ngờ chị này "cầm đồ thuốc độc" gây tai họa cho bản làng…

Qua những vụ việc rất đau lòng  trên đây, rõ ràng những hủ tục lạc hậu đang tồn tại trong đời sống của các cộng đồng dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số thực sự đã gây nên những hậu quả hết sức đau lòng.

Nói như ông Lù Văn Que - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân tộc - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì: Việc tồn tại của những hủ tục này là do trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế. Rõ ràng sự việc vừa xảy ra là hồi chuông báo động. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về các địa phương, cụ thể là công tác dân vận đã không kiên quyết, kiên trì, hoặc đã không coi trọng đúng người, đúng việc.

Chúng tôi hy vọng rằng, những câu chuyện đau lòng trên sẽ là một bài học để chính quyền các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số cư ngụ ngày càng phải đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tăng cường tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho bà con hiểu. Chúng ta phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương.

Bảo Thy
.
.