Nỗi niềm “chồng ngoại”

Thứ Tư, 04/08/2010, 04:45
Cuối cùng “cô dâu” Thạch Thị Hồng Ngọc đã trở về Việt Nam. Lần trở về chỉ mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn là đời thực. Hồng Ngọc 20 tuổi, cái tuổi sung mãn nhất của một đời người. Hồng Ngọc lấy chồng Hàn Quốc, xuất ngoại và bị chồng sát hại. Nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Hồng Ngọc, tôi đã cố gắng lý giải trong bài viết ở số báo trước. Nhưng, vẫn có gì đó đau đáu trong lòng xung quanh những bi kịch của các cô gái quê, đa phần đều là thôn nữ miền Tây…

1. Tôi không hề có ý định bài xích những cuộc hôn nhân của các cô gái miền Tây và những người đàn ông mang quốc tịch nước ngoài, dẫu rằng họ là người Hàn Quốc, người Đài Loan, người Singapore... Bởi, tôi vẫn tin vào sự huyền ảo của tình yêu. Thứ mà sự bất đồng về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, khác biệt văn hóa không thể phủ lấp được nó.

Nhưng, điều đáng tiếc là những cuộc hôn nhân giữa các cô gái quê và người chồng ngoại ấy đa phần đều có những hồi kết khiến... người khác đau lòng. Từ đó, dư luận đâm ra hoài nghi về các đám cưới mà chú rể là những người đàn ông đáng tuổi bố cô dâu, miệng bỏm bẻm nhai trầu, chắc lưỡi ngậm sâm hoặc đang xì xồ cái thứ tiếng mà người ta chỉ nhớ nhất hai từ được nhắc đi nhắc lại trong phim truyền hình dài tập được chuyển âm sang tiếng Việt, đọc nghe ra là... "U-pa".

Các thôn nữ quê ở miền Tây ngày nay, lớn lên một chút sẽ được nghe nhiều những câu chuyện đẹp như thần thoại, kể về sự xa hoa mà chị Loan, chị Huệ, chị Hạnh... ngụ cùng ấp với mình được thụ hưởng khi làm vợ ông chồng già người Đài Loan hoặc Hàn Quốc. Ở cái nơi mà chuyện "bà Tám mất cái... chổi quét sân" cũng trở thành đề tài nóng hổi, có khi kéo dài tới... vài ngày thì những "tấm gương lấy chồng Đài, chồng Hàn" nhanh chóng biến thành nỗi ám ảnh của họ. Vậy là, khi đám cò hôn nhân từ TP HCM dạt về tỉnh lẻ, rì rầm vài câu chuyện liên quan đến "chồng ngoại", họ - những cô gái quê mới lớn lập tức lồng lên. Không cần nghe đám cò nói hết sự "thần kỳ" về các ông chồng, các cô nhanh chóng gật đầu về nhà thu xếp hành lý lên TP HCM để... cho "chồng tương lai" lựa chọn.

Hoặc, nếu không lên TP HCM thì cứ cho bọn cò chụp vài kiểu ảnh để cò chào hàng với "chồng tương lai". Để rồi nếu may mắn, họ có thể trở thành "cô dâu" trong một đám cưới vội vàng nào đó tại TP HCM.

Vài tháng sau đám cưới, họ sẽ được người chồng nhìn có vẻ... đàng hoàng hôm đám cưới rước sang "bên đó". Sang bên đó, cô thôn nữ quê ngay lập tức hiểu thế nào là "làm dâu xứ lạ".

Ông chồng trông đàng hoàng hôm nào dẫn cô về một vùng quê nào đó, những đô thị hào nhoáng bị bỏ lại phía sau, cô bị tống vào căn phòng nhỏ, hôi hám. Trong căn phòng, có ông già đang nằm liệt trên giường, thông qua ngôn ngữ "tay", cô hiểu đây mới chính thức là "chồng" mình. Còn cái gã mặc vest, cười cười nói nói, ôm ôm ấp ấp với cô hôm đám cưới, chỉ là một gã "thế thân ăn tiền" mà thôi. Chuyện đã đến nước này, nói theo kiểu người quê cô hay nói, "phận gái trong nhờ, đục chịu" hay "thôi cũng liều, nhắm mắt đưa chân"... Mà tình thiệt, thì cô cũng không biết đường đi nước bước, không biết sử dụng điện thoại gọi đường dài về Việt Nam, không biết ngôn ngữ... Tóm lại, cô chẳng biết làm gì cả. Vậy là một bi kịch lại bắt đầu. Ngày về nước của cô gái quê ấy, hẳn là xa tít tắp...

Cô gái quê khác, cũng lấy được ông chồng đàng hoàng. Cũng được ngồi máy bay xuất ngoại. Sang bên đó, mới nhận ra ngoài việc làm "vợ" của gã chồng đàng hoàng, cô còn phải làm "vợ" của anh chồng, em chồng, thậm chí là cả cha chồng. Lại thêm một bi kịch - làm vợ tập thể.

Một cô thôn nữ quê khác nữa. Sau khi đến được nhà chồng, mới phát hiện gia đình chồng là dân... ăn xin chuyên nghiệp. Họ bỏ tiền ra "mua" cô về "bên này" để vừa có người "nhân giống" vừa có thêm "nhân viên". Vậy là chỉ ít ngày sau khi sang Đài Loan, cô được trả lại về Việt Nam với những dấu hiệu của người mắc bệnh thần kinh nghiêm trọng. May là còn có ngày về.

Thêm cô gái quê nữa. Theo ông chồng già xuất ngoại. Đến nơi, mới biết chồng mình nghèo xác xơ, làm nông dân. Cả gia đình làm nông, cả họ hàng làm nông. Không có chuyện cưng con dâu mới, cô gái nhanh chóng bị tống ra đồng, làm quần quật từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Sau 10 tiếng làm đồng, là đến 10 giờ làm "vợ". Đó là chưa kể chuyện, cô phải làm tất cả công việc nhà và chăm sóc cho ông, bà hoặc thân sinh của "chồng",  những con người đang "nằm im thở chờ ngày về với đất". Cô làm quần quật như vậy, câm lặng và chịu đựng. Bởi không chịu đựng, cô có thể bị đánh bất cứ lúc nào, đánh bằng bất cứ dụng cụ gì, ở bất cứ nơi đâu... Và điều quan trọng nhất, ai cũng có thể đánh cô bằng bất cứ lý do gì. Việt Nam ư? Ngày về ư? Ước mơ giờ đã là điều viển vông.

Đây là bốn câu chuyện quen thuộc đến mức điển hình, mà ít nhiều mọi người đã biết. Những câu chuyện thật mà nghe cứ như là... hoang đường. Những cô gái quê làm dâu xứ lạ may mắn về được Việt Nam cho dư luận biết điều đó, hoặc những cô dâu Việt nhờ vào "phúc đức tổ tiên" thoát khỏi được nhà chồng, nhờ cảnh sát nước bạn giúp đỡ hồi hương cho chúng ta biết về những câu chuyện đó. Vậy mà không hiểu sao, bi kịch tiếp diễn mỗi lúc một nhiều hơn, với cường độ bi kịch cao hơn, với những cái chết đau lòng hơn của những cô thôn nữ quê chân chất ấy...

2. Người nông dân miền Tây sinh được con gái. Con gái quê hay được ví như "hũ mắm treo đầu giường", lớn chút là phải lo gả chồng để tránh thị phi. Bỗng nhiên, con gái quê có giá. Vài cô đi "xuất ngoại" về, vàng đeo đỏ người biến thành thần tượng của thôn nữ. Người nông dân bắt đầu biết chặc lưỡi mơ rể ngoại. Vài tờ ngoại tệ xanh xanh, thứ mà cả đời người dân quê có khi không được thấy của bọn cò nhanh chóng "bốc" con gái ra khỏi vòng tay họ. Ngày cha mẹ người thân khóc tiễn con ra sân bay, họ đều có ước mơ mãnh liệt về ngôi nhà ngói, về nước da trắng của Việt kiều, về những bộ phục sức sang trọng, về mùi nước hoa đắt tiền, về cái nhìn ngưỡng mộ của bà con hàng xóm... Một ước mơ vượt quá luống cày, đồng lúa, con trâu... Họ ước mơ mãnh liệt và rồi họ rơi nước mắt khi nhận lại bi kịch toàn phần.

Cái xóm, cái ấp hay cù lao ở miền Tây nhỏ xíu xiu. Chuyện lớn chuyện bé của nhà nào mọi người cũng biết. Thế nên, chuyện con Thắm con nhà ông Ba lấy chồng ngoại, mà con Út nhà mình định lấy chồng nông dân là không được. Sau này ra đường hoặc đi ruộng gặp nhau, nó cứ ngước mặt nhìn trời không thèm nhìn mình, mình tức chịu sao thấu... Vậy là cuống cuồng lên, dọa trời dọa đất, hùng hùng hổ hổ buộc con gái thôi ngay "cái thằng nông dân" đó để nhờ cô X, cô Y hay cô Z gì đó mai mối lấy chồng nước ngoài. Lấy chồng nước ngoài sẽ xuất ngoại, rồi gửi tiền về cho ba má có chỗ ngồi với thiên hạ, không thì sống nhục không bằng chết cho... đỡ nhục.

Một số người nông dân thường ít nghĩ nhiều. Họ nghĩ đơn giản là con mình xuất ngoại, ra khỏi biên giới nước mình dĩ nhiên phải sướng nhiều hơn làm ruộng, làm công nhân ở xí nghiệp... Hoặc nếu nó không sướng, thì mình sáng sáng ngồi uống trà với hàng xóm, giả bộ nói một câu vô thưởng vô phạt kiểu "Hôm qua, con Hà gọi điện thoại ở bển về. Nói mới mua cho tui cái truyền hình siêu mỏng, loại dán tường để coi cải lương cho vui". Vậy là hạnh phúc. Họ thương con gái mình lắm chứ, nhưng chuyện khuất mặt khuất mày, bi kịch là ở bên kia chịu, chứ mấy cô dâu Việt nào dám gọi điện thoại từ "bên đó" về than thở với người thân(!).--PageBreak--

Nói đi nói lại, thì người nông dân miền Tây vẫn nghèo. Có những nơi nghèo lắm. Có lúc đi công tác vào một xóm nhỏ ở Trà Vinh, gọi ly cà phê đá, khi tính tiền giá chỉ có 1.500 đồng, một tô bánh canh cá giá 3.000... Họ nghèo, nên số tiền vài triệu đồng của những tay cò hôn nhân đối với họ là cả một gia tài. Họ sẽ sửa được cái nhà, mua thêm ít con giống... Nhưng, họ gả con gái cho người nước ngoài, không chỉ vì vài triệu đồng đó. Mà là vì một ước vọng khác lớn hơn. Ước vọng đổi đời thật sự. Có nhiều đám cưới, cô dâu vừa tiễn khách xong là cò xuất hiện, lột hết vòng vàng để "trả lại cho tiệm thuê đồ cưới", đưa cho bố mẹ cô dâu vài triệu gì đó là biến mất... Nuôi con gái vài mươi năm trời, đó là số tiền họ nhận lại được khi con gái mình lên xe hoa...

Người nông dân miền Tây nghĩ về "nước ngoài" cũng đơn giản như khi họ cày ruộng. Họ nghĩ đó là những xa lộ hoành tráng, những tòa nhà chọc trời, những con người giày da bóng lộn, những chuỗi cửa hàng sang trọng... như họ thấy trên truyền hình. Đúng, nước ngoài có những hình ảnh đấy. Nhưng, nước ngoài cũng có khu ổ chuột, có người đói, có kẻ nghèo, có bệnh dịch, có ngược đãi, có kẻ cắp, có giết người, có ăn xin, có trấn lột, có kẻ tâm thần, có kẻ biến thái... Có rất nhiều thứ xấu xa mà ngay trên quê hương họ rất ít khi có. Đâu phải ai ngồi máy bay, bay cái vù sang "bên kia" đều hạnh phúc.

Mà đáng nguyền rủa thay một lũ người chuyên đi kiếm sống bằng bi kịch của người khác. Có khi, bằng cả mạng sống của người khác. Đó là đám cò môi giới hôn nhân. Chúng thường tỏa về các miền quê hẻo lánh, nơi những kẽ móng tay, móng chân của thôn nữ còn vàng khè vì phèn ruộng, về khẩu âm còn nặng tiếng. Nơi đó, với những lời nói như... thuyết khách, bọn chúng thừa sức đổ vào đầu người dân những hoang tưởng về một xứ sở đẹp hơn cổ tích, nơi mà tiền dễ kiếm đến mức ai cũng có thể gửi về Việt Nam mỗi tháng cả nghìn usd. Mà một nghìn usd, có khi cả đời người nông dân không kiếm nổi. Vậy là, sóng gió  đang chực chờ cái gật đầu của một thiếu nữ nào đó để tấn công cuộc đời họ.

3. Không ai đáng trách trong chuỗi bi kịch cô dâu Việt ở nước ngoài cả. Họ đáng thương hơn. Ai cũng có quyền ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, và những con người vốn dĩ đang túng thiếu ngay trên đất nước mình, lại càng dễ sa vào cái bẫy "phù hoa" ở một đất nước khác.

Chẳng ai muốn hủy hoại cuộc đời mình, cũng chẳng ai muốn con gái mình vấp phải một cuộc hôn nhân bất trắc. Nhưng đôi khi, họ bị lóa mắt bởi giấc mơ vọng ngoại quá lớn. Chút tỉnh táo từ những câu chuyện của người này, người kia nhanh chóng bị bỏ qua khi thấy cò môi giới tìm đến nhà mình cùng lời đường mật vuốt ve. Họ cả tin và họ lâm nạn.

Một website quảng cáo lấy vợ Việt Nam.

Chúng ta hay nói về trách nhiệm của những ban ngành, đoàn thể trong việc "ngăn chặn những bi kịch đến từ những cuộc hôn nhân không tình yêu", nhưng chúng ta chỉ đang dừng lại ở chuyện nói. Vài buổi tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa nào đó không thể giúp người dân thôi nghĩ về ngày tươi sáng khi con gái mình xuất ngoại. Chúng ta thiếu quá nhiều thứ để có thể ngăn chặn các bi kịch này. Và khi có các trường hợp đau lòng cụ thể, thì người dân quê ấy, mới giật mình nhìn lại bằng những thông tin được giới truyền thông chuyển tải. Lý ra, phải ngay lúc thời sự này, các ban ngành cần đẩy mạnh công tác "tư tưởng" liên quan đến chuyện lấy chồng ngoại. Cưới chồng ngoại chẳng có gì là xấu cả, vấn đề là ở chỗ "Cưới ai? Cưới như thế nào? Và cưới vì cái gì?".

Biết là sẽ khó để quy trách nhiệm cho ban, ngành nào trong chuyện "cô dâu Việt bị sát hại", bởi họ cũng đã làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình khi luôn cẩn thận lúc phỏng vấn để hoàn tất hồ sơ cho cô gái quê nào đó xuất ngoại theo chồng. Nhưng, đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành cần nghiêm túc ngồi lại để có thể đề ra một giải pháp thiết yếu và khả thi liên quan đến chuyện "lấy chồng ngoại quốc". Cấm thì chẳng thể rồi, tuy nhiên, làm sao để đảm bảo sự an toàn cho thôn nữ quê trong những cuộc hôn nhân ít may nhiều rủi là điều hoàn toàn có thể, dẫu khó.

Khó, nhưng vẫn phải làm. Bởi không thể để thôn nữ Việt cứ bị biến thành "con mồi" trên một đất nước xa lạ nào đó.

Chẳng lẽ, cứ mỗi khi có vụ việc đau lòng xảy ra, như trường hợp của cô dâu Hồng Ngọc, chúng ta chỉ biết ngậm ngùi như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết trong ca khúc "Điệu buồn phương Nam"(?!).

"...Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi... Thương những đời như lục bình trôi..".

Không lẽ, cứ vậy hoài thôi sao(?!)

Ngô Kinh Luân
.
.