Nỗi oan xã góa phụ

Thứ Ba, 05/11/2013, 07:00

Ít ai ngờ rằng, ở một xã nhỏ thuộc xứ chè Thái Nguyên, vẫn có những người phụ nữ đơn thân sống âm thầm, lặng lẽ, ôm trong mình bao nỗi chua xót, oan uổng. Không biết tự bao giờ, những câu chuyện “tam sao thất bản” lan truyền rằng đây là vùng đất dữ khiến đàn ông chết yểu, đàn bà thì có tướng sát chồng(?).
Người ta thường gọi xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) này là “xã chết chồng”, nghe mà cảm thấy đau đớn và đầy tang thương. Cộng với thông tin gây hiểu lầm của dăm ba bài báo vu vơ lan truyền trên mạng lại càng tô vẽ thêm những định kiến về thân phận người đàn bà nơi đây.

Những người phụ nữ tự ru phận mình...

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến xã Hà Thượng là những ngôi nhà nhỏ nhắn nép mình bên mỏm núi đá. Quang cảnh có vẻ bình yên và êm đềm đến lạ so với những lời đồn đại mà chúng tôi đã được nghe. Vô tình đi qua một ngôi nhà tranh dưới chân đồi chè, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ đang ôm đứa con trước thềm. Đôi mắt chị hướng nhìn ra cửa một cách vô thức, miệng lẩm bẩm như đang hát ru.

Người dẫn đường thì thầm vào tai tôi: "Chị này có chồng chết vì AIDS đấy". Ánh mắt vô hồn của chị ám ảnh tôi suốt chặng đường đi.

Tôi chạnh nhớ lại hai câu thơ của nhà thơ Trần Đức Mậu: "Có mùa trở gió vào thu/ Bao người vợ trẻ hát ru phận mình". Đem suy nghĩ chia sẻ với người bạn, anh ta bảo tôi: "Ôi giời, ở xã này thì thiếu gì những người tự ru phận mình hả bạn? Để tôi dẫn bạn đi!"

Anh ta dẫn tôi qua những con dốc ngoằn ngoèo, cuối cùng dừng lại trước một ngôi nhà có chiếc cổng sắt sơn xanh. Đây là nhà của chị Nguyễn Thị Tường, trưởng xóm 4, xã Hà Thượng.

Chị Tường ra mở cửa cho chúng tôi. Đó là một phụ nữ trung tuổi mặc bộ đồ đen nền nã. Mặc dù đã có tuổi, nét đẹp của chị vẫn lưu ở đôi mắt có đuôi và chiếc răng khểnh duyên dáng. Chị dẫn chúng tôi vào nhà. Không hiểu do căn nhà sâu hút và chị Tường cương quyết  không bật điện vì sợ chói mắt mà tôi cảm thấy một luồng khí lạnh bao trùm không gian. Cái hơi lạnh của những căn nhà thiếu vắng bàn tay của người đàn ông. Như hiểu được ý nghĩ của tôi, chị Tường cười buồn: "Nhà không có đàn ông như bếp vắng hơi lửa ấy cô chú nhỉ? Buồn lắm".

Câu "buồn lắm" hụt hơi kéo chúng tôi vào câu chuyện dài của chị.

Ngày ấy, cô gái Nguyễn Thị Tường 17 tuổi hăng hái xung phong tham gia cách mạng. Tuổi thanh xuân của chị gắn liền với mưa bom đạn lửa. Ngày trở về Hà Thượng, người nữ dân quân ấy lựa chọn cuộc sống êm đềm với một người trai làng. Những tưởng cuộc sống cứ yên bình "vợ cấy, chồng cày", giản dị và hạnh phúc. Thế nhưng, chị đâu ngờ rằng, trong những ngày tháng ấy, nạn bàn đèn như cơn lũ cuốn theo biết bao trai tráng của núi đồi. Cùng một lúc hai người là chồng và em chồng đều dính vào nàng tiên nâu. Rồi bất hạnh ập đến với chị vào năm 2005, chồng chị mất do hậu quả của thuốc phiện. Chưa hết bàng hoàng vì cái chết của chồng, 12 ngày sau, em chồng chị cũng đi theo.

Chị thở dài: "Bỗng chốc gia đình mất đi hai trụ cột vững chắc. Tôi phải thức khuya dậy sớm trồng rau, nuôi lợn. Rảnh chút thì lại cắp nón mê đi hái chè thuê mới đủ tiền nuôi các con. Những ngày tháng ấy, tôi không thiết sống nữa do quá cơ cực. Thế nhưng rồi thương các con tôi phải cố!".

Nói đến đây, gương mặt chị rạng rỡ hẳn lên, chị khoe với chúng tôi: "Dù nghèo đến đâu thì tôi cũng cắn răng để con tôi có cái chữ. Bây giờ, đứa con trai lớn thì tôi cho theo Quân đội, đứa con gái thì đang học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Tôi dặn các con phải học thật giỏi, để không mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết như bố!".

Chủ nhiệm CLB Đồng Cảm 1, Nguyễn Thị Tường xúc động kể về câu chuyện đời mình.

Cùng cảnh ngộ với chị Tường là chị Nguyễn Thị Cúc (xóm 4, xã Hà Thượng). Quê gốc chị Cúc mãi ở Ý Yên, Nam Định. Trong một lần đi ăn cưới, chị đã phải lòng một công nhân ở Thái Nguyên. Tiếng sét ái tình đã kéo cô gái đôi mươi xinh xắn theo chồng về tận khu Hà Thượng này. Tình yêu chóng vánh làm chị không đủ tỉnh táo để nhận ra những biểu hiện lạ nơi chồng. Anh hay đi sớm về khuya, người cứ rộc dần.

Rồi đến một ngày, khoảng sau một năm ngày cưới, anh sợ hãi thú nhận với chị rằng anh nghiện ma túy đã lâu, bây giờ miệng lở loét đau đớn không ăn uống được gì. Chị Cúc hoảng loạn đến tột độ, tất tả đưa chồng đi xét nghiệm. Cầm tờ kết quả trên tay, trời đất như sụp đổ dưới chân chị. Hạnh phúc với chị Cúc sao ngắn chẳng tày gang. Những ngày cuối đời của anh, chị sợ hãi nghĩ đến cảnh chồng mình mất vì con "ết", cả làng sẽ không ai đến giúp lo ma chay. Không ai dám đến ăn đám ma nhà chị, không ai dám viếng anh. Giận thì giận, nhưng chị vẫn tủi cho anh.

Đám tang của anh xong xuôi cũng là lúc chị ôm con đi xét nghiệm. Đến ngày lấy kết quả, chị không đủ can đảm bước vào cổng bệnh viện. Chân tay lấm lem bụi đất, trên tay ôm đứa con khóc ngằn ngặt. Thế nhưng, thật thần  kỳ, kết quả chị Cúc và cả đứa con đều âm tính với virus HIV. Đến bây giờ, chị cũng không hiểu bằng cách nào, chị có thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần một cách ngoạn mục đến thế! Không tin vào sự may mắn này, chị đến nhiều bệnh viện để xét nghiệm lại.

"Mỗi lần rút đi một xi lanh máu, tim tôi như ngừng đập, chỉ sợ bác sĩ thông báo hóa ra những lần trước là xét nghiệm nhầm". Tất cả kết quả đều âm tính. Chị vừa khóc vừa cười ôm con chạy băng băng  về xóm. Chuyện khó tin nhưng lại có thật.

Gọi chị Cúc là góa phụ may mắn nhất xóm kể cũng đúng. Sau khi đoạn tang chồng, chị đã xây dựng gia đình mới, sinh thêm một bé trai kháu khỉnh.

Chị Cúc tâm sự với tôi: "Trước đây xóm này cũng đông vui lắm nhưng từ hồi rộ lên phong trào đi đào quặng tự phát thì tan nát hết cả. Từ năm 1991, dân tứ xứ đổ xô đến đây kéo các thanh niên trong xóm hăm hở đi theo làm giàu. Đi làm ăn xa gia đình, buồn chán nên tụ tập rủ nhau hút xách cho đỡ buồn. Đỉnh điểm là năm 2004, thanh  niên xóm này chết nhiều lắm. Nhưng bây giờ thì đỡ nhiều rồi, khu mỏ quặng đòi hỏi kỷ luật cao lắm, không có chuyện dung túng cho  buôn bán ma túy hay nghiện hút đâu. Ma túy tuyệt đối bị bài trừ. Có lẽ vì dư âm từ những năm xưa đó nên xã tôi mới mang tiếng đến giờ chăng?".

Chị em Hà Thượng hăng say lao động.

Sao không gác lại quá khứ buồn?

Đối mặt với thực trạng "âm thịnh dương suy" ở nơi đây, chúng tôi tìm kiếm một lời giải đáp. Theo con số thống kê của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  xã Hà Thượng, chị Triệu Thị Hoàn, thì xã có gần 1.000 hộ dân, trong đó có 203 phụ nữ chịu cảnh góa bụa. Theo chị Hoàn đàn ông mất sớm cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau: bệnh tật, tai nạn, tệ nạn xã hội. Trong đó có hàng trăm trường hợp mất vì căn bệnh thế kỷ.

Trước những câu hỏi của chúng tôi, chị Hoàn thẳng thắn trả lời: "Gọi là "xã góa phụ" cũng có phần đúng. Bởi quá nhiều gia đình thiếu vắng người đàn ông trụ cột. Ngày trước, khách phương xa tìm đến xã Hà Thượng vì cảnh non nước hữu tình, vậy mà giờ họ đến đây chỉ toàn tò mò hỏi han về chuyện đàn bà góa. Bao nhiêu năm nay rồi, phụ nữ xã tôi sống với những điều thêu dệt vô lý mà không biết giãi bày cùng ai. Không hiểu từ đâu ra có những thông tin rằng phụ nữ xã này thiếu thốn đàn ông đến độ phải đi "vay", đi "xin" con từ đàn ông ở nơi khác, phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Tôi chỉ buồn khi chị em bị mang tiếng xấu. Gần đây, hầu như không còn trường hợp thanh niên nào bị chết vì HIV/AIDS.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho vay vốn, tạo điều kiện để những chị em đơn thân vượt khó, làm giàu. Những năm tháng u ám đã đi qua. Sao không gác lại quá khứ buồn để hướng tới một hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn?".

Được biết, hiện ở địa phương đã thành lập câu lạc bộ mang tên "Đồng cảm". Có nghĩa là chia sẻ và che chở lẫn nhau. Chị Nguyễn Thị Tường cũng chính là Chủ nhiệm CLB Đồng Cảm 1. Chị kể 18 thành viên của CLB Đồng Cảm 1 là 18 mảnh đời bất hạnh khác biệt. Nhưng họ đều chung một nỗi đau mất đi cái "nóc nhà" của mình. CLB ra đời với mục đích giúp những phụ nữ chung hoàn cảnh cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là đời sống tinh thần

Cái tên "xã góa chồng"  minh chứng cho một thời kỳ đau thương nhất của xã Hà Thượng.  Nhưng mừng vì đó chỉ là tên gọi trong quá khứ, lại xót xa thay nỗi niềm oan uổng chị em phải gánh bấy lâu

Huyền Vũ
.
.