Nỗi truân chuyên của một nữ họa sĩ

Thứ Năm, 26/03/2009, 10:15
Những bức tranh to, nhỏ đủ loại, thể hiện đầy đủ con người chị với những đường nét táo bạo, liều lĩnh, mạnh mẽ, phá cách. Hàng xóm gọi chị là Dung “họa sĩ”. Đã có người đến mua tranh của chị để đặt tại các phòng tranh, bức nào bán được giá là 4 triệu đồng, bức thấp nhất là 200 nghìn đồng. Chị bảo trung bình một tuần vẽ xong một bức. Ô hay! Thế nhưng chị vẫn đi bán máu đều.

Khu hiến máu nhân đạo của Bệnh viện Bạch Mai là một thế giới thu nhỏ với những con người đủ mọi thành phần trong xã hội. Họ đến đây vì nhiều lẽ khác nhau. Đã có người nghĩ rằng chắc hẳn đa phần người ta tới đây vì lý do kinh tế hoặc giả những con người này đang làm một việc hết sức nhân đạo như tên gọi của công việc này. Một số ít lại có tư duy "ngộ nghĩnh" - không có cách gì giảm béo tốt hơn là đi cho máu thường xuyên. Và tặng máu định kỳ cũng làm cơ thể khỏe lên... mà nhân vật trong bài viết này là một ví dụ.

Đường đến bệnh viện

Trong đám đông khá lộn nhộn xếp hàng chờ "hiến" máu, tôi bị hút vào người đàn bà có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bồng bềnh buông lửng xõa xuống bờ vai mảnh dẻ, một vài lọn tóc sáng lên đỏ rực (Rõ là đã được nhuộm). Nước da trắng và đôi mắt. Đôi mắt màu nâu ướt rượt với hàng mi dài rợp bóng, và tưởng như chỉ cần chớp mắt, giọt nước long lanh sẽ chảy tràn ngay ra lăn trên gò má. Cái nhìn sâu hun hút ở con người này là một thế giới riêng, chẳng ai có thể chạm vào. Người đàn bà ngồi thu mình ở hàng ghế trong phòng đợi. Rồi cuối cùng cũng đến lượt. Nghe bác sĩ gọi đến tên, tôi biết chị là Kim Dung.

Tôi bị nội lực của người đàn bà kia thu hút nên đi theo như kẻ bị thôi miên... Có tiếng vọng ra từ căn phòng: "Này em, hơn 20 năm có lẻ rồi đấy, em cứ đi như thế này mãi hay sao?". Giọng người đàn bà: "Em vẫn chưa tính được gì anh ạ!". Lại giọng người đàn ông: "Chương trình "Chuyện lạ Việt Nam" của Truyền hình VTV sẽ tìm ra em, người ta sẽ ghi tên em vào kỷ lục "ghi nét" Việt Nam là người hiến máu nhiều nhất...". Ối! Tôi không thể nén được nên đã mở cửa. Họ, 2 người ngồi kia, ông bác sĩ già và người đàn bà tóc ánh đỏ... thêm 2 cô y tá. Khi tôi vào cũng là lúc ca lấy máu đã hoàn tất và người đàn bà chuẩn bị rời khỏi phòng.

Vì sao người đàn bà này lại làm công việc lạ kỳ trong thời gian dài đến vậy, vì lẽ gì? Tiền ư? Chưa chắc? Chỉ có 170 mươi nghìn đồng cho một lần lấy máu. Bệnh viện trừ đi 20 nghìn gọi là chi phí bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân gồm ly sữa và mấy quả trứng gà, còn lại số tiền quá ư ít ỏi - 150 nghìn đồng họ có thể mang về.

Ở người đàn bà này, tôi không tin đây là một người sống bằng "nghề bán máu" bởi khuôn mặt, vóc dáng kia, toát lên một vẻ sang trọng thậm chí quý phái. Hẳn đó là một người có sức khỏe tốt vì tuy vừa bị lấy một lượng máu khá lớn nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt và cử chỉ linh hoạt.

Có ai đó đã gọi vào máy điện thoại di động nhưng lại tắt ngay, người đàn bà lôi điện thoại của mình ra gọi lại. Cuộc nói chuyện kéo dài trên 10 phút. Điều này càng làm cho tôi khẳng định, hẳn không phải vì nghèo mà người đàn bà này đã đến đây...? Thế là tôi quyết định bám theo cũng chỉ vì... tò mò, để giải thích cho câu hỏi to tướng: Tại sao?...

Khu tập thể nhà máy rượu Hà Nội được xây từ thời Pháp, đã cũ lắm. Ọp ẹp và uể oải như người "sắp gần đất xa trời". Tầng 5. Một cụ bà khoảng 70 đang ngồi hóng mát ngoài lan can, trước mặt là bếp than tổ ong đỏ lửa với nồi canh cá thơm lừng. "Thưa cụ, con muốn hỏi chị Dung" Cụ bà ngẩng lên thủng thẳng: "Dung đang ở trong nhà đấy" rồi cất tiếng gọi. Vài giây sau, người đàn bà có đôi mắt hút hồn đứng trước mặt tôi, chẳng lộ vẻ ngạc nhiên, chưa kịp để tôi nói gì chị đã dứt khoát: "Mẹ chị đấy, em vào đây nào". Hóa ra! Chị đã biết tôi theo chị từ khi ở bệnh viện ra.

Bức tự họa của chị Kim Dung.

Chị sống ở đây. Đúng là một cái chuồng chim. Là vì cả tôi và chị phải leo lên mấy thanh sắt bám vào tường - được gọi là thang treo. Gác xép chon von, chiều ngang nhỉnh hơn cái giường đôi một chút, để sống được ở trên này, bạn phải cúi người lom khom. Vậy còn có thể kê được gì. Tài sản duy nhất là một chiếc radio có cả quay đĩa cổ lỗ. Cứ sống trong căn gác này lâu ngày, dám chắc rằng tuổi chưa già mà đã thành gù.

Và trong căn gác cũ kỹ, chật chội lại đặc kín tranh. Nào là sơn dầu, tranh sơn mài, rồi vẽ trên lụa, vẽ bằng chì sáp... Đó là những bức tranh chân dung tự họa của chị, chúng được đóng khung gọn ghẽ giăng đặc kín trên căn gác nhỏ. Ấn tượng nhất là bức tranh người đàn bà và người đàn ông quấn lấy nhau trong tư thế hết sức hồn nhiên và chẳng thể nào có thể gợi cảm hơn được nữa. Nó thực sự đời và đẹp.

Kể cũng lạ, một bên là đời sống trần tục được nghệ thuật hóa bằng hội họa thì ngay gần đấy, ba hình tượng mặt Phật treo trên tường, đó là một thế giới tâm linh đầy chất thiền, cả hình thiếu nữ Apsara đang say trong điệu múa dựng ở sàn gác, lại một ngạc nhiên nữa, tất cả những bức tượng đều do chị đổ. Ngay phía dưới khuôn mặt của tượng Phật hai lọ hoa sứ, cắm những bông hồng chị vừa mua. Nền sàn gác nhiều vết mực màu nước loang lổ. Căn gác nhỏ có cửa sổ, gió thổi lồng lộng, ngồi từ đây có thể nhìn khoảng trời rộng.

Đời chị là một cơn bão. Tuổi Nhâm Dần (1962), gái Hà Nội gốc. Chị sinh thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em, bố đi bộ đội, mẹ là công nhân nhà máy rượu, cả nhà sống trong một căn nhà nhỏ. Chị cứ lớn như cỏ cây tự nhiên hoang dã, thi thoảng bố chị ghé về thăm nhà. Nghe những câu chuyện kể của bố và các bạn ông về đời lính, chị đâm ra thích mê mẩn "màu xanh".

Tháng 3/1980, chị gia nhập Tổng đội Thanh niên xung phong của Quận đoàn Hai Bà Trưng tuyển người vào khai hoang, mở đường, trồng trọt ở Lâm Đồng, khi ấy chị vừa tròn 18. Cùng đơn vị vào Lâm Đồng, chị quen một người đàn ông quê thành phố Đà Lạt, rồi lấy chồng, rồi sinh con trai đầu lòng. Tất cả nhanh như chuyến tàu tốc hành, năm đấy chị 20 tuổi. Rồi chị chia tay khi thằng bé đầy tháng tuổi.

Về Hà Nội không có nghề nghiệp ngoài sức lực chị đành đến xóm liều ở khu Thanh Nhàn. Vào năm 1982, ở bãi gạch Thanh Nhàn xuất hiện một cô gái trẻ, dáng người mong manh,  làm nghề gánh gạch. Người mẹ thương con gái, nó mới sinh, ai nỡ... Chị nói với mẹ: "Mẹ làm công nhân, đồng lương làm sao nuôi cả bầy con, lại thêm có cháu. Con còn trẻ, có sức là có tiền...

Một buổi chiều sau khi đi gánh gạch về chị leo lên căn gác, nằm ôm con, trong lúc mơ màng chị thấy mẹ chị đánh thức chị và bà hỏi:  "Con có chứng minh thư không?". "Dạ, con có". "Vậy ngay bây giờ hãy cầm nó theo mẹ". Chị dậy, hớt hải theo mẹ, chẳng kịp hỏi là có chuyện gì, nhưng nhìn thấy mẹ khác lắm.

Cả hai mẹ con chẳng ai nói với ai câu nào, không khí nặng nề, mệt mỏi, u ám trùm lên cả đoạn đường. Và mẹ chị đưa chị đến Bệnh viện Bạch Mai. Đến đây, bà cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của con gái, nước mắt cứ chảy xuống từng hàng... Ôi nước mắt người mẹ thương con nhưng bất lực.

Nỗi cùng cực của người nghèo, người cùng khổ chẳng còn nghĩ được cách kiếm tiền nào tốt hơn là đi bán máu. Thì ra, bà đã giấu các con, đi bán máu hàng năm nay. Vậy mà trong gia đình không ai hay biết gì. Giờ thì chị đã hiểu, chị lại tiếp tục làm công việc của mẹ chị đã làm trong suốt mấy năm qua. Đó là ngày đầu tiên chị đi bán máu, thằng bé con chị mới 3 tháng tuổi. --PageBreak--

Đường đến với nghệ thuật

Ông chủ lò gạch kết bạn với một ông trong Đoàn cải lương Thăng Long. Hôm đấy, đoàn cải lương chẳng hiểu có xích mích ra sao, ông này cảm thấy vô cùng bức bối muốn ra chỗ gió mát cho thoáng khí thì nhớ ra người bạn mình là ông chủ lò gạch. Ông đến nhưng bạn đi vắng chỉ nghe thấy tiếng hát trong trẻo cất lên sau đống gạch.

Không nén nổi tò mò ông vòng ra sau đống gạch và nhìn thấy người con gái trẻ đang xếp gạch, miệng hát mà mắt môi thoáng nét u sầu. Vốn có con mắt tinh đời của người hàng chục năm trong nghệ thuật, ông biết đây sẽ là một diễn viên mà biết đâu sẽ mang lại không khí mới cho đoàn cải lương.

Thực ra với nỗi buồn mênh mang nơi chị, sự cơ cực, khúc mắc trong tình cảm, cùng năng khiếu của kiếp cầm ca đã nhào nặn nên một diễn viên solist chính của đoàn. Gánh trên vai nghiệp diễn, Kim Dung hóa thân vào từng nhân vật, chị diễn thật mộc mạc, tự nhiên như đời thực.

Chị còn nhớ mãi, tối hôm đó chị vào vai Lan trong vở cải lương "Chuyện tình Lan và Điệp". Đoạn cuối của câu chuyện sau nỗi buồn, cay đắng quá Lan cắt tóc vào chùa quy y cửa Phật, nhưng chị thấy mệt, chân như muốn khuỵu xuống sau buổi chiều đi bán máu, biết rằng mình chẳng còn có thể hát được một đoạn tiếp theo Kim Dung trong vai Lan hát một vài câu không có trong kịch bản rồi từ từ gieo mình xuống... chết.

Thực ra là lúc này chị mê man, gần như chẳng còn biết gì nữa. Chị khép hờ đôi mắt. Có những tiếng vỗ tay rào rào ở hàng ghế khán giả. Rồi chị nghe thấy ai đó hét lên: "Thế mới gọi là yêu, trông Lan chết đau, chết đớn thế kia cơ mà". Lúc này cả đoàn tá hỏa... không hiểu ra sao?

Chị Kim Dung (bên phải) thời là diễn viên đoàn cải lương Thăng Long.

Sau đó một cuộc họp kiểm điểm, người ta bảo chị vô tổ chức vô kỷ luật quá, nghệ sĩ quá, đã sáng tác ra những thứ không có trong kịch bản... Một số người ác ý còn nói, con nhỏ nghĩ nó là solits (kép chính) muốn làm gì thì làm, hay được ông bầu của đoàn thương nên... Ai biết rằng...?!

Năm 1994, gánh hát cải lương Thăng Long giải tán, người phụ nữ hằng ngày nằm trên căn gác nhỏ, mơ màng. A! Chị lại mong mình biết vẽ. Chị cảm thấy máu đang dồn xuống hai tay, đầu óc nhảy múa với hàng loạt ý tưởng, một sức mạnh vô hình nào đó biến chị thành một khối năng lượng, nếu không giải tỏa chị sẽ... chết.

Chị nhoài mình xuống gác đi vội về Bệnh viện Nhi Thụy Điển... để bán máu. Tại sao lại bán máu ở đây? Bởi vì mỗi bệnh viện chỉ có thể cho bệnh nhân bán máu nhiều nhất là một tháng rưỡi một lần. Vừa cách đây hơn chục hôm chị đã qua bệnh viện Bạch Mai, giờ thì chị tìm đến đây. Cầm tiền từ bệnh viện ra chị mua bút màu, mua giấy, chị lang thang đi ngắm phố phường rồi trở về căn xép nhỏ. Người đàn bà hôm đó đã thức trắng đêm, và sau này có nhiều đêm thức trắng khác, để suy tưởng, để miệt mài vẽ.

Chị ví mình như con vạc ăn đêm. Vì khi mọi người ngủ là chị thức. Nghệ sĩ như chị là người sống về đêm. Đêm yên tĩnh chỉ còn lại mình chị với bóng, thằng con úp mặt vào tường chừa ra cho mẹ một khoảng trống vừa đủ, nơi đó chị trải giấy, vung bút lên toan...

Trữ lượng trong con người chị nhiều đến nỗi ngoài việc giải thoát bản thân chị còn muốn chia sẻ với mọi người. Vì vậy sáng sớm hôm sau, chị đã không ngần ngại đạp xe đạp đi thẳng lên Trường đại học Mỹ thuật và nhòm vào lớp học xem ở đó các sinh viên ngành họa được học hành ra sao. Bộ dạng của chị đã gây ấn tượng với một thầy giáo, đó là họa sĩ Trần Đốc.

Khi được thầy hỏi han, chị bộc bạch nỗi lòng, chị muốn học vẽ, chỉ bởi đơn giản do chị yêu thích. Ở người phụ nữ này có sự thuyết phục, và ông đã chấp nhận nhận chị làm học trò, ông chỉ bảo cho chị cặn kẽ cách phối màu, cách bố cục khung hình... Lúc này đây, chị yêu hội họa như con người ta cần ăn, cần uống, cần hít thở... Chị cứ lăn lưng ra mà vẽ.

Những bức tranh to, nhỏ đủ loại, thể hiện đầy đủ con người chị với những đường nét táo bạo, liều lĩnh, mạnh mẽ, phá cách. Hàng xóm gọi chị là Dung “họa sĩ” từ đấy. Đã có người đến mua tranh của chị để đặt tại các phòng tranh, bức nào bán được giá là 4 triệu đồng, bức thấp nhất là 200 nghìn đồng. Chị bảo trung bình một tuần vẽ xong một bức. Ô hay! thế nhưng chị vẫn đi bán máu đều.

Chị cho tôi xem 4 cuốn sổ của 4 bệnh viên nơi chị hàng tháng vẫn đi.... Tôi buột miệng hỏi: "Có đau không chị?": "Không. Chẳng đau chút nào, em ạ".

Tôi hỏi tiếp: "Chị đi nhiều như thế có bao giờ bị từ chối chưa?". Chị, đưa mắt nhìn xa xăm, nhưng mặt lại chẳng có nét buồn (hẳn là công việc này đã quen lắm, và nó làm cho chị không còn mảy may cảm giác). "Nhiều lần chứ. Bác sĩ bảo về đi vì còn rõ nốt lấy của lần trước chưa lành". Nhưng tiền bán máu đâu có được nhiều, một lần bán máu thì chỉ đủ mua một cái sim card điện thoại tại sao chị lại vẫn cứ đi...

Tôi gặp GS-NGND Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu TW đã lý giải: Người đàn bà này do mới đầu vì kinh tế thiếu thốn nhưng sau một thời gian, thành một thói quen, tuy rằng không còn khổ nhưng lấy máu nhiều gây một cảm giác nghiện.

Người đàn bà có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, không chỉ hội họa, điêu khắc, diễn viên mà còn sáng tác thơ. Khi cậu con trai ngủ vùi trong chăn ấm, còn lại người bạn thân thiết là bóng đêm, chị ngồi bên khung cửa hướng ra khoảng không gian mênh mông, đối diện với chính mình, những tâm sự buồn cất lên qua vần thơ.

Cả chục cuốn vở học sinh ghi  những bài thơ của chị. "Đã có lúc thẹn thùng hỏi bóng/ Bên đèn khuya ai ngóng chờ ai/ Bóng tường ngạo mạn mỉa mai/ Mưa đêm day dứt kéo dài thời gian/ Ta ngồi đây thở than cùng bóng/ Run sợ từng tiếng động ban đêm/ Nỗi buồn cô đọng khó quên/ Gió rung cây ngả cho thêm lạnh lùng/ Niềm hiu quạnh như muôn tấc dạ/ Giọt lệ sầu lã chã tuân rơi/ Ước gì san sẻ cho vơi/  Hồn thơ uất nghẹn chao ơi! tủi lòng”.

Chị là người không đơn giản, tâm hồn bồng bềnh, đa cảm, liệu người đàn ông nào đủ sức để chị có thể dựa bờ vai mong manh và tâm hồn giông gió sẽ thôi không còn bão ... Trên căn xép của chị, tôi suy nghĩ miên man thì giật mình vì bị đánh thức bởi một cái đầu tuổi teen thò lên và hét rõ to: "Cô Dung ơi! Bức tranh con trâu của cháu đã xong chưa ạ?". Chị đưa tranh cho cô bé, đó là bức tranh sơn mài, có trâu mẹ và trâu con. Chẳng là năm nay là năm Kỷ sửu...Và chị được trả 200 nghìn đồng

Trần Mỹ Hiền
.
.