Nụ cười Mường Nhé

Thứ Tư, 10/02/2021, 08:58
Sau chuyến công tác nhiều kỷ niệm ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tôi vẫn nhớ như in nụ cười tươi thắm, hiền hòa, chất phác nhưng đầy hạnh phúc của chị Lò Thị Quyết, anh Giàng Seo Tỏa hay ông Vừa Sống Dia... - những người vừa được nhận nhà mới trong chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động.

Mường Nhé đón tôi trong những ngày cuối tháng 9 với thời tiết đỏng đảnh và những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi. Dọc tuyến đường dài hơn 200km từ TP Điện Biên Phủ lên huyện Mường Nhé, sắc xanh phủ kín hai bên, thỉnh thoảng lại được điểm màu vàng của nắng và cả 7 sắc của cầu vồng. Mường Nhé vào tiết thu, trời dịu mát nhưng đôi lúc vẫn có nắng gắt.

Khác với những gì tôi tưởng tượng, Mường Nhé hoang sơ nhưng có vẻ khá nhộn nhịp. Chúng tôi đi qua trung tâm huyện, đến thăm một số gia đình vừa được nhận nhà trong chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo tại bản Mường Nhé 2. Thấy chúng tôi, bọn trẻ con túa ra cười đùa. Chúng có vẻ không ngại gặp người lạ, ngược lại, còn khá dạn dĩ khi đi theo chúng tôi lên sườn đồi vào khu nhà ở của các hộ dân. Vừa đi, bọn trẻ vừa hát, vừa trêu nhau, có đứa còn thích thú kéo tay cô bạn tôi đòi chụp vài pô ảnh.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu trao nhà cho hộ nghèo tại bản Co Lót, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Ảnh: Liên Hương.

Thiếu tá Tống Văn Chỉnh, Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé, người dẫn đường thân thiện của chúng tôi cười nói: "Bản Mường Nhé 2 được thành lập từ Đề án sắp xếp ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé (còn gọi tắt là Đề án 79) với 18 hộ dân và 130 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

Sau này, thấy nhà bị dột nát, xuống cấp, Công an xã đã đi kiểm tra, rà soát và hướng dẫn người dân làm thủ tục xin được làm nhà mới trong chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an chủ trì. Không phải gia đình nào cũng đủ tiêu chuẩn nhận nhà mới nhưng ai cũng phấn khởi”.

Tiếp lời Thiếu tá Tống Văn Chỉnh, Thượng úy Hạng A Tu, người vừa được điều chuyển từ Phòng Điều tra hình sự của huyện về làm Công an xã Mường Nhé cho biết, người dân ở bản Mường Nhé 2 sống khá tình cảm, hàng xóm láng giềng thân thiết và coi nhau như anh em. Vừa nói, Thượng úy Hạng A Tu vừa chỉ tay về nhà anh Giàng Seo Tỏa - một người Mông rất chịu khó tham gia các công việc chung của bản và cũng là hộ gia đình được nhận nhà mới trong chương trình của Bộ Công an.

Nằm giữa bản, nhà của anh Giàng Seo Tỏa lọt thỏm trong gần chục ngôi nhà khác cùng tường vàng và mái đỏ. Tựa cửa, vẫy chào chúng tôi từ xa, anh Giàng Seo Tỏa đấm nắm tay vào cột nhà rồi khoe rằng, nhà mới của anh có khung cột chắc chắn lắm, mái lợp tôn lạnh, vách làm bằng tôn-nhựa nhiều lớp cách nhiệt.

Anh Giàng Seo Tỏa bảo: “Mình là người Bắc Hà, Lào Cai về đây sinh sống. Cuộc sống tuy vất vả nhưng mà vui. Mình được mọi người trong thôn bản quan tâm, chính quyền và công an xã tạo điều kiện, bọn trẻ được chăm lo học hành. Vì thế chả muốn di cư đi đâu nữa, chỉ thích ở đây phát triển kinh tế thôi”.

Dứt lời, anh quay sang nhắc mấy đứa cháu đang ngồi bệt dưới sàn nhà và tâm sự thêm rằng, từ ngày có nhà mới, bọn trẻ chăm học và vui hơn hẳn,  suốt ngày rủ nhau chơi trò trốn tìm trong nhà. Bản thân anh cũng thấy mình may mắn được Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Bộ Công an chăm lo cho cuộc sống. Vì thế, anh thấy mình cũng phải có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng.

Anh Giàng Seo Tỏa, người dân tộc Mông, thấy mình may mắn được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an chăm lo cho cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Hồng.

“Mình hiểu và biết rồi nên không tin những gì tà đạo xuyên tạc. Nếu những kẻ xấu có tuyên truyền và kêu gọi lập “Nhà nước dân chủ dân tộc Mông”, mình không tin đâu. Mình cũng đã dặn con cháu, người thân trong gia đình không nghe theo lời xúi giục”, anh Giàng Seo Tỏa cho biết và khẳng định, sẵn lòng nói rõ cho bà con trong thôn bản về những cái sai, không đúng của tà đạo ấy.

Cách Mường Nhé 2 không xa là bản Mường Nhé mới. Bản này được thành lập năm 2015 trên cơ sở chia tách từ bản Mường Nhé và có 140 hộ dân với hơn 540 nhân khẩu, 5 cộng đồng dân tộc sinh sống. Tuy không xa trung tâm huyện là mấy nhưng gia cảnh của người dân tại bản vẫn còn nhiều thiếu thốn. Như nhà chị Lò Thị Quyết (37 tuổi, dân tộc Thái) chẳng hạn. Dù nằm gần mặt đường chính nhưng để vào được nhà chị, chúng tôi vẫn phải đi qua một khu vực toàn bùn đất.

Thấy chúng tôi tới, chị Lò Thị Quyết đon đả chạy ra chào đón. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh căn nhà rộng 36m2 được xây dựng theo thiết kế “3 cứng” gồm nền cứng, mái cứng và tường cứng, chị Lò Thị Quyết cởi mở kể: "Trước đây nhà cũ của tôi làm bằng tre, mái lợp lá nhưng mục nát hết cả. Cứ mưa là cả nhà ngập trong nước, đâu đâu cũng bị dột. Hồi đầu năm, thấy nhà tôi đổ nát quá, con lại nhỏ, các anh công an xã đã tận tình hướng dẫn tôi cách làm đơn và các thủ tục để xin được hỗ trợ làm nhà theo chương trình của Bộ Công an. Tôi mới được nhận nhà hồi tháng 4. Thật sự là không thể tưởng tượng được rằng có ngày mình lại được sống trong một ngôi nhà khang trang đến vậy...".

Chỉ vào chiếc bếp gas vừa được sắm để ở góc phòng và đối diện là đống bao thóc xếp chồng lên nhau, chị Lò Thị Quyết chia sẻ thêm: “Giờ tôi không lo nhà bị ướt nữa, mọi thứ đều khô ráo, sạch sẽ kể cả khi trời mưa to”. Rồi khi được chúng tôi hỏi về cảm giác thế nào lúc về nhà mới, chị cười bẽn lẽn: “Thì tôi được ngủ ngon hơn, con không bị giật mình nữa. Đợt trước khi nhà đang xây, cả gia đình phải ở nhờ bên kia đường, con bé nhà tôi cứ mở mắt ra là đòi: “Mẹ ơi, mình về nhà mới đi. Con thích ở nhà mới cơ”. Giờ nhà ổn định rồi, chúng tôi chỉ lo làm kinh tế, cho bọn trẻ học cái chữ, cũng bớt được phần nào gánh nặng cơm áo”.

Chị Lò Thị Quyết, người dân tộc Thái tươi cười khi nói về việc được trợ cấp xây nhà mới. Ảnh: Phạm Trung.

Chia tay chị Lò Thị Quyết, chúng tôi lên đường tới xã Chung Chải với 16,5km đường biên và là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em gồm: Hà Nhì, Si La, Mông, Kinh và Thái. Mặc dù nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và được thụ hưởng các chính sách của nhiều chương trình như 134, 135 giai đoạn II; 167, 30A, 661... nhưng cuộc sống của đồng bào ở đây vẫn vô cùng khó khăn. Nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở người dân trong sản xuất, chăn nuôi rất hạn chế; sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, chưa tạo ra được hàng hóa trao đổi, tỷ lệ đói nghèo cao. Cũng vì lý do này mà người dân ở xã Chung Chải hay bị bọn xấu lôi kéo. Vì thế, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên và huyện Mường Nhé đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tôn giáo của đồng bào theo đúng các quy định của pháp luật, không để phần tử xấu lợi dụng để kích động, lừa gạt, lôi kéo gây tình trạng mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, với đạo Tin Lành, chỉ sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%. Chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp giáo dân có nơi chốn sinh hoạt cộng đồng, đời sống ổn định, nâng cao nhận thức về tư tưởng kính Chúa, yêu nước, yêu thương lẫn nhau, chấp hành tốt pháp luật, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Như ở bản Xi Ma 2, xã Chung Chải, nếu như trước đây, khi điểm nhóm Tin Lành chưa được cấp phép hoạt động, người dân chủ yếu sinh hoạt tôn giáo tại nhà thì nay, đều đặn tối Thứ năm, Thứ bảy và sáng Chủ nhật hằng tuần, gần 200 tín hữu Tin Lành trong bản tề tựu tại một căn nhà gỗ khang trang hơn 150m2 để cùng nhau sinh hoạt tôn giáo. Điểm nhóm này được cấp phép từ năm 2016 do ông Giàng Hồng Sinh phụ trách, trực tiếp giảng đạo.

“Chúng tôi có giáo lý, giáo luật, hiến chương nên được Nhà nước cấp phép sinh hoạt, được tự do truyền đạo cho bà con giáo dân. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến rất đông đủ để trao đổi cách làm ăn kinh tế như trồng cây ăn quả, nuôi trâu bò và cả những biện pháp giữ gìn vệ sinh giữa tình hình dịch bệnh COVID-19; cùng nhau vui vẻ hát Thánh ca, tuân thủ pháp luật... Từ khi có điểm nhóm này, bà con rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước", ông Giàng Hồng Sinh cho biết. Anh Vừ A Mua (dân tộc Mông) theo đạo Tin Lành từ năm 1992, trước anh ở Sìn Hồ (Lai Châu), năm 2009 di cư tới Mường Nhé về đây, cuộc sống khá hơn, được cấp đất trồng lúa, hiện giờ gia đình đã đủ ăn.

Ngồi trước cửa nhà, ông Vừa Sống Dia (70 tuổi, dân tộc Mông) vừa rủ rỉ nhỏ to câu chuyện vừa tủm tỉm cười. Hóa ra, gia đình ông cũng là một trong những hộ ở điểm nhóm tôn giáo này được nhận nhà mới theo chương trình làm nhà cho hộ nghèo của Bộ Công an. Chỉ tay sang căn nhà lá bên cạnh, ông bảo chúng tôi rằng, đó là nhà cũ, giờ thành bếp. Nhà mới của ông là nơi nghỉ ngơi của 7 người trong gia đình. Trong nhà, ngoài 3 chiếc giường, những dây móc treo quần áo, ông Vừa Sống Dia còn dành một chỗ ở giữa nhà, trang trọng để treo ảnh Bác Hồ. Ông nói: “Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ và Bộ Công an. Chúng tôi đã được chính quyền quan tâm giúp đỡ rất nhiều. Không chỉ cho phép chúng tôi được sinh hoạt tôn giáo mà còn cấp nhà đẹp cho chúng tôi ở. Tôi đã sống đến ngần này tuổi rồi, căn nhà mới là giấc mơ có thật của đời tôi”.

Sông Thương
.
.