Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình

Nữ tử tù: Khi tình yêu chưa chết

Thứ Năm, 27/05/2010, 08:45
Sáng sớm ngày 31/3, Đại tá Đỗ Văn Hùng - Giám thị Trại tạm giam Hà Nội - dẫn tôi xuống khu giam tử hình nữ. Đó là khu buồng giam nằm ở dãy cuối cùng trong khu trại, nương dưới những gốc bàng, mùa này lá đương xanh mơn mởn. Khoảng sân trước mặt đầy nắng. Tôi còn nghe thấy cả tiếng chim hót lảnh lót trong một không gian yên lặng như tờ.

1. Nhưng vượt qua mấy lần cửa sắt im ỉm khóa, vào đến buồng giam là cái lạnh từ đâu bỗng xộc tới. Không gian tự dưng trở nên âm u đến lạ kỳ. Tôi bất chợt run lên khi từ bên trong những cánh cửa buồng giam kín mít kia bỗng có một giọng nói: "Nghe bước chân quen thế, có phải Ban không ạ?".

Chỉ thế thôi mà đôi chân tôi bỗng díu lại, trong khi Đại tá Hùng vẫn thong thả bước. Nỗi hoảng hốt khiến tôi không thể đuổi kịp bước chân của Đại tá Hùng nữa. Nhưng may là ông đã dừng lại, chính xác ở trước cửa buồng giam vừa phát ra tiếng nói kia. Giọng ông trầm xuống: "Ban xuống thăm đây, có khỏe không?". Cửa buồng giam lúc này đã được người nữ quản giáo mở ra. Hai nữ tử tù cười tươi roi rói, lễ phép chào Đại tá Hùng.

Thì ra là Thơm và Thành. Ở trong khu giam tử hình nữ, hai "mẹ già buôn hêrôin" được xếp ở cùng buồng giam với nhau. Hai bệ xi măng trong buồng giam tử tù - Nguyễn Thị Thành, "bà trùm" ma túy vùng Tây Bắc nằm một bên còn bên kia, bệ xi măng đối diện là chỗ nằm của Nguyễn Thị Thơm, “bà trùm” ma túy ở Hà Nội. Thành hơn  Thơm đến 8 tuổi, năm nay đã sắp bước vào tuổi 40 nhưng trông vẫn còn khá xuân sắc.

Tôi đoán rằng khi còn ở ngoài xã hội chắc người đàn bà này rất đẹp. Nhưng Thành bảo, ở quê em, cao nguyên Mộc Châu lúc nào cũng mát mẻ nên da ai cũng trắng, trông bắt mắt thôi chứ nhan sắc chả có gì nổi bật. Rồi bẽn lẽn cười, giấu mặt đi sau tay áo. Nhìn Thành, cả gương mặt và dáng vẻ, không ai nghĩ đó lại là một bà trùm.

Ở thị xã Mộc Châu, Thành mở cửa hiệu kinh doanh bếp gas và chả ai ngờ được đó chỉ là vỏ bọc. Thành cùng anh trai của mình là Nguyễn Trọng Thanh chính là đầu mối cung cấp hêrôin cho nhóm buôn bán của Lê Sỹ Thủy ở Hà Nội. Mua hàng từ biên giới, chị em Thành tập kết ở nhà Thành rồi thuê người đem hàng về Hà Nội giao cho Lê Sỹ Thủy. Sau rồi, Lê Sỹ Thủy bị bắt và bị tuyên án tử hình. Mãi đến 2 năm sau, trong những ngày chờ thi hành án, Thủy đã khai ra mấy chuyến hàng mua bán của anh em Thành.

Thế là ngày 8/12/2006, Thành bị bắt và dù Thành có cố nại ra rằng "tại anh Thủy tán tỉnh tôi không được nên sinh ra thù tức, đổ oan cho tôi" thì mọi chứng cứ đã chứng minh được rằng, Thành chính là người đã bán hêrôin cho Thủy rất nhiều lần với số lượng lớn. Bởi vậy, trong cả phiên tòa sơ thẩm (ngày 9/5/2008) và phúc thẩm (ngày 8/9/2008), Thành đều bị tuyên án tử hình. Khi đó, chồng Thành đã chết và Thành bảo rằng, Thành trả án xong là hai đứa con Thành sẽ trở thành mồ côi. Nhưng đã quá muộn rồi cho những ân hận, những sám hối đắng cay...

Nguyễn Thị Thành tại phiên toà.

2. Thơm nhận ra tôi ngay, hồ hởi chuyện trò, lại còn hỏi thăm cả cán bộ Giang nữa. Chả là trước khi vụ án ma túy cực lớn do Thơm cầm đầu  đưa ra xét xử, để khai thác tư liệu cho loạt bài viết "Hồ sơ Chuyên án 157D" đăng trên ANTG, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã đồng ý cho tôi được trò chuyện khá lâu với Nguyễn Thị Thơm. Tất nhiên là dưới sự giám sát của Thượng tá Nguyễn Trần Giang, điều tra viên cao cấp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, cán bộ thụ lý chính của vụ án này. Đó là một cuộc gặp nhiều nước mắt.

Cầm đầu một đường dây, buôn bán tới hơn 100 bánh hêrôin, ở Thơm, hội đủ những thứ cần có của một bà trùm: liều lĩnh, lạnh lùng, lì lợm. Nhưng khi nhắc tới người tình và những đứa con, Thơm bỗng khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi đã bấm khá nhiều bức ảnh trong khoảnh khắc yếu mềm hiếm hoi của người đàn bà này, trong cuộc gặp gỡ ấy, khi cô cúi đầu viết thư cho mẹ, khi cô kể về người tình mà hai hàng nước mắt chứa chan...

Bây giờ, gặp lại Thơm sau gần 3 năm, dù đã mang án tử hình nhưng Thơm không khác xưa là mấy. Cô vẫn trẻ và xinh đẹp. Da vẫn trắng, môi vẫn hồng. Chỉ khác là mái tóc dài ngang lưng giờ đã ngắn thành tóc thề chấm đúng ngang vai và nom cô có vẻ đẫy đà hơn. Tôi bảo, tóc dài óng ả thế, cắt làm gì. Thơm rưng rưng cười: "Để dài mãi cũng chán, thay đổi đi cho đỡ tẻ, chị à. Ở trong này buồn lắm, ngồi cả ngày thôi, chả biết làm gì, ngày nào cũng trôi đi giống nhau, nặng nề, chậm chạp và thấp thỏm". Thơm kể, mắt nhìn xuống đất, bàn tay di mãi xuống nền xi măng nơi bệ nằm, nghe có vẻ thoáng buồn.

Tôi vừa nghe cô nói, vừa quan sát khắp lượt cái không gian bé xíu nơi hai tử tù đang ở, đang sống những ngày cuối cùng trước khi về với đất. Buồng giam hẹp nhưng gọn gàng, sạch sẽ đến không ngờ. Bệ nằm bóng loáng. Cả chiếc cùm chân nơi cuối "giường" cũng trắng, bóng lấp lóa. Gối hoa rực rỡ ở đầu "giường". Thoáng thấy cả mùi xà phòng thơm thoang thoảng. Thơm diện bộ đồ ngủ dài tay, may rất thời trang với những họa tiết gam xanh khá vui mắt. Thành thì giản dị hơn trong bộ đồ tối màu. Tóc buông xõa lưng, tết chải gọn gàng. Đồ ăn của hai người chất đầy trên bệ. Thơm bảo, quà tiếp tế của hai đứa chúng em nhiều, ăn chả hết thì để vào đây. Nói chung chả thiếu thứ gì. Tuần nào cũng có tiếp tế.

Tôi hỏi, em còn ai thăm nuôi. Thơm cười nhưng khóe mắt lại ướt: "Chỉ còn mẹ thôi". "Còn Cường thì sao?". Ánh mắt của Thơm vụt trở nên lấp lánh: "Anh ấy bị tuyên 20 năm, chả biết bây giờ ở trại nào. "Bây giờ còn lấy vỏ mì tôm làm thiệp tặng Cường không?". Thơm lắc đầu, bẽn lẽn. Có vẻ như, tình yêu vẫn chưa chết trong người đàn bà bạo liệt này, dù bây giờ cô ta đang ở trong khu giam tử hình và cuộc sống với những tử tù như Thơm chỉ còn tính bằng ngày...--PageBreak--

3. Sinh năm 1979, rời bỏ gia đình ở Phúc Thọ, Hà Tây (cũ) ra Hà Nội làm gái trong một nhà hàng karaoke ở Thanh Trì từ khi 15 tuổi, lấy chồng đầu tiên, sinh con từ năm 17 tuổi, sau khi bỏ người chồng thứ hai thì Thơm mới yêu Cường. Đã dạn dĩ với những cuộc tình nhưng tình yêu với Nguyễn Khắc Cường vẫn là một cuộc tình thiêng liêng đối với Thơm. 17 tuổi, chấm dứt cuộc đời làm gái nhờ sự giúp đỡ của một kẻ giang hồ tên là H. khá nổi danh ở bãi Phúc Xá, Thơm trả nghĩa H. bằng cách lấy anh ta làm chồng. Cho dù, lúc ấy H. là một con nghiện oặt xà lai và Thơm biết  khi gắn bó cuộc đời với một con nghiện là cả tấn bi kịch đang đợi chờ ở phía trước. Quả đúng như vậy.

Dù đã hết lòng cung phụng, yêu chiều H. nhưng Thơm thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn nhừ tử của H. kể cả lúc Thơm đã mang thai với H.

Vì thế, năm 1996 thì Thơm bỏ H. để sang Trung Quốc lấy chồng, những mong tìm được nơi nương tựa, mang theo cả đứa con chung với H. lúc đó mới đang là bào thai trong bụng. Người đàn ông Trung Quốc mua Thơm về làm vợ là một người tốt bụng. Anh ta biết Thơm đang có thai nhưng chấp nhận và hứa sẽ coi đứa con riêng của Thơm như con ruột. Cuộc sống của Thơm với người chồng Trung Quốc vất vả, nghèo khó nhưng khá đầm ấm. Sau khi đẻ một bé trai, Thơm sinh cho chồng thêm 2 đứa con nữa - một trai, một gái, giống chồng như đúc. Tuy nhiên, với Thơm đó là một cuộc hôn nhân không tình yêu.

Vì thế mà chỉ sống với người chồng thứ hai được ít lâu thì vào một ngày mưa tầm tã, Thơm đành gạt nước mắt, dứt tình để lại đứa con riêng, ôm hai đứa con chung với người chồng Trung Quốc bỏ trốn khỏi nhà, đi theo một người dẫn đường về biên giới Việt - Trung.

Sau đó,  Thơm ôm hai con quay về sống chung với H. Và, vẫn như ngày xưa. Bi kịch lại lặp lại. Những trận đòn nhừ tử của H. lại giáng xuống đầu cô. Rồi Thơm lại ra đi. Cô gửi con lại quê,  lên biên giới Việt Trung, bắt đầu kiếm tìm một cuộc sống mới. Tại đây, Thơm đã gặp một bà trùm ma túy người gốc Bắc Giang tên là Hương, biệt hiệu Hương “xăm”. Thấy Thơm nhanh nhẹn, lại biết tiếng Trung nên ban đầu Hương “xăm” thuê Thơm làm phiên dịch trong các lần mua bán hêrôin với khách hàng người Trung Quốc. Sau rồi, thông thạo mối làm ăn, Thơm quyết định cướp mối hàng của Hương “xăm”, nhảy lên địa vị của một bà trùm từ đó, trở thành đầu mối thu gom hàng từ nhiều đường dây khác nhau để chuyển qua biên giới bán kiếm lời.

Cũng từ đây, Thơm trở thành đại gia với rất nhiều nhà cửa, đất đai, ôtô. Thơm đưa chị gái là Nguyễn Thị Nga ở quê lên biên giới làm ăn cùng. Và, trong một chuyến giao hàng cho khách ở biên giới, do bị ốm không đi được nên Thơm đã nhờ Nga đi thay mình. Ngờ đâu, chuyến ấy Nga bị Công an Trung Quốc bắt giữ với tội danh buôn bán chất ma túy, rất có thể Nga sẽ bị tuyên án tử hình, trong khi đứa con út của Nga vẫn còn rất nhỏ.

Phi vụ ấy, Thơm thoát chết nhưng từ sau đó, Thơm rơi vào cuộc sống u buồn triền miên vì cô thương Nga, vì cô ân hận bởi chính cô chứ không phải ai khác đã đẩy người chị ruột vào chỗ chết.

Thơm lại quay về Hà Nội và để giải sầu, Thơm thường lang thang trong đêm tại những quán net, lên mạng "chát chít” cho quên sầu.  Một đêm, khi đang lang thang trên mạng, Thơm tình cờ bắt gặp một cái nick nghe ngồ ngộ "traidangsau"(trai đang sầu). Và thế là Thơm chat, rồi hò hẹn, rồi offline như bất cứ mối tình qua net nào khác.

Thơm khóc khi viết thư cho mẹ.

Nhưng lần này thì Thơm gặp may. "Chàng trai đang sầu" Trần Khắc Cường hóa ra không phải là dân giang hồ như đám người mà Thơm vẫn giao du bấy lâu nay.

Cường là con nhà tử tế, lúc đó đang sống với cha mẹ ở ngõ Thổ Quan. Cường vừa đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan trở về đã dành dụm được một chút vốn liếng và đang đi tìm việc làm. Trong thời gian này, Cường thi thoảng lên mạng chat với những người bạn quen hồi ở bên Đài Loan, và  Cường đã gặp Thơm.

Vốn là người đàn bà quá từng trải, lại xinh đẹp nên chỉ cần tung ra vài chiêu độc là Thơm "trói" được Cường. Thơm giấu nhẹm tên thật, chỉ giới thiệu với Cường rằng tên mình là Hà. Cường say Thơm như điếu đổ, dù Thơm không thèm giấu giếm là Thơm đã từng có hai đời chồng và 3 đứa con. Gia đình và những bạn bè thân thiết của Cường chỉ biết rằng Thơm đi buôn Trung Quốc và rất giàu có chứ không ai biết Thơm là một mẹ già hêrôin. Riêng Cường, sau khi cặp với Thơm một thời gian thì Cường biết. Nhưng trong tình yêu mù quáng với Thơm, Cường đã không biết dừng lại.

Thế nên, khi Cường bị bắt cùng Thơm với vai trò đồng phạm, Thơm rất thương Cường. Cô đã tìm mọi cách để nhận hết tội về mình nhưng không được. Ngày sinh nhật của Cường, ở trong buồng giam, Thơm đã làm một tấm thiệp rất đẹp, trang trí rất nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ bằng cách xé dán vỏ mì tôm, vỏ hộp sữa, vỏ bánh để tặng Cường. Thơm còn sáng tác một bài hát bằng tiếng Trung và làm thơ gửi cho Cường với những lời lẽ tha thiết, nồng nàn: "Mình ơi, hôm nay là sinh nhật mình, em chẳng biết làm thế nào để đến bên mình được. Em chỉ biết ngồi khóc và làm tấm thiệp này, bao nhiêu nỗi nhớ và tình yêu em dành trọn trong tấm thiệp".

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Bây giờ, ở trong khu giam tử tù này, khi cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình thì Thơm biết, cuộc sống chỉ còn được tính từng ngày. Cô không còn nhớ Cường lồng lộn như ngày đầu mới bị bắt giam nữa. Cũng chả làm thiệp, làm thơ gì nữa cho Cường. Thời gian làm cô nguôi ngoai đi những dằn vặt với người đàn ông đã cho cô tình yêu và suốt đời cô mắc nợ.

Bây giờ, cô chỉ còn nghĩ đến mẹ và những đứa con với tất cả những đắng cay, xa xót. Với tội lỗi tày trời của mình, cô biết mình đáng phải chết nên bình tâm chờ ngày đi trả án. Nhưng người đàn bà này hiểu rằng, ngay cả khi đã trở về với cát bụi rồi thì cô vẫn còn mang tội với mẹ và các con khi cô chưa tròn bổn phận làm con của bà mẹ già và làm mẹ của 3 đứa trẻ. Đó mới chính là tấn bi kịch đau đớn nhất của đời cô mà ma túy đem đến.

(Còn nữa)

Đ.H.
.
.