Nước Nga thời cấm vận

Thứ Bảy, 21/02/2015, 17:10
Cuối tháng 10/2014, tác giả bài viết này được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Liên bang Nga để trao đổi tình hình sáng tác văn học theo thỏa thuận mà Chủ tịch hai Hội Nhà văn Việt - Nga đã ký với nhau từ nhiều năm trước. Đi với tư cách Trưởng đoàn. Nói cho “oai” vậy, chứ đoàn chỉ có 4 người. Thật khéo sắp xếp, đầy đủ vùng miền, đa dạng lĩnh vực.

Khu vực Nam Bộ, nhà văn Hoàng Đình Quang (Chủ tịch Chi hội Nhà văn TP HCM).

Khu vực miền Trung, nhà thơ Trần Chấn Uy (Chủ tịch Chi hội Nhà văn Khánh Hòa).

Khu vực miền Bắc, nhà văn, tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái (kiêm phiên dịch).

Thành viên trong đoàn nhận thông báo từ đầu tháng 10. Nhưng rục rịch mãi tới 25/10 mới lên đường. Chính trong cái đoạn “rục rịch” ấy mới nảy sinh khối chuyện “tác động tâm lý” người trong cuộc.

Hầu hết bạn bè thân thiết của tôi đều hồ hởi chúc mừng về một chuyến đi lịch sử được trở lại xứ Bạch Dương. Tuy nhiên, cũng có mấy người băn khoăn, bộc bệch rằng: “Sao không chọn thời điểm khác, lại đi vào giữa mùa lạnh giá, tuyết đã rơi trắng rừng Taiga”. Rồi nữa: “Nước Nga đang bị Mỹ và mấy anh “EU” gia tăng cấm vận, sang lúc này, có mà rước khổ, rước buồn phiền vào thân…”.

Nghe có vẻ “ghê răng” vậy. Song, ngẫm đi ngẫm lại cũng khối lý lẽ để trấn an mình. Lạnh ư? Mới chớm đông. Vả lại, dân mình sống đầy bên đó vẫn chịu được kia mà! Còn “cái món” cấm vận ư? Nhằm nhò gì, Việt Nam ta đã chẳng từng bị người ta bao vây cấm vận hai mươi mấy năm trời đó sao, vậy mà ta không sợ, huống hồ…

Thế là vui vẻ ra đi, hứng khởi ra đi, mang theo tâm lý tò mò trở lại nước Nga để được mục sở thị sự đổi thay sau gần 30 năm xa cách.

Từ cái thời mà vị Tổng bí thư cuối cùng của Liên bang Xôviết lên lãnh đạo, để rồi chính ông ta, vì yếm thế đã phải tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản, đồng nghĩa với thành trì của chủ nghĩa xã hội, thành trì của hòa bình thế giới sụp đổ. Và tới nay, là một nhân tài xuất chúng của xứ Bạch Dương cầm quyền theo thể chế mới.

Đã 2 lần giữ cương vị Tổng thống (lần thứ 2 với 2 nhiệm kỳ liên tục) và đương kim Tổng thống lần thứ 4. Người đã lấy lại uy tín nước Nga trước bao sóng gió. Dẫu đang phải đương đầu với bao vây cấm vận, song vẫn là nhân vật thế lực được đánh giá là nguyên thủ quốc gia uy tín nhất hiện nay. Không hiểu thực hư ra sao?...

Đoàn chúng tôi lên đường vào trưa 25/10 trên chuyến phi cơ của Hãng Hàng không Việt Nam. Chỉ 9 giờ bay đã tới Nga. Bởi không phải dừng lại ở nơi nào. Thay vì chuyến đi lần trước đã phải quá cảnh 2 nơi là Calcutta thuộc Ấn Độ và Tashken thuộc Liên Xô nên thời gian gần gấp đôi.

Hơn 8 giờ tối đã tới thủ đô Moskva. Chuyến đi quá thuận lợi. Tâm lý mọi người đều băn khoăn khi tới sân bay không hiểu bạn sẽ đón ra sao, bởi cả khách và chủ đều chưa biết nhau. Không ngờ khi ra tới cửa nhà ga, anh bạn Oleg (Ô-lếch Ba-vư-kin) Trưởng ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Nga được giao trách nhiệm đón đoàn đã nhận ra ngay. Ra đón đoàn còn thêm một xe nữa là đồng hương của Trần Chấn Uy thành ra chúng tôi không phải mất tới một giây chờ đợi.

Thuận lợi thứ hai, đó là nơi ăn chốn ở. Dường như đã có sự bàn bạc thống nhất giữa cô Đào Kim Hoa, Phó trưởng ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam với nhà văn, dịch giả Kim Hiền công tác tại Ban Tiếng Việt – Đài Phát thanh Nga (đây là đầu mối quan trọng đối với các đoàn nhà văn Việt Nam sang Nga. Một cô gái nhiệt tình, đầy ắp tình cảm quê hương).

Bởi thế chúng tôi được đưa về nghỉ tại khách sạn Quê hương, ngay trong khu ngoại giao đoàn. Thật là ấm áp tình quê. Cán bộ, nhân viên khách sạn toàn là các em người Việt. Ngay đến trang trí trong khách sạn cũng mang đặc trưng Việt Nam.

Rồi tới tình cảm của cán bộ, nhân viên, họ đón chúng tôi như đón người thân đi xa trở về. Bữa cơm tối, dù đột xuất nhưng rất chu đáo, đậm đà hương vị quê nhà: cơm trắng, dưa cải, thịt đông, canh chua…

Hàng ngồi (từ phải qua): Châu Hồng Thủy, Khổng Minh Dụ, Minh Thái.
Hàng đứng: Hoàng Đình Quang (thứ 3), Trần Chấn Uy (thứ 5).

Cái bất ngờ thứ ba, bữa ăn gần kết thúc, đã gần 11h đêm thì có khách tới. Đó là Châu Hồng Thủy (Nguyễn Quý Phúc) – Chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga tới thăm. Thủy xách theo một cặp gà quay và một chai Voska Nga, gọi là “ly rượu đón đoàn”.

Thủy cho  biết, từ nhiệm sở đi thẳng tới đây. Vì các anh đang tập trung cho việc xuất bản tuyển tập thơ “Giữa hai thế kỷ” với sự góp mặt của hơn 100 tác giả thơ người Việt đã từng sống ở Nga. Giờ đó mà Châu Hồng Thủy còn tới thăm, thật vô cùng cảm động!

Từ ngày hôm sau trở đi mọi hoạt động của đoàn đều do Oleg sắp xếp và trực tiếp đi cùng. Theo nhận xét của chúng tôi và các đoàn nhà văn Việt Nam đã từng tiếp xúc với Oleg thì đó là người tốt với Việt Nam đến “kỳ lạ”, nhiệt tình đến “không tưởng”.

Tuổi Canh Dần (sinh năm 1950). Nghỉ chế độ hưu trí được 4 năm, thì cũng là chừng đó thời gian anh về công tác ở Hội Nhà văn với cương vị Trưởng ban Đối ngoại. Hội Nhà văn Nga thật khéo chọn một người như Oleg vào vị trí này. Là dịch giả tiếng Arập, nhanh nhẹn, tháo vát với đầy chất hài hước.

Lúc đưa chúng tôi từ nhà ga sân bay ra ôtô, Oleg chỉ chiếc xe màu xanh, biển số 186 PP hiệu NISAN, tươi cười nói: “Biết đoàn các bạn sang, tôi chạy đi mua ngay chiếc xe này đến đón đoàn đó…”. Đúng là chiếc xe mới tinh, đang thời kỳ chạy rốt đa. Mấy hôm sau chúng tôi mới biết tông tích của nó.

Đó là quà tặng của vợ Oleg. Chị là quán quân quần vợt quốc tế đã dùng toàn bộ tiền giải thưởng để mua ôtô tặng chồng. Nhờ vậy mà những ngày ở Nga, chúng tôi cùng Oleg cứ gọi là “trên từng cây số”. Tham quan Quảng trường Đỏ, Điện Kremli, Lăng Lênin, Bảo tàng Đại văn hào Lev Tolstoi, Bảo tàng Dostoevsky, Puskin, bảo tàng Hermitage, nghĩa trang danh nhân, hồ Valday và bảo tàng Chuông ở đó… tới chuyến đi từ Moskva tới St. Petersburg (Leningrad) với trên 700km, vượt sông Volga và những cánh rừng Nga bạt ngàn, tít tắp.

Thực tình nếu không có xe của anh bạn Nga tốt bụng này thì dễ gì có cuộc hành trình như thế. Bởi hội của bạn không có điều kiện phục vụ đoàn. Từ thể chế mới, hình như các hội Văn học nghệ thuật của bạn đều thế. Những người yêu nghiệp văn chương làm việc ở Hội đều không có lương. Họ sống bằng lương hưu của cơ quan đã từng cống hiến và thu nhập của nghề khác.

Ấy vậy mà họ vẫn vui vẻ, nhiệt tình, hăng say, nghiêm chỉnh. Tôi cảm nhận như vậy bởi 2 lần tới trụ sở của Hội, một biệt thự đẹp nằm trên mặt tiền của một đại lộ, các phòng, ban đều tấp nập người ra vào.

Buổi trao đổi chính thức vào chiều 28-10. Thật cân xứng. Đoàn ta 6 người (cả Kim Hiền và Châu Hồng Thủy). Đoàn bạn cũng 6 người (trong đó có 2 người đã sang Việt Nam).

Các thành viên của bạn đều tranh thủ thời gian để được phát biểu tình hình sáng tác chung và riêng cá nhân mình. Đặc biệt trong đó có một nhà văn trẻ tuổi chừng chưa đầy 40, anh cho biết đang tập trung dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga.

Thay mặt đoàn, tôi trao đổi tóm tắt về hoạt động của Hội Nhà văn ta, những thuận lợi, khó khăn… Ảnh hưởng của văn học Nga đối với các thế hệ nhà văn Việt Nam. Nhất là thế hệ nhà văn trong chiến tranh vệ quốc.

Để minh chứng điều này, tôi thông báo về việc nhà văn, dịch giả Thúy Toàn, một trong những người du học tại Nga rất sớm. Ông đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt và đang gấp rút xây dựng một bảo tàng cá nhân về văn học Nga tại Việt Nam ngay tại quê ông ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Đó là điều rất ngạc nhiên đối với bạn nhà văn Nga.

Nhà nước Việt Nam rất quan tâm giới văn nghệ sĩ. Định kỳ Hội Nhà văn vẫn mở các trại sáng tác, mở lớp bồi dưỡng sáng tác cho các nhà văn trẻ (cố nhiên là bằng kinh phí của Nhà nước). Kể cả hỗ trợ một phần kinh phí để một số nhà văn khó khăn được xuất bản tác phẩm của mình.

Một nhà văn bạn trao đổi riêng với tôi: “Tổng thống Putin của chúng tôi rất quan tâm tới lĩnh vực Văn học nghệ thuật. Tin rằng sắp tới Nhà nước sẽ đầu tư cho lĩnh vực này”.

Mười ngày ở nước Nga, bao băn khoăn được giải tỏa. Không khí chung ở Nga không thấy gợi lên chút gì gọi là hoang mang, lo sợ vì bao vây cấm vận.

Các trung tâm mua sắm, ăn uống vẫn đông nghẹt người. Hàng hóa phong phú và đa dạng hơn xưa. Ôtô ken nhau trên đường với đủ chủng loại. Cửa hàng thực phẩm, rau quả của Nga cũng như của người Việt mình vẫn đầy ắp. Vì cấm vận mà dân Nga đã tự túc được nhiều.

Moskva mở mang hơn trước. Nhiều công trình đang ngổn ngang xây dựng. Ngay tại khu vực Quảng trường Đỏ cũng đang cấp tốc chỉnh trang, tu sửa để chuẩn bị cho các ngày lễ lớn vào tháng 11.

Tuy nhiên, có gợi lên vấn đề ảnh hưởng từ bao vây cấm vận rõ nhất là đồng rúp xuống giá có ảnh hưởng tới đời sống. Song, chắc không đến nỗi nào bởi dân Nga đã từng chịu đựng bao phen khủng hoảng kinh tế, từ sau Thế chiến thứ II, rồi tới thời kỳ Liên Xô sụp đổ.

Cái quan trọng nhất là niềm tin của đại đa số dân Nga đối với Nhà nước và vị Tổng thống tài năng của mình. Sóng gió rồi sẽ qua đi.

Phong cách sống và tình cảm của người Nga đối với Việt Nam vẫn như xưa. Hôm chúng tôi đi tàu điện ngầm. Chuyển ga tới 3 lần. Vào toa nào cũng đều được nhường chỗ. Nhường chỗ cho người lớn tuổi và người ngoại quốc.

Một ông già nhìn tôi hỏi: “Kitai”, “Korean?” - “Nhét - Việt Nam”. Ông tưởng tôi người Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Khi nghe tôi bảo không phải, tôi là Việt Nam. Ông nắm tay tôi, lắc lắc tới 2 lần “Garasô Việt Nam - Việt Nam”.

Khách trên các toa tàu đều tập trung vào những cuốn sách trên tay, khác với trước là có thêm iPad. Họ lặng im như trong cuộc họp chứ không chen lấn ồn ào như ở xứ ta.

Mười mấy ngày ở Nga, tôi tỉ mẩn quan sát và nhận ra nhiều chuyện phổ biến ở ta mà ở đó không thế. Dân Nga cực kỳ nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp và quy định của Nhà nước.

- Không có xe máy chạy ở thủ đô (ở nhiều nước như vậy).

- Cửa hàng cửa hiệu đều không ghi tên nước ngoài.

- Công sở, nơi ở, cửa hàng ăn uống, cà phê giải khát không ai được hút thuốc lá.

- Không gặp một vụ tai nạn xe cộ nào.

- Không gặp bất kể một vụ lộn xộn nào gây phản cảm…

Với cộng đồng người Việt ở Nga, tuy không có thời gian tiếp xúc nhiều, song thông qua Châu Hồng Thủy, Kim Hiền, tới các anh em đồng hương của Trần Chấn Uy ở Nghệ Tĩnh, Như Công (một nhà kinh tế có hạng), Khoát, Quang, Hùng và Thành (ở vùng Viễn Đông)… cùng một số chị em ở chợ người Việt đã làm ăn sinh sống nhiều năm ở Nga cho thấy tình quê hương vẫn đậm đà thắm thiết, đùm bọc lẫn nhau.

Nước Nga giữa thời cấm vận nhưng vẫn bình an, đĩnh đạc.

Nước Nga đối với tôi thật tuyệt vời.

Hà Nội, tháng 11/2014

Khổng Minh Dụ
.
.