Nước mắt… voi!

Thứ Hai, 27/09/2010, 13:20
Nếu mai này chúng ta đặt chân đến Tây Nguyên, vùng đất sơn thủy hữu tình này mà không còn một con voi nào nữa thì buồn lắm! Voi là nét độc đáo riêng của văn hóa du lịch ở Tây Nguyên. Nhưng khổ nỗi, voi ở đây bây giờ ngày càng mai một dần đi bởi những kiểu săn lùng tàn bạo của con người.

Đáng chú ý là voi ở Tây Nguyên đang từng ngày kêu cứu vì sự "kỳ diệu" của những chiếc lông đuôi. Sự "kỳ diệu" ấy đã làm cho món hàng "độc" này đắt đỏ hơn vàng, còn các chú voi thì ngày càng trơ trụi những chiếc lông đuôi hoặc bị chặt đứt cả đuôi một cách nhẫn tâm.

"Cuộc chiến" bảo vệ lông đuôi voi

Đến Buôn Đôn, Đắk Lắk hôm nay để mua lông đuôi voi ai cũng thấy lo sợ sự giả tạo. Trong thực tế không có nhiều lông đuôi voi thật để phục vụ việc mua bán cho khách du lịch hết năm này qua năm khác, bởi lông đuôi voi nhổ rồi sẽ không mọc trở lại. Những chú voi phục vụ du lịch ở Đắk Lắk hầu như bây giờ đã trơ trụi lông đuôi. Thậm chí, có những chú voi đã bị chặt đứt mất cả đuôi. Các quản tượng  cho biết, họ không cho ai nhổ lông đuôi voi và cũng không bán cho ai, nhưng không hiểu sao tại các quầy hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch thì nhiều lông đuôi voi đến vậy?

Theo giải thích của một số người buôn bán, lông đuôi voi có 2 loại giả và thật. Lông đuôi voi giả bán từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/sợi (tùy dài và ngắn) còn lông đuôi voi thật giá đến 500 ngàn đồng/sợi nhưng rất khó tìm. Để đánh lừa du khách, những người kinh doanh có thể đưa hàng độc chiêu ra khoe là cả khúc đuôi voi thật còn lông. Họ quảng cáo, muốn kiếm được cả khúc đuôi voi thật này chủ hàng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua về làm vốn. Khách có thể được xem khúc đuôi đó khi mua hàng nhưng khi bán ra thì họ lại đưa một loại lông đuôi voi khác rất khó phân biệt thật giả.

Hơn 3 năm trước tôi về Buôn Đôn, Đắk Lắk cũng đã từng nhìn thấy một khúc đuôi voi được chủ hàng bày ra khi có khách hỏi mua lông đuôi voi và bây giờ quay lại khúc đuôi ấy vẫn còn, chỉ để "mồi khách". Nếu có khách đặt vấn đề mua cả khúc đuôi trên thì người bán hàng ra giá gần trăm triệu đồng nên rất khó mua được. Việc lông đuôi voi mang lại may mắn chỉ là đồn thổi, nhưng trong cuộc sống thực tại nhiều người đã lợi dụng lòng tin của du khách để trục lợi. Cũng vì lợi mà con người sẵn sàng giết voi để lấy ngà, lấy lông đuôi một cách bất chấp pháp luật và luật lệ của dân làng.

Ngoài ra, cũng vì lợi nhuận mà voi bị bóc lột sức lao động quá mức nên dẫn đến nhanh già, chết. Từ những "ngón nghề" mưu sinh, thương mại hóa sản phẩm voi bằng mọi cách mà dẫn đến thảm cảnh voi quật chết người, người giết voi. Và cái vòng luẩn quẩn ấy khiến đàn voi Tây Nguyên sắp bị tận diệt.

Theo luật tục của người địa phương, nếu phát hiện người nhổ trộm lông đuôi voi phải bị phạt trâu, heo và tiền rất nặng. Sợi lông đuôi bị nhổ phải đốt tạ lỗi "thần voi" vì đã xúc phạm đến vị thần đặc biệt này của dân làng. Dẫu vậy, nhưng những tin đồn về sự  "kỳ diệu" của lông đuôi voi đã khiến cho tình trạng trộm cắp ngày càng gia tăng. Đặc biệt giá trị của khúc đuôi voi quá hiếm nên gần đây bọn "đạo chích" đã chặt trộm cả đuôi voi để bán. Mới đây nhất là vụ chặt trộm đuôi hai con voi đang phục vụ khách du lịch ở Khu du lịch thác Prenn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) gây bức xúc dư luận.

Sự việc được phát hiện vào ngày 31/8/2010, khi anh Phan Đắc Mậu Đại (thôn Hiệp An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) ngủ dậy thấy 2 con voi cái của mình thuê để phục vụ khách du lịch đã bị chặt mất phần đuôi khoảng 30cm. Đây là 2 trong số 3 con voi anh Đại thuê lại từ một người dân ở tỉnh Đắk Lắk đem về phục vụ du khách tại Khu du lịch thác Prenn, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Thường ngày, khi hết giờ phục vụ du khách, đàn voi được đưa về nhà nghỉ ngơi, nhưng hôm đó anh Đại lại xích voi tại khu đền thờ Âu Lạc thuộc Khu du lịch thác Prenn và hôm sau phát hiện voi đã bị mất đuôi.

Voi phục vụ du lịch ở Buôn Đôn bị nhổ trụi lông đuôi.

Cách đây chưa lâu, một vụ giết voi bằng cách chích điện và chém voi để lấy đuôi và ngà cũng đã xảy ra ở Lâm Đồng. Trước đó con voi nhà của Ka Tứk, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng bị kẻ gian chặt mất một phần đuôi để lấy lông. Ngày 23/7/2010, Công an huyện Lắk (Đắk Lắk) đã bắt tạm giam 4 đối tượng chuyên trộm cắp lông đuôi voi gồm: Phạm Văn Huy (31 tuổi), Lê Viết Dũng, Đàm Văn Nội (24 tuổi) và Y Bra H'Wing (16 tuổi).

Theo khai nhận ban đầu, khoảng tháng 3/2010, Phạm Văn Huy và Đàm Văn Nội tìm đến một con voi nhà ở xã Đắk Liêng huyện Lắk (Đắk Lắk) rồi dùng dao chặt đứt một đoạn đuôi dài khoảng 10cm đem bán cho một tiệm vàng với giá 20 triệu đồng. Đến đầu tháng 7/2010, 4 đối tượng trên lại đến xã Đắk Liêng nhổ trộm khoảng 200 sợi lông đuôi của một số con voi nhà, đem bán cho một tiệm vàng khác với giá 6 triệu đồng. Đây là vụ án nhổ trộm lông và chặt đuôi voi đầu tiên được khám phá ở Đắk Lắk.

Không hiểu rồi đây tòa án sẽ xử những kẻ chặt đuôi voi này với mức án thế nào, nhưng rõ ràng cần phải có một khung hình phạt cực kỳ nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Một cái đuôi con voi nếu tính trị giá thành tiền thì cũng không phải là lớn, nhưng hành động của chúng đã giết chết đi người bạn thân thiết của người dân Tây Nguyên. Vì vậy, tội này cần phải bị nâng mức hình phạt.--PageBreak--

Nước mắt của những chú voi cuối cùng ở Tây Nguyên

Buôn Đôn, nơi được coi là điểm du lịch voi đặc sắc nhất của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung nhưng bây giờ đàn voi cũng đã mai một dần. Thực ra, việc kinh doanh du lịch về voi ở Đắk Lắk phần lớn là tự phát, mạnh ai nấy làm nên dễ dẫn đến sự mai một dần đàn voi. Các gia đình đưa voi về thả rừng cho nó tự kiếm ăn chứ không đủ sức để nuôi khiến những con voi này không được bảo toàn tính mạng. Trước đây ở Ea Súp (Đắk Lắk) có một chú voi đã bị kẻ gian sát hại để lấy ngà và lông đuôi, rồi sau đó chủ nó cũng đau buồn trước cái chết oan thương của voi nên đã ngã bệnh theo voi.

Gần đây, voi ở Tây Nguyên liên tục bị chết, bị giết vì nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt là cái chết của voi H'tum ở Trung tâm Du lịch sinh thái và spa Bản Đôn mới bước vào tuổi 25 đã làm cho nhiều người nghi ngờ có thể nó bị kiệt sức do phục vụ du lịch quá mức. Thường thì tuổi thọ trung bình của voi nhà khoảng 90 - 100 năm. Trước đó, trong dịp tết Nguyên đán Canh Dần, một con voi nhà cũng đã chết tại trung tâm du lịch này. Cùng thời điểm đó, xác một con voi rừng đang thối rữa cũng được người dân phát hiện tại tiểu khu 200 thuộc xã Ia R'vê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk.

Từ đầu năm đến nay đã có gần chục con voi ở Tây Nguyên bị chết vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, những vụ án về việc sát hại voi từ trước đến giờ phần lớn vẫn chưa được khám phá. Đàn voi nhà của Đắk Lắk đã giảm từ 502 con năm 1980 xuống còn 166 con năm 1998 và hiện chỉ còn lại hơn 50 con là một minh chứng cho sự suy giảm dẫn đến diệt vong của đàn voi Tây Nguyên. Riêng voi rừng thì di chuyển trong vùng rừng giáp ranh giữa Đắk Lắk với Gia Lai không còn đáng kể. Hiện tại có một đàn voi rừng khoảng 30 con thường xuyên "oanh tạc" ở khu vực rừng Ea Súp về phá nương rẫy của người dân...

Liệu những cảnh như thế này còn được đến bao giờ?

Nhiều lý do về sự di chuyển của đàn voi rừng xuống phá hoại hoa màu của người dân, trong đó có việc thay đổi khí hậu, sự đe dọa môi trường sống ở rừng do nạn phá rừng, săn bắt... Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường đại học Tây Nguyên, trong 310.000ha rừng tại khu vực có phân bố voi rừng của Đắk Lắk ở 3 huyện: Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H'Leo, chỉ có khoảng 160.000ha rừng là an toàn cho voi (rừng đặc dụng và phòng hộ). Nhưng tình trạng phá rừng ở đây xảy ra liên tục đang làm cho diện tích đó ngày càng bị thu hẹp, khu vực sinh sống và tuyến di chuyển của voi bị thay đổi. Có những nơi như: Ia Lơi, Ya Lốp, Ia R'vê của huyện Ea Súp (Đắk Lắk), voi phải di chuyển qua vùng canh tác của con người, phải "sống chung" và gây mâu thuẫn với con người.

Trước tình trạng voi chết liên tục và xét đề nghị của Bộ NN&PTNT, ngày 16/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 773/2006/QĐ - TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương đến 2010 để bảo tồn đàn voi tại một số địa phương, trong đó có Đắk Lắk. Theo đó, sẽ thành lập trung tâm bảo tồn voi rộng 200ha tại Vườn Quốc gia Yoók Đôn, xây dựng bệnh viện dành riêng cho voi, có chính sách hỗ trợ người nuôi voi, giúp voi sinh sản, đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa sự xung đột giữa con người với đàn voi rừng... Tuy vậy, dự án này cũng mới chỉ nằm trên giấy và những dự kiến đặt ra chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.

Chú voi con lạc mẹ được đưa về nuôi dưỡng.

Trên thực tế, đàn voi nhà của Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ biến mất do già yếu, nhiều bệnh tật, do tỉ lệ sinh sản quá thấp (bình quân chỉ 0,6%/năm). Mặt khác, các chủ voi không còn mặn mà với việc nuôi voi do chi phí ngày càng lớn trong khi các công ty du lịch trả tiền thuê voi quá thấp. Đàn voi rừng thì liên tiếp bị truy sát để lấy ngà voi, lông đuôi voi làm đồ trang sức trong khi rất ít kẻ thủ ác bị pháp luật trừng trị.

GS Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TP HCM, chủ nhiệm đề án "Bảo tồn và phát triển đàn voi nhà tỉnh Đắk Lắk" đã từng khẳng định, nếu không có giải pháp giúp voi nhà sinh sản thì chỉ trong vòng khoảng 30 năm nữa, đàn voi nhà ở Tây Nguyên sẽ tuyệt chủng...

Có lẽ những ai chứng kiến nỗi đau của voi mỗi khi bị sát hại hay chết do bệnh tật mới thấu hiểu và xót xa. Điều ấy cũng có nghĩa là cách thả nổi, "bỏ mặc" voi cho các gia đình tự quản như hiện nay thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ không còn voi nữa.

Điều gì sẽ xảy ra đối với vùng đất cao nguyên một khi không còn voi nữa. Từ bao đời nay, con voi đã trở thành người bạn, người trợ thủ đắc lực cho người dân Tây Nguyên trong cuộc sống. Voi Tây Nguyên đã trở thành biểu tượng văn hóa đi vào lịch sử, vào văn học... Chính vì thế mà việc bảo tồn cũng như phát triển đàn voi Tây Nguyên phải được coi là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của các cấp chính quyền và người dân. Nói một cách không ngoa thì Tây Nguyên sẽ không còn là Tây Nguyên nếu như vắng đi hình ảnh những chú voi

Ngọc Như
.
.