Ông già bí ẩn và bí mật kho vàng núi Chúa

Thứ Hai, 14/11/2011, 16:00
Ở vùng núi Chúa, sông Vàng - nơi mà trước đây người Pháp từng đặt xưởng khai thác vàng, có thể ngoài địa điểm Meitel nhờ ông Ẩn, ông Kinh chôn giấu trên 100 ký vàng, cũng còn có nhiều "kho vàng" khác. Và, có khả năng, vì một lý do nào đó mà hai người Hoa mang tên Sa Pa và Tà Pát  sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đã biết về bí mật kho vàng nên rủ nhau lặn lội tìm tới núi Chúa để tìm kiếm.

Chuyên đề ANTG số 1091 ra ngày 3/9/2011 đăng tải phóng sự "Hé lộ bí mật kho vàng núi Chúa" đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Sau khi báo phát hành, tác giả đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của bạn đọc trao đổi về những vấn đề liên quan đến chuyện ông Cao Đắc Ẩn tham gia chôn vàng trên núi Chúa, Bà Nà (xã Vĩnh Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho ông chủ người Pháp trước Cách mạng tháng Tám 1945. Và cả chuyện ông già có hành tung bí ẩn dựng chòi sống giữa chốn rừng núi heo hút, tách biệt với thế giới bên ngoài, ngõ hầu để tìm kho báu... Lần theo thông tin cung cấp của bạn đọc, chúng tôi đã vén dần bức màn bí mật ẩn giấu đằng sau nó nhiều chuyện huyễn hoặc...

Ông già có hành tung bí ẩn đi tìm kho báu?

Cho đến nay, chẳng ai rõ nguyên do cái chết của “ông già Sa Pa” vào năm 1992. Con người ấy có hành tung bí ẩn hàng chục năm trời: sống cô độc nơi thâm sơn cùng cốc. Đến khi những người đi lấy củi vào chòi mới phát hiện thi thể của ông ta đã lạnh ngắt, co quắp...

Để tìm hiểu rõ hơn nơi "ông già Sa Pa" từng dựng chòi sống trong núi Chúa, chúng tôi nhờ những người đi lấy củi dẫn đường. Leo dốc cao, vượt qua những mảng rừng rậm thâm u đầy sên, vắt trong mùa mưa, chúng tôi tới được khu vực "ông già Sa Pa" từng dựng chòi bám trụ mới hay các địa điểm này cũng rất gần khu nhà ở của cán bộ, nhân viên Kiểm lâm huyện Hòa Vang tại Tiểu khu 21 trước đây; hoặc nằm cạnh con đường do Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Hòa Vang mở vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, để cho xe tải "bò vàng" vào rừng chở gỗ đã khai thác đem ra.

Con đường hiện nay đã bị lau lách mọc um tùm che kín. Anh Hoàng, cán bộ Tuyên giáo của xã Hòa Ninh, tình nguyện dẫn chúng tôi đến chỗ mộ "ông già Sa Pa", nhưng đang là mùa mưa nên nước sông Lớn (còn gọi là suối Mơ) dâng cao chảy siết nên không thể tới được. Theo lời anh Hoàng, ngôi mộ "ông già Sa Pa" nằm trên triền núi Chúa, cách suối Mơ chừng non cây số, ngày hè, cây rừng thưa lá, đứng ở khu vực Nhà ga cáp treo Bà Nà nhìn sang có thể thấy ngôi mộ lấp ló sau những tán cây.

Ông Lê Văn Tất nghiên cứu một số tài liệu ghi chép địa lý vùng tây bắc Hòa Vang  

Anh Hoàng cho biết, trước đây, khi còn trong lực lượng Công an xã Hòa Ninh, nhiều lần phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện Hòa Vang truy quét lâm tặc, đẩy đuổi những người khai thác trái phép mỏ đá thạch anh hồng ở khu vực suối Mơ, thỉnh thoảng anh có tới chỗ mộ "ông già Sa Pa". Hằng năm, một số người bản xứ đi củi, làm gỗ trong núi Chúa cũng tổ chức dọn cỏ trên mộ "ông già Sa Pa" và cúng giỗ... 

Qua giới thiệu của anh Hoàng, chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh. Trước thập niên 80, anh Quý là Xã đội trưởng Hòa Ninh đã từng vào rừng tìm "ông già Sa Pa", song do ông ta không biết tiếng Việt nên không xác định lai lịch. Chất giọng của ông già rất giống người Hoa. Anh Quý kể rằng, chòi ở của "ông già Sa Pa" thường rất sạch sẽ và dựng cạnh con đường lớn đã được phía Lâm trường Hòa Vang mở để đưa xe tải "bò vàng" vào chở gỗ khai thác. Cũng vì thế ông già có mối quan hệ hòa đồng với cánh lái xe tải chở gỗ.

Dù không biết tiếng Việt, nói chuyện chỉ ra dấu bằng tay, song ông ta sống với cánh lái xe rất tốt. Ông ta tự nguyện giữ giùm đồ đạc và trông coi xe giúp họ khi họ đưa xe vào rừng và đi liên hệ công việc. Ngược lại, cánh lái xe cũng thương "ông già Sa Pa" cô độc giữa núi rừng nên chở miễn phí củi và vỏ chò mà ông ta lột lấy vỏ cây gỗ chò đã khai thác, để chở về chợ Hòa Khánh bán giùm rồi mua gạo, mắm, muối, dầu... mang lên. Đôi lúc cánh lái xe tốt bụng còn cho tiền ông.

Theo chỉ dẫn của một số người ở chân núi Chúa, tìm kiếm loanh quanh mấy ngày trời, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà ông Nguyễn Tân, trú ở thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ông Tân là một trong số lái xe "bò vàng" và đặc biệt khá thân thiết với "ông già Sa Pa". Nghe chúng tôi trao đổi lại thông tin một số bạn đọc nói về lai lịch "ông già Sa Pa", người đàn ông đã vào tuổi 64, có nước da đen rắn chắc, kể rằng: Sau giải phóng miền Nam - 1975, HTX Lâm nghiệp huyện Hòa Vang được thành lập tiến hành khai thác gỗ ở núi Chúa, ông Tân lái xe "bò vàng" đi chở gỗ đã gặp ông Sa Pa (tên ông ghi trên căn cước do chính quyền cấp là Sa Pa) dựng chòi ở khu vực dốc Cây Da, khe Bà Tàu, cách khu vực Nhà ga cáp treo Bà Nà hiện nay hơn một cây số vào sâu trong cánh rừng phía tây. Lúc đó, một số thợ sơn tràng cũng cho ông Tân hay, cùng đi với ông Sa Pa đến ở vùng núi rừng này còn có một người Hoa khác tên là Tà Pát, song sau đó ông Tà Pát mất tích.

Ban đầu thấy ông Sa Pa có hành tung bí ẩn nên ông Tân còn nghi ngại. Về sau, ông ta thường tới đội xe, nhờ chở củi về Hòa Khánh bán giùm nên làm quen. Ông Tân cho rằng, ông Sa Pa có nói được một ít tiếng Việt. Khi gửi củi, vỏ chò cho ông Tân chở về Hòa Khánh bán, ông ta ra dấu nhờ mua một số đồ dùng sinh hoạt, lương thực nói giọng lơ lớ: "Tí ti mắm, tí ti muối... cà phê...". Ông Tân dò hỏi ông Tà Pát thì ông ta trả lời: "Tà Pát... cọp ăn...". Dân xứ Quảng có câu: "Cọp Bà Nà, ma núi Chúa". Có thể người bạn của ông Sa Pa đã bị cọp ăn thịt...

Trong chòi ông Sa Pa thường có 3 chiếc thùng sắt, loại đựng đạn đại liên 50 ly. Một cái đựng gạo, 1 cái đựng trà, thuốc lá, cà phê và 1 cái đựng mắm muối. Mỗi khi vào rừng, ông ta mang 3 chiếc thùng này cất vào bụi rậm. Ngoài ra, ông Sa Pa còn có một balô, lúc ngủ thường dùng nó làm gối. Khi ngủ, ông ta mang nguyên giày đi rừng, bên tay phải luôn để cây rựa lưỡi dài rất sắc bén. Chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ là  chồm dậy chụp cây rựa thủ thế liền.

Có mấy lần ông Tân mời ông Sa Pa về nhà chơi. Tới nhà ông Tân, ông ta ăn và ngủ ở ngoài hiên, không chịu bước vào nhà, không hiểu nguyên do vì sao. Lúc ngủ, ông Sa Pa mượn cái giường xếp (dân địa phương gọi là chõng bố) để ngoài hiên và vẫn mang nguyên giày, áo quần, gối balô mà ngủ, cây rựa luôn phòng hờ bên cạnh. Thấy ông già sống cô độc, hiu quạnh giữa núi rừng nên ông Tân và những người bạn lái xe tải cho HTX Lâm nghiệp Hòa Vang mỗi khi vào núi Chúa chở gỗ thường ghé chơi. Đôi khi họ còn cho cơm ông ta ăn, cơm dư thì cho ông ta phơi khô để dành ăn trong những ngày mưa gió làm sạt lở tắc đường nhiều ngày khiến xe tải chở gỗ không vào được.

Ông Tân đang kể chuyện về lai lịch ông già Sa Pa.

Theo ông Tân, ông Sa Pa rất giỏi võ nghệ. Vào những dịp sáng trăng, ông ta thường biểu diễn cho cánh lái xe tải xem, quyền cước vun vút. Có lần ông Sa Pa đấu với võ sĩ Dung ở Cẩm Lệ, Hòa Vang, lên Bà Nà làm nghề cưa gỗ. Hai người đánh với nhau một trận chẳng khác "long tranh, hổ đấu", nhưng cuối cùng võ sĩ Dung phải chịu thua. Khi HTX Lâm nghiệp Hòa Vang không khai thác gỗ ở núi Chúa nữa, ông Tân và cánh lái xe tải ít vào chơi với ông già Sa Pa. Từ đó, ông Sa Pa cũng không đưa củi xuống chợ bán được. Vì sống kham khổ nên ông ta bị bệnh thổ tả chết. Sau khi những người đi rừng phát hiện ông già Sa Pa qua đời, ông Tân và cánh lái xe mua quan tài mang lên, khâm liệm và chôn cất ông ta đàng hoàng...

Ông Tân nói chắc: "Tui dám khẳng định, ông Sa Pa không phải là lính Nhật, cũng chẳng phải võ tướng chi cả. Vì ông ta có một tấm căn cước do chế độ Sài Gòn cấp, tui tận mắt xem qua, thấy ghi là người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Nguyên nhân nào khiến ông Sa Pa và ông Tà Pát tới núi Chúa thì tui không rõ. Có phải họ đi tìm kho báu hay không, cũng chỉ là suy đoán thôi"...

Có bao nhiêu kho vàng trong núi Chúa ?

Trong phóng sự "Hé lộ bí mật kho vàng núi Chúa", chúng tôi có nêu bức thư của ông Cao Đắc Ẩn ở thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Thanh, quận Hòa Vang (nay là xã Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gửi Ngô Đình Diệm "tấu trình" về việc chôn giấu trên 100 ký vàng trong núi Chúa cho một người Pháp là Meitel, kỹ thuật gia về hầm mỏ, làm đại diện cho một công ty của Pháp khai thác vàng ở sông Vàng. Meitel là con rể của viên Cảnh sát trưởng người Pháp Chevalier ở Đà Nẵng thời bấy giờ.

Năm 1942, ông Ẩn dẫn đường cho Meitel khai thác vàng ở vùng sông Vàng, cho tới năm 1945, xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Meitel bắt ông Ẩn và ông Kinh (em vợ ông Ẩn) bịt mắt, gí súng vào lưng buộc khiêng trên 100 ký vàng mang đi chôn giấu. Sau đó, Meitel bị lực lượng Việt Minh bắt đưa vào miền Nam, ông Ẩn không còn liên lạc được nữa. Chiến tranh bom đạn liên miên nên lúc ông Ẩn tìm lên chỗ xưởng Meitel làm vàng thì lau lách đã mọc lút đầu người, không còn xác định được chỗ giấu vàng... Bức thư ông Ẩn được ông Dư Phước Thuận, một dân biểu tỉnh Quảng Nam vào thời anh em nhà họ Ngô cầm quyền, trực tiếp nhận và làm tờ trình gửi kèm thư cho Ngô Đình Diệm...

Theo lời kể của ông Lê Văn Tất (78 tuổi), trú ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng), hồi còn trai trẻ ông từng làm thuê cho ông Ẩn nên cũng biết khá nhiều chuyện về quãng đời ông Ẩn làm cai vàng cho Meitel ở vùng sông Vàng. Nhớ lại chuyện cũ, ông Tất trầm ngâm: "Tui nhớ ổng nói lúc nhận được tin Nhật đảo chính Pháp, tại công trường làm vàng bị đình chỉ hoạt động, công nhân được cho về hết, chỉ giữ lại vài người thân tín lo cất giấu lương thực và số vàng đã khai thác. Ổng bảo có tự tay chôn một hũ vàng cách xưởng chừng 100m, song về sau cây cối mọc rậm rạp nên đã bị mất dấu vết. Như vậy có thể, số vàng ông Ẩn chôn giấu cho Meitel lớn hơn nhiều chứ không chỉ hơn 100 ký đâu. Vì vùng sông Vàng có rất nhiều vàng...".

Ông Tất còn bảo, chính tai ông có nghe ông Ẩn nói đã dẫn một nhóm 7 người lên núi Chúa tìm số vàng chôn giấu. Họ tìm gặp một lùm thông 3 cây đứng gần nhau và xác định được nền công trường làm vàng. Nhưng, mọi người thi nhau đào xới mấy ngày trời, cuối cùng phải bỏ cuộc vì chẳng tìm thấy vàng đâu cả. Còn nói ông Ẩn đã tìm được kho vàng thì cũng không thể, vì cả đời ông và gia đình đều sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn...

Trao đổi sự việc với Thạc sĩ Sử học Lưu Anh Rô, ông cho biết, qua khảo cứu nhiều tài liệu cho thấy, thuở xưa ở những vùng đầu nguồn sống Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam) và Cu Đê (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã diễn ra việc khai thác vàng thủ công, nên xứ Quảng được mệnh danh là "xứ sở vàng". Điều này đã được khẳng định qua việc các vua triều Nguyễn cho lập nhiều "kim hộ" (những gia đình chuyên khai thác vàng và nộp thuế cho vua). Nhưng qua khảo sát địa chất, Giáo sư Tiến sĩ Trần Kim Thạch, con trai của nhà văn Thiên Giang, Trần Kim Bảng, là cán bộ lão thành cách mạng, xác định vùng tây bắc Hòa Vang, khu vực Lỗ Đông vàng tụ nhiều nhất.

Tại làng Vân Dương, Hòa Liên, hơn một thế kỷ trước, có hàng chục hộ người Hoa lên đây lập nghiệp bằng nghề khai thác vàng sa khoáng. Vùng Quan Nam, Hòa Liên có không ít người đi đào vàng ở nguồn Lỗ Đông trúng hơn cả trăm cân, còn vài ba kilôgam là chuyện thường. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, người Pháp đi tìm vàng, khảo sát phát hiện chỗ nào có vàng thì trồng 3 cây thông chụm lại để đánh dấu... Ông Lưu Anh Rô cho biết, trong một chuyến đi điền dã ở vùng Hòa Ninh, ông có nghe các vị cách mạng lão thành kể rằng, trong khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945, Ủy ban bạo động Hòa Vang kéo lên cướp chính quyền ở Bà Nà và thu được một khối lượng lớn vàng  người Pháp khai thác tại đây. Có điều, trước khởi nghĩa mấy ngày, cũng có một tay tư sản người Pháp thuê hai vợ chồng nọ tại thôn An Lợi, Hòa Ninh, đưa vào rừng để tìm chỗ chôn giấu vàng. Sau đó, gã thực dân kia đã sát hại họ và sự việc vẫn còn lưu truyền trong nhân dân cho đến nay.

Ông Lưu Anh Rô còn tiết lộ rằng, thông qua những người thân cận với ông Phạm Đức Nam là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), thì sau ngày giải phóng miền Nam có một người Pháp dưới danh nghĩa nhà đầu tư đến gặp ông Phạm Đức Nam để xin tìm kho vàng đã chôn giấu trong núi Chúa. Tuy nhiên, lúc đó vì chưa "mở cửa" nên sự việc không được chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chấp thuận…     

Xâu chuỗi lại sự việc cho thấy, ở vùng núi Chúa, sông Vàng - nơi mà trước đây người Pháp từng đặt xưởng khai thác vàng, có thể ngoài địa điểm Meitel nhờ ông Ẩn, ông Kinh chôn giấu trên 100 ký vàng, cũng còn có nhiều "kho vàng" khác. Và, có khả năng, vì một lý do nào đó mà hai người Hoa mang tên Sa Pa và Tà Pát  sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đã biết về bí mật kho vàng nên rủ nhau lặn lội tìm tới núi Chúa để tìm kiếm. Song cuối cùng họ vẫn không tìm thấy được gì. Người thì gửi xác cho cọp, người thì mang theo những bí mật về kho báu xuống mồ...

Long Vân
.
.