Ông già mù và… biển cả

Thứ Hai, 16/08/2010, 06:05
Đi biển là một công việc vất vả, người lành lặn cường tráng cũng phải đánh vật bở hơi tai với những con sóng bạc đầu, có khi đánh bạc số phận mình với biển để sinh nhai, vậy mà thật kỳ lạ, ở một cửa biển cực Nam của đất nước, có một ông lão khiếm thị ngót 23 năm làm ngư phủ, vật lộn với sóng, bão biển mỗi mùa cá. Biển đã giúp ông hòa nhập với cộng đồng, biển là miếng cơm manh áo để ông sống, tồn tại, nuôi vợ và 3 người con.

Tên ông là Hồ Văn Bỉ, người xóm chài thường gọi ông là Tư "mù", ấp Gò Công, xã Nguyễn Viết Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Từ TP Cà Mau, theo Quốc lộ 1A ngược về Cái Nước, lại thêm 2 giờ băng rừng cực Nam đất nước, chúng tôi mới đặt chân đến cửa biển Gò Công, xã Nguyễn Viết Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Nhà ông Tư "Mù" nằm trong con hẻm nhỏ, cùng dãy nhà làm theo một mẫu "Nhà tình thương" được Thụy Điển tài trợ dành cho những gia đình nghèo trên địa bàn, là xóm dành cho người dân tộc Khmer. Chúng tôi vào nhà nhưng ông đi vắng, bọn trẻ đã nhanh chân đi tìm ông về tiếp khách.

Trên con đường bê tông rộng 1,2m, có nhiều ổ gà nham nhở, vậy mà ông bước đi cứ phăm phăm như người sáng mắt. Chúng tôi thắc mắc: "Sao bác không thấy đường mà về nhà được giỏi vậy?”. "Các chú nói lạ! Chú cứ nói nhà ai trong cái xóm chài nhỏ này tui cũng đến được hết" - Ông cười hiền hậu, rồi ông đi vào buồng lấy áo mặc, mở tủ lấy thuốc lá, với tay lên bàn thờ lấy hộp quẹt, tất cả động tác đều vô cùng chính xác.

Ông Tư sinh năm 1956, quê gốc ở Hưng Phú, Phước Long, Bạc Liêu, gia đình nghèo khổ lại có tới 9 anh chị em, khi ra đời, ông hoàn toàn khỏe mạnh như bao người khác, sau một cơn bạo bệnh  khi 4 tuổi đôi mắt ông mờ dần rồi không còn trông thấy gì nữa. Tuổi thơ ông trôi qua trong cảnh mù lòa và thiếu thốn của gia đình. Rồi đến cái tuổi biết nghĩ, ông nhận thấy mình mù lòa nhưng chân tay khỏe mạnh nên không thể ăn bám gia đình mãi được, 15-16 tuổi, ông nghĩ đến chuyện mưu sinh, đầu tiên là vót đũa thuê, rồi mò mẫm làm mọi việc. Lớn lên, có sức vóc, hàng ngày ông Tư đi theo người cậu là ông Lâm Văn Khum xuống sông, ra mé biển mò cá và những thứ  gì có thể bán được đắp đổi sống qua ngày...

Rồi ông lấy vợ, vợ ông cũng là người cùng xóm, chỉ "giàu" hơn ông đúng 2 con mắt, sinh đứa con đầu lòng, ông vẫn theo cậu Khum đi biển, sau ngày ông Khum chết, chàng thanh niên không biết đi biển với ai, cuộc sống thêm bội phần khó khăn. Nghe người ta đồn khu vực bãi bồi ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có nhiều tôm cá, vợ chồng ông khăn gói đến dựng chòi, kiếm sống, không được bao lâu thì khu chòi tạm bị giải tỏa.

Không nhà, không đất, vợ chồng lại tìm đến người bà con ở cửa biển Gò Công xin ở đậu. Gò Công - Phú Tân cũng là một trong những cửa biển trù phú nhất miền Tây, thấy có thể lập nghiệp, ông xin đất, dựng chòi ở lại, nghe người trong xóm đi biển thả lưới, giăng câu, ông Tư ham lắm nhưng ngặt chuyện đôi mắt, ai dám cho ông đi biển cùng. Một lần ngồi lai rai với anh em trong xóm, ông kể đã có những ngày đi biển cùng người cậu, cả bàn nhậu chẳng ai tin, bởi ai tin được một người không thấy đường như ông lại từng đi biển, thế là ông cá với họ, ông nghĩ, hiếm khi có dịp được ra biển, nếu ông thắng độ cược này, ông sẽ được bạn chài tin mà cho đi biển, sẽ có cá, tôm về nuôi vợ con.

Ông mừng thầm trong bụng nhưng cũng lo, ngày xưa, ông đi lưới cá chỉ làm những việc vặt, thả lưới, gỡ cá, biết bạn chài sẽ thách đố mình những gì. Nhưng ông quyết tâm, ông tin mình có thể! Ngày ra biển, ông thức dậy thật sớm, tự mình tìm đường ra tàu cá. Sáng sớm, đám bạn chài ra tàu đã thấy ông đứng trên mũi tàu, quay đầu ra phía biển, khiến họ ngỡ ngàng. Chuyến đi đầu ấy thành công ngoài mong đợi, thực ra, biết ông khiếm thị, bạn chài chỉ giao cho ông những việc như ngày xưa, thả lưới, phụ kéo lưới, gỡ cá, nhưng khi thấy ông làm cứ thoăn thoắt như một dân chài thực thụ khiến ai cũng "mắt chữ I mồm chứ O" kinh ngạc.

Từ đấy, ông Tư được anh em trong xóm chài giúp đỡ, họ cho đi nhờ xuồng ra biển, hôm nào được nhiều cá thì góp một phần xăng dầu cho chủ xuồng, nếu ít cá thì anh em cho luôn, mỗi ngày lênh đênh ngoài biển may mắn thì bán được 40-50 ngàn, ngày ít thì cũng đủ cá ăn trong nhà. Có khi, để bắt được cá ven bờ, ông theo ghe ra cửa biển khoảng 2-3km, cửa biển xóm chài ông vốn là bãi bồi nên xa bờ vài km, nước cũng chỉ ngang ngực, rồi dàn ngang ra mỗi người cách nhau khoảng 50-60m để xúc cá, mò ngao.

Ông Tư và vợ.

Bạn chài bảo cái mạng của ông còn là nhờ ông đã thuộc nằm lòng từng vũng sâu và giờ khắc thủy triều lên xuống để kịp quay vào không cho nước dâng ngập đầu, ông cũng thuộc nằm lòng con nước, biết lựa luồng lạch mà lội. Hầu như ngày nào cũng vậy, khi thủy triều xuống là ông Tư có mặt tại bãi với bộ đồ nghề đi biển, gọi là bộ đồ nghề cho "hoành tráng" nhưng chỉ vài món đồ cũ kỹ: đôi bao tay, cái thùng xốp, vài chiếc lộng lưới, cây gậy, gói thuốc lá rẻ tiền...

Ông kể: "Tui nghèo quá không mua nổi xuồng máy nên mượn người ta cái xuồng rách để ngày ngày bả ngồi trước chèo chống, tui ngồi sau thả lưới ba mành ngoài cửa biển, chồng là tay, vợ là mắt, hai vợ chồng phải cặm cụi từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới đủ tiền đong lon gạo cho mấy cái miệng ăn. Hôm nào gặp sóng to gió lớn, nhất là mùa chướng, chỉ còn biết neo xuồng chịu đói. Biển ở đây khó chịu lắm, càng cố bơi vào thì càng nguy hiểm, gió trong bờ cứ thổi ra ù ù, không khéo đẩy mình tuốt ra khơi”.

Bao nhiêu năm mưu sinh nơi cửa biển, cũng là bấy nhiêu năm ông chỉ biết phó mặc sinh mạng mình cho... biển. Ông Tư kể: "Khổ nhất là những lần biển động. Xuồng chở bốn, năm anh em ra cách bờ khoảng hơn 1km, nước sâu ngang cổ, rồi mọi người đều tản ra để mò, giông gió kéo đến mọi người mắt sáng thì thấy trời kéo mây, mưa là lội lại xuồng, trên xuồng có đèn làm mốc, còn mình mù đâu thấy, sóng đánh mạnh, biển ầm ào, bạn chài kêu không nghe, họ phải chạy vào bờ, sau khi hết giông mới ra đi tìm. Mỗi lần như thế mình luôn xác định sẽ bỏ mạng ngoài biển, nhưng may mắn nhiều lần đều thoát chết. Thêm một lần thoát chết, ông muốn bỏ nghề, nhưng bỏ nghề biển thì biết làm gì để nuôi vợ và 3 con nên đành phải bám biển”.--PageBreak--

Từ ngày đi biển đến nay, ông Tư đã hụt chết cả chục lần, như trận bão số 5 có tên gọi Linda (năm 1997). Hôm bão đổ vào đất liền, vợ con ông ra cửa biển ngóng mấy ngày nhưng bóng ông vẫn biệt tăm, cả nhà như điên như dại, những tin dữ liên tục đến với dân làng chài, cơn bão số 5 ấy đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng. Một ngày rồi hai, ba ngày, vợ con ông đinh ninh, người sáng mắt còn chẳng tìm thấy đường về, khiếm thị như ông thì sống sao nổi, đến khi gia đình tính lập bàn thờ cho ông thì ông lọ mọ trở về, quần áo tả tơi.

Ông Tư kể lại: "Trong cái rủi cũng có cái may, năm đó bão đến quá nhanh, tàu không kịp vô bờ bị đánh vỡ tan, may mắn, tôi bám được cây cột lú và cứ ôm chặt nó. Từ sáng sớm đến gần chiều tối mà vẫn không có người đi qua cứu vớt. Còn sức thì tôi cứ bám đại, chứ trong đầu nghĩ mình chắc không qua nổi cơn bão dữ này, nước cứ tấp vào mặt, đói, khát, lạnh. Người sáng mắt thì nhìn đèn biển thấy tàu bơi đến cầu cứu, tôi không thấy đường thì phải chờ, chỉ nghe biển gầm gừ suốt đêm, sóng đánh tới tấp vào mặt. Nhiều lúc, muốn buông tay nhưng nghĩ đến vợ và 3 con nhỏ ở nhà, tôi lại cố sức ôm lấy cây cột lú, mặc nó trôi đi đâu thì trôi. Nhưng hên hết biết, đang lúc tuyệt vọng thì có tiếng gọi "nắm chặt dây vào!". Thì ra, một chiếc tàu đánh cá đang chạy vào cửa biển trú bão, phát hiện ra tôi và đã kịp thời cứu cái mạng này".

Sau này ông nghe nhà đài thông báo: "Cơn bão số 5 Linda làm 1.164 người mất tích, 128 người chết được mang vào bờ, 601 người bị thương. Tàu thuyền hỏng và mất tích gần 900 chiếc. Ước tính thiệt hại vật chất lên tới 2.117 tỉ đồng". Ông Tư nghe mà kinh hãi. Đận ấy, dễ có đến mấy tháng trời làng chài của ông yên ả, ký ức Linda khiến chẳng một ai nghĩ đến chuyện ra khơi, ông không tự mình ra khơi được, đành làm thuê làm mướn bất cứ việc gì miễn là có gạo cho vợ con. Phải gần một năm, làng chài mới sống dậy, ông lại vá lưới theo bạn chài ra biển.

Rồi đến năm 1998, khi đang mò cá ngoài khơi, trời gần tối, mọi người chuẩn bị về thì mưa ập đến, gió lớn, sóng đánh tới tấp. Ông Tư bị lạc mất bạn chài, họ cố tìm ông nhưng gió càng lớn nên phải quay vào, còn ông vì biển động không nhận định được hướng vào bờ. "Đận ấy, may lưới cá gần bờ, tui cứ đứng vậy, chống chọi với sóng biển, khi gió lặng, anh em trong xóm huy động ghe thuyền ra tìm mang tui vào bờ, lúc đó tui sắp kiệt sức", ông nhớ lại, rồi cười hiền: "Người nghèo như tui chỉ có cái mạng, ông trời thương đâu nỡ lấy, để tui còn nuôi vợ, nuôi con".

Những ngày mưa giông, biển động, ông Tư mua cây đước về nhà ngồi vót đũa bán, cứ 10 đôi bán được 5 ngàn đồng. Tạo điều kiện cho ông Tư kiếm tiền mua gạo nuôi gia đình, bà con trong xóm thường thuê ông Tư sửa chữa nhà cửa, lợp lại mái lá, sửa xuồng bị rò nước, mỗi việc như vậy, bà con thường trả cho ông vài chục ngàn đồng, nhà nào khá thì cho thêm. Còn với ông, biết mọi người vì thương ông mà nhờ giúp, ông làm không tính công, ai đưa, ai cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Tất cả mọi việc hằng ngày người mắt sáng làm được thì ông Tư đều làm được.

Ông Bảy Non ngụ cùng xóm ông Tư cho hay: "Nhiều việc người sáng mắt làm không khéo bằng anh Tư, như lợp lá, thưng vách nhà, đóng đinh, gỗ đước cứng như vậy, đóng đinh không khéo là giập tay, nhưng anh Tư “mù” đóng đâu là chết đó. Còn vót đũa, sửa xuồng là việc không phải ai cũng làm được, nhưng anh Tư làm được hết, xuồng của tui cũng do anh Tư đóng, cả vùng này ai cũng tín nhiệm anh ấy”.

Gia đình ông Tư có 5 nhân khẩu, 2 vợ chồng và 3 đứa con gái. Vợ ông hằng ngày bán bánh chuối chiên, có khi cùng ông ra biển đi mò cá. Bà Tư rất tự hào về người chồng khiếm thị của mình: "Từ lúc còn con gái tôi đã biết ổng mù nhưng cái gì cũng biết làm. Ông chịu thương, chịu khó, việc gì người sáng mắt làm được là ổng làm được. Ngần ấy năm trời, ông vẫn là lao động chính trong nhà. Tui thương ổng là vậy!".

Những ngày không ra biển, ông Tư làm thêm nghề vót đũa.

Lần mò nắm chặt lấy bàn tay vợ, ông Tư bảo: "Vợ chồng tui chỉ mơ ước có một số vốn ở nhà chăn nuôi heo, gà, làm vườn đắp đổi qua ngày, chứ đi biển khổ lắm, nhất là bây giờ tuổi đã cao, sức khỏe không tốt như trước, không may một cơn giông, vài đợt sóng to là tiêu mạng"...

Cô con gái đầu của ông, chị Hồ Kim Nhân, SN 1988, nhà nghèo, chỉ học đến... biết hết mặt chữ rồi đi làm thuê ở thành phố Cà Mau. Rồi cô con gái thứ 2 cũng vậy, chỉ hơn chị là được học đến hết lớp 6. Ông bảo quyết tâm cho cô con út học hành đàng hoàng, nhưng ngẫm lại, ông bảo, chắc nó học không nổi, sức khỏe của ông ngày một yếu, mà ở xứ này, không đi biển khó có cuộc sống tốt, cái ăn lo còn khó, làm sao lo chuyện học hành của tụi nhỏ. Dứt câu, ông thở một hơi dài...

Ở ấp Gò Công, gia đình ông Tư thuộc diện nghèo nhất nhì trong ấp. Vậy mà hễ nghe ai bệnh nặng, tang ma là ông có mặt, lo tất tả như người nhà. Câu chuyện ông Tư "mù" đi từng nhà quyên góp tiền cho ông Tám Đông đi chữa bệnh cho vợ ở Bệnh viện Đa khoa Cà Mau làm nhiều người xúc động. Vợ ông Tám Đông bị bệnh tai biến nặng nhưng nhà quá nghèo không đủ tiền lên tỉnh điều trị.

Hôm ấy, đi biển về, biết chuyện, ông Tư giục vợ đi bán cá, tôm gấp để lấy tiền giúp ông Tám. Số tiền chưa được 50.000 đồng, ông Tư lại đến từng nhà trong xóm vận động bà con ủng hộ tiền cho ông Tám Đông được gần 400.000 đồng. Không những thế, ông Tư còn năn nỉ một chủ đò nhận chở vợ ông Tám Đông lên tỉnh không lấy tiền công. Từ đó về sau, trong xóm có ai gặp hoạn nạn, tang ma, bà con đều đề cử ông Tư đứng ra quyên góp, vì ông được bà con kính trọng.

Thấy nhà ông Tư nghèo, có đứa con gái lớn diện mạo cũng dễ coi, có người kêu ông Tư gả cho người Hàn Quốc hay Đài Loan để gia đình được "đổi đời", nghe vậy, ông Tư giận run người, nói: "Tui nghèo thà cạp đất để ăn chứ nhất quyết không "bán" con".

Nói rồi, ông lần mò ra vá mấy tay lưới, nghe mọi người nói mấy hôm nay biển lặng, ông gọi với vào nhà: "Bà nó, chuẩn bị đồ, ngày mai tui lại ra biển nghe". “Năm ngoái, có người trên TP Cà Mau biết hoàn ảnh gia đình đã mua tặng tôi một chiếc xuồng - kể vậy, ông Tư "mù" cười hiền - Mình cứ sống tốt rồi cuộc sống của mình cũng tốt lên thôi..."!

T.Yên - L.Khoa
.
.