Trở lại vụ 4.000 tấn vàng chôn ở núi Tàu - Bình Thuận:

Ông già trăm tuổi với kỳ tích đốt vàng tìm vàng

Thứ Ba, 07/05/2013, 11:45

Từ năm 1971 đến nay, vì tin chuyện kho báu 4.000 tấn vàng được viên tướng người Nhật là Yamashita chôn tại núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) mà cụ Trần Phương Tiệp, 98 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM đã dày công kiếm tìm. Hơn 40 năm trôi qua, đã đổ cả núi tiền khổng lồ, đã hy sinh cả quãng đời tươi trẻ, đã bao lần lao tâm khổ tứ hết hy vọng rồi lại thất vọng, vượt qua biết bao giông bão của cuộc đời, những lời gièm pha "hoang tưởng", những lần bị trục xuất khỏi "kho báu", vô số lần chạy vạy xin được gia hạn thời gian kiếm tìm "núi vàng" nhưng buồn làm sao, bao nỗ lực của cụ Tiệp đến nay vẫn là con số không to tướng!

Ngày 30/6 tới đây là thời hạn cuối cùng mà cụ Tiệp được phép bới đào tìm kho vàng huyền hoặc ở núi Tàu. Còn chưa đầy 3 tháng mà thông tin về kho báu sao cứ mãi xa. Khi cánh cửa tìm vàng của cụ Tiệp lại một lần nữa sắp khép lại, PV Chuyên đề ANTG lại đến núi Tàu để được thấy, được nghe những người dân địa phương nói về kho vàng trong tâm tưởng của cụ Tiệp với nhiều tình tiết ly kỳ! 

Đốt vàng tìm… kho báu

Xâu chuỗi quá trình kiếm tìm kho vàng 4.000 tấn ở núi Tàu của cụ Tiệp, chúng tôi mới rõ thuở ban đầu, từ tấm mật đồ Yamashita nắm trong tay, cụ Tiệp xăng xái vào cuộc với những tin trong nay mai, kho báu trong lòng núi sẽ mở cánh cửa bí ẩn với cụ. Nhưng thương cho cụ, càng dấn sâu, càng tưởng gần chạm đích thì 4.000 tấn vàng mà cụ Tiệp tin nằm đâu đó dưới lòng núi Tàu lại giở chứng, cứ nhảy múa, cứ làm khổ cụ với hết lần bới đào này đến lần bới đào khác.

Và không như người ta, đôi ba lần thất bại trong quá trình kiếm tìm sẽ đâm ra chán nản, thất vọng và bỏ cuộc, đằng này cụ Tiệp với tâm huyết cả đời, mỗi lần thất vọng càng hun đúc trong cụ niềm tin mãnh liệt về chuyện kho báu là có thật, thì chỉ riêng điều đó thôi đủ để chúng tôi cảm phục cụ về ý chí, về niềm tin thép của cụ mà không phải ai cũng có được.

Với niềm cảm phục ấy, nhất là khi hay tin cụ Tiệp ở tuổi gần 100 nhưng vẫn kiên cường bám núi Tàu chỉ huy cộng sự khoan núi, bật đá mở cửa kho báu, chúng tôi quyết định đến "ngọn núi vàng" để được gặp cụ, cũng như để được sống trong không khí đào vàng khẩn trương của cụ Tiệp cùng các cộng sự trong lần gia hạn cuối cùng này.

Trước khi rời thành phố, chúng tôi dành thời gian nhẩm lại những khoản đầu tư kếch xù mà cụ Tiệp đã đổ ra để đi đến tận cùng sự thật về kho báu Yamashita mà cụ tin có thật và đang đến rất gần, đang sắp được chạm tay vào kho báu.

Khi trao đổi với chúng tôi chuyện này, một đồng nghiệp từng nhiều lần "đứng tim" với những lần hé lộ thông tin cụ Tiệp sắp mở cửa hầm kho báu, nói rằng: Thông tin về kho vàng 4.000 tấn trị giá tương đương 100 tỉ USD, gấp đôi tài sản của tỉ phú Bill Gates mà cụ Tiệp dày công kiếm tìm gần nửa thế kỷ còn tận đẩu đâu. Chứ chuyện cụ đổ cả núi vàng để kiếm tìm kho báu thì không có gì phải bàn cãi nữa.

Vậy cụ Tiệp đã "đổ" vào núi Tàu bao nhiêu tiền vàng cho giấc mộng đi tìm kho báu Yamashita kể từ khi cụ được UBND tỉnh Bình Thuận chính thức cấp giấy phép kiếm tìm (ngày 16/10/1993). Được biết từ khi nhận được giấy phép đổ dài đến 2 năm sau đó, cụ Tiệp đã đổ 600 lượng vàng (tương đương 2 tỉ đồng) cho một đơn vị công binh ở Khánh Hòa dùng mìn xới tung khối đá núi có diện tích khổng lồ 150x20m, độ sâu 3m… 

Bao nỗ lực thất bại, không nản chí, tiền của sạch rồi, để quá trình kiếm tìm kho báu không bị gián đoạn, ngay sau đó cụ Tiệp thế chấp ngân hàng ngôi nhà riêng được cụ xây thành ngôi chùa bề thế đặt tên Đông Quang Tự ở địa chỉ 91/82/2 đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận lấy 700 triệu đồng làm "lộ phí" tìm vàng. Để rồi thành quả mà cụ nhận được là đống hầm hố ngổn ngang với kho vàng mù tịt.

Hành trình tìm vàng của cụ Tiệp cùng những món đồ tìm được tràn lan trên nhiều kênh thông tin đại chúng.

Như chúng tôi đã nói, năm 1999, cụ Tiệp bị chính quyền tỉnh Bình Thuận trục xuất khỏi núi Tàu và công trường tìm kiếm kho vàng Yamashita bị đóng cửa. Tạm "án binh bất động", đến cuối tháng 10/2000, khi nhận được tin của hai cha con ông Bành Hoài Nhơn và Bành Hoài Vân (được cụ Tiệp thuê trông coi công trường) trong quá trình tự moi hố dò kho báu ở độ sâu 1m thì phát hiện "nắp hầm vàng", giấc mộng Yamashita trong cụ Tiệp tưởng ngủ yên bỗng bừng tỉnh giấc. Lúc này đang ở tuổi 80, chẳng ngại tuổi cao sức yếu, cụ Tiệp lại quyết định trở lại núi Tàu.

Từ đó đến đầu năm 2003, cụ Tiệp với ông Lê Văn Hiền (tự Tám Hiền, cựu Bí thư tỉnh Thuận Hải, sau tách thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) cùng góp vốn "khui" kho vàng nhưng vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy tìm được một thanh kiếm cán đồng chạm rồng với lưỡi kiếm gỉ sét, cùng với đó là một số đồ cổ có hình dạng quái dị, nổi bật là phiến đá hình gan gà… Cần nói rõ những món đồ này được tìm thấy từ 2 người đàn ông tự giới thiệu là nhà khảo cổ học kiêm nhà ngoại cảm?!

Trong lần kiếm tìm này, cụ Tiệp và ông Hiền tiêu tốn hàng trăm cây vàng để thuê người khoan đào cũng như nhờ 2 tay chuyên gia kiêm nhà ngoại cảm kia mua hóa chất làm mềm đá. Nhưng khi nhận hàng trăm triệu đồng của hai cụ, hai gã nọ biến biệt, để rồi một lần nữa, cụ Tiệp lại bị trục xuất khỏi núi Tàu…

Sự thật phũ phàng?    

Câu chuyện 4.000 tấn vàng từ đây tưởng sẽ chính thức ngủ yên trong lòng cụ Tiệp nhưng không, cụ vẫn bền gan bền chí theo đuổi tới cùng. Tháng 10/2011, trước mong mỏi, khát vọng và niềm tin mãnh liệt của cụ, UBND tỉnh Bình Thuận lại tái cấp phép cho cụ kiếm tìm kho vàng Yamashita với kinh phí dự toán hơn 3 tỉ đồng. Đến tháng 6/2012, việc kiếm tìm kho báu được gia hạn thêm 3 tháng.

Ngày 15/11/2012, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận gia hạn thời gian tìm kho báu núi Tàu cho cụ Tiệp đến hết ngày 30/6/2013. Lần gia hạn này, cụ Tiệp đã có điều chỉnh, chuyển hướng tìm kho báu về phía tây nam núi Tàu với 6 cụm khoan thăm dò cùng tổng số mũi khoan là 218 mũi…

Cứ như thế, kho báu núi Tàu đến nay chẳng biết đã ngốn biết bao tiền vàng của cụ Tiệp. Khoan nói đến thời gian, công sức, chẳng cần phải nói dông dài thì ai cũng rõ tài sản mà cụ bỏ ra để khui kho báu ước mơ của mình dư sức được gọi là… kho báu!

Đến đây hẳn sẽ có bạn đọc thắc mắc rằng cụ Tiệp đào đâu ra núi tiền vàng khủng ấy để đổ vào giấc mộng Yamashita? Xin thưa rằng tài sản đổ vào kho vàng 4.000 tấn ở núi Tàu là của cải được cụ tích lũy khi còn là nhà buôn gỗ có tiếng. Và cũng may là các con cụ nhiều người thành đạt trong lĩnh vực tài chính trong và ngoài nước.

Một góc núi Tàu nơi cụ Tiệp đang triển khai quân tìm vàng.

Nói tóm lược về hành trình mấy chục năm tìm kiếm kho báu Yamashita và núi tiền vàng đổ vào kho báu này, chúng tôi nhằm nhấn mạnh rằng giấc mơ kho báu núi Tàu của cụ Tiệp như ngọn đuốc vĩnh cửu, không bao giờ tắt, mà ngày càng bừng cháy đến dữ dội, mãnh liệt. Và sau bao dâu bể, khi thời gian thăm dò sẽ kết thúc vào cuối tháng 6 tới, khi còn chưa đầy 3 tháng nữa thì quá trình cụ được chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép kiếm tìm kho báu sẽ hết hạn, chúng tôi như nhiều người băn khoăn trước câu hỏi, liệu lần kiếm tìm này có khả quan hơn mọi lần? Và liệu kho báu Yamashita với 4.000 tấn vàng nằm đâu đó dưới lòng núi Tàu là có thật?

Những câu hỏi ấy đã đưa chúng tôi trở lại núi Tàu. Chúng tôi có mặt tại "ngọn núi vàng" này vào một ngày giữa tháng 4. Đến nơi mới biết 5 ngày trước, cụ Tiệp và người con trai út của cụ là anh Trần Phương Hồng đi xe Jeep từ TP HCM vượt hơn 250km đến "thị sát' quá trình khui miệng hầm vàng.

Anh Hải, một nhân công lúc đang khoan núi cho biết cụ đã 98 tuổi nhưng vẫn minh mẫn. Cụ đến quan sát một hồi rồi đi. "Tôi chưa thấy cụ già nào ở tuổi xấp xỉ 100 mà gân như cụ" - anh P. nhà dưới chân ngọn đồi nằm ở phía tây núi Tàu, nơi cụ Tiệp triển khai quân khui hầm kho báu, nhận nấu ăn cho nhóm khui hầm vàng, thổ lộ.

Lúc này 2 giờ chiều, quang cảnh mà chúng tôi ghi nhận chẳng có gì đặc biệt cũng như chẳng có gì gọi là khẩn trương, dù rằng thời gian kiếm tìm được phép của cụ Tiệp sắp hết hạn. Quang cảnh lúc này có 2 giàn khoan, 1 máy xúc, vài ba công nhân cùng một số hầm hố đang được khoan dang dở. "Chúng tôi khoan lâu nay, khoan nhiều lỗ, khoan sâu đến 3-4m nhưng vẫn chưa thấy gì" - một công nhân, bỏ nhỏ. Hỏi rằng có tin sắp đụng đến miệng hầm vàng, anh này tủm tỉm cười: "Nói thật, tôi chỉ là người làm công, người ta kêu khoan thì khoan thôi, chứ chuyện vàng bạc gì đó, tui hổng mấy tin tưởng".

Tiếp cận những nhân công còn lại, ai nấy đều từ chối trả lời. Họ có vẻ kín tiếng. Một người thanh niên chẳng rõ là dân sở tại hay người của nhóm thợ khoan vàng gợi ý với chúng tôi rằng anh ta thường xuyên cập nhật thông tin báo chí nói về kho vàng của cụ Tiệp nhưng các nhà báo lại bỏ quên một kênh quan trọng là hỏi chuyện những người dân sở tại: "Thông tin đưa ra lâu nay từ phía cụ Tiệp thôi, chứ còn dân sở tại thì hổng thấy các nhà báo hỏi chuyện".

Thấy anh nọ nói có lý, chúng tôi rời khu vực tìm vàng, tìm gặp những người dân ở sát chân núi nơi cụ Tiệp ấp ủ giấc mơ kho vàng 4.000 tấn. Ông Bình, chủ đại lý nước khoáng Vĩnh Hảo, nhà nằm ngay con đường dẫn vào khu vực khai thác vàng cho biết đã sống ở vùng này gần 30 năm qua, nhưng số lần gặp cụ Tiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay và tỏ vẻ không tin gì chuyện mình đang ở gần 4.000 tấn vàng. Ở nhà đối diện, ông Mãi, chủ quầy hàng tạp hóa cũng nói rằng ông ở đây đã lâu, có đến 3 mặt con nhưng chưa từng nghe bất kỳ dân địa phương nào nhặt được vàng bạc, cổ vật hay bất cứ thứ gì, kể cả cốt người để chứng tỏ người Nhật từng đến núi Tàu để chôn vàng gì cả…

Một số cư dân khác mà chúng tôi tiếp xúc cũng có câu trả lời y như vậy. Ông V. một người rất rành rẽ chuyện tìm 4.000 tấn vàng của cụ Tiệp, bật mí rằng giấc mộng vàng của cụ Tiệp có thời điểm đã ngủ yên. Nhưng vì sự xuất hiện của hai kẻ lừa đảo tự giới thiệu là nhà khảo cổ kiêm nhà ngoại cảm vào năm 2002 (chúng tôi đã nói ở trên) đã đánh thức giấc mộng vàng của cụ.

"Qua báo giới, tôi biết được hai kẻ đó một là Hoàng Thanh Trường, sinh năm 1959, người tỉnh Phú Thọ và tay còn lại tên Sỹ, khi tiếp cận cụ Tiệp, tên Sỹ này tự giới thiệu là đại úy quân đội, chuyên viên cao cấp về hóa chất sinh học. Hai tên này không chỉ lừa lấy hàng trăm triệu đồng của cụ Tiệp mà còn làm khổ  cụ đến bây giờ".

Theo suy đoán của ông V., chính hai kẻ trên đã chơi trò ma mị, chủ động mang một số đồ vật cổ, trong đó có thanh kiếm giả cổ kiểu Nhật chôn trên núi, rồi vào vai nhà ngoại cảm chỉ điểm cho cụ Tiệp và cộng sự khi ấy là ông Tám Hiền khu vực có cửa hầm kho báu. Khi đào thấy thanh kiếm cùng một số món đồ dùng cho việc trấn yểm, cụ Tiệp và ông Hiền cả tin, tin hai tay bịp này sái cổ và nhân lúc niềm tin thăng hoa ấy của cụ, bọn chúng đã lừa lấy tiền và biến mất.

Nếu đúng như thế thì quả là chuyện đáng buồn. Dẫu vậy, cụ Tiệp vẫn tin kho báu 4.000 tấn mà cụ ấp ủ kiếm tìm hơn 40 năm qua là có thật. Nỗ lực kiếm tìm kho báu của cụ Tiệp không phải cho riêng mình, mà bởi cụ không muốn một khối lượng tài sản kếch xù "chết" dưới lòng đất. Và bởi ý niệm cao cả,  muốn ngân khố quốc gia được bổ sung để phát triển đất nước. Vì cái tâm trong sáng ấy và vì những nỗ lực, vất vả đã qua, thật lòng mà nói, dù rất mong manh nhưng chúng tôi mong rằng niềm tin ấy của cụ sẽ sớm được đơm hoa bởi thời gian không đợi cụ, để ngày cuối đời cụ có thể mỉm cười  vì  bao gian nan, nỗ lực, niềm tin mãnh liệt đã được đáp đền

Xuân Xe - Thành Dũng
.
.