Ghi ở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh:

Phận người… bên miệng cống

Thứ Tư, 16/03/2016, 09:45
Phận người được đề cập ở đây, không phải người lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa. Cũng không phải người vô gia cư. Nhiều người trong họ từng sống ấm êm với người thân trong ngôi nhà nho nhỏ, mảnh vườn nho nhỏ ở các miền quê khác nhau. Nhưng định mệnh nghiệt ngã xô đẩy họ lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Họ là những bệnh nhân ung bướu đáng thương của Bệnh viện Ung bướu.

Giá trị lớn nhất của người nghèo là sức khỏe. Nhưng hỡi ơi, khi bị ung thư gắn chặt như hình với bóng, những phận người bệnh nghèo khó đáng thương kia từ đây phải sống trong sự đọa đày. Họ bán sạch tài sản để chữa bệnh, họ chìm trong nợ nần và giờ đây thì sống lay lất bên hành lang bệnh viện, nằm la liệt bên những miệng cống tanh hôi, vật vã đấu tranh với sự sống - cái chết mong manh!

Không cần đợi đến lúc bước vào trong khuôn viên Bệnh vịên Ung bướu, chỉ ở ngoài cổng thôi, đã thấy ngột ngạt đến kinh hãi. Từ trên cầu vượt nối từ bên này bệnh viện với dãy nhà thuốc - phòng khám tư mà nhiều phòng khám do chính các bác sĩ của bệnh viện đang điều hành và hoạt động, nhìn xuống phía dưới, thấy cả biển người lố nhố đùm đúm lũ lượt vào ra. Trên khuôn mặt ai cũng nhễ nhại, âu lo và căng thẳng… Lắm người tay cầm xấp giấy xét nghiệm thẫn thờ ngồi bệt dưới hàng chữ Bệnh viện Ung bướu, ánh mắt đờ đẫn như người vô hồn. Hỏi ra mới biết cả thảy họ chết lặng khi được bác sĩ thông báo hung tin: Bướu ác!

Cận cảnh hình ảnh sầu lòng về những bệnh nhân bên miệng cống.

Sóng gió phận người

Bà Trần Thị Sáu (62 tuổi, người huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) là một trong số đông người bệnh như thế. Hơn 1 năm trước, đang yên lành, bỗng dưng bụng quặn đau, cứ nghĩ do đau dạ dày nên bà Sáu ra mấy tiệm thuốc Tây "mua thuốc uống cầm cự". Uống mấy tháng trời không những "không thấy bớt" mà còn nặng hơn với những biểu hiện đi ngoài ra máu mủ mà theo mô tả của bà Sáu "lúc đầu thì đỏ tươi, sau đặc đen tanh tưởi"…: "Thấy bất thường quá, người nhà đưa cô lên khám ở bệnh viện tỉnh, rồi bệnh viện cho cô lên đây (Bệnh viện Ung bướu - PV). Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chuẩn đoán cô bị ung thư buồng trứng, muốn sống thì phải phẫu thuật và vô 4 toa hóa trị, nghĩa là đưa hóa chất vào cơ thể để diệt tế bào ung thư" -  bà Sáu trò chuyện!

Bà Sáu vào hóa chất cách đây 2 ngày. Một khi đã hóa trị như thế, cùng với việc tiêu diệt tế bào ác tính, chất thuốc còn diệt cả tế bào lành tính, khiến hệ miễn dịch của bà suy giảm trầm trọng. Theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn, sau khi hóa trị người bệnh cần được nghỉ ngơi, dinh dưỡng cao cấp để chống tác dụng phụ của hóa chất, cũng như giúp người bệnh mau phục hồi sức lực: "Người ta có điều kiện thì trước ca mổ, hay sau mỗi đợt hóa, xạ trị, được người thân cho dùng tổ yến, hồng sâm, linh chi… để thải độc, tăng cường hệ miễn dịch, còn bệnh nhân như cô nghèo rớt mồng tơi, sau hơn 1 năm điều trị, lúc đầu bác sĩ dự tính chỉ vào 4 toa, giờ đến hơn 15 toa, tốn gần 200 triệu, những gì bán được, những ai vay được cô đã cố hết cách rồi. Giờ nợ nần tứ tung, tiền đâu mà ăn với uống".

Mang trong mình khối u nặng hơn 1kg ở vùng kín chờ đến ngày mổ, tình cảnh của bệnh nhân Nguyễn Thị Nhành (53 tuổi, ngụ Tân Biên, Tây Ninh) còn thê thảm hơn. Vì không có tiền nên bà Nhành phải sống lay lất ở Bệnh viện Ung bướu, sống qua ngày nhờ cơm cháo từ thiện, dù lịch mổ đã có từ trước đó mấy tháng…  Bà Nhành giải thích, mình sống lay lất như thế để chờ mong các nhóm từ thiện hay các “Mạnh Thường Quân”  giúp cho... được mổ!

Chiều muộn, bên ghế đá cạnh miệng cống Bệnh viện Ung bướu, bà Nhành vạch quần cho xem khối u… nhìn mà hãi! Rồi bà sầu giọng cho biết, hơn 3 tháng trời, gom góp tích lũy từ nhiều sự giúp đỡ, bà mới dành dụm được 2 triệu đồng đóng tạm ứng viện phí. Chi phí ca mổ dự tính hơn chục triệu đồng, rồi còn tiền hóa, xạ trị gì nữa, chắc cũng nhiều…

Bà Nhành bộc bạch, lúc đầu, thấy nhiều “Mạnh Thường Quân” vào bệnh viện giúp người bệnh, bà mừng lắm. Nhưng rồi những bệnh nhân ngoại trú có thâm niên lấy hành lang bên miệng cống của bệnh viện làm nơi tá túc bỏ nhỏ, người ta thường đi thẳng vào giúp bệnh nhân ở các khoa phòng, còn bệnh nhân nằm bên miệng cống thì đừng có mơ, bà đâm ra hụt hẫng…

- Cô có biết vì sao như vậy không?

- Thường thì trong các khoa phòng sạch sẽ hơn, an ninh hơn. Vào khoa, danh sách bệnh nhân rõ ràng, cụ thể, không có ai tranh giành gây mất trật tự. Chứ bệnh nhân ngoại trú nằm lê lết ở bên hành lang, bên miệng cống bệnh viện vầy, vừa bẩn vừa bát nháo (nhiều người bâu vào gây mất an ninh - PV) nên ít ai dòm ngó, nên cơ hội được giúp đỡ gần như không có. Có chăng chỉ là cơm cháo từ thiện phát trước cổng bệnh viện để sống qua ngày thôi.

 Mấy nữ bệnh nhân ngoại trú giải thích như thế với nỗi buồn vô hạn.  Họ nói sau một thời gian đổ bệnh và theo điều trị tại bệnh viện, những đồng tiền cuối cùng, những gì vay được, bán được nay đã sạch sẽ theo các đợt xét nghiệm, phẫu thuật và hóa xạ trị… Nay tiền về quê cũng chẳng còn, mà nếu có thì cũng để dành cho các đợt trị liệu sắp tới. Để tồn tại, họ nán lại bệnh viện, lấy hành lang bên miệng cống làm nơi… tá túc qua ngày này tháng nọ, có người cứ sống như thế hàng năm trời!

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

6h chiều, khi mọi hoạt động khám chữa bệnh ở Bệnh viện Ung bướu ngưng lại, thì là lúc thảm cảnh của bệnh nhân nghèo ở các tỉnh xa được chỉ định điều trị ngoại trú được phơi bày rõ nhất. Lúc này, sau bữa cơm được cấp phát từ thiện tâm của một nhóm tiểu thương chợ An Đông, bà Nhành cùng chồng trải chiếu trên hành lang bệnh viện, sát bên miệng cống, dùng một tấm bạt nhỏ căng che nắng mưa rồi mắc mùng để sẵn... "Trời khô ráo, còn đỡ, chứ vào lúc mưa, ôi thôi tơi bời khói lửa chú ơi, co đầu này, rúc đầu kia, màn bạt che chắn tứ bề mà ướt vẫn cứ ướt, rồi gió quất lạnh tê tái, sáng ra ai cũng ôm ngực ho sù sụ".

Nghe bà Nhành mô tả cái cảnh sống lay lắt bên miệng cống bệnh viện mà cám cảnh. Bà thổ bạch với đại ý gọi là ngủ chứ có ai ngủ được đâu. Nằm là nằm nghỉ cái thân, chứ đầu óc thì tỉnh queo, nói chung chẳng mấy ai ngủ được: "Giấc ngủ là thứ xa xỉ với bệnh nhân ung bướu chú ơi. Ai nấy nếu không khó ngủ thì mất ngủ triền miên. Lý do thì có rất nhiều, nhưng cái chính là do tác dụng phụ của hóa chất, do cơ thể suy nhược vì ăn uống thiếu dưỡng chất, và do âu lo tiền viện phí cứ tăng dần tăng dần…".

Khối đá nơi theo những người trong cuộc từng chứng kiến nhiều cái chết khổ đau…

12h khuya, Bệnh viện Ung bướu chìm trong không gian đáng sợ. Không có tiếng người ồn ào. Không có tiếng loa kêu gọi đến lượt vào khám hay đóng tiền. Cũng không có tiếng bước chân rầm rập, tất tả, nặng nhọc của hàng ngàn bệnh nhân với đủ mối âu lo ngổn ngang như lúc…. Trong giờ hành chính. Lúc này, chỉ có tiếng chuột chạy chuột kêu lít nhít xen lẫn những tiếng ho như xé nát lồng ngực của những người bệnh: "Nằm mà mắt cứ thao láo thôi, đến khi chịu không nổi, vừa thiếp đi thì trời đã sáng. Sáng ra thì mệt mỏi rã rời... Dù gì thì cũng thêm một ngày được sống" - bệnh nhân Trần Thị Hà, 45 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng, bị ung thư cổ tử cung, đã hóa trị 5 lần, nói!

Dưới ánh đèn lờ mờ, ngồi bó gối trên chiếc ghế đá lạnh ngắt với mái đầu nhẵn thín chẳng còn sợi tóc nào sau mấy đợt hóa trị, nữ bệnh nhân Lê Thị Mai, mới 29 tuổi, bị ung thư vú, sắp đến đợt "vào thuốc" (hóa trị) lần thứ 6, chỉ biết thở dài. Mai tâm sự sau lần hóa trị đợt 5 cách đây mươi ngày, cô được bác sĩ "cho về", hẹn tháng sau tái khám và vô thuốc nhưng chẳng thể về được, dù rằng rất nhớ nhà, và nhớ cả chồng con: "Quê em ở Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Vợ chồng em không đất đai, chỉ đi làm thuê sống qua ngày… Từ ngày em đổ bệnh, ảnh phải làm quần quật, lớp lo cho em, lớp lo cho 2 đứa nhỏ… Người ta sau hóa trị được hẹn tái khám, người có tiền thì về thẳng nhà bồi dưỡng nghỉ ngơi, khó khăn hơn thì ra ngoài thuê phòng trọ để đỡ đi lại mệt mỏi… Còn em, ngày qua ngày sống bằng cơm cháo từ thiện, ai cho đồng nào thì dành dụm đồng nấy để phụ chồng vào thuốc, nên đâu dám về…".

Vì nghèo khó nên không dám về, vậy là những bệnh nhân ngoại trú như bà Nhành, bà Sáu, Mai, Hà… đành bấu víu vỉa hè bệnh viện, ăn dầm nằm dề bên miệng cống hết ngày này đến tháng khác, có người hết nằm này đến năm khác: "Đã nghèo mà bị ung thư, thì cứ như đeo án tử đến ngày chết. Trời đày thì phải chịu thôi. Còn sức để bám bệnh viện, để sống được thêm một ngày thì cũng là may lắm rồi" - bà Hà tự an ủi mình! Rồi bà cho biết, tuy không được giúp đỡ thường xuyên nhưng dù sao, những bệnh nhân ung thư ngoại trú như bà cũng nhờ nhiều nghĩa cử, tấm lòng thầm lặng từ các đoàn từ thiện chuyên phát cơm cháo mà sống được qua ngày, có người gặp may còn được “Mạnh Thường Quân” nào đó, giúp tài trợ toàn bộ chi phí cho ca mổ giữa lúc tuyệt vọng nhất…

Trong tận cùng… khổ đau

Cứ như thế, đêm bên miệng cống Bệnh viện Ung bướu dần đi qua trong từng cơn ho như muốn xé lồng ngực của các bệnh nhân. Đêm ở bệnh viện còn đi qua trong những tiếng thở dài, trong từng hơi thở nặng nhọc của những người trong cuộc cùng đường chẳng dám nghĩ đến ngày mai.

Đêm bên miệng cống bệnh viện, tôi thấy vợ chồng bệnh nhân Lê Hữu Lộc (58 tuổi, ông Lộc quê ở Trảng Bàng, Tây Ninh, bị ung thư phổi giai đoạn 3) ngồi trong chiếc mùng xanh rì rầm trò chuyện. Một lát sau, bà Nhường, vợ ông Lộc vén mùng đứng trước khối đá non bộ miệng lầm bầm khấn cầu trong nước mắt. Khi đợi bà Nhường điềm tĩnh, tôi hỏi thăm, giọng bà rưng rức: "Đang điều trị bệnh, đang hóa trị đợt 3 mà ổng đã tính chuyện hậu sự. Ổng lo sắp đặt chuyện khi ổng chết thì chôn hay thiêu… Đó là điềm gở" - bà Nhường, trầm giọng!

Tảng đá mà bà Nhường đứng khấn cầu không phải là tảng đá… bình thường. Nó là nơi mà nhiều người bệnh cùng thân nhân của họ thường bày bánh trái rồi thắp hương ngày đêm. Những bệnh nhân ung thư lúc chiều tôi tiếp cận cho biết, khối đá đó, từng chứng kiến vô số cuộc đời đau lòng, đau đến khôn tả: "Bất kỳ ai điều trị ngoại trú lấy hành lang bên miệng cống bệnh viện làm nơi tá túc đều có đôi lần chứng kiến những người bệnh nằm và chết trên những ghế đá quanh khối đá này. Nhưng thê thảm nhất là chuyện 2 bệnh nhân ung thư, gồm 1 nam 1 nữ, họ cùng cảnh ngộ bị người thân bỏ rơi không nuôi bệnh. Cùng đường, họ nắm tay nhau gieo mình từ tầng 4 xuống tự sát".

- Chuyện đó xảy ra lâu chưa cô?

- Cũng không lâu đâu, cách đây cũng chỉ vài năm thôi…

Trò chuyện đến đây, cổ họng bà Nhành như nghẹn lại. Bà bảo rằng, phần đông người bị ung thư khi vào điều trị tại Bệnh viện Ung bướu đều có ít nhất một người thân đi cùng để hỗ trợ. Người thân là vợ - chồng, anh - em,  mẹ - cha... theo cùng suốt hành trình sinh tồn. Nhưng, cũng có người sau một thời gian điều trị thấy cùng đường, thấy bế tắc, thấy sạch tiền của mà bệnh tình của ngời thân vẫn đâu lại vào đấy đã lẳng lặng bỏ mặc: "Cặp nam nữ gieo mình xuống khối đá họ bị như vậy. Nghèo, bị ung thư đã là khốn nạn rồi. Càng khốn nạn hơn khi trong tình cảnh đó lại bị bỏ rơi. Cùng đường, bế tắc, vậy là anh chị ấy cùng...".

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhành với khối u tai quái.

Mấy bệnh nhân bỏ lửng câu nói với ánh mắt đỏ hoe. Tôi không có điều kiện kiểm chứng tính xác thực của câu chuyện đau lòng trên, cũng như không thể tìm được danh tính của đôi bệnh nhân bạc phận nọ. Nhưng những chuyện đau lòng kiểu như thế, kiểu người bị bệnh ung thư bế tắc cùng đường tự tử, hay chết thảm trong khuôn viên bệnh viện, hay bên ngoài bệnh viện thì chẳng có gì lạ. Cách đây không lâu, từng có câu chuyện một người đàn ông là bệnh nhân của bệnh viện được phát hiện chết tại khu vực cầu vượt Bệnh viện Ung bướu.

Bây giờ mới 4h sáng. Bệnh viện Ung bướu đang bước vào ngày mới với kẻ vào người ra tấp nập. Không biết trong họ, có ai mai này gia nhập vào "đội ngũ" những cuộc đời người bệnh bên miệng cống... hay không?

N.Thành Dũng
.
.