Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2:

Phép màu Sala của bác sĩ Toàn “xương”

Thứ Ba, 27/02/2018, 06:06
Đồng nghiệp, các thế hệ học trò và bệnh nhân gọi ông bằng cái tên thương mến: Bác sĩ Toàn “xương”! Không chỉ là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Việt Nam, PGS.TS - bác sĩ Ngô Văn Toàn còn là người sáng lập, Chủ tịch Câu lạc bộ Sala, địa chỉ hội tụ những người tự nguyện mong muốn làm nhân đạo trong lĩnh vực y tế - sức khỏe cộng đồng phạm vi chấn thương chỉnh hình với ưu tiên hàng đầu cho những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.

7 năm qua kể từ khi thành lập câu lạc bộ (CLB), có hàng trăm trẻ em ở các vùng khó khăn, miền núi bị dị tật bẩm sinh về chi đã được bác sĩ Ngô Văn Toàn và các đồng nghiệp phẫu thuật nhân đạo, giúp cho các em có được những đôi tay, đôi chân lành lặn như một phép màu. Bác sĩ Ngô Văn Toàn nói rằng, với ông, hạnh phúc nhất là được mang nghề nghiệp và khả năng chuyên môn của mình để phục vụ mọi người!

1. Tết Mậu Tuất 2018 là một dấu mốc không thể nào quên đối với gia đình  cậu bé Vàng A Ý  ở Văn Bàn, Lào Cai. Đã 10 tuổi nhưng đây là cái tết đầu tiên Vàng A Ý có thể tự đi lại, in dấu chân của mình trên những con đường rực rỡ hoa đào, hoa mận của bản làng miền Tây Bắc.

Sinh ra với dị tật bẩm sinh biến dạng nặng 2 chi dưới, trong khi những đứa trẻ khác chập chững biết đi rồi chạy nhảy, nô đùa thì Vàng A Ý vẫn chỉ bò như một em bé. Mặc dù có đầy đủ chân tay nhưng dị tật khiến 2 chân em cong queo như cành cây khô, không duỗi thẳng được buộc em phải di chuyển theo cách bò bằng 2 đầu gối và 2 bàn tay.

Không đứng lên được đã đành, bằng ấy năm, mùa hè cũng như mùa đông, Vàng A Ý chưa bao giờ mặc được quần bởi đôi chân dị dạng. Trẻ con không thích chơi với Ý, đơn giản vì em không thể đứng dậy để ra đường chơi cùng với chúng. Và chưa một lần, Vàng A Ý được cắp sách tới trường...

Nhìn con mỗi ngày một lớn nhưng vẫn chỉ bò quanh nhà như một sinh vật kỳ lạ, bố mẹ Vàng A Ý chỉ biết khóc vì thương con. Ở vùng sâu vùng xa, đường đi khó khăn, nhà lại nghèo, việc đưa con xuống núi khám, chữa bệnh đối với họ là một giấc mơ xa vời.

Phép màu có thật đã đến với Vàng A Ý vào mùa hè năm 2016. Khi ấy, CLB Sala do PGS.TS, bác sĩ Ngô Văn Toàn làm chủ tịch thực hiện chương trình phẫu thuật từ thiện tại tỉnh Lào Cai. Đúng dịp có đoàn phẫu thuật từ thiện của các giáo sư, bác sĩ Mỹ sang Việt Nam nên bác sĩ Ngô Văn Toàn mời đoàn tham gia cùng. Do nhà xa nên khi bố mẹ đưa Vàng A Ý xuống đến Bệnh viện tỉnh Lào Cai cũng là lúc đoàn bác sĩ phẫu thuật từ thiện vừa kết thúc chương trình và chuẩn bị về Hà Nội.

PGS.TS Ngô Văn Toàn tận tình giải thích cho một bà mẹ người dân tộc thiểu số đưa con đến khám.

Thế nhưng biết tin có bệnh nhân ở xa vừa đến, đoàn bác sĩ của CLB Sala đã quyết định ở lại thêm 1 ngày. Vàng A Ý được đưa ngay vào phòng khám và được bác sĩ Ngô Văn Toàn cùng các giáo sư người Mỹ khám bệnh, hội chẩn. Ca dị tật biến dạng nặng 2 chi như Vàng A Ý là rất hiếm gặp. Nhưng những ca khó như vậy lại là sở trường của bác sĩ Ngô Văn Toàn. Và cậu bé Vàng A Ý đã được bác sĩ Toàn trực tiếp phẫu thuật.

Sau đó, em được bàn giao cho bác sĩ Lù Tà Phìn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Lào Cai) tiếp tục chăm sóc. Hằng ngày, các bác sĩ Bệnh viện Lào Cai sẽ báo cáo tình hình sức khỏe bệnh nhân cho bác sĩ Toàn. Ngày xuất viện, gia đình của Vàng A Ý không những được miễn toàn bộ viện phí mà còn được hỗ trợ tiền đi lại và sinh hoạt của bố mẹ trong những ngày chăm con ở viện.

6 tháng sau khi phẫu thuật, các bác sĩ ở tỉnh lên Văn Bàn thăm khám lại cho Vàng A Ý. Chính họ cũng không nhận ra cậu bé có đôi chân “càng cua” dị dạng ngày nào. Vàng A Ý không những đứng thẳng mà còn đi lại nhanh nhẹn. Người trong bản thì bảo Vàng A Ý đã được gặp thần tiên, bởi chỉ có tiên mới chữa được đôi chân cho thằng bé...

Vàng A Ý là một  bệnh nhân may mắn trong hàng trăm bệnh nhân bị tật hệ vận động thuộc các tỉnh phía Bắc đã được phẫu thuật miễn phí bởi CLB Sala - một CLB nhân đạo trong lĩnh vực y tế - sức khỏe cộng đồng phạm vi chấn thương chỉnh hình với ưu tiên hàng đầu dành cho đối tượng là trẻ em nghèo tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa do  PGS.TS, bác sĩ Ngô Văn Toàn, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) là Chủ tịch CLB.

2. Với những bệnh nhân đã được bác sĩ Ngô Văn Toàn phẫu thuật và nhiều thế hệ bác sĩ trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình thì vị chuyên gia đầu ngành này được gọi với cái tên rất đỗi thân thương: Thầy Toàn “xương”! 

Những người bạn của bác sĩ Toàn, muốn gặp được ông thường “nhằm” vào khung giờ trưa, sau 12h, tại một quán  ăn nhỏ trên phố Đường Thành. Một suất bún chả cùng lon Coca, đó là bữa trưa giản dị quen thuộc từ nhiều năm nay của bác sĩ Toàn “xương” cùng các học trò sau mỗi ca mổ. Những bài học kinh nghiệm, những kỹ thuật mổ quý giá được người thầy tranh thủ trao đổi, truyền đạt trong bữa trưa ngắn ngủi này.

Thời gian không bao giờ là đủ đối với những bác sĩ được mệnh danh là “bàn tay vàng” của Bệnh viện Việt Đức và ngành y tế như bác sĩ Toàn. Lịch mổ triền miên khiến họ không có thời gian để chăm sóc cho gia đình và chăm chút cho chính bản thân. Thế nên dẫu biết rằng làm từ thiện, nhân đạo là sứ mệnh của người bác sĩ; nhưng để thu xếp thời gian gánh vác và duy trì một CLB chuyên hoạt động thiện nguyện trong lĩnh vực y tế như CLB Sala của bác sĩ Toàn “xương” thì không phải người thầy thuốc nào cũng có điều kiện và khả năng làm được như vậy.

Bác sĩ Ngô Văn Toàn tâm sự, cơ duyên để thành lập CLB nhân đạo mang tên Sala, bắt nguồn từ những cuộc làm việc chung với nhiều tổ chức nước ngoài và là thành viên các đợt công tác khám, chữa bệnh từ thiện của các bác sĩ nước ngoài tại Việt Nam. Mối quan hệ y tế quốc tế này khởi nguồn từ năm 1994, bác sĩ Ngô Văn Toàn được cử đi học chương trình chuyên về phẫu thuật bàn tay tại Úc.

Tại đây, bác sĩ Toàn đã được học giáo sư W.B. Conolly, chuyên gia hàng đầu của Úc về phẫu thuật bàn tay, giáo sư 3 trường đại học y khoa danh tiếng tại Úc kiêm giám đốc 2 bệnh viện bàn tay tại Sydney. Trong chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật bàn tay là đặc biệt khó. Vi phẫu thuật bàn tay phải thao tác với các dụng cụ nhỏ; các bộ phận quan trọng của bàn tay sắp xếp trong phạm vi chật hẹp nên phẫu thuật mất nhiều thời gian, kỹ thuật tinh vi mà không phải bác sĩ chấn thương chỉnh hình nào cũng làm được. Nó đòi hỏi bác sĩ phải có đôi bàn tay tinh tế và một trái tim tâm huyết.

Sau này, bác sĩ Toàn còn được theo học GS. Alan Gillbert - nguyên Chủ tịch Hội Phẫu thuật bàn tay của Pháp - giáo sư hàng đầu của Pháp về phẫu thuật bàn tay và vi phẫu. Được học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành của thế giới về kỹ thuật này là điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự thành công sau này của ông.

Với mối quan hệ với các bác sĩ và tổ chức thiện nguyện Vòng xoay của Úc, sau này bác sĩ Toàn đã nhiều lần tham gia các chương trình phẫu thuật từ thiện của tổ chức này tại Việt Nam. Đến năm 2000, một sự tình cờ lại đến khiến bác sĩ Toàn có duyên với phẫu thuật xương cổ bàn chân - cũng là một chuyên ngành rất khó trong chấn thương chỉnh hình.

Đó là lần đầu tiên hội nghị về chấn thương cổ bàn chân Việt - Mỹ do Viện Hàn lâm phẫu thuật cổ bàn chân Hoa Kỳ (AOFAFS) phối hợp với Tổ chức Chân giả ngoại tuyến (POF) tổ chức tại Việt Nam mà ông tham dự. Tại hội nghị này, ông đã gặp bác sĩ Pierce Scranton đến từ Washington D.C - là một chuyên gia hàng đầu thế giới chuyên về cổ bàn chân và nội soi tạo hình khớp gối và khớp háng. Từ đó, bác sĩ Toàn lại có thêm một say mê mới với lĩnh vực phẫu thuật về cổ bàn chân, khớp háng và nội soi. Và ông tiếp tục tham gia các đợt công tác phẫu thuật từ thiện tại Việt Nam cùng các bác sĩ Mỹ.

PGS.TS Ngô Văn Toàn thăm hỏi bệnh nhi nghèo tại Nghệ An.

Là thành viên các đợt công tác phẫu thuật từ thiện của các bác sĩ nước ngoài tại Việt Nam, ông tự hỏi, ở cương vị là những chuyên gia đầu ngành thế giới, các bác sĩ người Mỹ, người Úc dù bận rộn đến mấy vẫn có thể dành thời gian, tiền bạc và công sức bay nửa vòng trái đất đến mổ từ thiện ở Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta lại không thể chung tay làm những hoạt động như thế trên quê hương mình?

Khát khao thành lập một CLB chuyên phẫu thuật từ thiện để chủ động giúp đỡ người dân Việt Nam luôn thôi thúc trái tim ông. Và ngày 10-10-2010, CLB Sala đã được ra mắt do bác sĩ Ngô Văn Toàn làm chủ tịch, cùng sự tham gia của một số nhà báo có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế. Cái tên Sala cũng là một cơ duyên. Khi đó, bác sĩ Ngô Văn Toàn thực hiện phẫu thuật cho ni sư Thích Đàm Thanh ở chùa Hoàng Mai, bị gãy cổ xương đùi.

Khi tới chùa thăm ni sư, bác sĩ Toàn bắt gặp cây sala - loài cây nhà Phật đúng mùa nở hoa. Và CLB Sala, với tiêu chí là CLB của những người tự nguyện mong muốn làm nhân đạo trong lĩnh vực y tế - sức khỏe cộng đồng phạm vi chấn thương chỉnh hình, đã mang đến những phép màu có thật trong cuộc sống đến với những trẻ em nghèo.

3. Bác sĩ Ngô Văn Toàn nói rằng, tỷ lệ dị tật bẩm sinh nói chung và khuyết tật hệ vận động nói riêng ở những nơi kém phát triển, nhất là ở miền núi thường cao do nhiều nguyên nhân: Do điều kiện môi trường, do tình trạng hôn nhân cận huyết thống, do việc khám và chẩn đoán trước sinh kém, do thiếu dinh dưỡng trong quá trình mang thai của người mẹ và quá trình nuôi dưỡng trẻ, do người dân không được tiếp cận với các dịch vụ y tế...

Chính vì vậy, CLB Sala ưu tiên hàng đầu cho các đối tượng là trẻ em nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Để thực hiện mỗi chương trình phẫu thuật từ thiện đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn cũng như tài chính.

Ngoài nòng cốt là các bác sĩ trẻ nhiệt huyết của Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, phải kể đến sự nhiệt tình tham gia của đội ngũ các bác sĩ địa phương, đa phần là học trò của PGS.TS Ngô Văn Toàn. Thông qua hệ thống y tế thôn bản, các bác sĩ địa phương sẽ tiến hành sàng lọc nhiều lần tại tuyến huyện, xã theo tiêu chuẩn nghèo và sàng lọc y tế, kiểm tra sức khỏe, báo cáo danh sách bệnh nhân bằng thư, phim ảnh cho bác sĩ Toàn, sau đó sắp xếp lịch phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh.

Thường lịch khám, phẫu thuật từ thiện được tổ chức vào thời gian cuối tuần. Tranh thủ ngày nghỉ, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lại lên đường để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường tại bệnh viện. Phương pháp làm việc này không chỉ mang lại lợi ích tối ưu cho bệnh nhân mà còn giúp các bác sĩ địa phương cập nhật thêm kiến thức mới và bổ sung nhiều kinh nghiệm hữu ích khi được làm việc chung với các bác sĩ tuyến Trung ương, đặc biệt được học hỏi thực tế trong các ca phẫu thuật từ bác sĩ Ngô Văn Toàn - người thầy “bàn tay vàng” của biết bao thế hệ bác sĩ.

Với kim chỉ nam “Hoạt động vô vụ lợi”, những bác sĩ tham gia chương trình phẫu thuật từ thiện của CLB Sala không những không nhận bồi dưỡng mà còn gom góp chính đồng lương của mình để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Không chỉ được phẫu thuật miễn phí, bệnh nhân và người nhà còn được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt ăn ở trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Sau này, khi biết đến hoạt động thiện nguyện của CLB Sala, ngày càng có nhiều nhà hảo tâm tự tìm đến, xin tình nguyện được tham gia cùng, trao quà cho các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đều đặn mỗi năm 2 lần, vào dịp nghỉ hè và trước tết, chương trình phẫu thuật từ thiện của CLB Sala được tổ chức tại các tỉnh. Mỗi đợt công tác, các bác sĩ thăm khám cho hàng trăm bệnh nhân và phẫu thuật khoảng trên dưới 30 bệnh nhân khuyết tật hệ vận động. Phần lớn những ca bệnh này trước đây không thực hiện được vì lý do chuyên môn hoặc tài chính.

Đến nay, sau 7 năm thành lập, CLB Sala đã có mặt tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều đó đồng nghĩa với hàng trăm bệnh nhi nghèo đã được phẫu thuật miễn phí, có được những cánh tay, đôi chân lành lặn, mang lại cơ hội sống, học tập và làm việc cho những số phận chịu thiệt thòi bởi khuyết tật.

Với bác sĩ Ngô Văn Toàn, làm từ thiện, không cứ phải làm nhiều mà phải làm những gì tốt nhất cho những đối tượng được giúp đỡ, những thành tựu của y tế phải được phục vụ cho cộng đồng, đặc biệt cho trẻ em khuyết tật. Và CLB Sala đã trở thành một địa chỉ kết nối và lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện, từ những điều giản dị như vậy của người bác sĩ hết lòng vì người bệnh!

Hương Vũ
.
.