Phía sau cuộc triển lãm đặc biệt “Nước mắt cười”

Thứ Ba, 22/04/2014, 15:00

Những người phụ nữ không kể tuổi tác, nghề nghiệp, bị bạo hành từ người tưởng như gần gũi yêu thương nhất đó là chồng mình. Họ, phái yếu ấy bị chính người chồng của mình tra tấn bởi xích, búa, gạch, nồi… Những cái tát nảy lửa, những cú đấm, túm tóc… sự tra tấn hành hạ về thể xác và tinh thần liên tục âm ỉ trong nhiều tháng, nhiều năm. Họ chịu đựng, rồi đến một ngày cùng nhau "vùng lên" nói tiếng nói của chính mình. Vào những ngày đầu tháng 4, cuộc triển lãm mang tên "Nước mắt cười" là tiếng nói của người trong cuộc, cùng kết nối để chia sẻ, yêu thương, đồng cảm. Dù trong cuộc sống đầy những bất công, đau thương, họ vẫn trụ vững để vun vén cho tổ ấm bé nhỏ nhưng đầy giông gió.

Tâm sự buồn của một người phụ nữ bị chồng bạo hành đằng đẵng nhiều năm: "Từ ngày tôi vào câu lạc bộ người phụ nữ Tự lực", buổi đầu vào làm quen tôi rất ngại ngùng, sợ rằng mình trong nhóm này rồi mọi người nhìn mình bằng con mắt khác. Nhưng sau sinh hoạt một vài hôm thì tôi có cảm nghĩ khác, tôi rất tự tin và phấn chấn lại, những quá khứ trước đây mình đã im lặng và chịu đựng suốt 17 năm qua. Bây giờ thì tôi hiểu được quyền của người bị bạo hành và nhờ được những chị trong ban chuyên trách của xóm và phường, xã đã giúp chúng tôi những lúc bị bạo hành, tôi vui vì xung quanh mình luôn luôn có người để giúp đỡ, sẻ chia.

Và rồi trong một giấc mơ ngọt ngào và xa vời về hạnh phúc, trong âm thầm khát khao mong muốn, chị đã làm một bài thơ chan chứa yêu thương: "Anh dắt tay em giữa mùa xuân nắng đẹp/ Thanh thản cuộc đời hạnh phúc biết bao/ Nghe đâu đây hội chợ xôn xao/ Én chao liệng dạt dào sóng vỗ/ Đi bên anh người vợ hiền bé nhỏ/ Kể nhau nghe những câu chuyện đời thường/ Có những người nam giới tai ương/ Đánh đập vợ không còn đường cứu thoát/ Có những người hành hung mắng quát/ Với ta đây là thế làm chồng/ Giới nữ em heo héo cõi lòng/ Nghĩ về con tháng năm dài mà sống/ Con thương mẹ trong lòng xáo động/ Cùng với xóm làng san sẻ buồn vui/ Lưu luyến làm chi những giây phút ngậm ngùi/ Xã hội ngày nay gái trai bình đẳng/ Anh làm chồng bằng quyền em làm vợ/ Không ai hơn không ai kém hơn ai/ Phía trước anh ơi đường hãy còn dài/ Anh cố vượt để ngày mai rạng rỡ/ Xuân đến kia trăm hoa đua nở/ Xã hội giờ bình đẳng giới mà anh/ Em bận việc, anh nấu chín cơm canh/ Khi con khóc, dỗ dành con anh nhé/ Đời vui buồn ta cùng nhau chia sẻ/ Hạnh phúc gia đình ta sống khỏe, sống vui/ Chống bạo hành, ngăn chặn (bạo hành) anh ơi/ Cho tương lai, cho cuộc đời rạng rỡ".

Những bài thơ của chính những người vợ trong nhiều năm bị bạo hành, họ ao ước và mơ về một cuộc sống gia đình hạnh phúc bình dị có sự yêu thương, trân trọng, tử tế. Họ bộc bạch nỗi lòng tâm trạng qua từng câu thơ. Họ đến đây từ nhiều nơi trên bản đồ đất nước, khoảng cách về địa lý, chênh lệch về tuổi tác, khác nhau về nghề nghiệp, nhưng hoàn cảnh giống nhau cam phận dưới một mái nhà để người chồng vũ phu hằng ngày, hàng tháng, hàng năm hành hạ, đồng cảm cùng nhau để nói tiếng nói của người trong cuộc.

Câu chuyện về một người phụ nữ sống tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An hồi tưởng lại: "Cả đêm tôi không ngủ, lần này tôi sẽ không thay đổi quyết định của mình. Anh vẫn xé đơn. Lần này dù anh không ký, tôi cũng sẽ đưa đơn lên tòa, tôi sẽ không thể chịu được cảnh đọa đày này thêm một lần nào nữa. Anh lao vào đánh tôi tới tấp, vớ ca nước, anh phang thẳng vào mặt tôi. Tôi quay cuồng, cố bám vào cửa buồng kêu cứu nhưng cổ khàn ứ vì bàn tay xiết chặt của anh. Không một bóng người. Tủi khổ ê chề, tôi vật ngã, tóc tai xõa xượi, vài giây tỉnh táo, tình yêu của người mẹ thúc giục tôi phải sống, tôi vùng dậy ôm con ra khỏi nhà về nhà ngoại.

Một nạn nhân của bạo hành gia đình (ở Thuận Thành, Bắc Ninh).

Tưởng có thể được bên ngoại che chở nhưng anh trai tôi lại cũng cầm dao đuổi tôi trở về. Anh tôi bảo: "Có chết cũng làm ma nhà chồng". Tôi đành tìm đến bạn bè, tôi được đưa vào Bệnh viện thị xã Cửa Lò điều trị. Rồi tôi được các tư vấn viên của các dự án phòng chống bạo hành giới. Họ chia sẻ khích lệ tôi rất nhiều. "Và chị hướng đến một cuộc sống khác, cuộc sống không còn lăng mạ, đánh đập, nơi đấy bình yên của sự tự do: "Tôi hiểu rằng mình có quyền được lên tiếng, được chọn lựa hướng đi cho cuộc đời mình. Hoàn thành thủ tục ly hôn, tôi sẽ đưa hai con vào trong Nam. Anh chị họ hàng trong đó sẽ cho tôi một chỗ dạy, tôi sẽ nuôi dạy các con nên người. Tôi vẫn nghĩ ly hôn là chia lìa, là tan vỡ nhưng giờ đây tôi có thể mỉm cười vì mẹ con tôi sẽ không còn nỗi ám ảnh mỗi khi bước chân anh lại gần".

Cuộc triển lãm "Nước mắt cười" còn có những hiện vật đó là chiếc gáo múc nước, viên gạch, xích, nồi, điếu cày, bếp than tổ ong, con dao… bằng chứng của những vụ bạo hành gia đình. Sự đau đớn hành hạ về thể xác và sự lăng nhục về tinh thần khiến những người vợ đau khổ, bất hạnh ấy trong công phẫn và uất hận đã giữ lại hiện vật, tang chứng của vụ bạo hành.

Tâm sự của chị Bùi Thị C., thành viên câu lạc bộ "Vì hạnh phúc gia đình" chia sẻ: "Có một thời gian khắc khổ đã qua, tôi sống nuôi hai con ăn học, sống bằng đồng lương lĩnh hai kỳ của cơ quan: "Chuẩn bị cho chiếc bánh chưng ngày tết, tôi mua 5kg gạo nếp để gói bánh nhưng không gói hết số gạo nếp đó. Còn lại khoảng 1kg, 3 tháng sau tôi lấy ra để nấu xôi. Tôi mua mấy gói lạc cho con gái để cho vào nồi nấu xôi cho thơm thì chồng tôi giằng lấy từ tay con gái túi lạc đó vứt vào bếp đun củi. Tôi nói là: "Nếu anh không ăn thì để mẹ con tôi ăn".

Thế là chồng tôi đã cầm chiếc gáo múc nước bất ngờ phang vào bên sườn tôi. Khoảng 10 ngày sau tôi thấy bên sườn vẫn đau, tôi có đi khám chụp chiếu thì bác sĩ cho biết tôi bị rạn xương phải nghỉ công tác  cơ quan để điều trị bệnh. Chiếc gáo múc nước đó do chính tay tôi làm ra đã bị người chồng lấy làm công cụ đánh tôi".

Một nạn nhân của bạo hành gia đình, sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Cùng chia sẻ” Thanh Liêm, Hà Nam.

Chị T, thành viên CLB "Cùng chia sẻ Hà Nội" kể về hoàn cảnh của mình: "Chồng tôi ném cả bếp lò và đổ cả chậu bột vào người tôi khi tôi đang chuẩn bị nhóm lò để tráng bánh. Lý do nói ra thì rất ngượng. Chồng tôi không có công ăn việc làm, chỉ ngồi nhà ăn chơi nên rất khỏe. Còn tôi, với đồng lương nuôi dạy trẻ không đủ để trang trải kinh tế gia đình nên phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Hằng ngày tráng bánh đến khuya mới xong. Lên giường nằm là tôi thiếp đi, không chiều chuộng và đáp ứng được sinh lý  của chồng nên chồng tôi không muốn cho tôi làm thêm. Nhưng không làm thì nhà tôi lấy gì để sống?".

Chị là một người phụ nữ nhẫn nhịn và lấy phải một người chồng cục cằn, thô lỗ, và hành động điên rồ mất nhân tính. Chị quê tại thị xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Chị kể: “Một ngày hè chẳng hiểu chồng tôi đi đâu suốt từ sáng tới chiều mới về nhà. Tôi thì đi làm cỏ ngô về đang thu dọn lõi ngô để làm củi đun. Chồng tôi vừa về đến nhà cũng như mọi lần anh chửi mắng tôi thậm tệ: "Việc nhà không làm mày đi liếm lá ngoài đường à?".

Tôi không nói gì cả chỉ lặng lẽ làm việc cho xong. Khi thấy tôi không bắt lời, anh ta lại căn vặn đủ điều, bắt buộc tôi phải lên tiếng, phải thanh mình rằng mình đi làm chứ không đi chơi, nếu không tin thì đi hỏi lại xem rất nhiều người cùng đi làm cỏ ngô nhìn thấy. Anh ta cho rằng tôi cãi lời, vớ lấy con dao rất sắc ở hè nhà chém vào đùi tôi. Cũng may cho tôi là anh ta đi dép siêu nhẹ, cũ rồi nên không có ma sát, dẫm lên lõi ngô, bị trượt ngã nên tôi bị một vết dao không sâu chứ không thì có khi tôi không còn sống trên cõi đời này nữa”.

Chị ở Đông Anh cách trung tâm Hà Nội 20 km kể về nỗi uất ức, oan uổng của mình, chị bảo: "Gạch không chỉ là vật liệu để xây nhà mà còn là công cụ để đánh người. Khi xây nhà, chồng tôi chẳng thèm bàn với tôi một câu. Khi tôi hỏi thì anh ấy quát: "Cô đàn bà biết gì mà hỏi? Về lo bếp núc đi, không thì bước về nhà ngoại mà ở…". Tuy rất bực nhưng tôi nhịn chẳng nói gì, chỉ đứng tưởng tượng xem nhà mình sẽ thế nào. Thế là chồng tôi nói: "Còn đứng đấy à, có bước đi không. Đứng đấy cho ngứa mắt tao". Tôi chưa kịp bước đi thì chồng tôi cầm luôn viên gạch ném thẳng vào người…". 

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của những phụ nữ bị bạo hành.

Chị BT, thành viên CLB "Cùng chia sẻ" thị trấn Yên Viên đã mang đến cuộc triển lãm: "Nước mắt cười" hiện vật bộ quần áo ngủ. Cuộc đời buồn của chị kéo dài nhiều tháng năm, chị trút bầu tâm sự: "Bộ quần áo ngủ này đã tan nát như chính thân thể và tâm hồn tôi khi bị chồng tôi đòi quan hệ. Tôi không đồng ý vì mới đây 3 hôm tôi vừa phải ra viện phụ sản giải quyết lần thứ 5, sau khi sinh con được gần 2 năm. Đáng lẽ tôi được nghỉ ngơi thì chồng tôi lại đòi quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su.

Sau khi xé được quần áo tôi, chồng tôi đổ lên người tôi như một khúc gỗ. Vừa quan hệ, chồng tôi vừa tát, vừa đấm. Hắn ta cắn vào vú, túm tóc dằn đầu tôi xuống giường, mồm thì chửi: "Mày không chiều tao thì mày để dành cho bố mày à?". Kết quả của trận cuồng dâm ấy mặt mũi tôi sưng vù, hai bầu vú tôi bị cắn rớm máu, bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm nặng phải điều trị mấy tháng mới đỡ".

Bên cạnh chị B.T. ở Yên Viên là chị T. ở Hà Nội, trong nỗi niềm cay đắng tủi cực, giờ đây mỗi lần nghĩ đến là nước mắt chị lại tứa ra. Hạnh phúc với chị quá xa vời. Chị bảo, chồng chị đánh chị bao nhiêu lần chị cũng không còn nhớ rõ. Những đòn roi thường xuyên như cơm bữa khiến da thịt chị bầm tím thâm dập. Những ngày bình yên chỉ đếm được trên đầu ngón tay chứ chưa nói gì đến hạnh phúc. Cái sự vũ phu của chồng chị nó trở đi trở lại hàng ngày trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho chị.

Chồng chị một kẻ nghiện đánh vợ đến độ bệnh hoạn. Cứ không vừa ý là đánh, bực chuyện ở ngoài xã hội cũng nhè vợ ra đánh, có ai nói gì chẳng cần biết đúng sai về cũng đánh… Và cả những lúc trông ngứa mắt cũng đánh. Nhiều người bảo: "Sống với chồng như thế thì bỏ đi còn hơn. Nỗi sầu thảm đeo bám ấy khiến chị thêm mệt mỏi và kiệt quệ tinh thần và thể lực. Chị trải lòng: "Tôi rất buồn nhưng cứ lần lữa mãi vì thương con còn nhỏ và thương mẹ già. Ngày tháng trôi qua, tâm trí tôi chai lỳ vì những trận đòn nhưng sức khỏe của tôi thì không chai lỳ được như vậy. Tôi muốn ly hôn với người chồng coi việc đánh tôi như một trò tiêu khiển.

Sau khi biết ý định của tôi anh đã đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết và dùng chiếc xích chó để xích tôi lại. Vì sợ mọi người biết, anh ta đã xích tôi trên gác hai và bỏ đi. Sang ngày thứ ba tôi cố gắng vươn người ra cửa sổ gọi hàng xóm cứu giúp, họ đã gọi công an vào để giải thoát cho tôi".

Mỗi người phụ nữ là một hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác chênh lệch, nhưng nỗi thống khổ thì giống nhau, đều là người phụ nữ bị chồng bạo hành ngay dưới mái nhà của mình. Ngôi nhà, tổ ấm bé nhỏ là nơi đi về tưởng là chỗ bình yên nhất, nhưng với nhiều người lại là nơi bất trắc và đọa đày nhất. Sự tra tấn của chồng có khi gián đoạn, có khi liên tục, có khi bột phát lại có khi như thành một bản tính, một thói quen khó bỏ.

Những người phụ nữ không may đó chia sẻ với nhau về những câu chuyện của đời họ được viết nên bằng máu và nước mắt. Ở đâu đó trong xã hội hiện nay, nhiều mái nhà từ thành thị cho đến nông thôn, vẫn đầy rẫy những vụ bạo hành, và người phụ nữ nếu như không mạnh mẽ, cương quyết bảo vệ chính mình thì khó có thể thoát khỏi đường hầm tăm tối, mù mịt

Mỹ Trân
.
.