Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ: Xứng danh anh hùng

Thứ Hai, 18/01/2016, 11:45
Trong số các đơn vị Công an được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015, có một đơn vị khá đặc biệt, đó là Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ. Bởi dù là đơn vị ở “tỉnh lẻ” cũng không có đường biên giới nhưng những năm qua, Cảnh sát Kinh tế Phú Thọ đã khám phá nhiều chuyên án chấn động cả nước…


1. Trong phòng họp của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ, ở vị trí trang trọng nhất được dành để đặt Cờ, Bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trên bốn bức tường cũng treo rất nhiều Huân chương các loại, Bằng khen của các bộ, ngành, tỉnh tặng đơn vị.

Trong câu chuyện với tôi, Đại tá, Trưởng phòng Nguyễn Khắc Hoạt bảo rằng đây là cách giáo dục truyền thống với cán bộ chiến sĩ, để mỗi người hàng ngày khi nhìn thấy thành quả mà mình và các thế hệ đi trước đạt được sẽ luôn phải có ý thức rèn luyện.

35 năm trong Lực lượng Công an, cũng là từng ấy thời gian gắn bó với công việc đấu tranh với tội phạm kinh tế, vì thế Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt quá hiểu những cám dỗ mà các trinh sát, điều tra viên phải đối mặt khi làm án và để vượt qua rất cần có bản lĩnh. Nếu như Cảnh sát Hình sự thường xuyên đối mặt với hiểm nguy từ những kẻ sẵn sàng dùng súng đạn chống trả thì Cảnh sát Kinh tế cũng thường xuyên phải đối mặt với những “viên đạn bọc đường”. Kinh tế càng phát triển, pháp luật càng thông thoáng thì việc đấu tranh với tội phạm kinh tế ngày càng khó khăn, bởi tội phạm kinh tế hầu hết là những người có học thức, có tiền và có quan hệ; họ luôn biết cách lợi dụng những sơ hở của pháp luật để lách luật; sẵn sàng dùng tiền và quan hệ để giải quyết công việc hoặc gây sức ép khi bị Công an điều tra.

Đại tá Hoạt kể rằng có vụ án, đối tượng gợi ý “lót tay” điều tra viên nhiều tỉ đồng để không khởi tố hoặc điều chỉnh tội danh, nhưng cán bộ của anh đã kiên quyết từ chối. Vì thế phát hiện ra sai phạm đã khó nhưng để xử lý được thì ngoài trình độ chuyên môn, pháp luật, còn đòi hỏi mỗi người có bản lĩnh, dám làm, dám chịu, kiên quyết bảo vệ pháp luật. Nói chuyện tu dưỡng đạo đức và bản lĩnh nghe thì có vẻ sách vở, giáo điều, nhưng lại luôn là việc thiết thực, bởi ai cũng có gia đình với nỗi lo cơm áo, gạo tiền hàng ngày, vì thế không có bản lĩnh sẽ rất khó vượt qua được những cám dỗ vật chất.

Tang vật vụ buôn lậu 10.000 tấn lá thuốc lá.

2. Nhắc lại những chuyên án đã làm nên danh tiếng Cảnh sát Kinh tế Phú Thọ, anh Hoạt bảo có hai chuyên án đáng nhớ. Đó là vụ các anh bắt giữ gần 30 chiếc xe ôtô biển ngoại giao và chuyên án bắt buôn lậu hơn 10.000 tấn lá thuốc lá.

Có một thời, đi những chiếc xe sang, thậm chí  siêu sang mang biển số ngoại giao, nước ngoài (NG, NN) là mốt thời thượng của nhiều người. Bởi không chỉ được sử dụng những chiếc xe xịn giá mềm mà nhiều người còn “rỉ tai” nhau rằng khi ra đường những chiếc xe ấy cũng ít bị Cảnh sát Giao thông xử lý nếu vi phạm. Vì thế, có thời điểm đã có hàng ngàn chiếc xe của nhân viên ngoại giao dù hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn chạy ngoài đường, việc buôn bán những chiếc xe biển NG, NN cũng rất nhộn nhịp.

Giữa năm 2011, qua nắm tình hình xe đi qua Phú Thọ có rất nhiều xe đeo biển NG, NN. Ngay trên địa bàn Phú Thọ cũng có người sử dụng những chiếc xe biển này. Nghe dư luận thì thấy bảo mua những chiếc xe này giá chỉ bằng 2/3 giá xe biển trong nước mà toàn xe nhập, Đại tá Nguyễn Khắc Hoạt nghiên cứu hết các văn bản pháp luật liên quan tới xe ngoại giao và cử trinh sát nắm bắt tình hình trên thị trường.

“Đọc hết các loại văn bản pháp luật liên quan tới xe đăng ký biển số NG, NN tôi thấy quy định rất rõ thời gian sử dụng xe ở Việt Nam cũng theo thời gian công tác của nhân viên ngoại giao, nếu bán thì phải thu hồi biển số, nộp thuế làm thủ tục đăng ký lại hoặc phải tái xuất. Trong khi anh em trinh sát đi tìm hiểu ở Hà Nội thì thấy rất nhiều salon ôtô bán xe nhưng còn  nguyên biển NG; rõ ràng như vậy là vi phạm, vì vậy chúng tôi quyết định báo cáo Ban Giám đốc cho lập án đấu tranh”.

Tháng 8-2011, Cảnh sát Kinh tế và Cảnh sát Giao thông Phú Thọ phối hợp ra quân kiểm tra tất cả các xe đeo biển NG, NN đi qua địa bàn Phú Thọ. Tất cả những xe không hợp lệ đều bị tạm giữ. Sau hơn một năm, Công an Phú thọ đã tạm giữ tới 28 chiếc xe biển NG, NN, trong đó phần lớn đều là xe sang như Mercedes, Bentley, Lexus. Những người sử dụng xe đều khai rằng họ mua từ nhân viên các đại sứ quán, lãnh sự quán.

Sau nhiều tháng xác minh tại các cơ quan chức năng, Công an Phú Thọ xác định việc những người Việt Nam mua 28 chiếc xe biển NG, NN để sử dụng mà không làm thủ tục nộp thuế, đăng ký lại là hành vi tiêu thụ hàng nhập lậu, nên ngoài phạt tiền đã quyết định tịch thu toàn bộ số xe này để bán đấu giá được 33 tỉ đồng.

Thời điểm ấy, việc Công an Phú Thọ tịch thu bán đấu giá hàng chục chiếc xe biển NG, NN sử dụng trái phép đã gây xôn xao dư luận cả nước. Thậm chí có những cơ quan chức năng cũng không đồng tình. Cuối năm 2012, Bộ Ngoại giao đã tổ chức một cuộc họp liên ngành gồm cả Công an, Ngoại giao, Thuế, Hải quan để xác định việc Công an Phú Thọ tịch thu xe có đúng luật không.

“Hôm ấy tôi đại diện Công an Phú Thọ xuống họp, vừa bắt đầu họp đã có vị đứng lên nói luôn việc Công an Phú Thọ tịch thu xe là trái luật. Tuy nhiên, khi tôi đưa ra tất cả căn cứ là các quy định pháp luật thì tất cả đều thừa nhận Công an Phú Thọ làm đúng. Điều đáng nói là từ việc Công an Phú Thọ xử lý xe biển NG, NN đã góp phần thay đổi chính sách vì sau đó Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan sửa đổi Thông tư liên tịch giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc tạm nhập, tái xuất dành cho các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về tăng cường công tác quản lý đối với xe ôtô mang biển NG, NN”.

Nhưng, chuyên án khiến anh em Phòng Cảnh sát Kinh tế mất nhiều thời gian đấu tranh nhất là chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu lá thuốc lá từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.

Đầu tháng 2-2011, Công an TP. Việt Trì nhận được tin tố cáo Công ty CP XNK Hưng Yên chi nhánh Lào Cai buôn lậu lá thuốc lá từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Ngày 20-2-2011, Công an TP. Việt Trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông bắt giữ 4 xe ôtô chở lá thuốc lá. Nhưng, ông Lê Đăng Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Hưng Yên, đã xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh toàn bộ lô hàng này được thu mua từ các huyện ở Lào Cai.

Trước tình huống này, Ban giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Phòng Cảnh sát Kinh tế trực tiếp vào cuộc xác minh.

Đại tá Hoạt kể rằng nhận lệnh từ Giám đức Công an tỉnh, anh xuống ngay hiện trường. Nhìn bộ hồ sơ mà Công ty CP XNK Hưng Yên đưa ra thì thấy họ đã làm ăn rất nghiêm túc. Tuy nhiên, linh cảm nghề nghiệp khiến anh vẫn thấy có gì đó không bình thường đằng sau bộ hồ sơ này. Nhưng pháp luật là phải có chứng cứ, nếu không sẽ phải thả cho 3 chiếc xe này đi chứ không họ sẽ kiện Công an làm khó doanh nghiệp. Bởi trước đó đã có một đơn vị sau khi giữ 3 xe lá thuốc lá của doanh nghiệp này đã phải thả vì không chứng minh được là hàng lậu.

Nhưng, “cái khó ló cái khôn”, anh Hoạt nhớ ra có một người quen ở TP. Hồ Chí Minh làm nghề kinh doanh thuốc lá hơn 30 năm; người này chỉ cần cầm lá thuốc lá có thể biết là loại trồng ở vùng nào. Vậy là cùng với việc lấy mẫu, anh Hoạt lập tức điện thoại nhờ ông “chuyên gia” kia bay gấp từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội trong chuyến bay sớm nhất ngày hôm sau.

“Sáng sớm hôm sau, tôi cùng mấy anh em xuống Nội Bài chờ, gần 9 giờ sáng, khi ông ấy xuống sân bay, ngồi ở quán cà phê trong sân bay, chỉ cầm mẫu tôi đưa, ông ấy xem rất nhanh rồi khẳng định đây là thuốc lá Trung Quốc, vì ở Việt Nam không vùng nào trồng được loại thuốc lá dày, có lông kết dày và thơm như thế. Nghe được mấy câu ấy, tôi như trút được gánh nặng. Dù chưa phải là chứng cứ nhưng nó giúp cho mình thêm tự tin để tìm hướng điều tra”.

Ngay khi trên đường về Phú Thọ, anh Hoạt yêu cầu lấy mẫu gửi về Viện Kiểm nghiệm của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam nhờ kiểm nghiệm giúp và cũng với đề nghị có kết quả sớm nhất. Cùng lúc này, một mũi trinh sát được lệnh lên các huyện Mường Khương, Bát Xát, Simacai của Lào Cai để xác minh vùng nguyên liệu theo danh sách mà Công ty CP XNK Hưng Yên đưa ra.

Viện Kiểm nghiệm của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam sau đó trả lời là nguyên liệu đưa kiểm nghiệm không phải là thuốc lá trồng trên lãnh thổ Việt Nam một lần nữa chứng minh đây là thuốc lá lậu. Cùng lúc ấy, trinh sát đi xác minh ở Lào Cai cũng báo cáo là các hộ trồng thuốc lá nói họ có trồng cho Công ty CP XNK Hưng Yên nhưng số lượng rất ít chứ không lấy đâu ra hàng trăm tấn.

Đặc biệt, các trinh sát phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Hiền (trú tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là bị can của một vụ án buôn lậu lá thuốc lá khác đang được tại ngoại chờ xét xử có liên quan đến việc buôn lậu của Lê Đăng Lợi. Đại tá Hoạt liền đề xuất Tòa án nhân dân tỉnh ra lệnh bắt giam Hiền phục vụ xét xử.

Tại Cơ quan điều tra, Hiền thừa nhận đã vận chuyển rất nhiều lá thuốc lá trái phép cho Lợi và khai chi tiết thủ đoạn vận chuyển qua biên giới. Nút thắt của vụ án từ đây đã được mở, Đại tá Hoạt ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đồng loạt 12 bị can và ra lệnh khám xét kho hàng tại Lào Cai của công ty và thu giữ được hơn 300 tấn lá thuốc lá vừa tập kết về đây.

Sau gần một năm điều tra, thậm chí phải phối hợp với cả Văn phòng Interpol Việt Nam sang Singapore xác minh, Cảnh sát Kinh tế Công an Phú Thọ đã chứng minh bằng thủ đoạn rất tinh vi, làm giả hợp đồng ngoại, giả hóa đơn ngoại, giả thủ tục thanh toán ngoại, Lê Đăng Lợi đã chỉ đạo cấp dưới buôn lậu hơn 10.000 tấn lá thuốc lá trị giá 450 tỉ đồng từ Trung Quốc về Việt Nam, trộn với lá thuốc lá thu mua từ Lào Cai để bán cho các công ty thuốc lá trong nước sản xuất. Cho tới tận thời điểm này, đây là vụ buôn lậu lá thuốc lá lớn nhất bị bắt giữ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao cờ danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Phú Thọ.

3. Tôi hỏi Đại tá Hoạt khi làm những chuyên án lớn như thế, các anh có chịu nhiều sức ép không? Đại tá Hoạt cười bảo: “Đã làm công việc này phải coi chuyện ấy cũng là bình thường. Vấn đề là trong mỗi tình huống, mình phải có cách xử lý phù hợp thôi. Khi chúng tôi bắt giữ hàng loạt xe biển NG, NN, trong số ấy có cả những người là cán bộ ở cơ quan trung ương; sau khi đưa cả trăm triệu đồng để xin xe nhưng bị từ chối, họ cũng nhờ rất nhiều người tác động để trả xe. Nhưng thấy Công an “rắn” quá họ mới thôi can thiệp”.

Ngay cả vụ buôn lậu lá thuốc lá của Công ty CP XNK Hưng Yên cũng vậy. Khi biết Cảnh sát Kinh tế Phú Thọ đưa mình vào tầm ngắm, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Hưng Yên Lê Đăng Lợi đã nhờ rất nhiều người có thế lực can thiệp, nhưng cả Đại tá Hoạt và Giám đốc Công an tỉnh đều khẳng định đây là vụ buôn lậu cực lớn và họ không nên can thiệp vào vụ án này, họ mới thôi.

Nhờ luôn chủ động đổi mới từ nhận thức đến hành động, tập trung trí tuệ và lực lượng trong các vụ án, đặc biệt là tinh thần đấu tranh kiên quyết nên 11 năm (2004- 2015), Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Phú Thọ đã phát hiện, bắt giữ, điều tra xử lý hơn 500 vụ, thu hồi cho Nhà nước hơn 180 tỉ đồng. Riêng năm 2015, Phòng đã phát hiện, điều tra xử lý 28 vụ, thu hồi tài sản trị giá hơn 16,8 tỉ đồng/ 18,86 tỉ đồng thiệt hại. Trong đó có vụ phát hiện, tịch thu hơn 67.000 sản phẩm hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hơn 10 tỉ đồng, không có vụ nào bắt oan, sai, vi phạm pháp luật.

Đơn vị đã 3 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công, hơn 100 lượt cán bộ chiến sĩ được tặng Huân chương, Bằng khen…

Nguyễn Thiêm
.
.