“Quái nhân” ở phố

Thứ Sáu, 12/11/2010, 10:25
Tôi ngồi với nguyễn Kim Tuấn nhiều lần, tại những quán cà phê khác nhau ở Sài Gòn. Lần nào, tôi cũng tròn mắt ngạc nhiên trước những màn “biểu diễn sống” của anh. Biểu diễn sống, nghĩa là hứng lên thì biểu diễn, không cần chuẩn bị, chỉ cần vật dụng…

1. Một lần, ở quán cà phê Cowboy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Kim Tuấn cười cười lục ví lấy ra cây đinh thép được chế từ xú-páp xe gắn máy, lớn giọng nói: "Anh chủ quán, cho tôi mượn mảnh gỗ". Biết là có trò vui, chủ quán nhiệt tình mang lên... cái kệ gỗ được đóng bằng gỗ thông. Kim Tuấn nhìn tôi bảo: "Giờ là tiết mục thiết thủ công".

Dứt lời, Kim Tuấn ngưng thần dẫn khí, đặt cây đinh thép lên mặt kệ gỗ, dồn sức xuống bàn tay và... đập mạnh vào cây đinh. Cây đinh thép chịu lực từ tay của anh, cứ lún dần, lún dần. Đến khi cây đinh lún sâu vào mặt gỗ, Kim Tuấn ngưng tay xả khí, mồ hôi nhễ nhại. Vẫn cười bảo: "Giờ anh là thiết đầu công". Dùng kìm nhổ cây đinh thép vừa đóng xuống mặt gỗ, Kim Tuấn lại tiếp tục dùng đầu đóng nó xuống.

Lần khác, ở quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi, hứng chí, Kim Tuấn hỏi chủ quán: "Có thể cho tôi mượn một trái dừa tươi không?". Dĩ nhiên, dừa là để bán chứ đâu ai rảnh mà cho mượn. Trái dừa xiêm tươi đã lột vỏ, ướp lạnh sẵn được mang lên. Tuấn thò tay vào túi lấy ra hai trái cau xanh, đưa cho tôi nhờ kiểm tra giúp để khẳng định là cau "xịn".

Đặt trái dừa xuống sàn quán, Kim Tuấn ngồi xếp bằng. Công lực được anh dồn xuống ngón tay giữa và áp út, kẹp chặt trái cau giữa hai ngón tay ấy, Kim Tuấn đập mạnh vào trái dừa. Trước con mắt kinh ngạc của thực khách đang có mặt tại quán hôm đó, trái cau tươi bị chẻ đôi rất gọn. Cả tay trái lẫn tay phải của Kim Tuấn đều có thể làm được cái điều quái lạ ấy.

Nhưng, đó chưa phải là tuyệt kỹ đắc ý của Kim Tuấn. Anh còn những quái chiêu khác mà trong giới biểu diễn chuyên về nội công của TP HCM đều phải hoảng loạn khi nghe đến tên. Một trong những tuyệt kỹ "trấn môn" ấy là dùng đoạn sắt xây dựng đâm vào cuống họng khi đang nói chuyện.

Đây là tiết mục thường được các võ sư mang đi biểu diễn. Tuy nhiên, không hẳn cứ đâm sắt hoặc thép vào cuống họng thì đều là "vàng thật đúng giá".

Thông thường, họ sẽ dùng cây mây dài, đỉnh đầu cây mây được gắn với mũi giáo làm bằng thép. Tỳ mũi giáo vào cuống họng, dùng hết sức để đẩy mạnh, mũi giáo sẽ truyền lực vào cây mây khiến thân cây uốn cong lại, làm người xem có cảm giác... phiêu lưu. Đây là một màn biểu diễn khó, nhưng không phải là chuyện "người bình thường" không thể làm được. Còn tiết mục của Kim Tuấn thì lại khác.

Không có cây mây trợ lực, Kim Tuấn dồn khí về vùng cổ, tay cầm micrô hát hoặc trò chuyện, khán giả ở dưới đang xem hứng chí, có thể thoải mái lên sân khấu dùng sắt cứng chọc thẳng vào cuống họng của anh. Dĩ nhiên, màn biểu diễn nội công thượng thặng này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, chứ chẳng ai có thể đứng nói cả ngày cho người khác dùng sắt mà chọc vào cổ mình liên tục.

Còn những chuyện mà theo Kim Tuấn là lặt vặt như nằm cho xe tải cán qua hay dùng mắt nâng vật nặng là cái chuyện người ta diễn nhiều nên mình không thích diễn nữa. Trước đây, từ thời xa lắc, khi còn theo đoàn Bảy Phụng đi diễn kiểu Sơn Đông mãi võ, Kim Tuấn đã diễn màn nằm bàn chông, đặt trái dừa tươi lên thân cho người khác dùng... búa tạ để đập cho dừa bắn nước tung tóe.

Ngoài những tuyệt kỹ về cung phu, Kim Tuấn còn được mệnh danh là "vua lột dừa". Anh từng lập kỷ lục Việt Nam khi lột 3 trái dừa khô trong vòng 55 giây ở Hà Nội. Về lại TP HCM, chẳng hiểu thế nào kỷ lục này đã bị anh làm chậm đi 2 giây. Nhưng, bấy nhiêu cũng đủ khiến Kim Tuấn danh nổi như cồn thời điểm mà Chuyện lạ Việt Nam đang làm mưa làm gió trên màn ảnh của Đài truyền hình VTV. Lạ nữa là nếu không dùng tay giữ trái dừa, chỉ dùng răng Kim Tuấn cũng có thể lột sạch một trái dừa trong vòng 2 phút.

Ít người biết là thời chưa lên TP HCM, khi còn ở Đồng Tháp, Kim Tuấn cũng là nổi tiếng miệt Lai Vung với màn cầm trái dừa tươi đứng trên cây cầu bắc ngang qua kênh. Hít một hơi sâu lấy dưỡng khí, Kim Tuấn nhảy ùm xuống sông lặn một hồi dài khi trồi đầu lên thì trái dừa đã được anh dùng răng lột sạch như kiểu người bán dừa dạo dùng dao tách vỏ dừa.

Khoảng 3 năm trước, Kim Tuấn từng dùng răng kéo 30 chiếc xích lô, trên mỗi chiếc xích lô có 3 người đi được đoạn đường dài 45m tại Festival Huế. Rồi có lần anh dùng răng kéo chiếc xe tải có tải trọng 5,5 tấn cộng thêm 3,5 tấn hàng đi được gần 40m trong chương trình biểu diễn ở quận Gò Vấp, TP HCM. Tuấn nói là lần kéo xe tải, anh không quan sát kỹ đoạn đường nên khi xe đang di chuyển thì vấp gờ khiến lực bị mất giữa chừng chứ không thì có thể kéo được xa hơn.

Thấy tôi nhìn nghi ngại, Kim Tuấn thẳng thắn: "Nếu em không tin, bữa nào có ai tài trợ đi biểu diễn, anh ra giữa Sài Gòn dùng răng kéo xe tải lại để chứng minh cho em thấy anh nói thiệt. Hay muốn anh dùng mắt kéo xe hơi 4 chỗ cũng được. Chuyện đó không lớn mà".

Nguyễn Kim Tuấn biểu diễn tiết mục “Thiết thu công” tại quán cà phê.

2. Nguyễn Kim Tuấn sinh năm 1963 ở Đồng Tháp. Anh là con trai duy nhất trong gia đình, nên ngay từ khi rất bé, ba mẹ anh đã gửi anh lên học nội công ở vùng Thất Sơn (An Giang). Với mục đích ban đầu chỉ là học để rèn luyện cơ thể, khỏi bị bạn bè ăn hiếp. Ai ngờ, tiếp xúc với võ thuật từ quá sớm, anh đâm ra mê võ thuật và... chán chữ nghĩa. Rời Thất Sơn, Kim Tuấn tiếp tục tầm sư để học thêm nhiều môn phái khác nhau. Nhưng, ở bất cứ môn phái nào, Kim Tuấn cũng chú trọng đến thiết nội công nhiều hơn là quyền cước.

"Thú thiệt là hồi thanh niên, mình chỉ mê được... đánh lộn mỗi ngày. Ngày nào không đánh, là ngày đó ăn không ngon, ngủ không yên. Cũng may là...", Kim Tuấn kể. Cái may của Kim Tuấn là thời đó, võ đài bỗng nhiên trở thành thú tiêu khiển chính của người dân miệt sông nước. Hầu như đêm nào, ở các bãi đất trống vùng quê, người ta cũng dựng võ đài lên cho các thanh niên thi đấu. Những thanh niên này thường là môn sinh của các lò võ trong vùng, đánh nhau vì tiền thì ít mà vì danh dự của sư phụ là nhiều. Kim Tuấn không có lò võ bảo trợ, không ai cho anh thượng đài vì họ nghĩ, anh là hạng vô danh tiểu tốt. Mà cần phải nhắc lại rằng, lúc này Tuấn đã học qua Thần Quyền, Thần Võ Đạo, Thất Sơn Võ Đạo... là những môn võ bí truyền.

Thượng đài ngày xưa là phải ký vào giấy tử, Ban tổ chức không chịu trách nhiệm cho chuyện động tay động chân rồi võ sĩ lăn đùng ra chết. Thế nên, chuyện người ta từ chối cho Kim Tuấn thượng đài cũng là điều dễ hiểu.

Lần dò cộng với việc minh chứng khả năng mãi, võ sư Mười Huỳnh mới đồng ý nhận Kim Tuấn làm môn sinh cho lò võ của mình. Ông bảo chứng cho Kim Tuấn thượng đài. Ngay trận đầu tiên, Kim Tuấn đã hạ gục đối thủ một cách nhanh chóng bằng đòn chỏ và đòn gối, 2 đòn sở trường của anh. "Tôi nhớ phần thưởng ngày xưa cho võ sĩ thắng trận là 20 đồng, thua được 10 đồng. Chắc tầm tầm 2 triệu và 1 triệu như bây giờ, Nhưng, tiền chỉ là thứ yếu. Được đánh là vui rồi", anh kể.

Thượng đài vài năm, Kim Tuấn gần như không có đối thủ ở miền Tây. Người ta đặt cho anh cái biệt hiệu nghe rất hoảng, là "Con gà khét Lai Vung" hay "Con quỷ đầu vàng". Chuyện cũng chẳng có gì nghiêm trọng, không phải Kim Tuấn hầm hố đến mức có biệt hiệu như vậy, chẳng qua là vì bệnh sốt rét, nước da anh cứ tái vàng dần, kéo lên cả tận tóc. Phải nhờ thầy dạy võ cũ của anh ở Thất Sơn chữa vài tháng mới khỏi. Không hiểu là thầy của Kim Tuấn chữa cho anh bằng phương thuốc gì, mà khi khỏi bệnh, thầy dặn anh không được ăn thức ăn hàn. Đặc biệt, tuyệt đối không đụng đến dưa hấu.

Đấu võ đài hàng trăm trận, Kim Tuấn nổi tiếng đến mức bất  kỳ đoàn Sơn Đông mãi võ nào đi ngang miệt Lai Vung, muốn biểu diễn bao giờ cũng tìm đến anh để xin phép. Tuấn đồng ý, tức là được diễn. Anh lắc đầu, thì chủ đoàn muốn biểu diễn buộc phải đánh thắng được anh. Mà cái tên "Con gà khét Lai Vung" đã có thể bảo chứng cho danh tiếng của Kim Tuấn, nên chẳng chủ đoàn nào lại đi thách đấu với Tuấn làm gì cho mệt mỏi. "Tiếng là vậy thôi, chứ ai lại đi chặn đường sống của anh em làm gì", Kim Tuấn nói với tôi.

Hỏi Kim Tuấn là anh học lắm công phu, thượng đài cũng nhiều, vậy trận đấu nào là trận làm anh nhớ nhất. Tuấn trả lời rất nhanh: "Trận đấu với cà tha".

Cà tha không phải là tên của võ sĩ thi đấu với Kim Tuấn năm đó. Anh không nhớ võ sĩ này tên gì, chỉ biết võ sĩ này khi xung trận luôn ngậm cà tha (một vật linh theo tín ngưỡng của võ sĩ) trong miệng. Giới võ sĩ tin rằng ngậm cà tha vào miệng khi thượng đài thì cà tha sẽ tăng sức chịu đòn cho mình. Tôi hồ nghi đây là một loại doping về tinh thần ở thời điểm đó. Mà võ sĩ khi thượng đài, thấy đối thủ của mình ngậm cà tha thì cũng dễ hoảng.

Nhiều hiệp liền trong trận đấu, Kim Tuấn nhập nội ra đòn liên tục nhưng vẫn không thể hạ gục được đối thủ. Mãi sau, anh mới phát hiện võ sĩ kia ngậm cà tha. Lần nhập nội kế tiếp, Kim Tuấn lừa thế, dùng chỏ đánh thẳng vào miệng của đối thủ, cà tha bị đánh văng ra trên sàn đấu. Đối thủ gục, Kim Tuấn thắng trận. Đó là trận thắng rất vất vả đối với anh.

3. Võ đài tự do không được phép mở loạn xạ như trước đây, Kim Tuấn giải nghệ. Thi thoảng, nhớ nghề anh cũng đấm đá vài pha với những người bạn cùng giới võ. Cho đến khi lên TP HCM tìm kế mưu sinh, Kim Tuấn mới bỏ hẳn chuyện thượng đài.

Tiết mục “Thiết đầu công” của Nguyễn Kim Tuấn.

Ở TP HCM, Kim Tuấn sống bằng nghề biểu diễn. Nội công tích tụ được trong những năm tháng học nghệ được anh vận dụng vào những màn kiếm cơm ở các lễ hội, chương trình tạp kỹ.

Kim Tuấn nói với tôi rằng, có nội công, nhưng để phát huy được nội công lại là chuyện khác. Để có thể dùng đầu đội bể trái dừa tươi hay đóng đinh vào gỗ, anh phải luyện tập rất nhiều để điều chỉnh được khí từ đan điền tụ toàn bộ lại phần trán. Dùng tay chẻ cau, anh luyện hơn nửa năm và phải dùng thêm thuốc để xoa hai ngón tay. Có thể lột dừa bằng răng, anh phải chịu đựng nhiều ngày nhịn cơm vì ê cả hàm...

Và nhất thiết, ngày nào anh cũng phải luyện tập một cách cần mẫn. Kim Tuấn luyện công trước khi mặt trời mọc trong căn nhà của mình nằm khuất sâu trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM. Nhà thuê thôi, vì những người biểu diễn như anh thì lấy đâu ra tiền để mua nhà ở nơi tấc đất hàng lượng vàng này.

Nghề diễn vui, nhưng khổ. Thậm chí là uất ức. Có lúc bầu sô gọi Kim Tuấn đi biểu diễn tỉnh, hẹn là cát-sê cho mỗi đêm sẽ là 2 triệu đồng. Nhưng cuối đêm diễn, bầu chỉ đưa 500 đồng kèm theo lời năn nỉ: "Đêm nay ế quá, anh cầm đỡ". "Không lẽ mình phản ứng lại, nên thôi", Kim Tuấn kể.

Đi diễn nhiều, thu nhập lại bấp bênh. Cái chuyện có tiền rồi hết tiền bình thường như cơm bữa, nên hai người vợ của Kim Tuấn vì mến tài anh nên gá nghĩa cũng vì cái chữ nghèo mà rời xa anh. Cũng lâu rồi, Kim Tuấn ở vậy. Biểu diễn dư được đồng nào, anh cố gắng tằn tiện gửi về cho cô con gái lớn đang ở quê.

Lần gặp anh gần nhất, anh khoe mình mới về Sóc Trăng xin thọ giáo tuyệt kỹ của thầy Chương môn khí công. Một dạng khí công thuộc hàng thượng thừa. Anh nói các bậc thầy khí công của Trung Hoa có thể đi trên lá sen hay tờ giấy báo để qua sông, nếu luyện thành công thì hai năm nữa anh cũng có thể làm được chuyện này. Rồi còn nhiều tuyệt kỹ khác nữa, nhưng đó là chuyện ở thì tương lai. Anh hứa khi nào luyện được, anh sẽ gọi điện thoại cho tôi liền và tôi sẽ là người đầu tiên chứng kiến tuyệt kỹ này của anh.

"Anh nói thiệt, giờ anh thích nhất được đi nước ngoài biểu diễn đọ sức với người ta. Anh thấy thiết nội công của mình cũng ổn rồi, nhưng đó là mơ ước thôi. Vài năm trước, có người mời đi nước ngoài biểu diễn nhưng khi xin visa, người ta nói mình phải có tiền gửi trong ngân hàng để mình khỏi trốn lại nước đó. Nhưng mình thì lấy tiền đâu mà gửi. Hơn nữa, mình trốn lại bên đó làm gì, ở bên này không sướng hơn hả", Kim Tuấn nhắc hoài chuyện này với giọng trầm đều

Ngô Nguyệt Hữu
.
.