Sắc áo Công an trầm mình trong lũ dữ ở Nha Trang

Thứ Tư, 21/11/2018, 16:36
Nhiều bậc cao niên ở xứ trầm hương phải thốt lên rằng, nếu như cơn bão Damrey cuối năm ngoái ập vào Khánh Hòa là sự cố “độc nhất vô nhị” sau hơn nửa thế kỷ thì trận mưa lũ mới đây chưa từng có trong lịch sử thiên tai ở phố biển Nha Trang - một vùng đất nổi tiếng hiền hòa, thơ mộng.

1. Những cơn mưa dai dẳng xuyên suốt ngày và đêm 17-11 đã tạo ra dòng chảy xiết, xoáy từ trên các triền núi đổ xuống nhiều khu dân cư gây ngập nhiều tuyến phố ở Nha Trang. Đường huyết mạch giao thông hướng về trung tâm nội thành ách tắc. Gần sáng, hàng loạt bục bê tông dải phân cách trên quốc lộ 1A qua địa phận xã Vĩnh Lương bị nước lũ xô lệch, đổ ngã ngổn ngang.

Nhiều cung đoạn trên đường sắt xuyên Việt ở phía Bắc và Nam TP Nha Trang đã bị nhấn chìm trong nước, một số nơi sạt lở, trôi trượt nền đường, trôi cả tà-vẹt. Nhiều đoàn tàu khách, tàu hàng phải “nằm” lại ở các ga xép Ninh Hòa, Phong Thạnh, Lương Sơn, Nha Trang, Cây Cầy, Ngã Ba...

Trận lũ bất ngờ và dữ dội nằm ngoài dự báo. Bà Trần Thị Dung (52 tuổi, trú ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) kể: “Rạng sáng 18-11, trong lúc những người lớn tuổi còn đang thấp thỏm lo âu khi mưa trút nước xối xả thì nhiều tiếng động ầm ào dội xuống từ triền núi. Nước lũ cuốn trôi đất đá đổ ập xuống, đè bẹp và xô lệch nhiều căn nhà. Trong mưa to, tôi vẫn nghe rõ những tiếng người kêu la hoảng loạn...”.

Cảnh sát PCCC cùng Cảnh sát cơ động Công an Khánh Hòa cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở núi ở xã Phước Đồng.

Chỉ vài phút sau đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh - Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh Khánh Hòa đã nhận được lệnh của Đại tá Nguyễn Khắc Cường - Giám đốc Công an tỉnh qua điện thoại. Lập tức, 20 cán bộ - chiến sĩ (CBCS) đã khẩn trương đến thôn Thành Phát, xã Phước Đồng phối hợp với CBCS và sinh viên Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan không quân, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự, Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an Khánh Hòa triển khai phương án cứu hộ  cứu nạn.

Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh mô tả lại: “Núi sạt lở loang lổ như vết da beo. Bên dưới là thảm cảnh tan hoang đổ nát. Đất đá chồng chất ngổn ngang vùi lấp hàng chục căn nhà, chỉ còn lấp ló những mảnh vụn vỡ, móp méo. Địa hình ở đó có độ dốc cao, xe cơ giới chuyên dụng không thể nào tiếp cận, trong khi mưa dầm dề, bùn đất trơn trượt, nhão nhoẹt, nước lũ từ sườn núi đổ xuống ầm ầm. Nguy cơ sụp lở có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.

Các lực lượng công an, quân đội có mặt tại hiện trường đều lặng người đau xót. Tiếng gào khóc của thân nhân những người thương vong, mất tích vẫn không dứt. Chúng tôi cũng lao vào “điểm nóng” từ sáng đến tối. Gần 300 người dân được sơ tán khẩn trương ra khỏi tầm nguy hiểm, 20 người được giải cứu kịp thời ra khỏi đống đổ nát. Một số nạn nhân được khiêng nhanh ra hương lộ lầy lội, đưa lên xe ô tô chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để cấp cứu và điều trị. Thi thể 3 người tử nạn là Lê Kim Lương, Trần Kim Tuyền, Trần Thị Ngàn lần lượt được tìm thấy”.

Cảnh sát PCCC cùng Cảnh sát cơ động Công an Khánh Hòa cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở núi ở xã Phước Đồng.

Ở một hướng khác, 4 căn nhà dân khu vực Trường Sơn, phường Vĩnh Trường bị sập đổ, vùi lấp sau khi những vạt đất đá từ triền núi Chụt ập xuống. Từ trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an Khánh Hòa ở phố Ngô Gia Tự, phường Tân Lập, Trung tá, Phó trưởng phòng Nguyễn Quang Đang hối thúc lái xe tăng tốc đưa 30 CBCS đến hiện trường.

Những người lính trẻ tất bật từ sáng đến tối mịt để giải cứu 15 người dân mắc kẹt, chạy đua với nguy cơ núi có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Đội đã hỗ trợ gần 100 người già, trẻ em và phụ nữ sơ tán đến nơi tạm trú an toàn rồi đào bới, tìm kiếm được 3 thi thể nạn nhân.

Thiếu tá Trần Văn Chiến cho biết: “Chúng tôi nối dây thừng để kéo vật liệu từ căn nhà sập đổ; sử dụng xà beng và sức người bẩy đá. Sau đó, chúng tôi phải đào bới đất bằng tay để tìm kiếm người mất tích mà không sử dụng cuốc, xẻng để tránh tác động thân thể nạn nhân”.

2. Trận mưa lũ kinh hoàng xảy ra trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Sáng 18-11, bà Trần Thị Hòe - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tuổi Ngọc ở xã Cư A Mung, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk, cùng các cộng sự và người thân ăn sáng tại quán ẩm thực Tiến Huyền ở 14 Tôn Thất Tùng, phường Vĩnh Thọ trước khi khởi hành về lại Tây Nguyên. Đang giữa bữa ăn thì tai họa ập đến. Mưa lũ từ đồi La San cuốn theo đất đá xô sập bức vách phía sau quán, vùi lấp nhiều người.

Thượng tá Trần Quốc Đa - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an Khánh Hòa cùng 8 CBCS đến hiện trường, phối hợp hàng chục CBCS Ban chỉ huy quân sự, Công an TP Nha Trang, Công an và dân quân phường Vĩnh Thọ đào bới, giải cứu 5 nạn nhân đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, 2 người còn lại là nữ chủ quán Nguyễn Thị Thanh Huyền (44 tuổi, trú ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) và cháu Lâm Đàm Hứa Huy (7 tuổi) - con trai của nữ nhân viên văn thư Trường mầm non Tuổi Ngọc tử nạn.

Hiện trường đất đá sạt lở, cuốn trôi 10 căn nhà bên chân núi Hòn Xện ở phường Vĩnh Hòa khiến 4 người trong một gia đình nhà giáo tử nạn.

Thương tâm và đau xót hơn nữa, trên địa bàn phường Vĩnh Hòa có 4 người trong một gia đình nhà giáo tử nạn. Ông Ngô Văn Ửng (40 tuổi, trú ở tổ dân phố Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa) kể lại: “Gần 8 giờ sáng ngày 18-11, mưa mù mịt, nước từ triền núi Hòn Xện phía sau khu dân cư đổ xuống với lưu lượng lớn dần và chảy xiết, tràn vào một số căn nhà. Tôi leo lên núi một đoạn để quan sát và phát hiện bờ đất phía đông hồ chứa nước của khu đô thị Hoàng Phú trên núi Cô Tiên đang nứt dần. Hoảng quá, tôi vội bò xuống kêu vợ con sơ tán, đồng thời hô hoán những gia đình ở kế bên khẩn trương lánh nạn”.

Chỉ vài phút sau đó, hàng trăm khối nước rất lớn đổ ập xuống, cuốn sập 10 căn nhà. Gần nửa giờ sau đó, người dân mới biết anh Trần Hoàng Phong (33 tuổi) - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 2, vợ là Nguyễn Thị Thủy (33 tuổi) - giáo viên một trường mầm non tư thục ở địa phương và 2 con nhỏ là Trần Nguyễn Hoàng Quân (6 tuổi), Trần Thị Nhã Đan (1 tuổi) đều mất tích khi căn nhà nằm trong dòng chảy ầm ào như thác cuốn, chỉ còn lại ngổn ngang đất đá. Một vạt cây xanh triền núi cũng đã bị bóc gỡ để lại mảng đất đá trơ trọi vừa bị nước lũ cày xới rộng hàng chục mét.

Trung tá Hồ Chí Thanh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an Khánh Hòa cho biết, khi ông chỉ huy 18 CBCS đến nơi thì hàng chục CBCS Trường Sĩ quan thông tin cùng công an, dân phòng phường Vĩnh Hòa và nhiều người dân địa phương đã tiếp cận hiện trường. Chị Thủy bị nước cuốn trôi hơn 70m, đẩy dạt vào ban công tầng 2 một căn nhà dưới chân núi trong tình trạng bất động, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Đào bới khẩn trương, đến trưa cùng ngày mới lần lượt tìm thấy thi thể 2 đứa trẻ.

Thân nhân lặng người trước di ảnh vợ chồng nhà giáo Trần Hoàng Phong cùng hai đứa con bị nạn.

Đến lúc đó, thêm 30 CBCS từ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ - Bộ Công an được tăng cường thu dọn vật liệu từ 10 căn nhà bị nước lũ cuốn sập, đất đá vùi lấp và phối hợp tìm kiếm nạn nhân còn lại. Mãi đến cuối buổi chiều, thi thể anh Phong mới được tìm thấy, bị vùi dưới lớp đất đá.

Sáng 19-11, chị Thủy đã trút hơi thở cuối cùng. Mọi người không cầm được nước mắt khi nhìn thấy 4 chiếc quan tài được đưa lên đài hỏa táng bên đèo Rù Rì. Mẹ ruột anh Phong - bà Trần Thị Hoa Mỹ khóc: “Ác chi rứa trời, mai là ngày nhà giáo, con ơi...”.

Đại tang này sẽ không xảy ra nếu như không có sự cố vỡ bờ đất hồ chứa nước trên cao của khu đô thị Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư huy động xe cơ giới đào múc, tạo lập “túi nước” rộng lớn “treo” trên đầu khu dân cư. Cơ quan chức trách cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây ra từ sự cố vỡ bờ đất hồ chứa nước...

Cảnh sát PCCC Công an Khánh Hòa tìm kiếm 5 nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở núi ở đồi La San, phường Vĩnh Thọ.

3. Trở lại hiện trường vụ sạt lở núi ở thôn Thành Phát, bà Trần Thị Dung tâm sự: “Nhìn những CBCS công an cầm bánh mì, bưng tô mì tôm dưới tấm bạt che mưa tạm thời để lót dạ bữa trưa trong vài phút rồi lao ra hiện trường đào bới, tìm kiếm người mất tích, bà con ở đây ai cũng xúc động và cảm phục tinh thần vì nhân dân phục vụ”.

Chủ tịch UBND xã Phước Đồng – ông Đặng Lợi chia sẻ: “Không ít người lo ngại hiểm họa có thể tái diễn nên lên tiếng can ngăn. Nhưng, công an, quân đội vẫn cứ bám trụ cứu nạn – cứu hộ và đưa dân sơ tán.  Không có họ, tang thương chắc sẽ  còn kinh hoàng hơn nhiều. Không chỉ là giúp đỡ, các anh đã cứu mạng bao người”.

Nỗi đau thương chưa dễ nguôi ngoai, nhưng những nỗ lực quên mình của CBCS công an, bộ đội cũng đã giúp giảm đi nhiều tang tóc, giành lại sự sống cho bao nhiêu ngưởi trong cơn đại họa. Họ đã góp thêm chút lửa sưởi ấm tình người trong cơn lũ dữ.

Trao đổi với phóng viên ANTG sáng 20-11, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, chưa có con số thông kê về thiệt hại tài sản nhưng trận mưa lũ đã khiến 17 người chết, 30 người bị thương và 3 người mất tích. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Đức Vinh đã đến vùng sạt lở do thiên tai và bệnh viện để chia sẻ, động viên thân nhân các gia đình có người mất và bị thương. UBND TP Nha Trang đã hỗ trợ mỗi trường hợp người chết 6 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng.
Phan Thế Hữu Toàn
.
.