Sắc nắng trên dòng Đà giang

Thứ Tư, 30/09/2020, 08:16
Sau nhiều chuyến công tác, mãi đến bây giờ chúng tôi mới hiểu tại sao Đại úy Bạch Công Thi, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình và đồng đội đi đến đâu cũng được những người dân sông nước trên vùng lòng hồ Hòa Bình quý mến, gần gũi và coi như người thân thiết trong gia đình như vậy...

Đại úy Bạch Công Thi cũng như Đại úy Nguyễn Mạnh Thiên, Trung úy Bùi Mạnh Duy và cả Đội CSGT đường thủy đã giúp chúng tôi nhận ra những điều thật đẹp đẽ về tình quân dân, về trách nhiệm và sự tận tâm của người chiến sĩ công an giao thông ở một vùng sông nước.

CSGT đường thủy thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho người dân sinh sống thuộc các xóm làng vạn chài Sông Đà.

Chuyện ở Thung Nai

- Trưa nay ở lại ăn cơm nhé! Các cháu cứ mong và nhắc các chú mãi.

Ông Bùi Đăng Quân ở xóm Mới, xã Thung Nai vồn vã mời Đại úy Bạch Công Thi và Đại úy Nguyễn Mạnh Thiên ở lại dùng cơm với gia đình. Không chỉ có ông Quân mà nhiều người ở xóm Mới khi biết tin Đại úy Bạch Công Thi và Đại úy Nguyễn Mạnh Thiên đến, chẳng ai bảo ai họ kéo đến chật nhà ông Quân.

- Hôm nay hai chú nhất định phải ở lại ăn với anh em bữa cơm, không được về đâu nhé!

Lời mời của người dân cứ thế được cất lên với sự đồng tình, thân thiết. Lẫn trong tiếng nói cười là sự chân thành, cởi mở. Quây quần quanh những chiến sĩ đội CSGT đường thủy là những người dân sông nước hiền lành, thật thà và chất phác...

Gắn bó với người dân trên vùng sông nước lòng hồ Hòa Bình từ khi vào ngành cho đến tận bây giờ nên Đại úy Bạch Công Thi hiểu từng người, nắm rõ từng nhà như anh hiểu rõ luồng lạch con nước sông Đà trong mùa khô cũng như mùa lũ. Cũng chính vì hiểu rõ sự phức tạp và tiềm ẩn đầy rẫy hiểm nguy của sông nước vùng lòng hồ Hòa Bình nên anh và những CBCS Đội CSGT đường thủy đã nhiều lần “cướp cơm Hà Bá”, cứu được nhiều người dân gặp nạn ngay trên dòng lũ dữ. Chẳng kể đâu xa, chính con trai ông Quân là Bùi Văn Nam (sinh năm 1990) là một trong số nhiều người may mắn được những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đội CSGT đường thủy kịp thời cứu thoát khỏi dòng nước dữ cách đây chưa lâu.

Trò chuyện, Bùi Văn Nam kể: “Đợt ấy, em và một người cô đi Sơn La mua ngô. Khi về đến khu vực xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) vào khoảng 9h tối thì gặp dông lốc bất ngờ làm con thuyền chở hơn 30 tấn ngô bị lật, cô thì không biết bơi. Trước tình thế nguy cấp, hai cô cháu chỉ kịp mặc áo phao rồi gọi điện về Đội CSGT đường thủy. Lúc đấy em nghĩ là chỉ có các chú ấy mới có thể cứu được hai cô cháu nên gọi và cũng chỉ kịp thông báo là cháu gặp nạn. Chẳng kịp nói vị trí đang gặp nạn thì thuyền đã chìm hẳn xuống lòng sông...”.

Hôm đó đúng ca trực của Thi, anh nhận cuộc gọi khẩn của Nam. “Ngay sau khi nhận được cuộc gọi và không thể liên lạc được với Nam, anh em chúng tôi nhận định là có thể hai người đã bị rơi xuống sông”, Đại úy Bạch Công Thi nhớ lại. Giữa mênh mông sông nước, trời đang vần vũ trong cơn lốc. Mưa, gió rát rạt, chiếc cano nhỏ do Thi điều khiển thốc ga chạy hết tốc lực rẽ nước, chồm lên sóng lao vút vào bóng đêm... Phải mất đến gần 30 phút, cano mới đến được khu vực xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa - nơi mà tiếng kêu cứu cuối cùng bật lên trong cuộc điện thoại. Nhưng, “đến được nơi là một chuyện còn để tìm được người bị nạn giữa mênh mông sông nước trong cơn dông gió cuồn cuộn sóng nước trời đêm lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”, Bạch Công Thi chia sẻ.

Giữa bóng đêm đông như thạch, dầm mình trong mưa bão, những CBCS Đội CSGT đường thủy dò dẫm vừa tìm kiếm. Sau hơn 3 giờ tìm kiếm, cuối cùng họ cũng đã vớt được hai người bị nạn trong tình trạng kiệt sức vì phải vật lộn với sóng dữ. Hoàn thành nhiệm vụ, các anh quay trở về điểm đóng quân cũng đã gần 1h sáng...

Đó chỉ là một trong những câu chuyện cứu người gặp nạn của những CBCS Đội CSGT đường thủy Công an tỉnh Hòa Bình. Không chỉ vậy, họ còn là “điểm tựa” vững chắc cho những người dân sông nước trong mùa lũ dữ. Đợt mưa lũ lịch sử năm 2017 xảy ra tại Hòa Bình, dù chỉ có những trang bị phương tiện cũ, nhỏ nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi trên tinh thần “tính mạng con người là trên hết”, CBCS Đội CSGT đường thủy đã dìu, lai dắt hơn 40 nhà nổi của 82 hộ dân, di chuyển hơn 300 con người từ làng vạn chài trên sông Đà về nơi tránh trú an toàn. Trong quá trình giúp người dân di chuyển về nơi an toàn, các anh không quản ngại hiểm nguy trực tiếp đến tính mạng, kịp thời cứu 3 cháu bé bị nước lũ cô lập đưa về nơi an toàn.

Đáng nói, ngay khi vừa đưa các cháu bé lên cano thì khu vực đó sụt lún, bị dòng nước lũ cuồn cuộn “nuốt chửng” vào lòng sông. “Chỉ chậm thêm một khoảnh khắc nữa thì cả 3 cháu bé và các CBCS Đội CSGT đường thủy sẽ bị nước lũ cuốn trôi. Khi ấy, chắc chắn sẽ có hy sinh, mất mát”, ông Nguyễn Văn Khoát, người dân xóm vạn chài thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) là người trực tiếp chứng kiến chia sẻ...

Lực lượng CSGT đường thủy phát hiện và bắt giữ đối tượng sử dụng kích điện đánh cá trên Sông Đà.

Vì một vùng sông nước an toàn

Suốt hơn 20 năm gắn bó với sóng nước sông Đà kể từ khi Đội CSGT đường Thủy được thành lập, Đại úy Bạch Công Thi không thể nhớ hết những tình huống các anh ở ranh giới sống - chết như vậy. Con sông Đà chảy qua 5 huyện, 1 thành phố của tỉnh Hòa Bình, bị ngăn cách bởi con đập Nhà máy thủy điện Hòa Bình tạo thành hai khu vực thượng lưu và hạ lưu. Khu vực thượng lưu (hồ thủy điện Hòa Bình) có chiều dài gần 80km. Tuyến hồ có chế độ thủy văn phức tạp, địa hình đồi núi hiểm trở, luồng sông khúc khuỷu nhiều cong, cua gấp.

Về mùa lũ thường xuất hiện lốc xoáy cục bộ, lũ quét, lũ ống; tuyến hạ lưu có chiều dài khoảng 25km nhưng lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều tiết nước của Nhà máy thủy điện Hòa Bình với biên độ dao động mức nước lớn từ 12-23m. Mùa mưa lũ, tốc độ dòng chảy rất lớn gây nguy hiểm cho phương tiện thủy khi lưu thông qua lại.

Trên toàn tuyến sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình có 1.256 phương tiện thủy nội địa, trong đó có 269 phương tiện chở khách. Số phương tiện lớn và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT đường thủy của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Trước thực tế đó, Đội CSGT đường thủy đã chủ động tham mưu cho Ban ATGT tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh chủ động thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Từ phong trào này, nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn được triển khai, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Một trong những hoạt động đó là việc tặng áo phao, phương tiện nổi cho học sinh tại các xã vùng lòng hồ.

Với đặc thù là vùng sông nước nên hầu hết các em học sinh ở các xóm, xã giáp với vùng lòng hồ phải đi học bằng thuyền rất nguy hiểm. Thậm chí, đã có những trường hợp đuối nước thương tâm trên đường đi học như 3 em học sinh ở xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong) bị lật thuyền, đuối nước khi đang trên đường đi học về. Dù vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng đã lâu nhưng cho đến nay không chỉ chị Bùi Thị Luyến, Chủ tịch UBND xã mà cả những người “bạo gan, cứng vía” như ông Bùi Văn Nhàn mỗi khi nhớ lại vẫn còn rùng mình, ám ảnh.

Cũng là dân sông nước nên ông Nhàn hiểu sông nước Đà giang dữ dằn như thế nào. Chỉ sơ sẩy một chút là phải trả giá bằng cả tính mạng con người. Ba đứa trẻ cùng đi trên một con thuyền, trong đó có hai chị em ruột, đứa lớn học lớp 5, nhỏ học lớp 3 gặp nạn. Vụ tai nạn thương tâm đã làm cho cả cái xóm nhỏ heo hút nơi góc núi, góc hồ chìm trong nỗi day dứt không nguôi...

CSGT đường thủy Công an tỉnh Hòa Bình tham gia hỗ trợ lương thực, giúp nhân dân Suối Nánh (vùng cao huyện Đà Bắc) di dời người và tài sản trong trận lũ lịch sử năm 2017.

 Với quyết tâm không để những tai nạn thương tâm xảy ra, trong 5 năm qua, ngoài việc tổ chức 50 cuộc tuyên truyền phổ biến, đưa Luật Giao thông đường thủy đi vào cuộc sống cho hàng chục nghìn người dân. Các CBCS Đội CSGT đường thủy - Công an tỉnh Hòa Bình đã đến từng xóm, vào từng nhà dân để tuyên truyền, vận động gia đình, ban quản lý xóm thành lập các tổ, nhóm thay phiên nhau đưa con em đến trường bằng phương tiện thủy đảm bảo. Đến nay, tình trạng học sinh tự đi học bằng thuyền trên vùng lòng hồ Hòa Bình hầu như không còn mà thay vào đó là những chuyến đò bình yên, an toàn.

Nhiều xóm, xã đã thực hiện việc đưa đón học sinh đi học bằng thuyền tập trung như xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong), xóm Bích, xóm Vôi, xóm Tháu (phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình), xóm Nưa (xã Vầy Nưa, Đà Bắc)... Đồng thời, bằng nguồn quỹ quyên góp, vận động, ủng hộ của CBCS và vận động xã hội hóa, các CBCS CSGT đường thủy đã trao tặng hàng nghìn áo phao, gần 500 dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay cho các em học sinh đi học bằng phương tiện thủy. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, trên tuyến lòng hồ Hòa Bình không còn xảy ra vụ tai nạn thương tâm, đáng tiếc nào.

Ngoài việc xây dựng, duy trì các mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, CSGT đường thủy Công an tỉnh Hòa Bình tích cực tham gia, đấu tranh hiệu quả với tội phạm trên tuyến. Trong 5 năm qua, đơn vị đã lập biên bản 381 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; chủ động đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 24 vụ khai thác cát, sỏi trái phép, tạm giữ 30 phương tiện, tịch thu hơn 3.000m3 cát, sỏi; bắt 18 vụ các đối tượng đánh bắt cá bằng xung kích điện; bắt giữ 12 vụ đánh bắt cá tại vùng cấm Công ty thủy điện Hòa Bình.

Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình chia sẻ, lòng hồ sông Đà khá rộng, là địa bàn giáp ranh với tỉnh Phú Thọ và tỉnh Sơn La, tội phạm hoạt động trên tuyến khá phức tạp, trong khi đó lực lượng CSGT lại ít nên rất vất vả, đặc biệt là vào những dịp lễ hội đông khách du lịch, hay là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, các đồng chí đã coi cuộc sống của người dân lòng hồ như cuộc sống của chính người thân để phát huy trách nhiệm, sự tận tâm, nhiệt huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tôi chào tạm biệt các CBCS CSGT đường thủy khi chiều buông, chiếc cano nổ máy quay đầu lao vút về phía sóng nước mênh mang. Theo những con sóng nối dài, bóng cảnh phục lẫn trong ánh hoàng hôn loang loáng mặt hồ như sắc nắng trên sông. Chiều trên dòng Đà giang, bao nhiêu năm qua vẫn vậy. Những bóng áo vàng lẫn trong dáng núi, nơi các anh luôn nở nụ cười thân thiện, thật bình yên!   

Với việc chú trọng, kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho những đứa trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, CSGT đường thủy đã từng bước góp phần hình thành ý thức tự giác chấp hành quy định của người dân khi tham gia giao thông, với suy nghĩ nhất quán “đã lên tàu, thuyền là phải mặc áo phao. Không có áo phao, không có phương tiện nổi cứu hộ, không xuất bến”.

Từ sự đồng thuận của người dân, trong 5 năm qua, cùng với các cấp, các ngành, các địa phương, lực lượng CSGT đường thủy đã xây dựng, duy trì được 1 mô hình “Bến đò an toàn”, 1 mô hình “Khu dân cư an toàn ven hai bên bờ sông Đà”, 1 mô hình “Tuyến sông văn hóa - an toàn”, 2 mô hình “Nhân dân tự quản về TTATGT, trật tự xã hội đường thủy”; 1 mô hình “HTX vận tải hành khách an toàn”, 1 mô hình “Bến khách an toàn”.

Ngô Thủy
.
.