Sai phạm của 4 bị can nguyên là cán bộ Công an trong vụ án Hai Chi

Thứ Hai, 02/04/2007, 08:00

Do quen biết từ trước, Hoàng Đình Loan, Phó Công an huyện Hàm Tân, đối xử với anh em Hai Chi xuề xòa theo kiểu những anh nông dân cùng xóm đối  xử với nhau. Từ thói quen trở thành tính cách, ông trượt dài đến chỗ tiếp tay, bao che cho chúng lúc nào ông cũng không biết.

Lẽ ra phiên tòa dành cho 4 bị can này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên Đán 2007. Tuy nhiên, để bảo đảm khách quan, do phiên tòa xét xử băng đảng của hung thần Hai Chi vẫn chưa được tiến hành nên phiên tòa dành riêng cho họ cũng đã được lùi lại...

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Thuận,  cả 4 bị can gồm Hoàng Đình Loan, Vương Đình Hợp, Nguyễn Duy Bình và Nguyễn Quang Bảng đều bị truy tố  theo tội danh “thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”. Riêng Hoàng Đình Loan còn có thêm tội danh “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”. Nguyễn Duy Bình “đội sổ” với thêm hai tội danh khác là "che giấu tội phạm" và “nhận hối lộ".

Thật đáng tiếc, bởi họ đều nguyên là những cán bộ công an lâu năm. Hoàng Đình Loan từng được thưởng Huân chương Chiến công, Vương Đình Hợp, Nguyễn Quang Bảng đều từng được nhận Huy chương Vì An ninh Tổ quốc... Chỉ cần họ tỉnh táo hơn, thực hiện đầy đủ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, hẳn là họ hoàn toàn có thể tránh được việc phải ra trước vành móng ngựa. Nhưng họ đã không làm thế.

Hoàng Đình Loan vào Lực lượng Công an từ tháng 3/1975, sinh sống và làm việc tại Công an huyện Hàm Tân cũng đã gần 30 năm. Dính líu đến băng đảng tội phạm của anh em nhà Hai Chi, tên ông được báo chí, dư luận đề cập nhiều nhất, bởi suốt một thời gian dài khi anh em tên hung thần đang lộng hành thì ông Loan chính là người từng giữ những trọng trách như Đội trưởng Đội CSĐT rồi Phó Công an huyện, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra huyện Hàm Tân.

Trái ngược với những tai tiếng về một nhân vật quyền thế tại địa phương nhưng lại có quan hệ mật thiết với những tên tội phạm, ông Loan là người chất phác. Ông lại bị bệnh tiểu đường khá nặng nên hầu như cũng chẳng ham hố ăn nhậu, chơi bời nhiều để bảo là dễ bị mua chuộc. Tiếp xúc, người ta có cảm giác ông Loan là một người chất phác và mẫn cán với công việc, dường như chỉ làm việc để chờ đến tuổi hưu là trở về với đúng hoàn cảnh mà ông xuất thân là mảnh vườn, cái cuốc.

Năm 1991, vì tội cưỡng đoạt tài sản Hai Chi đã phải nhận bản án 2 năm tù giam, thụ hình tại nhà tạm giữ Công an huyện Hàm Tân. Lúc này, ông Loan chính là người phụ trách nhà tạm giữ. Bảy năm sau, vì tội làm giả búa kiểm lâm, Hai Chi bị kết án 9 tháng tù. Thời điểm đó, ông Loan đang là Đội trưởng Đội Điều tra Công an huyện Hàm Tân.

Sau ngày 31/8/1998, ông Hoàng Đình Loan trở thành Phó trưởng Công an huyện, phụ trách khối cảnh sát. Ông chẳng lạ gì lai lịch và bề dày thành tích bất hảo của anh em tên hung thần. Khi có chuyện, chỉ cần ông gọi một tiếng là đủ làm cho anh em nhà Hai Chi rúm ró, đến trình diện ngay.

Nhưng khổ nỗi, vì biết nhau quá lâu, dù là sự quen biết không bắt nguồn từ những hoàn cảnh thân thiện, nó cũng đủ cho đám tội phạm có được cái “vinh dự” trở thành “người quen” của ông Phó trưởng Công an huyện, đủ để khi tình cờ gặp ông, chúng có thể tự tin hỏi thăm một câu, mời mọc một câu đầy lễ phép. Và thế là ông mất cảnh giác.

Ông quên mất chúng từng là những tội phạm và đang là nghi phạm. Ông đối xử với chúng xuề xòa theo kiểu những anh nông dân cùng xóm đối  xử với nhau, bực thì mắng một câu thật to, chửi một tiếng thật ác rồi... tha. Từ thói quen trở thành tính cách, ông trượt dài đến chỗ tiếp tay, bao che cho chúng lúc nào ông cũng không biết.

Đêm 25/11/2001, Nguyễn Công Thọ (Thọ “đại tá”, em trai của Hai Chi) đã cầm đầu một nhóm tay chân gồm Hoàng Văn Sửu, Nguyễn Thanh Anh, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Thanh Tuấn, Trần Nhật Ký, Trần Vĩnh Trị mang hung khí đến quán cà phê Ngọc Huệ ở Tân Nghĩa đánh, chém nhóm Lê Văn Tuyền để trả thù. Tuyền chạy thoát, nhưng một người trong nhóm là anh Nguyễn Minh Dũng bị chúng chém, phải đưa vào Bệnh viện Hàm Tân cấp cứu xác định thương tật 31%.

Ban đầu, thương tích này được xác định là 25%. Tỉ lệ thương tật, người bị hại, nhân chứng vật chứng rõ ràng, đối tượng gây án cũng chẳng có gì là khó để xác định, quá đủ để khởi tố hình sự vụ án. Ông Loan, lúc đó đang là Đội trưởng Đội CSĐT, Công an huyện đã giao cho điều tra viên Trần Xuân Phương điều tra vụ án. Phương nhận việc nhưng không tiến hành điều tra, ông Loan cũng không buồn nhắc.

Trưởng Công an huyện Nguyễn Long nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc, ông Loan cũng vẫn không khởi tố điều tra vụ án. Cả đến khi đã trở thành Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an huyện Hàm Tân, ông vẫn không có động thái gì để việc điều tra tiến triển.

Ông dửng dưng như người ngoài cuộc, bởi ngay sau khi gây án, Thọ “đại tá” đã nhờ Nguyễn Thanh Gương (Hai Chi) đến “nói một câu” xin ông bỏ qua cho nhóm của Thọ “đại tá”. Ông không “ừ” mà cũng chẳng bác, cứ mặc kệ cho vụ việc trôi đi cho đến khi nó bị Ban Chuyên án HT - 405 lật lại.

Đây chỉ là một trong khá nhiều vụ thuộc tội danh “cố ý gây thương tích” đã bị bỏ qua trên địa bàn huyện Hàm Tân trong suốt một thời gian dài. Với loại tội danh này, thường Cơ quan Công an gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra, nếu như  không bắt quả tang ngay tại trận. Gần như chắc chắn, nếu không xác định được chủ thể bị hại, những vụ cố ý gây thương tích sẽ không thể khởi tố được.

Trong trường hợp hai anh hàng xóm xích mích, lỡ tay phang nhau một gậy hay nóng giận xỉa nhau một dao thì việc làm án không khó, bởi cả kẻ gây án lẫn người bị hại đều biết rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Người bị hại chẳng có lý do hay áp lực nào để không khởi kiện kẻ gây thương tích.

Trường hợp băng nhóm côn đồ thanh toán, đánh chém nhau, nạn nhân lẫn thủ phạm cũng đều một giuộc, chúng thường tự giải quyết với nhau để tránh dây dưa với luật pháp, việc phát hiện và xác định người bị hại trở nên rất khó khăn.

Những vụ côn đồ hành hung người vô tội càng phức tạp hơn. Sau khi gây án, những tên côn đồ thường đe dọa, gây áp lực tinh thần với nạn nhân và gia đình khiến họ lo sợ. Có kiện cũng chưa chắc đã ăn thua, trong khi gần như sẽ gặp rắc rối trước việc bị trả thù. Đôi khi, sự thiếu hiểu biết luật pháp, thiếu can đảm đã khiến người bị hại làm đơn bãi nại cho thủ phạm hoặc không khai báo, chỉ nhằm được yên thân hoặc vớt vát lại “chút ít” sự đền bù.

Trong trường hợp này, sự cố gắng, minh bạch, thái độ kiên quyết, thượng tôn luật pháp của cán bộ ngành công an sẽ là yếu tố quyết định. Lúc đó, những người mặc cảnh phục rất có thể sẽ phân vân: khởi tố vụ án cũng chưa chắc đã điều tra được đến nơi, lại dễ bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Mồi nhử được thò ra tức thì: im lặng, không đả động đến vụ việc, anh có thể nhận được - cũng “chút ít” - quà biếu xén từ hai phía. Tội phạm đút lót để không bị ra tòa và nạn nhân gửi “tiền trà nước” khi họ nhận được đền bù cho sự im lặng từ phía tội phạm.--PageBreak--

Từ thực tế khó khăn trong trường hợp thứ nhất, Hoàng Đình Loan và 3 bị cáo còn lại đã đi quá xa vào trường hợp thứ hai. Vụ Nguyễn Minh Dũng bị chém, ông Loan biết rất rõ vụ việc cũng như hung thủ nhưng lại nại ra rằng: “Vì huyện thiếu điều tra viên, nếu khởi tố vụ án thì không có điều tra viên để tiến hành các hoạt động tố tụng”. Dĩ nhiên, đây chỉ là việc không muốn làm nên tìm ra lý do nên dễ dàng bị bác bỏ.

Nghiêm trọng hơn, ngày 14/9/2001, ngay sau khi nhận được tin báo về cái chết của anh Nguyễn Trung Đức, Hoàng Đình Loan đã đích thân có mặt chỉ đạo khám nghiệm hiện trường. Tối hôm đó, Nguyễn Thanh Gương (Hai Chi) đã chở hung thủ Nguyễn Hữu Toàn đến Công an huyện đầu thú.

Nguyễn Hữu Toàn và Nguyễn Tấn Bạo đều khai nhận có đuổi và dùng dây xích đánh anh Nguyễn Trung Đức. Là người trực tiếp lấy cung và ghi biên bản, nhưng ông Loan lại không tiến hành xác minh, điều tra thu thập chứng cứ hay đấu tranh với Toàn, Bạo để làm rõ hành vi gây án và truy thu vật chứng, lại còn... nhờ Hai Chi gọi gia đình Toàn đến Công an huyện viết giấy bảo lãnh xin cho Toàn về.

Vụ này, sai phạm của Loan đã được Vương Đình Hợp, điều tra viên của PC16 Công an tỉnh Bình Thuận, tiếp tay nối dài. Không buồn nghiên cứu hồ sơ, Hợp chỉ ghi lời khai chung chung, sơ sài, sai lệch cả thời gian, cố tình kéo dài thời gian điều tra. Mãi đến ngày 30/3/2003, Hợp mới viết báo cáo đề xuất không khởi tố vụ án và trình lãnh đạo PC16. Sau đó, quyết định không khởi tố vụ án, Hợp cũng tự làm, tự biết, không gửi cho Viện KSND tỉnh Bình Thuận như luật quy định.

Sau vụ Nguyễn Trung Đức đến vụ Huỳnh Văn Hòa, xảy ra đêm 19/10/2002, tại quán Trúc Mai của bà Nguyễn Thị Mai, vợ lớn của Hai Chi. Vì xích mích khi tính tiền tại quán, hai anh Huỳnh Văn Hòa và Lê Trung Thành đã bị Nguyễn Thanh Gương (Hai Chi), Hoàng Văn Sửu, Nguyễn Văn Tư (em ruột Hai Chi) chặn xe vây đánh. Nguyễn Văn Tư đã dùng tay đánh và thúc đầu gối liên tục vào ngực, bụng nạn nhân khiến anh Hòa vỡ xương ức, vỡ tim chết tại chỗ, Lê Trung Thành ngất xỉu. Để phi tang, Hai Chi đã chỉ đạo các tên Hiếu, Ân, Sửu chở anh Thành và xác anh Hòa ra Quốc lộ 1A tạo hiện trường giả như một vụ tai nạn giao thông.

Hiện trường vụ "tai nạn giao thông" khiến Huỳnh Văn Hoà chết.

Nguyễn Duy Bình và một số cán bộ công an huyện Hàm Tân tham gia khám nghiệm hiện trường ngay trong đêm. Hàng loạt điểm phi lý, hàng loạt lời khai của nhân chứng chứng tỏ sự mâu thuẫn giữa hiện trường và nguyên nhân dẫn đến cái chết như không có vết va đập, không vết cày xước hay thắng xe, xe môtô của nạn nhân chỉ hư hỏng nhẹ, vết thương trên tử thi không phù hợp... đều bị Hội đồng khám nghiệm dễ dàng bỏ qua.

Biên bản được lập, được các thành viên trong đoàn ký vào nhưng không ghi nội dung, bởi hầu hết những người có mặt đều nghi ngờ đây là một vụ án mạng chứ không phải tai nạn giao thông. Tất cả những ghi nhận chỉ được Bình ghi nháp sơ sài vào sổ tay, đồng thời sơ bộ nhận định đây là một vụ tai nạn giao thông, nạn nhân không làm chủ tốc độ tự tông vào ôtô cùng chiều dẫn đến tử vong.

Ngày hôm sau, Nguyễn Quang Bảng, điều tra viên của PC16 Công an tỉnh đến chủ trì việc tái khám nghiệm hiện trường và tử thi. Thực tế, Bảng không khám nghiệm hiện trường, chỉ khám nghiệm tử thi một cách qua loa và nhận định đây là một vụ tai nạn giao thông, giao hồ sơ lại cho Nguyễn Duy Bình.

Chẳng cần điều tra xác minh, bỏ qua cả lời khai của nạn nhân Lê Trung Thành và nhân chứng Hồ Thị Mỹ Dung, Bình tự ý sử dụng biên bản khám nghiệm hiện trường đêm trước đã được các thành viên trong đoàn ký sẵn để đọc cho đồng sự của mình ghi những gì đã ghi nháp trong sổ tay.

Chưa hết, khi mời anh Lê Trung Thành đến Công an huyện chứng kiến việc khám nghiệm xe môtô,  Bình còn thảo sẵn một giấy cam kết, giao cho Thành chép lại và đem về cho gia đình anh Hòa ký, xem đó như một điều kiện để cho Thành nhận lại xe. Nội dung bản cam kết là một sự áp đặt cẩu thả và vô lý: “Vào ngày 19/10/2002, con tôi là Huỳnh Văn Hòa (...) điều khiển xe môtô đã uống rượu say nên không làm chủ tốc độ, đã đâm vào xe ôtô cùng chiều xảy ra tai nạn và Hòa chết tại chỗ. Lỗi của vụ tai nạn này là do Hòa gây ra, không thắc mắc và khiếu nại gì...”.

Từ những hồ sơ lập sai luật này, Bình đã thảo sẵn Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Hoàng Đình Loan cũng đã duyệt đồng ý quyết định này và Bình không hề gửi nó cho Viện KSND huyện Hàm Tân để cơ quan này thực hiện chức năng kiểm sát của mình.

Không bị xử lý sớm, hành vi phạm tội của Nguyễn Duy Bình đã tái diễn. Ngày 1/2/2005, Trần Vĩnh Khương, không có giấy phép lái xe, say rượu đã điều khiển xe môtô tông chết anh Lê Minh Cường.

Bình không trực tiếp khám nghiệm hiện trường, chỉ lấy lời khai của đôi bên liên quan và mời cả hai bên để thương lượng. Bị Hai Chi và Trần Vĩnh Trị (cha Trần Vĩnh Khương) đe dọa gây áp lực, chị Nguyễn Thị Vân, vợ nạn nhân đành phải chấp nhận mức bồi thường 6 triệu đồng để không kiện. Bình đã đổi trắng thay đen, kết luận nguyên nhân vụ tai nạn giao thông theo chiều hướng nạn nhân là người gây tai nạn và tử vong.

Với kết luận này, Trần Vĩnh Khương đã thoát khỏi bị truy tố, chỉ bị phạt hành chính. Trần Vĩnh Trị đã đưa cho Bình 800.000 đồng trong đó 500.000 đồng để trả tiền chụp ảnh hiện trường và đóng phạt hành chính cho Trần Vĩnh Khương, 300.000 còn lại là để “bồi dưỡng cho Bình. Nguyên nhân cái chết của một con người đã được thay đổi bằng một cái giá qua rẻ mạt!

Với những vụ việc nghiêm trọng đã được làm sáng tỏ, các bị can hầu như chẳng thu được lợi lộc gì cho riêng bản thân. Thế nhưng, hành vi của họ lại khiến cán cân công lý bị bẻ cong, tạo cơ hội cho bọn tội phạm lọt lưới, cái ác không bị trừng trị. Đáng tiếc là suốt nhiều năm, lãnh đạo công an của cả huyện Hàm Tân lẫn tỉnh Bình Thuận đều không phát hiện ra những vụ việc này để xử lý và ngăn chặn.

Những vụ việc nói trên đều không thể và không chỉ là sai phạm của riêng một cá nhân mà nó diễn ra có tính xâu chuỗi, qua nhiều người, nhiều khâu, lặp đi lặp lại. Bài học về sự thiếu tu dưỡng, buông lỏng quản lý đã phải trả giá quá đắt, nhất là khi lòng tin của nhân dân địa phương vào hệ thống luật pháp đã bị xói mòn. Và nó cũng quá đắt không chỉ với 4 bị can sắp sửa phải ra đứng trước vành móng ngựa mà còn quá đắt với Công an Hàm Tân và Công an tỉnh Bình Thuận

.
.