"Sống chung" với mồ mả

Thứ Ba, 28/08/2007, 16:30

Một nghĩa trang vẫn đang "hoạt động" giữa khu đô thị mới quy hoạch hiện đại. Điều tưởng như vô lý lại đang hiện hữu ngay tại khu Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội - vốn được mệnh danh là "Khu đô thị mới rộng nhất Việt Nam" hiện nay.

Không chỉ có thế, bên cạnh sự tồn tại của nghĩa trang đó là một lô một lốc vấn đề có liên quan. Ấy thế mà, dường như những người có trách nhiệm ở đây lại tỏ ra không mấy quan tâm tới.

Ngồi trong nhà ngửi thấy mùi khói hương ngoài nghĩa trang

Tầng 1, phòng 102 nhà P4 ở khu Việt Hưng là căn hộ của gia đình chị Nguyễn Thị Hường. Trước đây gia đình chị ở Yên Viên, mới chuyển hẳn đến khu Việt Hưng này được hơn 1 tháng nay. Chị Hường cho biết, chị mua căn hộ này có diện tích 77m2 với giá 8 triệu đồng/m2.

Ban đầu, gia đình chị định mua nhà ở khu K, nhưng đến nơi xem thấy gần nghĩa trang quá nên “dạt” sang khu P này. “Hồi tháng 3/2007, đi xem nhà thấy bên nghĩa trang vẫn có mộ mới chôn cất còn nguyên hoa tươi, khói hương nghi ngút.

Đã thế, nghĩa trang lại cách nhà có một con đường, đứng ra ngoài hiên nhìn sang nghĩa trang rõ mồn một. Phải ngày đi làm mệt mỏi về mở cửa ban công ra nhìn thấy nghĩa trang hương khói với hoa tươi thì chắc phát ốm”, chị Hường nói.

Theo lời chị Hường, khi gia đình chị tỏ vẻ không muốn mua căn hộ ở khu K thì phía Ban Quản lý khu đô thị lại trả lời rằng các chỗ khác bán hết rồi, chỉ còn ở đấy thôi.“Lúc đó chúng tôi cũng thắc mắc lắm. Nhà thì đầy ra đấy, hết là hết thế nào? Rất nhiều người đi mua như chúng tôi đã bỏ đi”. Được người mách cho, rút cục chị cũng mua được căn hộ hiện tại.

“Ở nhà P4 này tuy có đỡ hơn, nhưng chưa phải là đã thoát”, bà Lê Thị Hảo, mẹ chị Hường ra trông cháu thêm vào: “Đợt nắng nóng oi bức vừa rồi, có ngày người trong làng ra thăm mộ nhiều, mùi hương từ ngoài nghĩa trang xộc vào tận trong nhà”.

Chưa hết, theo bà Hảo, mối lo lớn nhất của gia đình bà cũng như các hộ khác ở đây là nguồn nước ăn, nước sinh hoạt. “Kể như được nước sạch nhà máy thì tốt. Chứ ở đây có biết bao nhiêu nghĩa trang, nghĩa địa từ trước đến nay, giờ họ khoan lên rồi cho chúng tôi dùng. Nói là có lọc, có xử lý đấy, nhưng lấy gì đảm bảo đây? Lo lắm!”.

Thật tình cờ, chúng tôi gặp ngay ông Trần Huy Minh, Đội trưởng Đội Quản lý chung cư lô B – 5 tầng thuộc Chi nhánh Xí nghiệp 4, Công ty Dịch vụ đô thị nhà ở. Ông Minh cung cấp thông tin: Tổng cộng lô B có 9 nhà 5 tầng, mỗi nhà có 20 căn hộ và hiện đã bàn giao 67 căn, 42 hộ đã dọn đến ở. Phí dịch vụ ở đây là 20 nghìn đồng/hộ/tháng.

Về nguồn nước, ông Minh xác nhận là nước giếng khoan tại chỗ, do xí nghiệp tự khai thác, tự xử lý và “chúng tôi có trạm bơm to ở dưới kia kìa, các anh đến đấy mà xem!” - ông Minh khoát tay về phía trước. Chúng tôi tiếp tục đi đến căn hộ số 106 tại nhà K8 của anh Trần Ngọc Hà.

Anh Hà dọn đến khu Việt Hưng từ tháng 10/2006. “Tôi cảm giác là ngay từ lúc mua nhà đã “có vấn đề”, anh Hà nhớ lại: “Họ cho chúng tôi đi xem thoải mái. Thích căn hộ nào cho xem căn hộ đấy. Nhưng khi tỏ ý muốn mua thì họ lại trả lời là bán rồi. Đến lúc ông bố tôi nổi cáu, định không mua nữa thì họ mới chỉ về đây”. Về nước sinh hoạt, anh Hà cho biết anh đã “bị lừa”.

Lúc chúng tôi đến, anh vẫn tin rằng mình đang được sử dụng nước sạch nhà máy (như lời giới thiệu lúc mua nhà). Vì thế, anh đã mua nguyên cả một chiếc bình lọc nước trực tiếp từ đầu vòi để sử dụng trong nhà và rót nước ra mời chúng tôi rất “vô tư”.

Biết nguồn nước đang sử dụng là nước do trạm cấp nước của khu đô thị tự khoan, anh Hà mới tá hỏa, cuống quýt lấy giấy bút hỏi chúng tôi địa chỉ để đi xét nghiệm mẫu nước, đồng thời cho biết sẽ dẹp ngay cái bình lọc trực tiếp kia, quay trở lại uống nước đun sôi cho đến khi có kết quả.

Là một trong những người ở đầu tiên của khu Việt Hưng, anh Hà khẳng định có “nhiều vấn đề” đối với cư dân sinh sống ở đây. Ngoài những phiền toái từ sự hoạt động của nghĩa trang mang lại thì hệ thống thoát nước của khu đô thị cũng đáng phải bàn đến.

Anh Hà dẫn chúng tôi ra tận nơi để “mục sở thị”: Ngay trên mặt sân gạch hoa rất đẹp, Ban quản lý đã đục hàng loạt lỗ thông hơi, mỗi lỗ cách nhau chừng 2m dọc theo đường ống ngầm dẫn nước, khí thải. Ngày trời nóng, từ những miệng lỗ thông hơi đó và cửa cống xung quanh nhà, mùi hôi bốc lên, dân không dám đi ra sân.

Chưa hết, người ta còn sử dụng nước thải, nước cống để tưới cây và hoa trong khuôn viên, bốc mùi rất khó chịu. Anh Hà đã trực tiếp lên gặp Ban quản lý vài lần về việc này nhưng có vẻ chẳng ăn thua gì.

Khi cư dân ở đây đặt các câu hỏi liên quan đến điện chiếu sáng công cộng, lịch trình thiết lập cơ sở hạ tầng tối thiểu như trường học, trường mẫu giáo... thì đều không được giải thích thỏa đáng. “Họ làm cho chúng tôi có cảm giác bán nhà xong là phủi tay luôn.

Chứ nếu thực sự quan tâm, chỉ cần lãnh đạo họ bỏ ra một buổi xuống với chúng tôi cũng tiếp nhận được khối điều. Ai cũng hiểu rằng mọi thứ còn đang trong quá trình xây dựng. Nhưng chúng tôi đã ở đây rồi cơ mà. Thật là vô trách nhiệm” - anh Hà bức xúc.--PageBreak--

Chưa bàn phương án với dân

Nãy giờ cứ nói đến nghĩa trang, hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc nghĩa trang gì? Xin thưa: Hiện tại trong khuôn viên khu Việt Hưng vẫn còn 2 nghĩa trang tập trung. Đó là nghĩa trang Đức Giang và nghĩa trang Quán Tình. Nghĩa trang Quán Tình nằm giáp các khu chung cư K và P đang hoàn thiện và chỉ cách nhau một con đường nội bộ.

Ban đầu khi tiếp chuyện với chúng tôi, ông Thanh, quản trang của nghĩa trang Quán Tình, năm nay 70 tuổi, đã quá xúc động bởi những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa trước đây mà ông cho rằng chưa thỏa đáng.

Câu chuyện liên tục bị đứt quãng. Khi đã lấy được bình tĩnh, ông Thanh khẳng định nghĩa trang thôn Quán Tình vẫn đang hoạt động. Cách đây mấy ngày, mới có 2 người nữa được “đưa” về đây.

Ông Thanh, quản trang thôn Quán Tình khẳng định nghĩa trang vẫn đang hoạt động. Cách một bên kia một con đường là nhà cao tầng của khu đô thị mới Việt Hưng

Ông Thanh dẫn chúng tôi đi một vòng. Cửa chính của nghĩa trang ban đầu là ở phía bắc, nay đã phải chuyển sang mặt nam vì phía đó giờ đang là công trường. Hiện chủ đầu tư đã cho xây một bức tường bao nơi đây để giảm bớt sự ảnh hưởng của nghĩa trang với cư dân của khu đô thị.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 chỗ tường xây không hết, để trống hoác. “Phía bên này còn vướng 2 ngôi mộ, nên chưa xây tường được, phải chờ hết 3 năm mới cải táng. Còn mảng tường phía đông bắc kia, hai ba lần cứ xây là đổ, chẳng biết tại sao”.

Chúng tôi hỏi: "Nếu bây giờ chủ đầu tư họ muốn ngồi đàm phán với người dân thôn Quán Tình, các ông có đồng ý di dời nghĩa trang này không?". Ông Thanh trả lời dứt khoát: “Không! Mồ mả cha ông chúng tôi ở đây hàng bao nhiêu đời, ai dám động đến? Vả lại, lâu nay cũng có thấy ai đến bàn bạc gì với chúng tôi đâu?”.

Mất thời gian chờ đợi khá lâu, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Tuấn Bổng, Chủ tịch UBND phường Giang Biên. Cách đây hơn một tháng, ông Bổng vừa làm lễ “thay áo” cho vợ cũng ngay tại nghĩa trang này. Nghĩa trang Quán Tình tồn tại từ lâu, là nơi chôn cất của người dân thôn Quán Tình.

Trong giai đoạn máy bay Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc, đây còn là nơi chôn cất những người chết ở khu gỗ diêm Cầu Đuống. Hiện tại nghĩa trang có khoảng 1.000 ngôi mộ, đa phần đã cải táng. Theo quy hoạch tổng thể của khu Việt Hưng, nghĩa trang Quán Tình thuộc diện phải di dời.

Tuy nhiên, thời điểm ông Bổng tiếp xúc với phương án giải phóng mặt bằng khu Việt Hưng thì riêng về các giải pháp di dời nghĩa trang, nhà đầu tư không đề cập sâu cũng như không chỉ ra được địa điểm mới nên người dân vẫn phải tiếp tục sử dụng nghĩa trang Quán Tình.

Còn về kế hoạch di dời nghĩa trang Quán Tình đến nghĩa trang thôn Tình Quang ở ngoài đê theo chính đề xuất của phường Giang Biên, ông Bổng đã làm việc với chủ đầu tư khu Việt Hưng là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (xin gọi tắt là Tổng Hud).

Theo giải pháp này, Tổng Hud phải có trách nhiệm di dời và góp vốn xây dựng, cải tạo nghĩa trang Tình Quang để đáp ứng được nhu cầu an táng lâu dài cho người dân của cả 2 thôn Quán Tình và Tình Quang cùng thuộc phường Giang Biên.

Lãnh đạo phường Giang Biên có trách nhiệm hướng dẫn, đảm bảo không có mộ mới ở Quán Tình để sau 3 năm có thể cải táng toàn bộ sang nghĩa trang Tình Quang. Cách đây hơn 2 năm, đích thân ông Bổng đã dẫn đại diện của Tổng Hud đi xem nghĩa trang Tình Quang để giải thích, bàn bạc phương án. Thế nhưng từ bấy đến nay, phía Tổng Hud cũng “mất hút” luôn.

Bản thân ông Chủ tịch phường Giang Biên chưa hề gặp lại người của Tổng Hud với danh nghĩa chủ đầu tư xuống phường làm việc nữa. “Hay có lẽ theo quy hoạch thì đất của nghĩa trang nằm đúng vào khu vui chơi giải trí. Nếu chưa cần thiết thì cứ đóng rào để lại đấy, “ta” cứ xây nhà bán trước đã chăng?” - ông Bổng nói nửa đùa nửa thật.

Sẽ cố gắng di dời nghĩa trang ngay khi có thể, nhưng...

Với những điều mắt thấy tai nghe tại khu Việt Hưng, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Dương Văn Phúc, Phó tổng giám đốc Tổng Hud. Được biết ngay từ khi thành phố duyệt quy hoạch 1/2.000 và 1/500 của khu Việt Hưng thì chức năng của cả 2 nghĩa trang Đức Giang và Quán Tình đã không còn nữa.

Ông Phúc cho biết phía Tổng Hud đã nhiều lần làm việc với các bên có liên quan, với quận Long Biên để tìm cách di dời cả 2 nghĩa trang này. Nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng, “sớm muộn rồi chúng tôi cũng sẽ phải di dời 2 nghĩa trang nói trên”, ông Phúc cung cấp thông tin: Đến nay tổng số tiền đền bù, di dời cho các ngôi mộ tại khu Việt Hưng là 994.552 ng àn đồng.

Khu đô thị mới Việt Hưng rộng hơn 2,6 triệu m2 tại quận Long Biên Hà Nội

Tổng số mộ đã di dời là 426 ngôi. Số ngôi mộ hiện còn lại không có báo cáo. Không có báo cáo cũng có thể được hiểu là chưa có phương án đền bù cũng như di dời. Hay nói cách khác, chủ đầu tư chưa có thông tin gì về những ngôi mộ đang tồn tại cả.

Mặt khác, để giải tỏa nghĩa trang thì “cần phải có thời gian nhất định”. Tức là, đối với một ngôi mộ đang tồn tại, nếu muốn di dời thì phải đợi hết 3 năm, đến hạn cải táng theo phong tục thì mới có thể bốc đi chỗ khác. Thế nhưng, ông Phúc thừa nhận cách đây chừng nửa tháng vẫn có mộ mới chôn ở nghĩa trang Quán Tình.

Như vậy là, cứ cho bắt đầu từ bây giờ, chủ đầu tư khu Việt Hưng “giải quyết được toàn bộ vấn đề” có liên quan đến nghĩa trang Quán Tình thì ít nhất cũng phải 3 năm nữa, người dân tại khu Việt Hưng mới hết cảnh “ngồi trong nhà mà ngửi thấy mùi hương ngoài nghĩa địa!”.

Ngoài vấn đề thời gian, di dời nghĩa trang còn liên quan đến các yếu tố tâm linh, tập quán và điều kiện kinh tế của người dân. Cụ thể đối với nghĩa trang Quán Tình thì đó là việc người dân không muốn chôn xa quá, việc thăm viếng cũng khó khăn.

Ngoài ra, nếu đưa đi xa, chi phí mai táng tốn kém, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo vệ sinh của một nghĩa trang lớn sẽ vượt quá khả năng chi trả của người dân. Đó là những phản hồi mà lãnh đạo Tổng Hud có được thông qua “rất nhiều lần tiếp xúc với người dân sở tại”, theo như lời ông Phúc.

Hiện tại, Tổng Hud đang áp dụng mức đền bù đúng theo quy định của thành phố là 800 nghìn đồng/mộ đối với mộ vô chủ; 1,2 triệu đồng/mộ đối với mộ có chủ chưa xây và 1,5 triệu đồng/mộ đối với mộ đã xây cất.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi 2 nghĩa trang trên sẽ được di dời về đâu và từ nay về sau, người dân sẽ mai táng như thế nào, thì đại diện Tổng Hud trả lời đã làm việc với nghĩa trang thành phố và sẽ đưa tất cả về đó.

Ai không muốn thì sẽ được nhận tiền và tùy lựa chọn. Biết là phong tục, tập quán và điều kiện của người dân như thế mà còn lựa chọn phương án vậy, thảo nào không di dời được là phải.

Nói về những nỗ lực của chủ đầu tư mong muốn đem lại một khuôn viên thực sự đô thị mới cho những cư dân của khu Việt Hưng, ông Phúc cho biết, Tổng Hud đã có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhằm thúc đẩy việc di dời các nghĩa trang mau chóng diễn ra.

Bên cạnh đó, Tổng Hud đã có nhiều cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo quận Long Biên để cùng nhau giải quyết những vướng mắc. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được tiếp xúc với những văn bản trao đổi mới nhất thể hiện sự quan tâm và nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết vấn đề, ông Phúc đã cung cấp cho chúng tôi 2 bản fax của Tổng Hud gửi UBND quận Long Biên và Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Long Biên.

Bản fax thứ nhất đề ngày 24/2/2004. Và bản fax thứ 2, “mới” hơn, đề ngày 9-9-2004! Khi chúng tôi hỏi liệu có văn bản nào gần đây hơn không, ông Phúc trả lời không có. Gần 3 năm trời, không có một văn bản đốc thúc, giải quyết nào. Thật khó có thể hiểu khác về những “nỗ lực” của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trước những bức xúc của cư dân Khu đô thị mới Việt Hưng 

Việt Ba
.
.