Sống trong... khẩn cấp

Thứ Sáu, 11/04/2014, 17:30

Đã 3 năm nay, người dân xóm Rớ, phường Phú Đông (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) luôn sống trong sự thắc thỏm, sợ hãi… mỗi khi mùa gió về. Những cơn sóng cao vài mét liên tục tấn công, phá tan bờ kè, trùm lên nhà dân, chực cuốn đi tất cả. Và đỉnh điểm trong những ngày sóng lớn đầu năm 2014, những người dân kiên cường nhất ở xóm chài này, để giữ gìn tài sản, đã phải đào hầm xung quanh nhà… chiến đấu với sóng gió.

1. Căn nhà số 145 đường Đinh Tiên Hoàng, khu phố 6, phường Phú Đông của chị Trịnh Thị Kim Oanh được người dân xóm Rớ coi như là "pháo đài" trong đợt tấn công của sóng gió vừa qua. Nằm ở vị trí "tiền tiêu", căn nhà tựa hông vào con đường Đinh Tiên Hoàng, cũng chính là bờ kè ngăn cách khu dân cư với biển cả.

…Suốt từ tháng 9/2013, biển động liên tục. Những cơn gió mùa cuộn lên những con sóng lớn, đánh ròng rã vào bờ kè, khoét sâu dưới đáy kè thành những hàm ếch. Và đỉnh điểm là suốt từ ngày 15/1 cho tới tận 28/1/2014, sóng lớn kết hợp với triều cường liên tiếp đánh mạnh vào thân kè.

200m kè biển có độ cao 5,5m đã bị sóng đánh vỡ tan tành. Nước biển dâng theo những đợt sóng cao 5-7m, tràn ngập cả tuyến đường ven biển, tràn sâu vào khu dân cư tới hàng trăm mét. UBND tỉnh Phú Yên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở ven biển. Hàng chục gia đình đã phải sơ tán khẩn cấp…

Trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy, người phụ nữ 47 tuổi đã phải sơ tán mẹ già và cháu nội còn nhỏ tới nơi an toàn. Con trai đang lênh đênh trên biển theo tàu đánh cá, một mình chị Oanh trụ lại căn nhà cấp 4 ọp ẹp, tìm mọi cách để chằng níu, tát nước, quyết giữ cho được chốn nương thân của cả gia đình đã suốt 3 đời nay.

Những con sóng cao 7m đánh "phanh phanh phanh" không nghỉ từ 11h đêm tới 4h sáng. Những cột nước khổng lồ trùm lên cả mái nhà, thậm chí trùm qua cả mái nhà, phát ra tiếng "rầm rầm". Nước đổ ào ào từ trên mái nhà xuống, dâng cao ngang người, không có chỗ nào không ướt.

Những căn hầm đào sâu xuống cát đến ngang ngực xung quanh ngôi nhà lúc này trở thành phao cứu mạng. Nước ập xuống, tràn vào những căn hầm, thấm xuống cát rồi rút đi. Lượng nước còn lại tràn vào nhà, nhưng đã bị chia bớt áp lực, không còn đủ sức cuốn theo căn nhà nhỏ.

Cứ mỗi khi sóng dịu lại, người phụ nữ 47 tuổi lại tiếp tục cấp tập đào những căn hầm mới, thay thế cho những hầm rút đã bị cát phủ kín. Có những đêm, chị Oanh phải đào đi đào lại hầm tới 3 lần.

Bờ kè xóm Rớ bị đánh tan hoang dưới những con sóng cao 5-7m.

2. Cuộc chiến không cân sức ấy kéo dài tới tận 27-28 tết. Thiên nhiên đã không chiến thắng được người phụ nữ miền biển kiên cường. Sau đợt sóng gió này, chị Oanh đã sụt mất 5kg.

"Anh cứ hình dung, gần như toàn bộ cát đá bùn đất của con đường Đinh Tiên Hoàng này đã bị sóng bê nguyên vào nhà, việc dọn dẹp để về ở khổ sở như thế nào".

"Cho đến tận khi sóng ngưng, tôi vẫn không dám dọn đồ về nhà, sợ gió quay lại. Mãi đến tận 30 tết, tôi mở tivi lên xem thông báo thời tiết, thấy ổn định nắng ráo mới dám đi mua chậu cúc về chưng tết. Bà con lúc đó mới đi lấp hầm. Nếu gió vẫn còn cấp 7-8 là thôi coi như không có tết nữa, không ai dám ăn tết nữa”, chị Oanh nhớ lại.

Tất cả đồ điện trong nhà chị Oanh như quạt, nồi cơm điện… hỏng hết, phải mua lại toàn bộ. Mền, mùng, nệm cũng phải bỏ đi, vì nước mặn nhiễm vào không thể phơi lại được.

Riêng tiền dựng lại căn nhà sau khi bị sập đã tốn hết 7-8 triệu, chưa kể đến tiền đồ đạc phải mua lại gần như hoàn toàn. Riêng năm nay tổng thiệt hại của sóng và gió gây ra cho gia đình chị Oanh đã lên đến con số gần 20 triệu đồng.

Nhưng đây mới chỉ là những thiệt hại ban đầu. Những viên ngói, sau khi bị ngâm trong nước mặn cả nửa tháng trời, khi nắng lên, đang bắt đầu mục dần. Những cây cột gỗ chống nhà, hệ thống điện, bàn ghế gỗ… ngấm nước mặn cũng xuất hiện những dấu hiệu hư hỏng.

Ở xóm Rớ suốt từ năm 1972, nhưng đối với bà Lê Thị Số, 73 tuổi, chưa năm nào bà thấy sóng biển dữ dội như năm nay. Ngày 16 tháng Chạp, sóng dập rầm rầm ngoài bờ kè. Sóng tràn lên phủ kín nhà. 7 giờ tối, cháu nội Lê Tuấn Kiệt đã phải bấm đèn pin lội nước dẫn bà Số đi di tản.

26 tết, khi bà Số trở về, xung quanh nhà bà vẫn còn 5-6 cái hầm rút nước do con trai và con dâu đào để chống chọi với sóng. Căn nhà bà Số bị sập một mái hiên, nhưng bà không dám làm lại vì sợ sập tiếp.

Không phải ai cũng kiên trì và dũng cảm như gia đình chị Oanh và bà Số. Trong xóm, không ít gia đình đã phải bỏ đi.

Đứng trước một căn nhà bị bỏ hoang ngay sát mặt đường Đinh Tiên Hoàng, cửa ra vào bị chặn kín bởi những bao tải cát trông như lô cốt thời chiến, chị Đặng Thị Thu, trú tại hẻm 250 Yết Kiêu, cho biết đây là nhà của anh Lanh. Vì lo ngại, anh Lanh đã bỏ nhà hoang, chuyển vào nhà vợ ở Tuy Hòa sống.

Chị Đăng Thị Thu cho biết, hơn 20 năm trước, dưới chân kè này còn là một bãi cát dài tới hơn 100m và vẫn có người ở.

3. Chỉ hơn 20 năm nay, phường Phú Đông đã phải chịu đựng một đợt xâm thực của biển chưa từng có trong lịch sử.

Chị Trịnh Thị Kim Oanh nhớ lại, trước đây, từ bờ kè ra đến biển còn có một bãi cát rộng, còn có cả mấy căn nhà cất ngoài bãi cát nữa. Bãi cát đó là nơi sinh hoạt chính của bà con trong thôn, chiều đến mọi người ra chơi, tắm biển, chiều nào cũng đông vui lắm.

Ông Ngô Ngọc Cần, 54 tuổi, ngư dân chuyên đi đánh cá ngừ, cho biết: "Năm tôi mới 12 tuổi, tôi nhớ còn có hàng rào ấp chiến lược của Mỹ dựng lên cách vị trí bờ kè khoảng 100m".

"Bến cá Đông Tác, xưa nay là nơi tụ tập của ghe thuyền từ khắp nơi đổ về buôn bán cá. Trước năm 1993, tính từ chân kè hiện tại này chiếu ra biển, còn có 3 lớp nhà, tiếp đến là một bãi cát. Trước bãi cát này còn có thêm một bãi cát khác, rồi mới đến bờ sông. Thế mà biển cứ ăn lần ăn lần, mất sạch".

Bản thân gia đình bà Lê Thị Số đã từng có một căn nhà nằm trong 3 lớp nhà phía ngoài kè. Nhưng kể từ sau trận lũ lịch sử năm 1993, căn nhà của bà Số cũng dần dần chìm xuống đáy biển.

Lý giải nguyên nhân về việc nước biển xâm thực, rồi dẫn đến sạt lở sâu vào khu dân cư, ông Ngô Ngọc Cần cho biết, nguyên nhân là bởi 3 năm nay, tàu hút cát vào sát quá nên sạt lở nhiều. Dân vác đơn kiện. Kiện không thấy hiệu quả, dân ở đây đã từng bức xúc đến độ vác đá ra "xáng" vào tàu. "Không có tàu hút cát thì không lở đến như thế này”, ông Cần lý giải.

Câu chuyện tàu hút cát cũng đã từng là đề tài nóng bỏng dư luận ở địa phương khi người dân xóm Rớ nêu đích danh tàu hút cát của DNTN Bảo Châu (đơn vị đang thực hiện hút cát trong Dự án nạo vét, khơi thông cửa sông Đà Rằng) là nguyên nhân gây sạt lở. Theo Dự án, doanh nghiệp này sẽ nạo vét và được phép tận thu sử dụng 387.000m3 cát bồi lấp.

DNTN Bảo Châu thì lý giải nguyên nhân sạt lở là do triều cường và thủy điện xả lũ. Cho đến thời điểm hiện nay, cũng vẫn chưa có một kết luận chính thức nào từ các cơ quan chức năng về nguyên nhân cụ thể gây sạt lở, mà cho rằng có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân… biến đổi khí hậu.

Trước những con sóng cao đến 7m khiến nước dâng lên tận khóa cửa, cháu Lê Anh Kiệt đã phải dắt bà nội đi “di tản” trong đêm tối.

4. Để giải quyết triệt để tình trạng sạt lở nguy hiểm đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân xóm Rớ, có hai phương án được đưa ra, trong đó có việc kiên cố hóa đoạn kè biển xóm Rớ theo tiêu chuẩn hệ thống đê biển, và thực hiện tái định cư người dân trong địa bàn tới khu vực an toàn.

Nhưng những người dân xóm Rớ đều băn khoăn về chính sách hỗ trợ còn chưa thỏa đáng của địa phương trong việc tái định cư.

"Nói thật với anh, dân ở đây sống đã bao đời rồi, mỗi miếng tranh mảnh ngói, tuy nhỏ nhưng cũng là mồ hôi công sức của người ta làm ra. Nếu bảo phá đi chuyển tới chỗ khác dân đâu còn sức nữa. Nhiều hay ít thì cũng nên ủng hộ dân người ta thỏa đáng một chút thì người ta mới có cơ hội chuyển đi chứ.

Nếu bờ kè được thì ở đây làm ăn lâu dài, còn nếu cảm thấy không được thì cũng phải có chính sách để đưa dân đi. Người dân có tiền đã tự động mua nhà trên cao ở rồi, những ai không có điều kiện mới phải trụ lại đây", chị Oanh cho biết.

Ông Ngô Ngọc Cần cũng băn khoăn: "Cứ thế này thì như gia đình tôi chắc cũng phải bỏ đi chỗ khác, không yên tâm sống. Nhưng tái định cư mà mấy ông cho có dăm ba triệu, chỉ đủ dỡ nhà, tiền đâu để chuyển. Dân ở đây buôn bán nhỏ, tiền đâu để dựng nhà, chả lẽ vô dựng trại để ở. Phải hỗ trợ để người ta dựng được căn nhà mà ở chứ ".

Ngư dân xóm Rớ đa phần đều hy vọng về việc đoạn kè này sẽ được đầu tư đúng mức để kiên cố hóa theo chuẩn đê biển, loại bỏ triệt để nguy cơ sạt lở trong tương lai. Nếu được như vậy, cuộc sống bám biển bình thường bao đời nay của họ vẫn được đảm bảo.

Ban Quản lý Dự án Thủy lợi và phòng, chống thiên tai tỉnh Phú Yên cho biết, về lâu dài, kè xóm Rớ sẽ được thi công vững chắc với chiều dài 1.500m, nằm trong Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

Trong chương trình làm việc tại tỉnh Phú Yên ngày 21/2/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp đến kiểm tra hệ thống kè xóm Rớ và lắng nghe ý kiến của bà con nhân dân phường Phú Đông. Chủ tịch nước đã có ý kiến về việc tỉnh cần làm kè kiên cố để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân sinh sống

Việt Đông
.
.