Sự hy sinh cao cả của người lính

Thứ Hai, 27/06/2016, 14:45
Cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên với gia đình liệt sỹ - Đại tá Trần Quang Khải đã để lại trong chị thật nhiều xúc cảm. Những dòng ghi chép dưới đây tường thuật lại một phần cuộc gặp gỡ của chị đã cho thấy, ý thức của phi công Trần Quang Khải và gia đình về những hiểm nguy của công việc, về sự mất mát, hy sinh thật giản dị, giống như là nghĩa vụ phụng sự Tổ quốc của mọi người dân Việt Nam yêu nước…

Bố Đại tá phi công vừa hi sinh Trần Quang Khải, cụ Trần Văn Phùng, 90 tuổi kể lại: “Khi Khải nhập ngũ, tôi cũng không ngờ các anh đánh giá cháu cao thế (chỉ mình anh Khải được chọn vào không quân). Tôi dặn con là đời bố trọn vẹn rồi, phục vụ từ năm 1945 đến năm 1986 về hưu, lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, được đồng nghiệp bà con xóm làng quý mến, không phải hổ thẹn bất cứ điều gì, thì con cũng phải làm việc cho tốt, cho có trách nhiệm; chứ còn về kỹ thuật thì bố không biết gì mà nói với con. Chỉ biết dặn con thế thôi!”.

Tôi hỏi: “Gia đình có ý thức rằng là phi công anh ấy luôn phải đối diện với hiểm nguy hay không?”. Cụ trả lời: “Không, tôi không nghĩ công việc của con tôi có gì đặc biệt, mà đi bộ đội thôi. Có lần Khải mang về tờ báo viết về đơn vị của Khải, tôi còn giữ. Tôi cũng tự hào, không ngờ các anh ấy đánh giá nó cao vậy”.

Bốn phi công ở Trung đoàn Yên Thế.

Em trai của anh Khải chỉ cho tôi xem bức ảnh 4 phi công Trung đoàn Yên Thế, trong đó, anh Khải đi thứ 2 từ phải sang và nói: “Anh Khải rất kín tiếng. Anh về nhà chỉ chăm sóc cho bố và các chị, không nói gì về công việc của mình, chắc để cả nhà không lo lắng. Bức ảnh này có 1 bản được treo ở phòng truyền thống Trung đoàn. Đi bên cạnh anh Khải, ngoài cùng bên phải là anh Nghị. Anh Khải nói với em anh Nghị là bạn thân của anh ấy. Anh Nghị cũng hi sinh rồi, năm 2009”  (Biên đội trưởng Trần Thanh Nghị hi sinh khi lái máy bay chiến đấu SU-22 bị tai nạn trong huấn luyện, 6/2009 trên bầu trời Thanh Hóa).

Tôi hỏi chị Trần Thị Hà, vợ anh Khải rằng, khi lấy một phi công chiến đấu, chị có nghĩ là chính mình cũng phải chấp nhận nguy hiểm hay không. Chị Hà trả lời: “Không. Em thấy anh ấy phải xa nhà thì em chỉ mong đến ngày anh về hưu, hai vợ chồng sẽ thực hiện nhiều kế hoạch cùng với nhau. Em không thể ngờ”. Tôi hỏi: “Bây giờ đã xảy ra như thế, có cách nào an ủi được em không?“. Chị nói: “Lãnh đạo, đoàn thể, bà con đến thăm, gia đình cũng bình tĩnh hơn. Còn em chỉ lo cho con gái em, cháu chưa hiểu gì, nhưng không biết vì sao mấy hôm nay cháu rất ngoan”.

Ảnh cưới của vợ chồng Đại tá Trần Quang Khải.

Tôi hỏi: “Em đã nghĩ về việc sắp đi dạy ở trường Chu Văn An chưa?”. Chị Hà bảo: “Em cảm ơn các cấp đã quan tâm đến cuộc sống của hai mẹ con em. Nhưng em chưa nghĩ được gì cả. Với lại em cũng không biết mình có đáp ứng tốt cho công việc giáo viên ở một trường giỏi vậy không” (chị Trần Thị Hà là Thạc sĩ Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có kinh nghiệm giảng dạy hợp đồng).

Cụ Trần Văn Phùng khóc khi nhắc lại chuyện con dâu được đề nghị làm giáo viên chính thức tại trường Chu Văn An: “Lúc đầu cả nhà giấu tôi là Khải đã hi sinh. Khi biết tin, tôi nghĩ ngay là cha thì già sắp chết rồi, vợ Khải thì chưa có việc làm, cháu thì còn dại. Cha chết đi cũng được nhưng con cháu sống thế nào đây. Bây giờ thì Nhà nước đã cho cháu nó cái cần câu. Tôi yên tâm rồi, xin cảm ơn Đảng và Chính phủ”.

Bố, vợ và con gái Đại tá Trần Quang Khải.

Nhà của Đại tá phi công Trần Quang Khải hôm tôi đến có rất nhiều đoàn đến thăm. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Công Thái đã viếng anh Khải thật chân thành, giản dị, như đi viếng người thân, trò chuyện với cụ Phùng, chị Hà, các chị gái và em trai của anh Khải như chia sẻ với người nhà.

May phúc cho những ai thấy được họ như người nhà và được gia đình này coi như người thân. Những gia đình như thế, hi sinh là bất đắc dĩ, nhưng không vì đã hi sinh mà đòi bù đắp. Có hàng chục triệu gia đình như vậy trên đất nước này...

Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên
.
.