Tân Hoàng Phát – “Con voi chui qua lỗ kim”

Thứ Bảy, 27/12/2008, 11:30
Đã hơn một tuần tính từ thời điểm PC14, Công an TP HCM đánh sập ổ “nuôi nhốt nô lệ tình dục” Tân Hoàng Phát, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc liệu có thể rút giấy phép kinh doanh của Tân Hoàng Phát hay không? Điều này cho thấy, hiện tại với những cơ sở kinh doanh massage trá hình, giải quyết như thế nào cho đúng pháp luật cũng không phải là chuyện dễ.

Cứ tưởng đây là điều phi lý, nhưng thực tế là như vậy.

Những điều bất thường tại Tân Hoàng Phát

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa trả lời báo chí vào hôm 11/12 thì việc cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Tân Hoàng Phát là đúng theo quy định pháp luật. Tháng 9/2004, Công ty Tân Hoàng Phát có nộp đơn xin chuyển đổi địa điểm kinh doanh từ số 75/10A Hoàng Diệu về số 29-31 đường số 4, khu phố 4, phường Linh Chiểu. Do công ty này có những tranh chấp nội bộ nên Sở không giải quyết.

Tháng 4/2005, Tân Hoàng Phát lần lượt gửi văn bản khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ, Tổ công tác 23 của Văn phòng Chính phủ, sau đó những đơn vị trên có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị kiểm tra tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp này. Trên tinh thần đó, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo và Sở đã tiến hành làm việc với địa phương.

Đầu tháng 2/2006, UBND quận Thủ Đức đã có công văn báo cáo gửi UBND TP HCM về việc các ban, ngành đồng thuận và người dân tổ 47 cũng không có ý kiến gì về hoạt động của doanh nghiệp trên. Sau đó, Sở KH-ĐT cho phép chuyển đổi địa điểm trên giấy phép bởi không sẽ bị kiện theo Luật Doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa cũng cho rằng, nếu căn cứ vào những quy định hiện hành thì không thể rút giấy phép kinh doanh của Tân Hoàng Phát.

Trở lại vấn đề ổ “nô lệ tình dục” Tân Hoàng Phát hoạt động trong một thời gian dài trước khi bị PC14, Công an TP HCM đánh sập, theo tài liệu mà chúng tôi có được, cách đây 1 năm nhiều đơn thư tố cáo vợ chồng Phan Ngọc Trí (tức trùm Sỹ) và Phan Thị Yến bóc lột nữ nhân viên, ép nhân viên kích dục cho khách đến massage...

Khẩu súng mà trùm sỹ dùng để đe dọa nhân viên bị CQĐT thu giữ.

Cụ thể là vào ngày 11/12/2007, PC14 đã nhận được đơn tố cáo của nhân viên massage tên TA, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Theo đơn tố cáo này, cả trùm Sỹ lẫn Yến đã cho tay chân mình nhiều lần bắt ép các nhân viên massage nữ thực hiện các hành vi kích dục cho khách... 

Đến ngày 9/1/2008, PC13 - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP HCM đã kiểm tra 2 cơ sở nói trên và phát hiện một số sai phạm cơ bản như: cơ sở hành nghề không đúng như nội dung quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, để nhân viên nữ kích dục cho khách...

Tuy nhiên, với những sai phạm đó, không hiểu bằng cách nào Tân Hoàng Phát vẫn tiếp tục hoạt động. Cũng trong năm 2008 nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra Tân Hoàng Phát vào các tháng 1, 3, 7 và 8 nhưng vẫn không thể phát hiện ra những sai phạm tại nơi đây.

Kế đến, ngày 5/12/2008, PC14 lại tiếp tục nhận được đơn tố cáo của 4 nữ nhân viên tại cơ sở massage Tân Hoàng Phát, nội dung của 4 lá đơn này cũng tương tự nội dung đơn tố cáo của TA gửi PC14 vào tháng 12/2007. Sau khi nhận được thêm đơn tố cáo, lãnh đạo PC14 xác định đây là một vụ việc nghiêm trọng nên đã chỉ đạo PC14 bí mật kết hợp với PC13 bất ngờ đột kích bắt quả tang những sai phạm nghiêm trọng tại Tân Hoàng Phát.

Một thông tin khiến dư luận đặc biệt quan tâm là chi tiết, nhiều đơn thư tố cáo của các nữ nhân viên massage của Tân Hoàng Phát lại đến được tay của ông chủ Tân Hoàng Phát thay vì đến tay các vị có trách nhiệm ở những cơ quan chức năng.

Và chính việc “đơn chạy lòng vòng lại về tay trùm Sỹ” đã khiến nhiều nữ nhân viên tố cáo Tân Hoàng Phát trở thành nạn nhân của những trò tra tấn man rợ của trùm Sỹ. Khi nắm được thông tin chính xác nữ nhân viên nào đã tố cáo mình, trùm Sỹ lập tức chỉ đạo đàn em đánh đập dằn mặt và sau đó là nhốt vào chuồng chó để “làm gương cho những kẻ nào có ý định tố cáo”.

Nguồn tin khác còn cho hay, vợ chồng trùm Sỹ thường có những buổi chiêu đãi các quan chức theo đúng lịch, màn chiêu đãi này thường có khoản em út hầu rượu. Dư luận đang đặt câu hỏi rằng liệu có phải chính từ những màn chiêu đãi này, mà một số đơn thư tố cáo của nạn nhân sau một hồi “thất lạc” đã được trùm Sỹ “quy về một mối”?

Chính vì điều bất thường này, lãnh đạo PC14 đang điều tra làm rõ có hay không việc hoạt động bảo kê của các cơ quan chức năng cho sự tồn tại của ổ “nuôi nhốt nô lệ tình dục” Tân Hoàng Phát(?!). Một điều bất thường nữa trong vụ việc Tân Hoàng Phát chính là hàng trăm chứng chỉ hành nghề massage có dấu hiệu làm giả do Trường đại học Y dược TP HCM cấp cho các nữ nhân viên massage tại Tân Hoàng Phát.

Bên cạnh đó, điều tra còn cho thấy trùm Sỹ đã thiết lập một đường dây tuyển chọn các cô gái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm luôn đảm bảo “nguồn hàng” cho cơ sở massage Tân Hoàng Phát. Và nếu đường dây này được vận hành một cách trơn tru, thì Tân Hoàng Phát sẽ “không có đối thủ” trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở massage trá hình bởi “tiềm năng” của mình.

Cho đến thời điểm này, Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ việc có hay không sự dung túng của chính quyền địa phương đối với cơ sở kinh doanh massage trá hình Tân Hoàng Phát.

Làm giàu kiểu… trùm sỹ

Tại Cơ quan điều tra, trùm Sỹ đã khai nhận mỗi ngày Tân Hoàng Phát bán ra hơn 700 tic-kê (vé) massage cho cả 2 loại vé VIP và vé thường. Với giá bán là 60 nghìn/vé thường và 200.000 đồng/vé VIP, vợ chồng trùm Sỹ đã thu về trên dưới 100 triệu đồng mỗi ngày. Đó là chưa kể khoản tiền boa của khách dành cho nữ tiếp viên cũng lần lượt chảy vào túi của vợ chồng Sỹ bằng những thủ đoạn đê tiện khác nhau mà cặp vợ chồng này đã nghĩ ra. --PageBreak--

Phan Thị Yến, vợ trùm Sỹ, nhẩm tính tại Cơ quan điều tra là với khoản tiền tic-kê cộng với những khoản “trấn lột” của nữ nhân viên, hàng tháng vợ chồng thị thu vào hàng tỉ đồng lợi nhuận. Nhìn lại “con đường” đưa Yến và Sỹ lên vị trí “ông trùm, bà trùm” cũng đơn giản, chỉ cần gói gọn quá trình leo lên chức trùm của cặp vợ chồng này bằng cụm từ “nhẫn tâm” là quá đủ.

Phan Thị Yến 29 tuổi tại Vĩnh Long. Yến sớm bỏ học và mưu sinh bằng nghề bán chuối chiên. Thấy cái nghề trộn bột quết chuối không có tương lai, nên Yến bèn lên TP HCM tìm việc. Không học vấn, không tay nghề, Yến quyết định đầu quân cho một cơ sở massage nhằm “kiếm được nhiều tiền mà không phải nhọc thân”.

Với những kinh nghiệm được tích lũy trong các năm tháng làm nữ nhân viên massage, từ chuyện moi tiền khách, cống nạp cho quản lý đến chia chác cho chủ cơ sở massage  Yến đều nắm rõ. Những kinh nghiệm này được Yến lưu giữ trong “bộ nhớ” cho đến ngày lên chức “bà trùm” thì đem ra sử dụng.

Về phần Phan Cao Trí, tức trùm Sỹ. Trùm Sỹ 35 tuổi, cũng bỏ học sớm và mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Chạy xe ôm được ít lâu, Sỹ chuyển sang làm nghề môi giới ôtô. Do công việc hay giao tiếp, nên Sỹ gặp Yến. “Đồng khí tương lân”, Sỹ và Yến nhanh chóng kết đôi thành vợ thành chồng.

Sau khi dành dụm được một số tiền, Yến bàn với Sỹ mở cơ sở kinh doanh massage. Với những kinh nghiệm đã có được, Yến nhanh chóng phát triển cơ sở kinh doanh massage của vợ chồng mình thành một đại bản doanh như hiện nay. Thông qua một số người quen, vợ chồng trùm Sỹ nhờ họ tuyển các cô gái quê đang có nhu cầu lên TP HCM kiếm việc.

Những người này sau khi nhận được đề nghị của vợ chồng Sỹ - Yến đã nhanh chóng “săn lùng” gái cung cấp cho Tân Hoàng Phát. Với những cô gái quê “đạt tiêu chuẩn” được Tân Hoàng Phát nhận vào làm việc, những người môi giới được nhận từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, tùy theo nhan sắc từng cô.

Sau khi tiếp nhận những nữ nhân viên mới, trùm Sỹ yêu cầu các cô gái ký vào văn bản mà Sỹ đã soạn sẵn với nội dung là các khoản nợ do trùm Sỹ nghĩ ra như học phí, tiền sinh hoạt, ăn ở... Với kiểu tính tiền do vợ chồng Sỹ tự nghĩ ra, mỗi tiếp viên nữ bỗng dưng nợ cặp vợ chồng này số tiền trên 20 triệu đồng.

Trong quá trình làm việc tại Tân Hoàng Phát, những nữ nhân viên này phải sử dụng các món hàng từ đồ ăn, thức uống đến đồ dùng sinh hoạt do đàn em của vợ chồng trùm Sỹ cung cấp với cái giá đắt gấp 5 lần so với giá thông thường.

Để tiện bề quản lý nhân viên và tạo “dây chuyền” hoạt động khép kín, Yến còn “đặc cách” cử em trai mình là Phan Việt Hậu  làm giám đốc Tân Hoàng Phát với mức lương 10 triệu/tháng.

Nhiệm vụ chính của Hậu là phối hợp với đám đàn em quản các nữ nhân viên, “coi sóc” để không một ai trốn thoát khỏi “ổ nô lệ tình dục” Tân Hoàng Phát. Thêm một nhiệm vụ nữa mà Hậu phải thực hiện là tra tấn các nữ nhân viên mỗi khi các cô bị khách phàn nàn hoặc không chiều khách “hết mình”. Ngoài ra, Hậu còn được chỉ thị từ vợ chồng trùm Sỹ là yêu cầu tiếp viên học thuộc lòng những câu thoại đối phó khi bị kiểm tra.

Lời khai của trùm Sỹ tại Cơ quan điều tra cho thấy, trùm Sỹ có những quy định rất khắc nghiệt nhằm trói chặt nhân viên nữ vào Tân Hoàng Phát như, nếu nữ nhân viên mặt mày không tươi tỉnh khi massage cho khách bị một lỗi vi phạm. Trong quá trình massage cho khách, không chịu kích dục cho khách là lỗi vi phạm thứ 2. Khi kích dục cho khách, không để khách “kiểm tra thân thể” là lỗi vi phạm thứ 3. Sau khi kích dục cho khách và để khách kiểm tra thân thể, nhưng lại “thông báo tình hình của khách cho các nữ nhân viên khác biết” thì mắc phải lỗi vi phạm thứ 4... Với mỗi lỗi vi phạm tùy theo nặng hay nhẹ, các nữ nhân viên bị trùm Sỹ phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, còn  bị bắt cải tạo bằng cách vào phụ bếp, quét dọn... Nữ nhân viên nào ngoan cố hơn thì bị đánh đập, bỏ đói và nhốt vào chuồng chó. Để đối phó với các đoàn kiểm tra, Sỹ lấy giấy chứng minh nhân dân của những người đủ tuổi thay thế cho các nữ nhân viên chưa đủ tuổi lao động.

Lời khai của  các tiếp viên cho biết khi mới bước chân vào cơ sở, vợ chồng Sỹ - Yến buộc họ ký vào hợp đồng đã viết sẵn. Mỗi tháng, tiếp viên được 500 ngàn đồng tiền lương nhưng lại bị trừ 2,6 triệu đồng gồm tiền cơm, tiền mỹ phẩm, tiền ăn vặt... Các cô gái chủ yếu sống nhờ “tiền boa” của khách nhưng họ không được lấy tiền trực tiếp mà khoản tiền này đều do vợ chồng Sỹ thu giữ.

Tại cơ sở này, các nhân viên nữ, thường là những cô gái trẻ đẹp, phải làm việc 17h mỗi ngày. Bắt đầu từ 9h sáng hôm trước và kết thúc vào khoảng 3h sáng của ngày hôm sau. Trước khi các cô rời chỗ ngủ đến nơi làm việc và từ nơi làm việc về chỗ trọ, đều được trùm Sỹ cử một nhóm bảo vệ hộ tống đề phòng tiếp viên bỏ trốn. Theo lời Hậu khai, chìa khóa nhà do Hậu giữ và có bảo vệ canh bên ngoài.

Ngoài ra, trùm Sỹ còn nghĩ ra nhiều chiêu cướp tiền của nhân viên khác, như liên tục tổ chức các đám tiệc, cưới hỏi, sinh nhật... và mời họ đi dự. Không biết là nhân viên đó có đi dự hay không, nhưng mỗi khi Sỹ tổ chức thì đám dưới quyền cứ canh theo đầu người mà đòi phong bì cho đúng số tiền tương ứng. Nếu như nhân viên nào hôm đó kẹt tiền thì cứ... ghi sổ nợ, Sỹ sẽ thu tiền sau. Một khi nhân viên nào muốn về quê, thì phải có người bảo lãnh đứng ra ký vào giấy nợ số tiền từ 50 đến 60 triệu đồng, gia đình muốn giải thoát cho con mình cứ vin theo giấy nợ mà nộp tiền “chuộc thân” cho Sỹ.

Chính vì kiểu bóc lột “trên cả dã man” này, mà vợ chồng trùm Sỹ đã tậu được cả chục lô đất, nền nhà và biệt thự. Ngoài ra, vợ chồng trùm Sỹ còn sở hữu 4 xe ôtô đắt tiền từ Lexus cho đến Toyota Hiace.

Đối với dư luận, chiến công đánh sập “ổ nô lệ tình dục” Tân Hoàng Phát của PC14 và PC13 Công an TP HCM đã khiến nhiều người nhẹ lòng khi nghĩ đến những phận người ngày đêm bị biến thành công cụ kiếm tiền cho vợ chồng trùm Sỹ. Thế nhưng trên hết, dư luận vẫn rất quan tâm và cần được thông tin chính xác có hay không việc bao che của chính quyền sở tại cho ổ quỷ này hoạt động trong suốt một thời gian dài.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay trong việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh massage, một dạng kinh doanh rất nhạy cảm nhằm tránh một ổ “nô lệ tình dục” thứ hai có thể diễn ra ngay trong lòng thành phố

Kinh Hữu
.
.