“Tết công nhân”, mong về mùa Tết sum vầy

Thứ Sáu, 05/02/2021, 09:10
Những bước chân hối hả đua chen chốn thị thành, đêm tăng ca, ngày quần quật lao động, cuối năm, rất nhiều công nhân nặng trĩu nỗi lòng. Họ quay quắt, khao khát về mùa tết sum vầy bên gia đình, nhớ bữa cơm tất niên ấm áp nơi quê nhà...


Tết này con không về

Bao nhiêu năm xa quê nhưng nỗi niềm ngày tết luôn vẹn nguyên cảm xúc thương nhớ nức nở trong lòng của Hoàng Thị Kim Huyền. Cô gái quê Đắk Lắk năm nay vừa bước sang tuổi 26 và có đến gần 10 năm bôn ba thành phố, cũng ngần ấy năm Huyền khoác trên mình màu áo công nhân may mặc tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức).

Đời công nhân chỉ ổn định về miếng ăn và tấm áo mặc, còn tiền dư giả xem như rất xa vời. Huyền thuê trọ cùng một bạn làm trong công ty, mỗi tháng chi hết 1-2 triệu tiền phòng ở và điện nước sinh hoạt. Lương cơ bản của Huyền đến năm thứ 7 ở mức 6 triệu/tháng. Thời điểm nào tăng ca nhiều, mỗi tháng Huyền thu nhập ngót 10 triệu. Người ở quê nghe mức lương thế tấm tắc xuýt xoa, cũng gọi là khấm khá. Nhưng, con số đó ở thành phố này chẳng thấm tháp vào đâu. Đầu tháng lãnh lương, đến giữa tháng đã nhẹ ví, chưa đến kỳ lương sau đã “viêm” màng túi rồi.

Huyền đi siêu thị nhưng chỉ đến quầy bán rau.

Quanh năm suốt tháng luẩn quẩn trong vòng xoáy tiền bạc, tuổi xuân trôi theo những cái tết xa nhà, Huyền lỡ làng vài mối tình. Huyền bảo, có lẽ duyên chưa tới hay là do ta chưa đủ tiền để vun đắp một gia đình nhỏ. Mối tình thứ hai của Huyền lẽ ra đã đơm hoa kết trái từ mùa tết năm ngoái, cũng vì người kia thất nghiệp mà tan tành giấc mộng yêu đương.

“Yêu đương bây giờ cần phải có kinh tế mới bền lâu được chị ạ. Em nhận ra điều đó sau những cú “gãy gánh giữa đường” của chúng bạn. Nhưng, đời công nhân như chúng em, lo sắm tết còn chật vật, nói chi đến lo cho cả một gia đình”, Huyền tâm sự.

Không thể không giữ thể diện, tết nào về nhà, Huyền cũng sắm sửa thật nhiều quà cáp, tiền lì xì rủng rỉnh. Nào ai hiểu thấu, để thực hiện được điều ấy, Huyền đã vét bằng sạch tiền lương, tiền ứng trước và tiền thưởng tết.

Năm nay ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty giảm giờ làm, thu nhập của Huyền chỉ bằng một nửa năm ngoái. Đời sống cả một năm chật vật khó khăn, để duy trì cuộc sống, Huyền phải bán thêm bánh ngọt và kẹo dừa trên online. Hỏi năm nay thưởng tết bao nhiêu, Huyền cười nhẹ, thoáng nỗi buồn trên khóe mắt. Gặng mãi, rồi Huyền cũng bộc bạch thật lòng: “Được một tháng lương cơ bản, chỉ có bấy nhiêu thôi”.

Chúng tôi nhẩm tính, vào khoảng 6 triệu đồng, vì không tăng ca, không làm thêm nên không còn gì để ứng trước. Số tiền ấy, Huyền dự định sẽ mua quà một nửa, một nửa lì xì cho ba mẹ và hai đứa em nhỏ vừa hết. Tết này Huyền sẽ không về, dù chặng đường từ Tp. Hồ Chí Minh về Đắk Lắk chưa tới 400 cây số, có thể chạy xe máy cũng về tới nhà. “Mang cái thân này về dễ quá nhưng về mà hai bàn tay trắng thì còn gì là vui. Ba mẹ không đòi quà, cũng chẳng cần tiền, chỉ là em thấy trống trải và vô vị quá mà”.

Bé Hai đi làm tăng ca về được nhóm từ thiện tặng túi bánh làm quà tết.

Huyền xác định tư tưởng “tết này con không về” và có ý định sau khi được nghỉ tại công ty, cô sẽ đi làm thời vụ cho cửa hàng tạp hóa ở chợ Sóng Thần (Bình Dương). 

Cô bạn cùng phòng với Huyền là Lê Thị Bé (Bé Hai), gia đình rất truyền thống, coi trọng sự đoàn viên nên trước tết một tháng, mẹ của Bé Hai đã gọi điện bắt phải về, nếu không về sẽ cử anh hai lên tận nơi đón.

Vừa học xong lớp 12, Bé Hai gác ước mơ giảng đường lên thành phố khoác áo công nhân được hơn 2 năm nay. Tuổi đời và tuổi nghề còn non trẻ nên Bé Hai được các chị trong xóm trọ rất yêu thương. Công nhân mới, lại không tăng ca nên thu nhập của Bé Hai chỉ bằng một nửa đàn chị. Tết này, Bé Hai được vỏn vẹn 3 triệu tiền thưởng, cộng với tiền ứng lương là 5 triệu. Công ty tặng thêm một giỏ quà, đó là tất cả những gì có được trong mùa tết này của cô gái xứ dừa Bến Tre.

Dự định ngày 26 tết, Bé Hai sẽ chạy xe máy về nhà ở huyện Mỏ Cày Bắc, đoạn đường chưa tới 200 cây số. “2 năm nay em lên thành phố làm việc nhưng chưa có dư lấy một khoản nào. Ngay cả chiếc điện thoại Samsung có giá 5 triệu mà em cũng phải mua trả góp, mỗi tháng 6 trăm ngàn, đến giờ vẫn chưa trả xong. Tết nào em cũng về, hết tết lại trở lên làm việc, rồi lại chật vật lo cho cuộc sống. Cuộc đời cứ xoay vòng như thế, không biết lúc nào mới thoát kiếp nghèo”, Bé Hai nghẹn ngào chia sẻ.   

Muôn nẻo đường về

Năm nay, dù là gặp đầy khó khăn, sóng gió bủa vây công việc, cuộc sống, tưởng như con đường về quê đón tết ngày càng xa ngái. Bỗng một ngày đẹp trời của tháng Chạp, vợ chồng anh Lê Văn Hân (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhận được cuộc gọi từ bạn Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối yêu thương thông báo, anh chị sẽ được tặng vé xe về quê ăn tết.

Sau giờ tăng ca cuối năm, công nhân hối hả trở về phòng trọ.

Không thể diễn tả hết niềm vui lúc đó, anh Hân cười thật lớn, khiến mọi người trong công ty giật mình tưởng có chuyện gì. Anh Hân gọi ngay cho vợ thông báo. Cả hai vợ chồng mừng đến nỗi không ăn nổi cơm trưa. Đây là món quà đến kịp thời và đúng lúc, xua tan nỗi buồn trĩu nặng của anh Hân về cái tết xa nhà. Anh chị dự tính, năm nay sẽ không về quê vì tiền thưởng tết ít quá, không đủ mua vé. Chưa kể về quê thì bao việc phải lo, gia đình hai bên nội ngoại, anh em thân bằng quyến thuộc, bạn bè...

Để đưa ra quyết định không về, lòng anh chị đau như xát muối. Chị Lan, vợ anh sụt sịt khóc cả đêm. Anh chị thì không sao, nghĩ thiệt thòi cho thằng con hơn một tuổi, vẫn chưa được về quê nội ngoại ra mắt họ hàng. Từ khi biết tin được tặng vé xe, vợ chồng anh Hân chi tiêu hết sức tằn tiện. Bữa sáng chỉ ăn mì tôm hoặc gói xôi 7 ngàn. Bữa trưa ăn ở công ty, tối về nấu cơm ăn với rau hoặc đậu hũ, cá khô. Làm sao, mỗi ngày chỉ ăn tiêu hết 50 ngàn thôi. Nhẩm tính tiền thưởng tết, cũng như gộp tất cả các khoản vào, hai vợ chồng được khoảng 15 triệu, sẽ mang tất về quê chi tiêu mùa tết.

Nghĩ đến ngày trở về, vợ chồng lại thấy trong lòng reo vui, hạnh phúc. Nhưng rồi lại thoáng buồn, vì sau tết sẽ thế nào. Tiền vé xe đi, tiền phòng trọ, sinh hoạt, tiền gửi con... trăm thứ dâu bể đổ lên đầu, tiền ở đâu ra. Anh Hân động viên vợ: “Thôi đừng nghĩ xa quá, lúc đó sẽ tính. Không có thì ta vay mượn bạn bè. Riêng tiền vé xe đi thì không phải lo, chắc ăn là tiền lì xì của thằng con sẽ đủ”.

Nghĩ xởi lởi như vợ chồng anh Hân lại hay, ít ra cũng có cái tết đoàn viên ở quê nhà.

Phòng trọ bên cạnh là vợ chồng mới cưới Hoàng - Thanh (cùng quê Bình Định), cùng là công nhân điện tử Khu công nghệ cao (Tp. Thủ Đức). Thanh đang mang thai tháng thứ 6, vừa lo đường sá đi lại khó khăn ảnh hưởng đến con, vừa muốn để dành tiền ra năm “vượt cạn”. Trước tết, Thanh bàn với chồng: “Em sẽ ở lại, năm nay ăn tết ké nhà chị gái ruột ở Bình Dương. Anh về quê thăm cha mẹ hai bên, ông bà mong ngóng chúng mình rất nhiều. Tuy không trọn vẹn nhưng ít ra cũng bớt tủi thân”. Sau vài ngày suy nghĩ, Hoàng quyết định về quê. Tiền thưởng tết chia ra làm 2, phần của Hoàng sẽ mang về, phần của Thanh để lại ra năm chi phí “nằm ổ”.

Bữa cơm đạm bạc của công nhân trong những ngày cuối năm.

Để tiết kiệm tối đa tiền vé xe, Hoàng đã móc nối được với một anh tài xế chạy xe chở hàng tuyến Sài Gòn - Hà Nội. Anh này vui vẻ đồng ý cho Hoàng đi nhờ. Để lên chuyến xe hàng đó, Hoàng phải có mặt lúc 2 giờ sáng ngày 25 tết ở bãi đỗ cầu vượt Sóng Thần. Sau khi bốc xếp hàng hóa xong, xe chạy về Bình Thuận bốc tiếp một mẻ hàng nữa, rồi nghỉ ngơi nửa ngày mới chạy tiếp. Tính tổng thời gian để xe về tới Bình Định phải mất gần 3 ngày. Thông thường nếu đi xe khách chỉ mất một đêm nhưng giá dịp tết rất cao nên Hoàng quyết định chọn hình thức “quá giang” này. 3 ngày cũng được, miễn sao về tới nhà không phải mất tiền. Trước khi lên xe, Thanh chuẩn bị cho Hoàng mấy cái bánh chưng ăn thay cơm dọc đường nhưng chưa kịp mua thì anh tài xế thông báo, ăn uống dọc đường nhà xe đài thọ, vì Hoàng sẽ phụ bốc hàng hóa giúp họ. Vợ chồng Hoàng thở phào nhẹ nhõm. 

Vừa tan làm về, Nguyễn Trọng Đại (25 tuổi) đã tất tả chạy xe ra tiệm tranh thủ kiểm tra, gia cố lại máy móc để chuẩn bị cho chuyến hành trình dài. Tết này, Đại (công nhân làm gỗ Khu chế xuất Linh Trung 2) sẽ về quê bằng con xe Exciter của mình. Đại chiêu mộ được một người bạn đồng hương đi cùng để chia sẻ tiền xăng. Đoạn đường từ Tp. Hồ Chí Minh về Ninh Sơn (Ninh Thuận) dài khoảng 450km, mất khoảng 10 tiếng chạy xe liên tục. Lần này, Đại có hẳn một nhóm 10 người đi nên đỡ lo rủi ro trên đường. Khi thông báo sẽ chạy xe máy về nhà, ba mẹ ở quê lo lắng đứng ngồi không yên. Mẹ khuyên Đại không nên như thế, rất nguy hiểm. Còn ba thì hiểu được hoàn cảnh của con, chỉ bảo ban, dặn dò nhẹ nhàng. Chi phí về bằng xe máy chỉ bằng 1/5 (tức hết 200 ngàn/người) so với giá đi ô tô nên được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đại là công nhân thời vụ nên không có chế độ thưởng tết, cậu làm được đồng nào thì hưởng đồng đó. 6 tháng nay, tháng nào cũng “âm” tiền nhà trọ, hiện đã nợ 3 triệu.

Đại đắn đo mãi, không về nhà ở lại thành phố cũng chẳng có tiền, không biết đi đâu, làm gì, buồn chán vô cùng. Thà về nhà, không có tiền nhưng vẫn có cơm thịt, bánh trái ăn tết, được vui vầy bên gia đình. Đại dự tính sẽ cầm giấy tờ xe lấy 5 triệu làm lộ phí và tiền lì xì cho ba mẹ cùng đứa em gái út. “Gia đình biết em không có thưởng tết nên cũng chẳng mong ngóng gì, còn em lại nghĩ, mình dù sao cũng đi làm ăn xa, nghèo vẫn phải có chút gì đó làm quà tết, như thế mới vui được”, Đại tâm sự. 

Tết đã rục rịch tới ngõ, ngày về không còn xa, xóm trọ công nhân muôn nỗi xốn xang. Kẻ ở, người về, tất cả đều thấp thoáng nỗi buồn, đều canh cánh một niềm lo âu về cuộc sống sau tết.

Bữa cơm chiều cuối năm trong căn phòng trọ nhỏ hẹp của công nhân, chỉ có đĩa rau luộc, chén dưa cà, nồi cơm trắng. Họ gói gém, dè sẻn từng miếng ăn, cả nhu cầu riêng, để dành tất cả tấm lòng cho một mùa tết sum vầy. 
Ngọc Hoa
.
.