Thăm "gia đình HIV"

Thứ Ba, 22/01/2008, 10:30

42 con người và chừng ấy số phận sống trong một mái ấm vừa là nhà ở, vừa là lớp học. Tất cả đều mang trong mình virus HIV từ khi lọt lòng. 13 mẹ nuôi - đa phần cũng là người có HIV ngày ngày chăm sóc, dạy dỗ chừng ấy đứa con với một niềm tin, các em có đủ sức chống lại số phận.

Nhà trẻ đặc biệt

Chúng tôi đến Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 (TTGDLĐXH 2) ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây trong một ngày đông lạnh giá. Cơn mưa đầu đông càng làm cho Ba Vì buốt giá hơn. Phải đi qua những khu núi đồi hoang sơ mới tới được đây. Trung tâm dường như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi tôi bước vào Trung tâm (TT) nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV, không khí gia đình bao trùm cuộc sống nơi đây khiến lòng người ấm lại trong cái rét tê tái của mùa đông.

Một góc, có tiếng hát véo von: "Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương...". Rồi tiếng cười khanh khách, tiếng trẻ nô đùa như ở bất kỳ một ngôi trường mầm non nào. Có cả tiếng ru hời ầu ơ và những lời âu yếm "mẹ - con", những âm thanh tưởng như không bao giờ có được ở nơi toàn những cuộc đời cô đơn, bất hạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế TTGDLĐXH 2 giới thiệu với chúng tôi TT nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV có 2 lớp học, dành cho ba lứa tuổi: sơ sinh, mẫu giáo và lớp lớn. Trẻ sơ sinh có 8 cháu với 3 mẹ, lớp mẫu giáo và lớp lớn có 34 cháu và 10 mẹ học chung một phòng.

42 em là 42 cảnh đời khác nhau, nhưng đều chung một nỗi niềm. Các cháu bị gia đình, người thân bỏ rơi, ghẻ lạnh vì mang trong mình virus HIV. Có cháu bị bỏ ở hành lang bệnh viện, cháu lại được đặt trước cổng Trung tâm 2...

Năm ngoái, Nguyễn Minh Long được bà từ Hải Phòng đưa lên Hà Nội chơi. Thế rồi người bà đưa Long lên TTGDLĐXH 2 vào một buổi sáng. Bà bảo Long đứng chờ bà đi mua bim bim. Nhưng bà đã bỏ đi không quay trở lại.

Long đứng trước cổng TT khóc ngặt nghẽo. Anh bảo vệ ra thấy cậu bé đứng cạnh một cái túi, trong có vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân và một... bức thư nhờ gửi cháu cho TT. Các bác sĩ ở đây đoán có thể cháu bị nhiễm HIV. Và kết quả xét nghiệm không ngoài dự đoán.

Một trong những cháu có mặt ở TT sớm nhất là cháu Lê Anh Duy (quê ở Tuyên Quang). Cũng vào một buổi sáng mùa đông giá rét, bảo vệ của trung tâm trong khi đi tuần phát hiện một trẻ sơ sinh nằm trong một... hộp cáctông cạnh cổng TT. Trong hộp còn có một bức thư nhờ TT nuôi dưỡng. Trong thư nói rõ, cha mẹ cháu nhiễm HIV và đều đã mất vì căn bệnh này.

Các bác sĩ kể lại, những ngày đầu mới về, Duy bị đủ thứ bệnh. Cán bộ đã phải đưa Duy lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Sau hơn một tháng bệnh tình thuyên giảm, TT lại cử người lên đón Duy về.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc TTGDLĐXH 2 cho biết, năm 2001, TT nuôi trẻ suy dinh dưỡng ở huyện Từ Liêm, thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Hà Nội phát hiện một trẻ nhiễm HIV. Sợ bé lây nhiễm cho các trẻ khác, họ liên hệ với TT xin gửi tạm bé lên đây, lý do cũng là chính đáng bởi tại đây có trẻ nhiễm HIV, các bác sĩ có điều kiện để chăm sóc.

TT đã tiếp nhận đứa trẻ này dù rất băn khoăn không biết sẽ nuôi dưỡng như thế nào. Rất may, đứa trẻ đã được chính các học viên, vốn là gái mại dâm nghiện ma túy, nhiễm HIV tận tình chăm sóc.

"Tiếng lành đồn xa", thế là từ đó những đứa trẻ bị bỏ rơi tại các bệnh viên, trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ do nhiễm HIV cũng được đưa lên đây. Được các tổ chức xã hội quan tâm giúp đỡ, TT đã xây dựng lên một dãy nhà dành riêng cho trẻ, mua sắm các thiết bị chăm sóc các em.

Mẹ, con cùng chống HIV

Cùng với 16 cán bộ y tế của TT, 13 "mẹ nuôi" ở TT nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV là mẹ thực sự của các cháu.

Chị N.T.H. (quê ở Bắc Ninh) vốn là kế toán của một trường THCS. Chồng của chị là một quân nhân. Cuộc sống của gia đình chị cũng êm ấm như bao gia đình khác. Sau chị có mang, gia đình rất phấn khởi. Thế nhưng, éo le thay khi đứa con chưa ra đời, chồng chị đã mất vì AIDS. Ít lâu sau đến lượt đứa con cũng ra đi vì căn bệnh thế kỷ.

Chị H. bảo, lúc ấy chị suy sụp lắm. Đang là người có tất cả, bỗng chốc mọi thứ hóa hư không. Rồi những lời dị nghị của xóm làng, thậm chí của đồng nghiệp khiến chị đã đau đớn lại càng thêm tủi hổ. Nhiều đêm khuya quạnh vắng, chị khóc đến sưng cả mắt. Đã nhiều lấn chị muốn quyên sinh.

Nhưng rồi cuộc đời của chị dường như bước sang một trang mới, khi chị xin lên TT nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV. Chị tự nguyện làm mẹ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le. Chị chăm sóc chúng từng li từng tí, y như là chăm sóc con đẻ.

Theo lịch làm việc hàng ngày, công việc của các chị là từ 7h cho đến 21h. Thế nhưng, hầu như các chị phải làm việc 24/24 giờ.

8 bé ít nhất là 3 tháng tuổi, nhiều nhất là 12 tháng, tất cả đều bị cha mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản TW, thậm chí là ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội).

Các bé do không được bú sữa mẹ nên sức đề kháng rất yếu. Hầu như tháng nào cũng có 1-2 bé được các mẹ đưa xuống Bệnh viện Sơn Tây hoặc Viện Nhi TW để điều trị.

Trong số các mẹ, có mẹ N.M.H. thường xuyên phải túc trực ở các viện nhi để chăm sóc các bé. Các bé thay nhau nằm viện nên chị H. bảo, có những tháng chị ở viện đến 29 ngày, còn về TT được 1 ngày.

Chị N.T.T. (quê Tuyên Quang) cũng là một trong những mẹ nuôi nhiễm HIV, tự nguyện đến TT để chăm sóc những đứa trẻ. Cuộc đời của chị T. cũng rất éo le. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lên ba tuổi cha chị mất vì tai nạn lao động. Hai mẹ con sống lay lắt qua ngày bằng gánh hàng của mẹ.

Đến khi lấy chồng sinh con, bất hạnh lại tiếp tục ập đến. Chồng chị một lái xe đường dài đã đột ngột ra đi sau một trận ốm liệt giường. Qua quá trình chăm sóc chồng, chị đã linh cảm căn bệnh anh mắc không phải là bệnh thông thường. Sau khi chồng mất chị lặng lẽ đi xét nghiệm. Và dự cảm ấy đã thành sự thật. Chị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Đau xót hơn, đứa con trai 6 tuổi của chị cũng bị lây từ mẹ.

Thế là hai mẹ con chị khăn gói xin vào TT. Hàng ngày, chị vừa chăm con, lại vừa chăm những bé khác.

Bà Thanh cho chúng tôi biết thêm, từ năm 2001 đến nay, đã có 78 lượt trẻ nhiễm HIV được đưa vào TT chăm sóc. Trong đó có 12 bé tử vong, 22 bé được trở về cộng đồng.

Giọng bà Thanh trở nên rất phấn khởi khi thông báo, hiện tại có nhiều bé sau một thời gian điều trị bằng thuốc ARV, khi xét nghiệm (sơ bộ) đã có kết quả âm tính với virus HIV. Nếu các bé vượt qua một cuộc xét nghiệm nữa thì coi như tử thần đã buông tha.

Ngoài công việc nuôi nấng, chăm sóc các bé, các mẹ ở TT còn phải lo cho các cháu đến trường. Đây thực sự là một công việc nan giải cho không chỉ các mẹ mà cả với lãnh đạo TT.

Thế nên, từ năm 2004, Ban giám đốc TT đã có công văn gửi Phòng Giáo dục huyện, Trường tiểu học Yên Bài và Trường tiểu học Việt Nam - Mông Cổ, đề nghị cho phép các cháu được nhập học như các bạn đồng lứa. Tuy nhiên, việc học của các cháu chưa được chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau.

Không chịu bó tay, TT phải mời giáo viên của Trường tiểu học Việt Nam - Mông Cổ vào tận nơi để dạy chữ cho các cháu. Các cháu đều được dạy theo chương trình đổi mới. Cho đến nay, có cháu đã học đến chương trình lớp 3, lớp 4.

Lãnh đạo của TT vẫn luôn trăn trở, làm thế nào để cho các bé ở đây được sống hòa mình hơn với cộng đồng chứ không phải chỉ ở trong phạm vi TT nhỏ bé này. Và sau nhiều lần cân nhắc, Ban giám đốc TT đã quyết định hàng tháng gửi trẻ ra những nhà dân xung quanh. Ở đó, trẻ sẽ được chăm sóc, vui đùa chung vui với các trẻ khác.

Chị Nguyễn Thị Lan, một trong số những gia đình thường xuyên nhận các trẻ ở TTGDLĐXH 2 về nhà mình tâm sự. Lúc đầu chị và gia đình cũng có những e ngại nhất định.

Tuy nhiên, sau một thời gian nhận các bé vào chăm sóc, sinh hoạt ở nhà, chị cảm thấy các cháu là những đứa trẻ rất ngoan ngoãn và hiếu động. Giờ đây, chị coi các cháu như con của mình

Tiến Minh
.
.