Thăm “lò” đào tạo hoa hậu ở Venezuela

Thứ Tư, 07/07/2010, 16:30
Thấy chúng tôi vào, 28 người đẹp đang chăm chú nghe thầy giáo Jose Rafael giảng bài nở những nụ cười kiểu "hoa hậu" và tíu tít chào. Ông Jose Rafael cho chúng tôi tha hồ chụp ảnh trong lúc ông giảng bài. Đây là điều chưa từng có ở Miss Venezuela bởi lẽ, đã có một số nhà báo đến đây thì đều bị thu giữ máy ảnh từ ngoài. Quả thật, những cô gái đang tham dự khóa học chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu Venezuela khiến chúng tôi hoa cả mắt.

Bấy lâu nay nói đến Venezuela thì người ta nói đến 3 điều: Thứ nhất là một đất nước có một vị Tổng thống nổi tiếng là ông Hugo Chavez - người đã khiến mấy đời tổng thống Mỹ ăn không ngon ngủ không yên vì đã bị mất "sân sau" là khu vực Nam Mỹ. Thứ hai là một đất nước có trữ lượng dầu mỏ thuộc vào hàng lớn nhất thế giới; và thứ ba, đó là một "cường quốc" về hoa hậu.

Gọi Venezuela là một “cường quốc” về hoa hậu cũng không có gì là quá, bởi lẽ trong khoảng hơn chục năm trở lại đây đã có tới 6 người đẹp Venezuela được vinh danh Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ. Đây là một kỷ lục mà chưa có quốc gia nào đạt được. Người ta thường nghĩ rằng để đạt được như vậy thì các cô gái Venezuela phải rất xinh đẹp. Vâng đúng thế, con gái Venezuela được coi là đẹp nhất ở vùng Nam Mỹ. Tuy nhiên, nếu chỉ đẹp không thì không thể đoạt được ngôi vị Hoa hậu Thế giới. Và thật may mắn cho chúng tôi  là đã được tận mắt thấy việc những người đẹp Venezuela được đào tạo thế nào.

Từ trước đến nay, trước hiện tượng Venezuela thường giành chiến thắng trong các cuộc thi hoa hậu không chỉ ở khu vực châu Mỹ mà còn trên thế giới thì người  ghen ghét đố kị  cho rằng, đào tạo hoa hậu đã trở thành một "ngành nghề", được áp dụng các "công nghệ hiện đại"  vào chăm sóc, chỉnh trang sắc đẹp. Chính quyền có những  kế hoạch, chính sách mang tính "chiến lược". Thậm chí việc đào tạo người đẹp trở thành Hoa hậu được coi là một "ngành kinh tế". Vì vậy, trên đất nước Venezuela có rất nhiều các "lò" đào tạo hoa hậu. Ở bang có "lò" đào tạo ở bang; tỉnh có "lò" đào tạo ở cấp tỉnh; và ở quốc gia có "lò" đào tạo hoa hậu ở  cấp quốc gia.

Rồi người ta còn thêu dệt rằng ở Venezuela, với ước muốn trở thành người mẫu, người đẹp, hoa hậu, nhiều cô gái sẵn sàng đi chỉnh sửa lại nhan sắc của mình bằng dao, kéo... Nào là gọt má, bơm ngực, chẻ môi, kéo mi mắt, rồi ghè hết cả hai hàm răng cha mẹ ban cho để lắp vào đó bộ răng "công nghiệp" trắng đến chói cả mắt... Nói tóm lại, về các người đẹp, không nhiều người tin rằng đó là vẻ đẹp tự nhiên trời phú, mà là có bàn tay của "nhân tạo".

Năm ngoái, trong một lần đến phỏng vấn ngài Đại sứ Venezuela tại Việt Nam. Khi chúng tôi hỏi rằng, bí quyết nào để Venezuela thường chiến thắng trong các cuộc thi Hoa hậu thì ông đại sứ cười mà rằng: "Vì con gái Venezuela rất đẹp, đẹp hơn... mức bình thường". Nhưng rồi ông thẳng thắn mà nói rằng đất nước ông  không tự hào lắm về các người đẹp đâu, và coi chuyện họ giành được vinh quang là... bình thường thôi! Đúng là cách nói của người chiến thắng.

Các mỹ nhân trong “lò” đào tạo hoa hậu.

Người ta thêu dệt, thậm chí bôi bác việc đào tạo hoa hậu ở Venezuela, nhưng có một sự thực mà ai cũng biết, đặc biệt là cánh phóng viên, ấy là rất khó xách máy ảnh vào các "lò" luyện hoa hậu, nhất là ở một nơi danh tiếng như ở Miss Venezuela. Những trung tâm đào tạo hoa hậu thường được giữ bí mật một cách nghiêm ngặt, hầu như không có một phóng viên nào có thể vào được trung tâm để chụp ảnh, phỏng vấn hoặc gặp gỡ những người đẹp tại đó.

Chẳng phải những thầy cô giáo ở các trung tâm lo sợ lộ "công nghệ" mà cái chính là họ rất biết tác động của truyền thông đối với những người đẹp là như thế nào. Hơn nữa, hầu hết những cô gái vào học ở trung tâm như tại Miss Venezuela đều có "chủ". Chủ của người đẹp là các hãng mỹ phẩm, thời trang danh tiếng, các hãng chế tạo xe hơi lừng lẫy, các hãng dược phẩm uy tín... Họ bỏ tiền ra đi săn lùng người đẹp về rồi đưa họ đi đào tạo, vì thế không bao giờ họ muốn gương mặt của các cô gái mà họ kỳ vọng mang lại doanh thu cho hãng lại bị cũ nát trên mặt báo, trước khi thành danh.

Trong chuyến đi này, mặc dù trước đó cả chục ngày, tôi đã gửi thư cho anh Trần Thanh Huân, Đại sứ Việt Nam tại Venezuela, xin anh cố gắng thu xếp cho chúng tôi một chuyến vào thăm Miss Venezuela ở thủ đô Caracas. Sở dĩ tôi dám đề xuất như vậy bởi vì tôi biết sứ quán ta tại Venezuela có quan hệ tốt đẹp với nhiều cơ quan văn hóa của bạn, trong đó có Miss Venezuela. Và trung tâm này cũng dành cho Sứ quán Việt Nam tình cảm đặc biệt. Vì vậy, một số cuộc tiếp khách của Sứ quán Việt Nam tại Venezuela nhân ngày lễ lớn cũng đã có một số người đẹp tại trung tâm này đến  giúp đón tiếp khách.

Mong muốn là vậy, nhưng cũng biết chỉ là "một phần ngàn tia hy vọng". Nhưng thật bất  ngờ và cũng không biết bằng cách nào mà Đại sứ Trần Thanh Huân đã thu xếp cho chúng tôi một buổi làm việc, với thời gian không hạn chế tại Miss Venezuela và trước lúc tôi lên đường về nước chỉ có 7 tiếng đồng hồ.

Miss Venezuela nằm trên một quả đồi thấp ngay trung tâm thành phố Caracas, bên cạnh là Đài Truyền hình Venesion. Đây là một đài truyền hình danh tiếng của một nhà tỉ phú. Và nghe nói ông cũng là người giúp đỡ nhiều cho cuộc thi hoa hậu. Không chỉ là tài trợ bằng cách quảng bá hình ảnh cho các cô gái mà còn giúp đỡ về mặt vật chất nữa.

Người ra đón chúng tôi là ông Jose Rafael,  Phó giám đốc Miss Venezuela, đồng thời là giáo viên dạy nghệ thuật ứng xử và cách đối phó với báo chí. Đó là một người đàn ông tầm thước, có gương mặt hơi đượm vẻ phong trần và có bộ râu cuốn hút cùng ánh mắt linh hoạt,  thoắt sáng quắc nhưng lại thoắt u buồn... Tướng mạo cũng như phong cách của ông khiến tôi còn thấy "rung rinh" thì không hiểu với phụ nữ, ông là thỏi nam châm mạnh cỡ nào.

Ông nói với chúng tôi rằng ông đang bận giảng cho các người đẹp kinh nghiệm tránh sự xoi mói của phóng viên thì giờ lại có ngay một đoàn phóng viên đến. Thật  đúng là "họa vô đơn chí". Ông mời chúng tôi ngồi nghỉ một lát rồi sau đó sẽ lên lớp học, trực tiếp xem các người đẹp trong một buổi học và trao đổi kinh nghiệm.--PageBreak--

Tranh thủ lúc chờ đợi, tôi xách máy ảnh đi một vòng trong Miss Venezuela. Đây là một tòa biệt thự nhỏ trong khuôn viên rộng khoảng hơn 1.000m2. Nhà chỉ có 2 tầng và diện tích sử dụng chắc cũng chỉ hơn 300m2. Tầng trệt là phòng khách được bài trí đơn giản nhưng hiện đại. Phía trong là phòng hóa trang gồm ba buồng. Trang thiết bị trong phòng hóa trang cũng "thường thường bậc trung", thậm chí thua xa nhiều cửa hàng cắt tóc làm đẹp tại Việt Nam. Ngoài ra còn vài phòng dành cho những người đẹp nghỉ ngơi.

Tầng hai có một hội trường dành làm nơi học tập và tập luyện cho những người đẹp. Hội trường chỉ rộng hơn trăm mét vuông và vật đắt tiền nhất là tấm gương lớn. Không có  bàn, chỉ có những chiếc ghế gập lại được và giữa nhà là một chiếc bục dài phủ thảm đỏ, ở giữa có đường kẻ trắng. Bục này là dành cho các cô gái tập đi theo kiểu... nói hình tượng của ta là đi "xoắn quẩy". Đi "xoắn quẩy", nghe tưởng dễ, nhưng khi tôi tập đi trước sự chứng kiến của nhà báo Xuân Ba và Tiến Phú thì tôi suýt ngã. Vật dụng đắt tiền nhất trong phòng học tập này có lẽ chỉ là tấm gương.

Thầy giáo Jose Rafael đang truyền đạt những kỹ năng cho các người đẹp.

Tại hội trường có 28 người đẹp đang chăm chú nghe thầy giáo Jose Rafael giảng bài. Thấy chúng tôi vào, các cô gái nở những nụ cười kiểu "hoa hậu" và tíu tít chào. Có lẽ vì ngây ngất trước sắc đẹp và sự tươi trẻ của các cô gái mà ông Xuân Ba thấy cần phải chỉnh trang nhan sắc của mình tí chút. Ông lẳng lặng ra ngoài cửa, rút chiếc lược trong túi ra chải lại mái tóc không ra đàn ông, chẳng ra đàn bà, lại nhuộm nhôm nhoam, mảng đen, mảng trắng.

Ông  Jose Rafael dành cho chúng tôi một đặc ân, đó là trong lúc ông giảng bài thì chúng tôi tha hồ được chụp ảnh, đây là điều chưa từng có ở trung tâm này. Bởi lẽ từ trước tới nay cũng có một số nhà báo đến đây thì đều bị thu giữ máy ảnh từ ngoài. Quả thật, khi nhìn những cô gái đang tham dự khóa học chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu Venezuela vào tháng 10 tới khiến chúng tôi hoa cả mắt. Người đẹp nào cũng cao khoảng từ 1m70 trở lên thậm chí có cô cao tới 1m85. Ông Jose Rafael cho chúng tôi biết những cô gái ở đây, nhiều tuổi nhất là 25, còn ít tuổi nhất là 18.

Tranh thủ lúc giải lao tôi hỏi ông Rafael  tại sao lại phải dạy các học viên cách ứng xử đối phó với các phóng viên báo chí? Chẳng lẽ phóng viên chúng tôi lại nguy hiểm đối với các hoa hậu như vậy hay sao?  Ông cười và bảo: Các cô gái có thể khôn ngoan ở chỗ này, chỗ khác nhưng đối với các nhà báo thì họ thường đặt những câu hỏi mà nếu như không khéo thì rất dễ bộc lộ lỗ hổng về kiến thức. Với các nhà báo thì hoa hậu chỉ là  "con thỏ trước  con cáo".

Có một thực tế là không ít nhà báo, họ coi việc bới móc đời tư, tìm tòi những khiếm khuyết trong lời ăn tiếng nói, trong ánh mắt nụ cười của những người đẹp là "nhiệm vụ chính". Một thủ đoạn rất nguy hiểm của giới phóng viên là hay gài bẫy trong những câu phỏng vấn, ấy là họ hay lồng chuyện chính trị vào. Nếu không tinh ý, không khéo léo và cả tin nhà báo, thì người đẹp rất dễ có những câu trả lời hớ, đặc biệt  là đối với những câu hỏi liên quan đến những vấn đề chính trị.

Với những cô gái tuổi mười tám đôi mươi, thì nhiều khi chỉ vì một bài báo mà làm tiêu tan ý chí và khát vọng vươn lên của họ. Và nhiều khi cánh phóng viên lại cứ hay đòi hỏi một cô gái còn rất trẻ phải có sự hiểu biết về chính trị như một ông lão đầu đã hói... Cho nên, cần phải dạy các người đẹp cách ứng phó với báo chí, mà theo ông Jose Rafael thì cách hay hơn cả là phải biết mở miệng lúc nào, với phóng viên nào, và của tờ báo nào. Còn nếu phải từ chối thì cũng là sự từ chối "đáng yêu".

Nghe những điều ông Jose Rafael nói về báo chí, thú thực là tôi cũng có tí ti chạnh lòng. Nhưng rồi lại tự an ủi rằng, từ xưa đến nay, tôi chưa bén mảng đến bất cứ cuộc thi hoa hậu, kể cả thi hoa hậu nội địa  lẫn thi hoa hậu quốc tế.

Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện thì có một cô gái đẹp rực rỡ đi  vào.  Đó là Merei Lisa, Hoa hậu Venezuela năm 2009, hôm nay cô đến đây để trao đổi kinh nghiệm với các học viên về cách ứng xử. Cô niềm nở  chào  và sẵn sàng để cho chúng tôi chụp ảnh. Với  phong thái tự nhiên, thân thiện và không hề có chút nào biểu hiện của sự kiêu ngạo hay có của những cô gái đẹp, Merei Lisa hứa sẽ dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn ngay sau khi buổi trao đổi kinh nghiệm ứng xử của cô với các học viên kết thúc.

Hoạt bát, tự tin và pha chút hài hước, cô nói với các học viên về cách ứng xử của mình trong các cuộc thi từ cấp bang trở lên và cách trả lời các câu hỏi có tính chất móc máy hoặc thiếu thiện chí của các nhà báo. Đúng là khốn khổ cho mấy cái mặt chúng tôi. Được buổi đi thăm trung tâm đào tạo Hoa hậu danh tiếng nhất của Venezuela thì lại phải chứng kiến, phải nghe những thủ đoạn nhằm đối phó với nhà báo. Mà ác thay, người đang nghe như nuốt từng lời kia lại là những người đẹp.

Hoa hậu Merei Lisa.

Trung tâm Miss Venezuela thật đáng tự hào về thành tích của mình. Đã có tới 6 cô gái học ở đây được vinh danh là Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ. Đó là các hoa hậu: Marta Sayalero; Irene Saez; Barbara Palacids; Alicia Machado; Stefania Fernandez và Dayana Mendoja, Hoa hậu thế giới năm 2008 trong cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam. Ảnh của các cô gái được để ở phòng khách rồi để ở trong phòng trang điểm.

Tranh thủ lúc cô Merei Lisa nói chuyện với các học viên, tôi có hỏi ông Joe Rafael về  tình hình hoạt động của trung tâm. Hóa ra việc dạy các học viên ở trung tâm cũng không như chúng tôi tưởng tượng và như những lời đồn thổi. Ở Venezuela, việc đào tạo cho con cái trở thành những người mẫu thời trang, trở thành những người đẹp đi thi hoa hậu từ cấp nhỏ đến cấp quốc gia được rất nhiều các bậc cha mẹ quan tâm.

(Còn tiếp)

N.N.P.
.
.