Thâm nhập vào giới chơi trống đồng

Thứ Bảy, 18/09/2010, 11:10
Trống đồng - báu vật những tưởng quốc cấm, quý hiếm vào dạng bậc nhất nhưng vẫn có những hiệp thợ săn chuyên đi săn trộm, vẫn có những đại gia, thậm chí dân thường áo vải chơi một lúc vài chiếc đến cả chục chiếc, bày như lợn con trong nhà...

Trống đồng không phải chỉ Việt Nam mới có mà nó còn thấy ở một số nước trong khu vực, nhưng nhắc đến tầng sâu xa của văn hóa Đại Việt không thể không nhắc đến quốc bảo trống đồng. Âm thanh xưa phải hùng dũng lắm cho nên sứ giả quân Nguyên là Trần Phu, vào thời nhà Trần, khi qua đất Việt  nghe tiếng trống đồng mà kinh hồn, bạt vía trước hào khí Đông A ngùn ngụt dâng trào: "Trông bóng giáo mác lòng đau khổ/Bạc cả tóc vì nghe tiếng trống đồng".

Không chỉ có chức năng nhạc khí, trống đồng khi xưa còn được sử dụng để giao tiếp với thần linh, ma quỷ. Nó là một phần không thể thiếu ở một số nghi lễ tôn giáo cổ.

Theo Phạm Duy (1975) trong "Sơ khảo âm nhạc cổ truyền Việt Nam",  âm thanh của trống đồng ngày xưa được dùng trong ban đại nhạc của triều đình vào thời Hậu - Lê. Mỗi khi có nhật thực hay nguyệt thực, vua quan làm lễ và ban nhạc cử bản nhạc có cái tên huyền bí: "Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc".

Ở thời hiện đại, trống đồng thi thoảng tham gia vào đời sống tế lễ sinh hoạt của người thiểu số. Ví như người Mường vùng Lạc Sơn (Hòa Bình) đặt úp trống trên mặt đất hay trên sàn nhà, dùng một cái dùi mỏ khoắm, đầu khoắm được bọc vải, để gõ trong dàn nhạc tang lễ cùng với những bát âm thông thường. Người Khơ Mú dùng dùi thẳng, đầu gõ được bọc vải phía trong, cầu kỳ hơn phía ngoài bọc bằng da hòn dái dê. Khi chơi, người Khơ Mú cũng úp trống xuống như người Mường. 

Trong tang lễ, người Lô Lô dùng tới hai trống đồng, đặt hoặc treo nghiêng, mặt trống đối diện nhau. Dùi trống Lô Lô cũng như dùi trống của Khơ Mú. Phụ nữ cầm dùi gõ theo nhịp vào núm trống. Trong đời sống tâm linh của cả ba dân tộc nói trên, trống đồng được coi là tượng trưng cho mặt trời, tiếng trống tượng trưng cho tiếng nói của trời, tức là tiếng sấm. Tiếng trống sẽ dắt linh hồn người chết biết đường đi về thế giới tổ tiên...

Trống đồng của anh Nam ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ.

Giờ chẳng ai chơi trống đồng vì mục đích nhạc khí hay tâm linh mà trống chỉ để trưng, thể hiện sự sành chơi hay quyền lực, tiền bạc vô đối của chủ nhân. Qua đầu mối của ông Tám ở TĐ (Thanh Oai, Hà Nội), tôi biết đến giới chơi trống đồng ở miền Bắc với nhiều “thâm cung bí sử” kèm theo. Một số người chơi là để lưu giữ, nhưng phần đa chơi là để kiếm cách "gặt hái". Trống đồng là báu vật quốc gia nhưng việc buôn bán gần như không thể kiểm soát.

Theo ông Tám, việc chuyển giao trống giữa người chơi này với người chơi kia ở nội địa là hợp pháp, chỉ có buôn ra nước ngoài mới có chuyện bắt bớ. Những thành viên của Hội Unesco lại càng dễ dàng trong việc trao đổi cổ vật. Giới chơi và buôn bán cổ vật chia ra nhiều giai tầng. Cao nhất là những ông chủ, những đại gia lắm tiền, nhiều của có thể ôm tiền tỉ để mua một món đồ mình thích, chẳng bao giờ phải nghĩ ngợi, chơi theo sở thích hoặc ôm cho đến khi lãi gấp đôi, gấp ba là “quất thẳng”.

Nguồn hàng cung cấp cho những ông chủ, đại gia là những đại lý đồ cổ như kiểu ông Tám. Những người này có tay chân, "ăng ten" cài cắm ở khắp các vùng miền, tới từng xã huyện. "Ăng ten" là những thổ công của mỗi vùng, thạo tin đủ thứ chuyện, được đào tạo bởi các đại lý để khi đánh hơi thấy có đồ cổ, bốc điện thoại gọi ăn tiền phần trăm.

Bao giờ những "đại lý" kiểu như ông Tám cũng có vài chục "ăng ten" khắp mọi miền. Chỉ ngồi nhà cũng có thể nắm được từng chân tơ, kẽ tóc của những món hàng ở khắp hang cùng ngõ thẳm từ đồng bằng đến vùng biển, từ miền ngược đến miền xuôi.

Hôm đó, nhận được tin báo của ông Tám có chiếc trống đồng đang được một đối tượng ở Kim Bôi (Hòa Bình) đánh tiếng tìm bán, tôi sướng như mở cờ trong bụng, nằn nì xin ông cho một chuyến đi bám càng, thực tế với điều kiện "kín như bưng". Nhưng chỉ hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị hành trang lên đường thì tin lại báo về, chiếc trống đó đã được bán đi mất dạng với giá gần dăm chục triệu.

Ông Tám an ủi: "Đó là trống đồng của người Mường, non tuổi hơn trống đồng Đông Sơn cả ngàn năm. Hoa văn, họa tiết đơn giản, thành vách mỏng nên có giá trị thấp. Chẳng nên tiếc làm gì". Mấy hôm sau, lại nghe đầu mối phong thanh thông báo có người ở Đặng Giang (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) báo có một “con” trống. Nguồn tin còn rò rỉ chủ của chiếc trống chính là một chân máy đệ tử của ông Tám khi xưa. Chúng tôi lại cưỡi xe lên đường, đến triền đê của sông Đáy, xuống một ngõ nhỏ sâu tít trong làng, đó chính là nhà T. - đệ tử ông Tám. T. đi vắng, chỉ có vợ ở nhà. Đây là chỗ thân mật nên vợ T. coi chúng tôi như thượng khách, để tùy ý ngắm nghía.

Sau khi lượn khắp nhà, leo cả lên gác, dòm vào từng chiếc kệ bày đồ không thấy chiếc trống đồng đâu mà chỉ thấy những cổ vật không mấy giá trị như mũi tên, mũi lao, rìu đồng, xô, chậu đồng. Ông Tám bốc điện thoại gọi: "Chiếc trống của chú để đâu, ra một cái giá hữu nghị cho anh xem". Tiếng người trong điện thoại vâng dạ, léo nhéo một hồi. Sau cú phôn mặt ông Tám thuỗn ra, ông bảo tôi: "Hỏng rồi, nó đã bán gần trăm triệu, mình đến chậm quá. Dạo này cứ hở hàng ra là bị thằng khác ăn ngay".--PageBreak--

Mấy hôm sau, ông Tám còn lùng được một thông tin quý giá có người cũng ở huyện Ứng Hòa ở xã vùng chiêm trũng vừa chạy máy (những người có máy dò kim loại, chuyên đi tìm cổ vật trái phép) mới đào được 2 trống đồng. Sau khi qua mấy đầu mối, ông cũng tìm được đến nhà người có trống nọ. Cửa nhà nhanh chóng được đóng sập lại ngăn những con mắt tò mò, một cuộc xem trống trong vòng bí mật bắt đầu. Mấy chiếc trống được cất kín trên gác xép.

Leo lên cầu thang ọp ẹp phát ra những tiếng cọt kẹt mục ruỗng, để bước vào căn xép tối om, ông Tám kể run gần chết nhưng vì máu 2 cái trống đồng quá nên cứ bấm môi, mím lợi mà tự động viên mình. Khi chiếc đèn pin nhỏ xíu được bật lên, ông cẩn thận giở mấy lớp vải phủ bên trên và thất vọng tràn trề khi 2 cái trống nát tươm hiện ra. Một cái rách toạc váy (chân đế của trống tức chỗ phình ra - tiếng lóng của giới buôn đồ cổ), một cái thủng lỗ chỗ mặt như than tổ ong. Xem xét kỹ từng hoa văn còn lại cho thấy đây là hàng thường, không phải hàng kỹ thuật  nhưng người chủ tưởng đồ đồng nát vụn đó quý giá vẫn hét dăm sáu chục triệu khiến ông chuồn thẳng.

Ông Tám truyền bí quyết, trống đồng Đông Sơn đào dưới đất, loại H1 - tức đời cao cấp nhất có giá đến mấy tỉ. Loại ấy có đủ hoa văn người giã gạo, hươu, nai, cóc còn có 4 con giao long (tức thuồng luồng, con vật thiêng trong các câu chuyện cổ có hình dáng tựa cá sấu, rắn khổng lồ - NV), ngoài có 6 kim, đường kính cỡ 80cm... khác với hàng trống trận thông thường. Lại có cả trống đồng hình chậu, bình thường binh sĩ dùng rửa mặt khi ra trận dùng để gõ cho khí thế thêm xung. Tầng lớp tộc trưởng dùng loại nào bình dân dùng loại nào không thể có chuyện "cá mè một lứa" được.

Trong chiến tranh khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu, tiếng trống đồng là tiếng hiệu triệu. Trống thường thuộc về những người thủ lĩnh và là biểu tượng của quyền lực. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Trống đồng cũng được coi là một tài sản quý, và được chôn theo khi người chủ qua đời. Vì thế ở một số nơi khai quật mộ cổ vẫn tìm thấy trống đồng...

Một buổi ông Tám dẫn tôi vào nhà ông Long ở làng giò Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội). Ngự chình ình ở gian nhà ngoài là 2 chiếc trống đường kính 35 và 45cm. Ông Long bảo: "Trống lành hết nhưng không phải hàng kỹ chứ hàng kỹ đã bán rồi. Tôi đi làm máy, mấy cái này làm được lâu rồi. Hàng kỹ giữ lại khó lắm. Mình đã chơi xác định bao nhiêu ăn cũng hết, giờ làm không ra nữa nên để lại mà chơi. Giá nó cũng rẻ, vài chục triệu một cái thôi".

Tuy nhiên, khi ông Long ra ngoài, ông Tám kéo tay tôi rỉ tai: "Tao thấy bảo mấy cái trống này được hiệp thợ tút trong Thanh Hóa ra ăn dầm ở dề một thời gian để tút chứ lành lặn gì". Đúng lúc đó, ông Long quay vào, câu chuyện giữa chúng tôi lại rôm rả như không có cái sự rỉ tai nọ.

Ông Long kể tiếp: "Vụ vừa rồi, đội tôi là ghê gớm được hơn trăm triệu là oai chứ nhiều đội móm, bình quân được 20 triệu/suất, hiếm đến mức độ nào. Nhiều đội móm, mất cả tiền ăn mà không ra đồ". Ông Long là thuộc lớp thợ đầu tiên khai thác thứ này ở Hà Tây cũ.

Hai chiếc trống được ông Long trải nhung đỏ để trong tủ kính bày ngay tại bàn uống nước ở phòng khách gia chủ. Cuối phòng khách, ông Long bày ngồn ngộn những giá đồ trưng bày cổ vật. Một hàng chữ to tướng được xếp bằng đồng xu cổ: "Tìm về cội nguồn người Việt cổ".  Dưới đó thôi thì đủ kiểu từ vũ khí thời Đông Sơn đến những bát, đĩa đời Lý, đời Thanh... nhưng đáng kể nhất vẫn là bộ sưu tập xô đồng hàng vài chục đến cả trăm cái thời Đông Sơn chứng tỏ tay máy thiện nghệ trong việc đánh thức cổ vật ở dưới đất của ông Long. Ông Long vẫn thường xuất tiền ra để có được bộ sưu tập đồ sộ, kỳ công ấy. Xô đồng tuy không có giá trị cao như trống nhưng cũng là những thứ đắt tiền, cái lành tít được trả vài triệu đến vài chục triệu tùy theo hoa văn và kích thước nhưng ông Long vẫn kiên quyết không bán.

Sau khi cẩn thận thăm dò tôi, ông Long lặng lẽ đến bên chiếc tủ chè vẫn tưởng là vật trưng dụng phổ biến ở thôn quê, mở cửa ra. Ngăn tủ rỗng không khiến tôi ngạc nhiên không hiểu ông định khoe cái gì. Ông Long cười, mò mò tay vào tấm ván lót nơi đáy tủ, một chiếc chốt bí mật bỗng mở ra, hệt như trong phim hành động Mỹ. Dưới con mắt ngỡ ngàng của tôi là gần chục chiếc trống đồng con con được xếp thành hàng ngay ngắn. Đó là những trống đồng binh khí, loại trống nhỏ nhất trong “gia tộc trống đồng”,  chỉ bằng cái ấm nước đến cái ấm pha trà mà tôi đã thấy trong chuyến theo các nhà sử học ở Trường đại học KHXH và NV Hà Nội đào được ở huyện Đông Anh mấy năm trước. Giá trị mỗi chiếc trống mini này khoảng vài chục triệu.

Trong giới chơi trống ở phía Bắc có đại gia H. ở Hải Dương có 2 cái trống đồng là hàng kỹ trị giá vài trăm triệu, còn hiệp thợ chỉ có ông Long là giữ trống. Giới sưu tầm như ông Tuấn Bun ở Hà Nội mỗi lần đi triển lãm đánh cả cái ôtô tải đi... chở trống đồng. Ông này có đến hàng chục trống đồng, lớn, bé đủ kiểu trong đó một vài cái rất có giá trị. Hay anh Nam “sẹo” ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) chơi trống cũng  kỳ công không kém. Vốn là bộ đội phục viên, anh Nam gắn với nghiệp buôn đồ cổ cũng cỡ vài chục năm. Trong gian quán cà phê huyện lị nhà anh, ngồn ngộn cổ vật như gốm sứ, hoành phi, câu đối, đồ vũ khí, đồng xu... nhưng có sức hút mạnh nhất đối với tôi vẫn là 3 cái trống đồng nằm chễm trệ ngay giữa phòng khách.

"Tôi không có đội quân đi đào cổ vật nên toàn "luộc" lại của cánh thợ thuyền. Cái trống cỡ vừa tôi tầm ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cái cỡ nhỏ tầm ở Tuyên Quang, cái lớn nhất mua của cánh thợ gần đây. Tất cả đều được đem đi giám định rồi. Giờ giá trị chúng lần lượt là 350 triệu, 250 triệu, 200 triệu tùy kích thước, hoa văn". Quả thực mấy chiếc trống của anh ở đẳng cấp cao hơn hẳn trống của nhà ông Long nhưng dưới con mắt tinh tường của giới sưu tầm vẫn chỉ là hàng thường thường bậc trung chứ không phải là hàng quốc bảo quý giá gì.

Trong giới chơi cổ vật vẫn hằng ngưỡng mộ những chiếc trống như chiếc trong chương trình nhạc hiệu "Bông hoa nhỏ" thuở nào tivi hay phát. Một chiếc trống hàng kỹ, chi chít hoa văn, dày đặc hình họa đến độ tinh xảo và lành tít hiện nay không có giá dưới triệu đô, nhưng giờ chẳng biết những chiếc trống loại đó có còn ở trong biên giới Việt Nam hay viễn du trong những bảo tàng, những kho sưu tập tận hải ngoại rồi?

* Thể theo yêu cầu về giữ bí mật danh tính một số người cung cấp thông tin, chúng tôi xin đổi tên hay viết tắt tên của vài nhân vật trong bài

Xứ Đoài
.
.