Thấy gì từ những khu nhà bị bỏ hoang ở Hà Nội

Thứ Hai, 09/06/2008, 09:30
Trong khi quỹ đất Hà Nội cũng như các thành phố khác trong cả nước rất eo hẹp, giá cả mỗi ngày một leo thang, chính phủ phải đau đầu với việc lo nơi ăn, chốn ở cho nhân dân, thì lại có hàng ngàn ngôi biệt thự tại các khu đô thị đẹp bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn. Dư luận không khỏi bức xúc về việc này.

Biệt thự cao cấp thành ổ tệ nạn xã hội

Vài năm trước, xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) như một ốc đảo nghèo nàn giữa cánh đồng mênh mông nước. Từ khi thành phố Hà Nội phát triển ra phía tây, cơn sốt đất bùng phát, đất Mễ Trì trở thành vàng. Hàng loạt dự án lớn đã lấp kín bờ xôi, ruộng mật.

Mấy ngôi làng bỗng mất hút sau những tòa nhà cao tầng, những công trình hoành tráng. Trong khi người nông dân không biết làm gì kiếm sống thì những thửa ruộng ít ỏi còn lại bị san lấp nốt để xây dựng khu biệt thự cao cấp cho hài hòa với cảnh quan sang trọng xung quanh.

Những ngôi nhà xây trên đất của họ cứ tăng giá chóng mặt từng ngày. Từ 2 đến 3 tỉ đồng lúc đầu, qua tay vài người, giờ lên tới chục tỉ. Không biết giá cả những ngôi biệt thự trên khu đất vàng này còn leo thang đến khi nào chỉ biết rằng, nó được xây dựng không phải để thỏa mãn nhu cầu bức xúc về nhà ở mà là chỗ để người ta mua bán, trao đổi kiếm lời.

Nông dân mất đất, người giàu kiếm bạc tỉ, còn những ngôi nhà đó suốt mấy năm nay vẫn để hoang, rêu phong mốc xanh mốc đỏ. Mất ruộng đất, mất công ăn việc làm, người dân ở làng Mễ Trì Hạ lại phải sống chung với tội phạm khi bọn nghiện ngập, trộm cắp, gái mại dâm lấy những ngôi nhà hoang làm nơi trú ngụ, hành lạc.  

Không thấy bảo vệ, cũng chả thấy người của BQL dự án đâu, khu vực biệt thự cao cấp thả cửa tự do cho mọi người ra vào, qua lại.

Rón rén lựa chân qua những khoảnh sân, vườn với cỏ mọc rậm rịt, lòa xòa đến hông, tôi bước vào một biệt thự bỏ hoang và thấy ớn lạnh trước những gì đập vào mắt mình. Toàn bộ tầng 1 ngôi nhà như một cái toalét bốc mùi đến ngạt thở. Tầng 2, tầng 3, phòng nào cũng chỉ thấy rặt những xơ-ranh dính máu và bao cao su đã qua sử dụng.

Tôi đã ghé “thăm” hàng chục ngôi biệt thự bỏ hoang ở khu vực Mễ Trì Hạ và thấy rằng, toàn bộ khu nhà hoang này đã biến thành một ổ tệ nạn vô cùng nhức nhối.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ quán bia ở ngay cạnh khu biệt thự cao cấp Mễ Trì Hạ bức xúc: “Cứ đêm đến, tôi lại thấy bọn nghiện và gái mại dâm kéo nhau vào khu nhà để hoang này. Chúng làm gì trong đó có trời mới biết. Từ khi khu nhà hoang này xuất hiện, đã 4 năm nay, làng tôi phải hứng chịu nạn trộm cắp, cướp giật diễn ra thường xuyên. Nhà nào hở ra thứ gì là chúng thó mất thứ đó...”.

Làng Phùng Khoang (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) là nơi tập trung đông sinh viên thuê trọ nhất Hà Nội, khoảng 3.000 sinh viên. Phần lớn người dân trong làng không có nghề nghiệp gì, mà chỉ trông chờ vào việc cho thuê trọ. Người dân sống trong những gian nhà nhỏ tối đa, còn sinh viên thì chui rúc trong những căn nhà cấp 4 rộng vài mét vuông, rất tồi tàn.

Đối nghịch với cảnh sống chen chúc đó là khu biệt thự, nhà chia lô chiếm diện tích rất lớn ngay đầu làng. Tuy nhiên, hầu hết những ngôi nhà này đều bỏ hoang từ nhiều năm nay. Những ngôi biệt thự có giá hàng tỉ, nằm ngay cạnh hồ Phùng Khoang, từ 5 năm nay vẫn không thấy  có người ở.

Ông Nguyễn Khắc Đồng (Ban Tư pháp xã Trung Văn) cho biết, những ngôi biệt thự này là những ổ tệ nạn, tập trung bọn xì ke, ma túy. Gái mại dâm đứng ở dọc đường Nguyễn Trãi thường dẫn khách vào trong những ngôi nhà hoang này hành lạc để... tiết kiệm tiền nhà nghỉ. Đám sinh viên hư hỏng cũng kéo nhau vào đó để "ăn cơm trước kẻng". Đám thợ xây dựng ở những công trình gần đó thì biến những ngôi biệt thự này thành... toalét.

Trước thực trạng đó, tổ dân phố đã đề nghị những chủ nhà không ở thì phải xây bịt kín lại. Nhiều chủ nhà đã chấp hành xây kín cửa ra vào, cửa sổ lại như một cái lô cốt. Tuy nhiên, còn nhiều biệt thự vẫn chưa xây vì tổ dân phố đã rất nỗ lực nhưng không thể tìm nổi chủ của nó là ai. Hầu hết những biệt thự ở đây đều đã được mua bán trao tay cả chục lần rồi. Việc tìm được người chủ cuối cùng không khác gì “mò kim đáy bể”.

Ngay cạnh khu biệt thự Phùng Khoang là những dãy nhà chia lô cũng nằm trong tình trạng bỏ hoang từ nhiều năm nay. Nổi bật là những nhà chia lô của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Những nhà chia lô này thuộc dự án  có cách đây trên 10 năm. Cán bộ của hai đơn vị đã đóng một khoản tiền nhất định (giải phóng mặt bằng, xây dựng) để được sở hữu lô đất.

Tuy nhiên, vì không có tiền đóng nên phần lớn trong số họ đã bán trao tay quyền sử dụng nhà. Người nọ bán trao tay cho người kia, khiến hàng trăm ngôi nhà ở đây từng qua tay rất nhiều chủ, song vẫn chưa có mấy người đến ở. Mấy dãy nhà ngồn ngộn vôi vữa, gạch ngói chìm vào quên lãng, dù người ta vẫn mua bán trao tay nó với giá nhiều tỉ đồng.

Bà Hoàng Thị Kiên (số 59, ngõ 117, Phùng Khoang) bức xúc: “Nhà tôi nằm ngay cạnh khu “đô thị hoang” này nên tôi biết rõ sự phức tạp của nó. Đêm nào đi qua, tôi cũng thấy bọn nghiện như những bóng ma vật vờ trong những ngôi nhà hoang ấy. Từ ngày xuất hiện những ngôi nhà hoang này, trộm cắp xảy ra thường xuyên.

Mặc dù nhà tôi đã rào kín bằng thép gai, nhưng bọn trộm vẫn trèo qua được. Số sinh viên trọ ở nhà tôi liên tục mất xe đạp, điện thoại, ví tiền, máy tính. Giá như Nhà nước có chính sách thu hồi hết những ngôi nhà để hoang này bán cho những người nghèo chưa có nhà thì tốt biết mấy. Toàn ruộng vườn nhà chúng tôi, họ thu hồi, xây nhà to tướng rồi để hoang như vậy... Thật là lãng phí”.

Phía bên kia hồ Phùng Khoang là làng Việt kiều châu Âu với những biệt thự sang trọng mọc lên, nhưng cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang. Đây là dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những Việt kiều về làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.

Dự án hoàn thành sẽ có tới 600 biệt thự và căn hộ liền kề. Tuy nhiên, người Việt mua biệt thự còn chẳng ở, nói gì đến chuyện Việt kiều ở tận châu Âu, nên dự án này có nguy cơ biến thành một “thành phố hoang” cực lớn trong tương lai.

Nếu lên mạng, vào trang google gõ chữ: “làng Việt kiều”, ta sẽ thấy hàng trăm ngàn thông tin rao bán biệt thự ở làng này. Những căn biệt thự ở đây có thể còn rơi vào tình trạng bỏ hoang nhiều năm nữa, trong khi chủ sở hữu thì tha hồ hét giá bán, kiếm lời, bởi tương lai khu vực này rất sáng sủa.

Dạo một vòng quanh Hà Nội, tôi nhận thấy hầu hết những khu đô thị có nhà biệt thự đắt tiền, tốn diện tích đất, không ít thì nhiều đều có nhà bỏ hoang. Ngay như khu đô thị Linh Đàm, nơi đáp ứng mọi yêu cầu cuộc sống hiện đại, song vẫn còn rất nhiều biệt thự bỏ hoang từ 5-6 năm nay, làm xấu bộ mặt khu đô thị được xem là rất đẹp này.

Rồi khu vực Mỹ Đình, Đại Kim, Ciputra, Pháp Vân, Tứ Hiệp, Nghĩa Đô, Dịch Vọng, Xuân La, Việt Hưng... Thậm chí, nhiều ngôi biệt thự nằm trên đường Nguyễn Khánh Toàn, khu đất vàng của quận Cầu Giấy vẫn bỏ hoang từ nhiều năm nay và Công an phường Quan Hoa đã tóm không ít tội phạm trú ngụ trong những ngôi nhà này, trong đó có cả tội phạm trốn truy nã...--PageBreak--

Khó tin nhất là khu biệt thự Nam Thăng Long, nằm ngay cạnh đường Phạm Văn Đồng. Toàn bộ 40 biệt thự vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc, rêu phong. Những ngôi biệt thự này đã xây xong từ 5-6 năm nay nhưng không có người đến ở.

Người dân ở đây cho biết, hồi xây thô xong, mỗi căn có giá chừng 2 tỉ đồng. Bao nhiêu năm nay, họ cứ mua đi bán lại, đẩy giá mỗi căn ở đây lên đến 8-10 tỉ đồng. Thành phố mỗi ngày thêm mở rộng, khu biệt thự này biến thành khu đất vàng, nên giá trị của nó không biết khi nào mới dừng lại và không biết đến khi nào người có nhu cầu ở thực sự mới mua được.

Người dân Cổ Nhuế giao ruộng để người ta xây dựng khu biệt thự này chỉ biết xót xa nhìn đất đai của mình xưa kia, bị người ta mua đi bán lại nhiều năm trời, kiếm chác không biết bao nhiêu tỉ đồng.

“Thành phố hoang”

Mặc dù những khu biệt thự nằm trong trung tâm thành phố vẫn còn để hoang từ nhiều năm nay, song hàng loạt dự án xây dựng các khu đô thị biệt thự ven đô, vệ tinh đã ra đời. Tất nhiên, những khu đô thị biệt thự này cũng lâm vào tình trạng bỏ hoang gần như hoàn toàn. 

Đi theo tuyến đường Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang, Hà Nội - Vĩnh Phúc - Việt Trì, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hưng Yên - Hải Phòng, Láng - Hòa Lạc... có thể bắt gặp hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị mới đang giải phóng mặt bằng, xây thô và hàng chục dự án đã hoàn thiện từ nhiều năm nay, song chỉ có những người thuộc BQL dự án đến ở và quản lý. Những ngôi nhà đã xây thô hoặc hoàn thiện vẫn bỏ không cho cỏ mọc hoang hóa.

Tình trạng này phổ biến nhất là đoạn Quốc lộ 1B qua huyện Từ Sơn và Yên Phong của Bắc Ninh. Dọc hai bên đường có rất nhiều dự án khu đô thị, trong đó có 4 dự án với hàng trăm biệt thự đã hoàn thành, song không có người đến ở.

Sự ra đời của những khu đô thị này gây ra nhiều thiệt hại: nông dân mất đất, nhà đầu tư mất tiền (do lỗ vốn) vì trót ôm vào từ hồi sốt đất giờ bán mà chẳng ai mua. Hàng ngàn tỉ đồng dãi nắng dầm mưa từ nhiều năm nay và có thể vẫn sẽ không được sử dụng trong nhiều năm nữa.

Chẳng có triệu phú nào hứng thú với việc hàng ngày lái xe mất 1-2 giờ từ đây vào Hà Nội làm việc, rồi lại lái xe về mất từng ấy thời gian nữa, trong hoàn cảnh đường sá chật chội, hay tắc đường như hiện nay. Cũng chẳng có triệu phú nào hứng thú với việc nghỉ ngơi cuối tuần trong những khối bê tông cốt thép ấy.

Nếu ai có dịp ngồi trong máy bay nhìn qua cửa kính lúc cất và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trong những ngày đẹp trời có thể thấy một “thành phố” tuyệt đẹp với những mái nhà đỏ chót nằm trong eo của con sông Cà Lồ. Đó là khu đô thị Quang Minh (xã Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc).

"Thành phố hoang" Quang Minh.

Về mặt địa giới hành chính thì thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng khu đô thị này lại nằm ngay cạnh đường Thăng Long - Nội Bài, chỉ cách cầu Thăng Long vài cây số. Anh Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng phòng Quản lý dự án, Công ty TNHH Đầu tư Long Việt cho biết, dự án khu đô thị Quang Minh rộng 44 ha, được khởi công từ năm 2002 và xây thô xong từ giữa năm 2006.

Khu đô thị được thiết kế hiện đại, với cảnh quan đẹp, dịch vụ thể thao, phục vụ nghỉ dưỡng đầy đủ, như bể bơi, sân tennis, sân golf, khu tập thể hình, phòng mát-xa cộng đồng. Tuy nhiên, theo tôi được biết, những thứ quan trọng nhất như trường học, bệnh viện thì chưa có, đường Bắc Thăng Long thì tắc ứ vào giờ cao điểm, nên không thuyết phục được chủ nhà đến ở.

Dạo bước trong khu đô thị Quang Minh mới thấy đây là khu đô thị kiểu mẫu thực sự. Những con đường ngang dọc rộng thênh thang. Mỗi con đường đều được trồng một loại cây ra hoa ở hai bên và tên đường được đặt theo tên loài hoa, như: Đường Phượng Vĩ, đường Ngọc Lan, Bằng Lăng... Mỗi biệt thự đều có vườn tược rộng rãi, cây cối tỏa bóng mát. Dọc ven sông Cà Lồ là những biệt thự VIP có diện tích tới 700m2.

Theo anh Nguyễn Quốc Cường, ngay khi khu đô thị này hoàn thành xây thô người ta đã mua sạch trơn, rồi người nọ bán trao tay cho người kia khiến mỗi căn hộ được đẩy giá lên 3-10 tỉ đồng.

Anh Cường cũng cho biết, công ty đã xây xong phần thô hơn 300 căn biệt thự từ 3 năm nay, song hiện mới chỉ có 20 biệt thự được hoàn thiện. Trong số đó, có vài người nước ngoài làm việc ở khu vực Nội Bài đến ở, còn lại là mấy cụ cao tuổi đã nghỉ hưu ra đây ở an dưỡng tuổi già. Không thấy có ai đang công tác ở Hà Nội ra ở. Theo quan sát của tôi, phần lớn trong số 20 biệt thự đã hoàn thiện này vẫn đóng cửa để đấy hoặc chờ người đến thuê.

Trong khi khu đô thị Quang Minh đã xây xong chẳng có mấy người ở, thì công ty này vẫn khởi công hàng loạt biệt thự nữa trong phần đất đã quy hoạch. Thời gian tới, họ sẽ tiếp tục động thổ xây dựng tòa nhà 20 tầng trong khuôn viên khu đô thị này để bán.

Và ngay cạnh khu đô thị Quang Minh, một khu đô thị của Công ty Vinaconex 2 đã mọc lên. Theo ông Lưu Quang Việt, Trưởng ban dự án, khu đô thị này có tổng diện tích 21 ha và đã hoàn thiện 120 biệt thự từ năm 2007. Tuy nhiên, hiện rất khó bán những căn biệt thự này, chứ đừng nói đến chuyện chủ nhà đến ở, bởi khu đô thị nằm ngay cạnh hai nghĩa trang và chơ vơ giữa cánh đồng...

Không biết rồi đây, hàng chục dự án đô thị biệt thự cao cấp tiếp tục mọc lên khắp hai bên đường Thăng Long - Nội Bài để phục vụ ai? Trong khi người nghèo với giấc mơ ngôi nhà cỏn con để ở ngày càng xa vời, người nông dân thì phải chấp nhận mất ruộng đất, mất việc làm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TSKH Đặng Hùng Võ là người từng nhiều lần lên tiếng xử lý hiện tượng lãng phí đất đai. Theo ông, việc bỏ hoang các ngôi biệt thự không những vi phạm Luật Đất đai, mà còn gây lãng phí rất lớn về nhà ở và đất ở. Ngay cả những nước tư bản cũng không để xảy ra tình trạng muốn làm gì với đất cũng được. Chống đầu cơ nhà đất là việc rất khó khăn bởi khả năng sinh lợi của đất là rất lớn, song không phải là không có cách.

Theo ông biện pháp trừng phạt về kinh tế thông qua thuế sử dụng đất nếu người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng mang lại hiệu quả cao hơn. Với biện pháp này, các nhà đầu cơ phải chùn bước, mà Nhà nước lại tăng thu ngân sách.

Chính sách đánh thuế để ngăn chặn đầu cơ đất đai được hầu hết các nước phát triển sử dụng và đã đem lại sự lành mạnh cho thị trường bất động sản. Làm được điều đó sẽ sử dụng đất có hiệu quả cao, bảo vệ công bằng xã hội, bảo vệ được quyền lợi của người nghèo. Chính sách thuế sử dụng đất của nước ta hiện rất lạc hậu, việc đổi mới thuế sử dụng đất cần được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay

Phạm Ngọc Dương
.
.