Thi cử - Đừng biến con thành tội đồ!

Thứ Ba, 13/07/2021, 10:07
Những ngày này, học sinh cuối cấp đã kết thúc năm học và phải đối diện với áp lực thi cử, trượt hay đỗ. Nhiều bậc phụ huynh, chỉ vì kết quả thi cử của con cái không được như kỳ vọng đã không tiếc lời trách móc, xúc phạm con mình và coi chúng là “đồ bỏ đi”. Điều này gây nên những tổn thương tâm lý hết sức nặng nề đối với những đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy bơ vơ trước cú ngã đầu đời.


Áp lực khi bị đặt quá nhiều kỳ vọng

Ngày 7-7 vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip một nữ sinh bật khóc nức nở khi bước từ phòng thi ra. Trong khi nữ sinh không kìm nén nổi sự nuối tiếc và bật khóc nức nở thì từ xa, người bố đã chạy lại vỗ về con. “Con không làm được bài, con thi trượt mất”, nữ sinh vừa nói vừa khóc trong nước mắt khiến người bố ở bên phải liên tục an ủi: “Không sao đâu con, về nhà thôi”. Ông vừa ôm con, vừa lau nước mắt và dìu cô con gái ra về.

Trên thực tế không phải bậc cha mẹ nào cũng cư xử cảm thông và bao dung như ông bố trên. Theo quan điểm của tiến sĩ tâm lý học Trần Thu Hương, khi con cái chúng ta rơi vào cảnh thi trượt thì cha mẹ cần phải có những xử lý hết sức tế nhị. Bởi các con thi trượt có nghĩa là các con đã gặp thất bại, điều đầu tiên chúng ta phải biết điều tiết chính bản thân mình. “Cha mẹ thường kì vọng con quá nhiều, vì thế, chính cha mẹ đôi khi sẽ bị xuất hiện cảm xúc tiêu cực rất dữ dội. Nếu chúng ta không xử lý, chính chúng ta sẽ có những hành động thiếu kiểm soát. Sau khi đã điều tiết bản thân, cha mẹ cần giúp các con giải tỏa nỗi buồn và nhận diện các sai lầm dẫn đến thất bại đó” - Tiến sĩ Hương cho biết.

Cảm động bà mẹ bế con bị liệt đi thi.

Rõ ràng những áp lực đó là do chính những mong muốn của người lớn. Nhiều phụ huynh xem điểm của con đã vội dự báo thành công hay thất bại của con trong tương lai, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến vị trí xã hội, hôn nhân và cả thế hệ sau nữa. Nhiều người cho rằng, mình bỏ công sức, nuôi con ăn học thì con phải đạt được những điều như mình mong muốn. Việc con không đạt được điểm số như mong muốn sẽ bị đánh đồng với vô giá trị, không được tôn trọng khiến đứa trẻ xấu hổ, mặc cảm.

Chúng ta vẫn hay nghĩ rằng con đường thành công duy nhất là phải học hết phổ thông và phải học trường công. Phải thi được vào trường công có lẽ là áp lực rất lớn đối với rất nhiều em học sinh hiện nay. Chị Lê Minh Hương (Hà Đông, Hà Nội) đưa ra quan điểm: “Vừa qua tôi cũng có con thi hết cấp vào lớp 10, nói thật là tôi rất dị ứng với tư duy của nhiều phụ huynh là buộc con phải thi bằng được trường công. Ai có thể khẳng định những em học trường tư sau này sẽ không thành công bằng các em trường công? Tôi nghĩ môi trường học đối với con là điều quan trọng nhất. Nếu cứ quá áp đặt, tạo áp lực cho con quá nhiều tôi sợ chúng còn làm điều dại dột, vì tuổi này các con chưa ổn định về tâm lý. Nếu còn giữ tư tưởng đó thì các bậc phụ huynh có đôi phần ích kỷ”.

Bố mẹ kỳ vọng vào con là không sai nhưng con cái không phải lúc nào cũng làm được đúng theo kỳ vọng của bố mẹ. Chúng ta phải ý thức được rằng đây chỉ là điểm số của một kỳ thi chuyển cấp, nó không định nghĩa con bạn là đứa trẻ có năng lực hay không. 

Phụ huynh đứng chờ con trong kỳ thi vào lớp 10.

Tiến sĩ Hương chia sẻ: “Khi con thi trượt, chính cha mẹ cần phải bình tĩnh xử lý chính cảm xúc của mình trước tiên. Suy nghĩ về tương lai của con, con có phải là sẽ hoàn toàn hỏng sau thất bại này hay còn có vô vàn các cánh cửa khác sẽ mở ra với con. Trường công lập có nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, ngoài ra còn có dân lập, bổ túc văn hóa, vừa làm vừa học... Vậy, việc chúng ta thất vọng bây giờ có phải là quá sớm. Điều quan trọng là con sẽ học được gì sau thất bại này để đứng lên hoặc làm lại từ đầu. Cha mẹ hãy nhìn vào những việc con đã làm cho gia đình, sự chăm sóc yêu thương, tính nết dịu dàng hoặc trách nhiệm, sự vui tươi hoạt bát... để thấy, con mình là đứa trẻ tuyệt vời chứ không phải là một kẻ bỏ đi. Khi đó, chính cha mẹ sẽ điều tiết cảm xúc của mình dễ dàng hơn”.

Đừng để con cô đơn khi thất bại

Cũng mới đây, trên các trang mạng xã hội rầm rộ chia sẻ hình ảnh một nữ sinh bị mẹ bắt quỳ trong sân trường chỉ bởi lý do thi trượt vào lớp 10 trường công lập và đến cả trường tư cũng không nhận vì không đủ điểm đầu vào. Theo đó, vào trưa 1-7, nhiều người đi đường đã khựng lại khi nghe tiếng quát lớn vọng ra từ trường PTTH Nguyễn Bỉnh Khiêm (phố Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội): “Quỳ xuống, mày không quỳ tao đánh chết mày luôn”.

Ngôi trường nơi nữ sinh bị mẹ bắt quỳ vì không đủ điểm đầu vào.

Hình ảnh một bé gái sợ hãi quỳ gối ở lối đi nhỏ trong khuôn viên trường trước gương mặt giận dữ của một phụ nữ tóc ngắn, tay người phụ nữ ấy vung lên, khiến nhiều người đi đường lo lắng. Khi một vài người có ý định vào can ngăn thì người phụ nữ này nói rằng: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi”.

Theo lời một số bạn trẻ chứng kiến sự việc từ đầu, đây là hai mẹ con đến đăng ký học tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng không đủ điểm. Lý do người phụ nữ này có những hành động đó là do con thi lớp 10 điểm thấp (32 điểm) trong khi điểm chuẩn vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được công bố là 40 điểm.

Sau khi hình ảnh nói trên lan truyền trên mạng xã hội, người mẹ trong clip đã nhận rất nhiều chỉ trích. Trước sức ép này, nữ sinh đã phải lên tiếng giải thích cho hành động của mẹ rằng: “Có mẹ nào mà không thương con chứ? Mẹ mình ngoài đời vốn nóng tính, khó kiềm chế cảm xúc. Mình hiểu lúc đấy mẹ mất bình tĩnh thế nào khi biết con gái mình không được theo học trường đó. Mình khóc không phải vì không được học ở trường đấy. Mà mình khóc vì sợ mẹ nóng quá, mẹ ngất ra đấy sẽ có chuyện không hay... Nhà mình có 3 anh em nên một mình mẹ gánh vác cũng mệt lắm rồi. Tính mẹ mình nóng lắm nhưng cũng rất thương các con. Mình hiểu chuyện đi làm cũng đủ làm mẹ mệt mỏi nên nhiều khi để mẹ xả chút giận cũng không sao”.

Thi cử luôn là áp lực lớn với mọi học sinh (Ảnh minh họa). Ảnh: Bình Nguyễn.

Khi con thi trượt nguyện vọng 1 vào cấp 3, chị Nguyễn Thị H., 42 tuổi, giáo viên dạy giỏi môn Toán của một trường THCS trên địa bàn Ứng Hòa đã hét vào mặt con rằng: “Mày bôi tro trát trấu vào mặt tao. Giờ tao còn dạy được ai nữa. Tao có để cho mày thiếu thốn gì đâu mà sao mày không thể bằng bạn bằng bè. Mày không có lòng tự trọng à mà sao không cố gắng?”. Trước sự phản ứng dữ dội của mẹ, con trai chị H. đã đóng chặt cửa phòng nhiều ngày liền.

Một trường hợp khác cũng bị bố mẹ chửi bới và xúc phạm khi thi trượt là nam sinh Lê Bảo T., (Thanh Oai, Hà Nội). Trong kỳ thi vào 10 vừa qua, tổng số điểm mà T. đạt được là 32, trong khi nguyện vọng 1 vào Trường PTTH Thanh Oai B là 36 điểm; điểm chuẩn nguyện vọng 2 vào Trường PTTH Thanh Oai A là 33,4 điểm. Khi thấy con không thể đỗ cả hai nguyện vọng, bố T. (một cán bộ xã) đã không tiếc lời xúc phạm con. Khi T. lên tiếng giải thích rằng con đã rất cố gắng nhưng vì tâm lý thi không tốt nên không đạt được điểm cao thì bố em bảo rằng: “Mày là thằng thi trượt, mày không được quyền nói”. Và khoảng 1 tuần sau đó, khi T. xin bố mẹ được đi liên hoan chia tay thầy cô và các bạn cùng lớp thì T. đã bị bố của mình xông vào đánh. Vừa đánh, bố T. vừa chửi rằng: “Mày chưa thấy nhục nhã với bạn bè hay sao mà còn đến đó?”.

Như vậy, khi các em học sinh có những tác động của cảm xúc tiêu cực, căng thẳng xảy ra. Các em bắt đầu có cảm giác tội lỗi, tự trừng phạt bản thân vì đã không đáp ứng được những yêu cầu, kỳ vọng của bố mẹ và bản thân đề ra. “Nhiều em còn không tin vào thực tế, tìm đến những cách giải quyết tiêu cực... Nhưng, sau tất cả, nếu kết quả vẫn không đạt như mong muốn, cảm giác tuyệt vọng, tự trách, mất ý nghĩa mục tiêu cuộc sống có thể dẫn đến hành động cực đoan, nhất là tự làm hại mình” - phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay.

Thiết nghĩ, một suất học ở trường tốt không quan trọng bằng việc để con cái cảm nhận được tình yêu thương, bao dung của cha mẹ khi chúng chẳng may thi trượt. Bởi việc bố mẹ ở bên con khi con thất bại còn quan trọng hơn cả ngàn lần khi nó thành công.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, chuyên khoa 2, Trưởng Khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TƯ1 cho biết: “Đối với những trường hợp học sinh bị trầm cảm hay có biểu hiện thần kinh bất thường thì phụ huynh thường hay đưa con đến khám và chữa trị tại các bệnh viện TƯ hay vào Bệnh viện Bạch Mai để không bị điều tiếng. Để tránh gây ra những tổn thương tâm lý cho con nếu chẳng may con cái thi trượt hoặc đỗ vào những trường không được như kỳ vọng thì phụ huynh nên cố gắng kiềm chế cơn tức giận. Và, quan trọng nhất là họ phải hiểu được bản chất vấn đề rằng: Sức học của con mình đến đâu?

Ai chẳng muốn con thi đỗ vào những trường công, những trường có chất lượng cao. Thế nhưng, nếu sức con có hạn thì tốt nhất phụ huynh nên chuẩn bị cho con những phương án dự phòng. Chính điều này cũng là chuẩn bị cho chính họ khỏi bị sốc. Nếu con không đỗ nguyện vọng 1 thì sẽ có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Nếu không đỗ trường công thì có thể học trường tư. Điều đó có nghĩa là các con còn nhiều sự lựa chọn và phụ huynh hãy lựa chọn thứ phù hợp nhất với sức khỏe và khả năng của con mình chứ không nhất thiết phải vào một trường nào đó đã định sẵn.

Phụ huynh không nên quá kỳ vọng và áp lực rằng con mình phải đỗ trường đó thì nó mới có một tương lai tốt. Bố mẹ phải chính là người định hướng và động viên các con để chúng yên tâm rằng trượt cấp 3 hay trượt đại học không phải là bỏ đi”.

Trâm Anh
.
.