Thiên đường không miễn phí của du học sinh tự túc Việt Nam tại Nhật Bản

Thứ Hai, 23/03/2015, 08:20
Tới đây Nhật Bản sẽ áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tự động tại các tụ điểm công cộng, các đầu mối giao thông. Đồng thời, báo chí Nhật cũng công bố thông tin, vào năm 2016, hệ thống mã số cá nhân gồm 12 ký tự sẽ được áp dụng cho cả người nước ngoài, thay vì chỉ cho công dân Nhật. Đây được xem là một lời cảnh báo, thông qua những biện pháp trực diện tác động tới vấn đề quản lý an ninh, thuế cá nhân và bảo hiểm… nhằm đối phó với tình trạng trốn thuế cá nhân, làm quá giờ cho phép, trốn ra ngoài làm lao động bất hợp pháp… của các lao động nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có một bộ phận du học sinh tự túc Việt Nam.

1. Khu Ginza, đã 10h đêm. Trong một Izakaya rẻ tiền nằm khuất trên tầng 2 của một tòa nhà cũ kỹ, một cô gái Việt Nam trẻ trung đang bươn bả chạy hối hả giữa các bàn, vừa mới tay thoăn thoắt ghi thực đơn, lại tiếp tục bê hàng chồng đĩa đồ ăn tới các bàn, rồi lại lúi húi dọn dẹp bát đĩa thừa. Cả quán chỉ có 2 người phục vụ, cô và chủ quán, chăm sóc cho chừng 40 thực khách rượu vào lời ra ồn ã.

Izakaya là mô hình quán rượu phổ biến tại Nhật. Quán thường có thiết kế nửa bàn ghế kiểu bar, nửa bàn ghế ngồi bệt kiểu Nhật. Đây là nơi "xả stress" phổ biến của đàn ông Nhật, nhất là giới công chức, vì mở khuya, giá đồ ăn và đồ uống rẻ, và được phép hút thuốc bên trong.

Khác với vẻ đạo mạo nghiêm cẩn của những công chức nghiêm ngắn trong bộ đồ vest, mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất Nhật. Bước vào đây, những người đàn ông ấy như biến hẳn thành con người khác. Họ ăn to nói lớn, nốc rượu bia đến say mèm, xả khói thuốc mù mịt.

Trong một không gian chật hẹp, với chừng nấy gã đàn ông ồn ã, người uống say thì thấy vui, nhưng đối với người tỉnh thì là một cực hình.

T. đến từ một huyện vùng ven thành phố Bắc Ninh. Cô gái nhanh nhẹn, tự tin trao đổi tiếng Nhật với khách nhoay nhoáy, đã kịp tự trang bị cho mình trình độ Nhật ngữ N2, với nhiều chứng chỉ phụ khác về pha chế đồ uống, nấu ăn… như những "vũ khí" hữu dụng để sang Nhật "chiến đấu"."

Không như những du học sinh tự túc khác, chỉ nhăm nhăm nộp tiền cho nhanh, học quấy quá 3 tháng tiếng Nhật giao tiếp, rồi hăm hở sang Nhật với mục đích "cày" tiền, T. chọn cách đi khác, chậm mà chắc. Và những gì T. đã trải qua, khiến cho cô càng yên tâm với sự tỉnh táo của mình.

Mới sang Nhật được chừng 6 tháng, T. đã có cơ hội thử sức ở nhiều công việc khác nhau, và đang cố gắng tìm được cho mình một công việc phù hợp. Đây là buổi làm thứ 3 của T. ở quán rượu này, và T. nhận thấy, bà chủ quán đã trả cho cô đồng lương không xứng đáng với cường độ tất bật cho đến tận nửa đêm ở đây.

"Bà chủ này quá keo kiệt. Thay vì công việc như thế này phải có chừng 3 nhân viên phục vụ mới chạy kịp, bà ấy chỉ thuê có mình em, cùng với bà ấy nữa. Chạy như thế này, nếu còn làm ở đây, chắc chỉ sau 2 tuần là em lăn ra ốm mất. Em quyết định sẽ nghỉ, bà chủ biết thế nên săn sóc lắm, nhưng em sẽ vẫn nghỉ", cô gái trẻ quả quyết.

Câu chuyện của chúng tôi cứ vỡ vụn ra hàng chục lần, bởi T. cứ nói được 2 câu là phải lao đi, xuyên qua những hàng ghế kê san sát, với những chồng bát đĩa và đồ ăn trĩu nặng trên tay. Đó là chưa kể, những vị khách Nhật Bản, khi đã nốc đến độ say mèm, bắt đầu gào lên như những gã dở hơi.

Một nhóm nam công chức bỗng lớn tiếng kêu ca với bà chủ, với nội dung, là tại sao cô gái phục vụ xinh đẹp lại chỉ nói chỉ cười với 2 gã đàn ông nhỏ con ngồi bên quầy, mà không thèm cười và nói chuyện với họ. Nở một nụ cười mệt mỏi, T. dịch lại cho tôi lời phàn nàn của những tín đồ lưu linh kia, rồi chán nản lắc đầu.

Chắc hẳn, ở nơi quê nhà, bố mẹ của T., khi nghĩ đến cô con gái rượu, không thể hình dung được sự vất vả lăn lộn mà cô đã phải trải qua ở nơi đây. Nước Nhật không chỉ là giảng đường và trang sách, không chỉ là hoa anh đào nở và những tòa nhà chọc trời sang trọng, nước Nhật còn là mồ hôi và nước mắt chảy trong những quán izakaya, đầy mùi rượu và thuốc lá, như thế này.

2. Trong khi quán izakaya nhỏ mà T. làm, chỉ xứng với tầm cấp akachochin (quán izakaya nhỏ lẻ, không kinh doanh theo chuỗi), thì quán mà Đ. làm bếp trưởng, lại là một izakaya đích thực, thiết kế hiện đại, ấm cúng, sạch sẽ và lịch lãm, là một điểm ẩm thực trong chuỗi izakaya lớn trên đất Tokyo.

Cái cách mà Đ. được ông chủ trọng thị cũng rất khác biệt. Ông chủ quán, sau khi ghi thực đơn, biết chúng tôi là người Việt, đã hết sức tự hào giới thiệu là bếp trưởng của ông cũng là người Việt Nam. Cũng cứ nghĩ là ông giới thiệu đãi bôi thế thôi, ai dè, một lúc sau, một thanh niên cao to, mặc đồng phục đầu bếp, đến bên chúng tôi chào hỏi.

Cũng mới sang Nhật được chừng 6 tháng, chàng thanh niên quê Bắc Giang đã chắc chân với vị trí bếp trưởng trong nhà hàng này. Tiếng Nhật bài bản, tay nghề còn bài bản hơn, Đ. nhận được sự quý mến và trọng thị của ông chủ và toàn thể những nhân viên khác. Đây là một điều không hề đơn giản, nhất là trên đất Tokyo cạnh tranh quyết liệt.

Cũng như T., hành trang của Đ. tới đất Nhật đã được vun vén đến mức chu đáo hết sức có thể. Không ỷ lại vào kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại, Đ. chủ động tham khảo trực tiếp thông tin trên mạng Internet, thông qua vốn tiếng Nhật đã đầy đặn mà Đ. đã theo học suốt 6 năm, với một mục tiêu rất rõ ràng: tồn tại một cách đàng hoàng trên đất Nhật.

Đ. chủ động theo học một khóa đầu bếp chuyên nấu món Nhật tại Việt Nam trong 3 năm, và lấy đầy đủ các chứng chỉ cần thiết về tay nghề, an toàn vệ sinh… Không những vậy, Đ. còn tham dự những khóa nấu ăn nâng cao, để đạt được đến tầm văn hóa ẩm thực "khả ái" của Nhật, thỏa mãn tiêu chí "tam ngũ" với bí quyết hội tụ đủ "ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp" đặc trưng của món Nhật (ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng; ngũ sắc: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen; ngũ pháp: sống, ninh, nướng, chiên, hấp).

Chính vì vậy, khi đặt chân đến Tokyo, chỉ mất chừng 2 tuần để thu xếp nơi ăn chốn ở và chốt lịch học, Đ. đã nhẹ nhàng kiếm được cho mình một công việc thích hợp, với thu nhập cao.

Chia sẻ với chúng tôi, Đ. cho biết, khi xác định sẽ sang Nhật học và gây dựng tương lai, Đ. coi đó là một trận chiến sống còn. Chính vì vậy, hàng loạt "vũ khí" đã được Đ. trang bị một cách kỹ càng: ngôn ngữ, kỹ năng sống, và đặc biệt là những nghề phụ để có thể kiếm sống một cách đàng hoàng, vừa đủ chi phí, vừa giữ được sức khỏe để duy trì học tập.

"Qua những thông tin tự tham khảo được, em biết đất Nhật không phải là một "thiên đường" học tập và kiếm tiền như những gì các công ty tư vấn du học vẽ ra. Rất nhiều người ở quê em tìm mọi cách sang sớm nhất bằng mọi cách để mau ra đi kiếm tiền. Riêng em sau khi tốt nghiệp cấp 3, chấp nhận dừng lại hẳn 2 năm ở nhà đi làm để luyện tay nghề nấu nướng. Và khi sang đến đây, em thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn", Đ. tâm sự.

3. Cũng trong câu chuyện dài của Đ., cậu cho biết, không thể quên được những hình ảnh nhân viên của các công ty tư vấn du học "tràn" về quê để "tìm gà" như thế nào. Trong những bộ cánh lịch sự, tay xách ca-táp đen bóng, những "cò du học" rầm rộ tiến thẳng về các làng quê nghèo khó, với băng rôn treo khắp đầu làng cuối ngõ như ngày hội, với tiếng loa ra rả quảng bá cho một cơ hội đổi đời dễ như trở bàn tay.

Không chỉ quảng cáo rầm rộ, các "cò du học" còn dựng lên những câu chuyện cụ thể về các "tấm gương thành đạt" do sang Nhật du học tự túc. Những câu chuyện này sẽ được các "cò du học" tỉ tê với các bậc phụ huynh, từ ngày này qua ngày khác, như mưa dầm thấm lâu. Thế nên, có một thực tế tréo ngoe, là khá nhiều du học sinh tự túc, đã đặt chân sang Nhật, không phải do ước nguyện bản thân, mà là do sự thúc ép của các bậc phụ huynh.

Bản thân Đ., khi quyết định sang Nhật, cũng đã phải kháng cự rất nhiều trước sức ép của cha mẹ, bắt cậu sang sớm. Muốn con sớm "bằng người ta", cha mẹ Đ. không thể hiểu được việc con mình cứ nhất quyết từ từ, học đầy đủ rồi mới chịu đi. Hai năm trời theo đuổi nâng cao tay nghề bếp núc, cũng là 2 năm trời Đ. chịu nhiều lời bóng gió bâng quơ của hàng xóm láng giềng, là hâm, là gàn, là sướng không muốn mà lại cứ muốn chịu khổ.

Và đến khi đặt chân đến đất Nhật, khi đã có một công việc làm ổn định với thu nhập đủ để trang trải mọi chi phí, Đ. tìm cách liên lạc với những đồng hương quê mình để kết nối. Chàng thanh niên đã khá sững sờ khi lứa "xuất ngoại" đầu tiên của quê mình sang "thiên đường", đa phần đã ly tán khắp nơi, hầu như không thể gặp được nữa.

Người thì bỏ học trốn ra ngoài làm chui, muốn gặp được thì phải hẹn những chỗ vắng người. Người thì đã quay trở về quê, rồi vào Nam kiếm sống vì xấu hổ với làng xóm. Người bất hạnh hơn thì mất tích, không thể kiếm được bất kỳ thông tin nào liên quan.

Có những người do quá túng bấn, kết nối với đám người xấu bên Nhật, lại quay trở về quê nhà, đóng vai du học sinh "thành đạt" để kiếm con mồi, dụ dỗ, rồi bán cho các trung tâm tư vấn du học để kiếm phần trăm. Có những người trở thành "đại lý" cung cấp nhà cửa với giá cắt cổ bên Nhật cho các du học sinh mới sang.

Có người lại biến tướng sang việc làm "cò công việc", bản chất là lừa đảo những người đồng hương. Các cò này cả ngày chuyên lang thang ở các khu công nghiệp hay cộng đồng  người Việt tại Nhật, nghe được thông tin ở đâu đang tuyển người, là quảng cáo tuyển người để lấy phần trăm.

Sự vô đạo đức của họ là ở chỗ, các công ty Nhật đang rất thiếu lực lượng lao động chân tay, và luật pháp Nhật quy định các nhà tuyển dụng không được phép thu bất kỳ loại lệ phí nào trong khi tuyển người. Nhưng những "cò việc" người Việt này sẵn sàng "chém đẹp" những du học sinh mới sang với khoản phí trung bình là 3 Man (6 triệu đồng) cho những công việc như làm cơm hộp, mỳ lạnh hay phục vụ quán ăn.

… Theo thống kê mới nhất của JASSO (Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản), cho đến thời điểm tháng 5/2014, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã đạt con số kỷ lục: 26.439 người (tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2013).

Trong tổng số 184.155 du học sinh nước ngoài tại Nhật Bản, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, vượt qua Hàn Quốc, và chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong thị trường kinh doanh trường Nhật ngữ, Việt Nam và Nepal nổi lên như 2 ngôi sao mới, đem lại lợi nhuận đầy tiềm năng cho quốc gia này.

Với bản chất là một giao dịch thương mại đôi bên cùng có lợi, lực lượng du học sinh tự túc Việt Nam, không chỉ đem lại khoản thu nhập lớn cho các trường Nhật ngữ, mà còn là nguồn cung lực lượng lao động giá rẻ cho các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản.

Và khi nhận thức được đây là một giao dịch thương mại, các du học sinh tự túc người Việt, nếu không tự nhận thức đúng đắn sự việc, không tự trang bị cho mình những "vũ khí" cần thiết khi đặt chân đến một trong những thị trường lao động khắc nghiệt nhất thế giới, hẳn sẽ nhận rất nhiều sự thua thiệt.

Phóng sự dài kỳ này, như một lời cảnh tỉnh, về sự khắc nghiệt ở một nơi được mệnh danh là "thiên đường", nhưng không phải là nơi dành cho những người có tư duy ăn xổi ở thì, và hoàn toàn không hề miễn phí.

Việt Đông
.
.