Tỉ phú Larry Hillblom và những đứa con rơi

Chủ Nhật, 22/07/2007, 09:20

Trong các cuộc trác táng với những cô gái bán trinh, tỷ phú Hillblom không bao giờ sử dụng bao cao su vì tin rằng “đối tác” “không có nguy cơ lây nhiễm HIV”. Và có lẽ vì thế, sau khi Hillblom chết, mới lòi ra những đứa con vô thừa nhận.

Cách đây vài năm, khi nhà tỉ phú Larry Hillblom qua đời vì tai nạn máy bay, dư luận trong, ngoài nước đã xôn xao khi được biết, những đứa con rơi của nhà tỉ phú -  trong đó có một đứa bé người Việt, tên là Nguyễn Bé Lory, sẽ được thừa kế gia tài hàng chục triệu USD.

Gần đây, khi Nguyễn Bé Lory cùng mẹ là Nguyễn Thị Bé từ Mỹ về thăm gia đình ở tỉnh Bình Thuận thì một lần nữa, chuyện về Nguyễn Bé Lory lại là đề tài nóng hổi...

Vài nét về tỉ phú Larry Hillblom

Tốt nghiệp trường Luật - Đại học Berkeley, bang California. Năm 1969, Larry cùng hai người bạn là Adrian Dalsey và Robert Lynn, thành lập công ty chuyển phát nhanh, lấy chữ đầu của tên ba người ghép lại, thành DHL.

Thoạt đầu, DHL dùng máy bay, giao nhận thư tín, các loại giấy tờ, vận đơn của tàu biển đến những cảng, nơi tàu sẽ cập bến. Khi tàu đến, việc bốc dỡ hàng hóa diễn ra rất nhanh gọn bởi lẽ mọi thủ tục đã được hoàn tất từ trước rồi.

Dần dà, DHL trở thành hãng chuyển phát nhanh lớn và nổi tiếng nhất hành tinh với đủ chủng loại - từ cây kim may quần áo đến chiếc xe ủi đất. Bên cạnh đó, DHL cũng là hãng duy nhất có tuyến giao nhận ở Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Theo ước lượng của nhiều chuyên gia, vào thời điểm trước khi Hillblom chết, tài sản của DHL vào khoảng 5,7 tỉ USD, bao gồm 420 máy bay chở hàng, hơn 100 tàu biển, 76.200 xe vận tải, 450 kho hàng  cùng các bất động sản khác (trong đó, phần của Hillblom chừng 1,6 tỉ), và 285 nghìn nhân viên làm việc tại 222 chi nhánh trên toàn thế giới. Mỗi năm, DHL vận chuyển khoảng 1,5 tỉ chuyến hàng.

Năm 1980, khi sự thành công đã lên đến đỉnh cao, Hillblom lao vào các cuộc ăn chơi trác táng. Tuy nhiên, sự việc ấy được những người thân cận, những luật sư riêng của ông ta giữ bí mật. Chỉ sau khi Hillblom chết, và cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế giữa những đứa con rơi nổ ra, người ta mới biết Hillblom có cả một đường dây tú bà ở Micronesia, Philippines, chuyên cung cấp cho ông những cô gái còn trinh trắng - thậm chí có cô chỉ 13 tuổi.

Hầu hết những cô này là bồi bàn, hoặc phục vụ trong những quán bar. Thông thường, Hillblom chỉ quan hệ với mỗi cô trong vòng vài tuần. Sau đó, ông cho họ một ít tiền, vài món quà rồi... thay cô khác!

Larry Hilblom.

Điểm đặc biệt là trong các cuộc trác táng ấy, Hillblom không bao giờ sử dụng bao cao su. Ông ta lý giải rằng, chỉ những thiếu nữ chưa hề quan hệ tình dục lần nào thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Và có lẽ vì thế, sau khi Hillblom chết, mới lòi ra những đứa con vô thừa nhận.

Năm 1982, Hillblom chuyển đến sống ở đảo Saipan (thủ phủ của quần đảo Mariana, là vùng lãnh thổ thuộc Mỹ). Tại đây, ông trực tiếp điều hành các thương vụ kinh doanh tại quần đảo Hawaii, Philippines. Riêng tại Việt Nam, Hillblom bỏ ra 40 triệu USD để đầu tư cải tạo, nâng cấp khách sạn Palace, Đà Lạt.

Việc đầu tư phải thông qua một công ty của một nước thứ ba  vì thời điểm ấy, Mỹ vẫn thi hành lệnh cấm vận với Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện kinh doanh thất bại, khách sạn phải đóng cửa. (Sau này, nó tái khai trương dưới sự điều hành của Tập đoàn Accor, Pháp).

Bên cạnh chuyện ăn chơi trác táng, Hillblom lại có máu say mê các loại máy bay du lịch. Ngoài mấy chiếc Cessna 4 chỗ ngồi, Beachcraft 8 chỗ ngồi, ông còn sở hữu một chiếc thủy phi cơ kiểu Catalina, mà ông đặt tên là “con ong biển”.

Chính chiếc thủy phi cơ này đã vùi ông cùng một người bạn và viên phi công xuống vùng biển Anatahan vào ngày 21/5/1995, khi ông trên đường từ Saipan đến đảo Pagan để xem núi lửa phun - vì thời tiết xấu nên phải quay về. Tìm kiếm suốt một tuần lễ, nhân viên cứu hộ chỉ vớt được xác bạn ông và viên phi công. Còn Hillblom thì mãi mãi biến mất.

Và những đứa con vô thừa nhận

Năm 1982, khi bắt đầu đến đảo Saipan sinh sống, Hillblom đột ngột viết... di chúc. Trong di chúc, ông để lại toàn bộ tài sản cho Trường đại học UC - San Francisco, California, và tuyệt nhiên không hề có một dòng chữ nào nói về những đứa con rơi ở phần thừa kế.

Ngay cả bà mẹ của ông ta là bà Helen Anderson cùng hai người anh, em ruột, tên là Grant Anderson và Terry Hillblom cũng được ông cho... đi tàu suốt! Tuy nhiên, theo luật  Saipan - là nơi Hillblom đăng ký thường trú, thì những đứa con sinh ra sau khi viết di chúc, vẫn có quyền thừa hưởng tài sản của người cha.

Vì vậy, lúc thông tin về cái chết của Hillblom được công bố, có nhiều cô gái ở nhiều nước đã lên tiếng, rằng ông ta là cha của con mình. Mẹ cháu bé Mercedita Felliciano cho biết, cô đã bán trinh cho Hillblom với giá 2.200 USD, và kết quả là sự ra đời của đứa con gái.

Mẹ một bé trai khác - tên là Jellian Cuatero thì khẳng định trong một lần đến quán bar nơi cô làm việc ở Philippines, Hillblom - thông qua một “má mì”, đã ngủ với cô ba đêm, thù lao là một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng và 1.500 USD.

Riêng cháu bé Junior Larry Hillblom ở đảo Guam thì đặc biệt hơn cả. Hillblom ở với mẹ cháu gần 4 tháng, rồi khi cô này có bầu, ông ta đã đồng ý cho cô lấy họ, tên ông ta để đặt cho con.

Tổng cộng, có tất cả 8 bà mẹ, với 11 đứa con mà bà nào cũng quả quyết con mình là “thứ thiệt”. Thế nhưng, trong tất cả những cuộc tình chớp nhoáng ấy, Hillblom hầu như không bao giờ chụp hình chung với những cô gái mà ông ta đã từng ăn ở, cũng như sau khi chia tay, ông ta chẳng thư từ thăm hỏi gì nên tất cả các “bà mẹ” đều chỉ có thể chứng minh bằng... miệng mà thôi!

Chính cái mắc mứu này đã khiến giới luật sư được dịp hốt bạc và có thể nói, trong số hơn 200 luật sư ở Saipan, hầu như không một luật sư nào lại không dính dáng đến vụ kiện đòi tiền thừa kế.

Để có thể hưởng phần thừa kế, thì phải chứng minh đứa bé mang trong mình dòng máu của Hillblom bằng phương pháp xét nghiệm ADN. Thế nhưng, vì xác của Hillblom không được tìm thấy, nên không thể lấy mẫu tế bào của ông ta để làm xét nghiệm được.

Điều đáng ngạc nhiên là một tuần sau khi Hillblom chết, căn nhà của ông ta ở Saipan đã được ai đó lau chùi rất sạch sẽ. Ngay cả bồn tắm - là nơi có thể tìm thấy những mẩu tóc của Hillblom để phân tích ADN, cũng được rửa bằng axít muriatic (là loại axít có tác dụng phân hủy nhanh chóng tế bào sừng như tóc, lông, móng tay).

Hai chiếc ôtô du lịch của Hillblom cũng thế - nghĩa là được tẩy rửa từ trong ra ngoài. Riêng những vật dụng cá nhân như lược, dao cạo râu, quần áo, bàn chải đánh răng... của Hillblom, lại được chôn trong khu vườn phía sau nhà. Và khi tìm ra, thì chúng không còn phục vụ cho việc xét nghiệm được nữa.--PageBreak--

Có giả thuyết nói rằng, do con rơi con rớt nhiều quá, sợ sau này khi Hillblom chết, chúng sẽ tranh nhau gia tài của ông, nên Hillblom đã âm thầm dặn dò một số cộng sự thân tín, rằng nếu chẳng may ông bất đắc kỳ tử, thì tất cả những gì có thể giúp cho những đứa con rơi chứng minh được, nó là con của ông, phải tiêu hủy hết.

Lại có giả thuyết nói, Trường đại học UC San Francisco sợ... mất phần vì phải chia năm sẻ bảy, nên đã mua chuộc những người giúp việc trong nhà, để họ xóa bỏ mọi dấu tích của Hillblom. Tuy nhiên, vì Hillblom đã chết, mà người chết thì không nói nên giả thuyết mãi mãi vẫn chỉ là giả thuyết mà thôi.

Giới luật sư quyết không chịu thua bởi lẽ nếu thắng kiện đòi thừa kế, thì họ là một trong những người vớ bẫm nhất. Thậm chí, họ còn trả tiền để điều tra xem túi đựng rác của nhà Hillblom là những túi nào, rồi thuê người ra bãi rác, bới tung lên, hòng kiếm một mẩu móng tay của Hillblom, cũng như dò hỏi những tiệm hớt tóc mà Hillblom hay lui tới, xem lần cuối cùng ông ta cắt tóc là lần nào.

Sau nhiều ngày mò mẫm, họ biết trước kia Hillblom từng bị tai nạn, và đã từng vào bệnh viện của Trường đại học UC San Francisco để cấy ghép da mặt. Qua nhiều lần thương thảo, Trường UC đồng ý cho họ tiến hành lấy mẫu ADN trên mẫu da mặt của Hillblom mà trường vẫn còn bảo quản, mặc dù điều này có thể khiến UC mất đi một phần tài sản mà Hillblom đã tặng cho trường nếu nó chứng minh được rằng Hillblom có con rơi. Bên cạnh đó, giới luật sư còn ra sức thuyết phục mẹ và anh, em của Hillblom cho họ lấy mẫu ADN nhưng đã bị từ chối.

Sau khi phân tích ADN từ mẩu da mặt được cho là của Hillblom, rồi đối chiếu với ADN của hai đứa bé là Jellian Cuartero và Junior Larry Hillblom, thì hóa ra nó lại không trùng khớp. Như vậy, một là mẩu da ấy không phải của Hillblom và hai là hai đứa bé kia, chẳng đứa nào là con rơi của ông tỉ phú.

Lần này, cánh luật sư phải nhờ đến một chuyên gia hàng đầu thế giới về di truyền là Giáo sư - tiến sĩ Brener, và ông đưa ra một giải pháp: Đó là so sánh ADN của những đứa bé - được cho là con rơi của Hillblom với nhau. Mặc dù những người phụ nữ đã từng chung chạ với Hillblom ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng nếu những đứa con của họ - là cùng một ông bố, thì ADN của nó cũng sẽ phải giống nhau.

Tất cả những việc ấy, đều không qua khỏi con mắt của bà Helen Anderson - là mẹ ruột Hillblom. Có lẽ sợ... mất phần - mặc dù thực tế thì trong di chúc, bà chả có phần gì -  cuối cùng bà Helen đồng ý cung cấp mẫu ADN của bà cho phòng xét nghiệm. Đổi lại, bà được 1 triệu USD cùng một ngôi biệt thự xây theo kiểu Pháp, trị giá cũng khoảng triệu rưỡi USD.

Kết quả cho thấy trong số hàng chục đứa “con rơi” đòi quyền thừa kế, thì chỉ 4 đứa là “con thật” của Hillblom. Đó là Jellian Cuartero, Mercedita Felliciano, Junior Larry Hillblom và Nguyễn Bé Lory.

Larry Hillblom gặp cô Nguyễn Thị Bé năm 1993. Lúc ấy cô mới 18 tuổi. Sau nhiều lần đến Phan Thiết, Hillblom quyết định đầu tư vào khách sạn Vĩnh Thủy, và biến nó thành khách sạn Novotel như hiện nay. Bên cạnh đó, ông ta còn cho xây dựng một sân golf 18 lỗ, được đánh giá là sân golf đẹp nhất châu Á.

Tại khách sạn Vĩnh Thủy - nơi cô Nguyễn Thị Bé làm công, Hillblom đã “để mắt” đến cô và kết quả là Nguyễn Bé Lory ra đời. Nhưng cũng như mẹ của Jellian Cuartero, Mercedita và  Junior Larry Hillblom, cô Nguyễn Thị Bé sau khi mang thai Nguyễn Bé Lory, thì Hillblom không hề có một lời thăm hỏi, chứ đừng nói gì đến chu cấp tiền bạc.

Ngay sau khi biết chính xác Nguyễn Bé Lory là con ruột của Hillblom qua kết quả xét nghiệm ADN, hai luật sư John Veaque và Garrick Gallager đã làm thủ tục, đưa mẹ con Nguyễn Thị Bé và Nguyễn Bé Lory ra khỏi Việt Nam để đến sinh sống ở một thành phố nhỏ thuộc miền Đông nước Mỹ.

Cho đến nay, giới luật sư đã lấy ra từ tài khoản của Hillblom 25 triệu USD. Tổng số tiền mà 4 đứa “con thật” của Hillblom sẽ được hưởng, là 300 triệu USD, nhưng họ chỉ thực nhận mỗi người 30 USD triệu vì phải nộp thuế liên bang và thuế lợi tức. Riêng Bệnh viện UC San Francisco được 200 triệu USD.

Hiện tại, mỗi tháng mẹ con cô Nguyễn Thị Bé được nhận từ ngân hàng 5.000 USD để tiêu dùng. Khi Nguyễn Bé Lory đủ 18 tuổi - nghĩa là vào năm 2013, mẹ con cô sẽ được lĩnh tổng cộng 60 triệu USD (bao gồm cả tiền thừa kế chính thức cộng với lãi ngân hàng).

Có lẽ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ - và một số quốc gia khác, thì Nguyễn Bé Lory là người giàu nhất. Nói chung, ai cũng mừng cho mẹ con cô Nguyễn Thị Bé với một hậu vận tốt đẹp. Nhưng - vẫn là một chữ nhưng, nếu đến lúc này mà Larry Hillblom vẫn còn sống, thì chẳng hiểu đời Bé Lory cùng Jellian Cuartero, Mercedita Felliciano, Junior Larry Hillblom - và có thể sẽ còn có thêm những đứa bé khác, sẽ như thế nào?

Chuyện về những đứa con rơi của nhà tỉ phú Larry Hillblom chưa phải đến đó là chấm dứt. Mới đây, một phụ nữ có tên Sally Bauer lại gửi đơn khởi kiện lên Tòa tối cao Saipan, đòi quyền thừa kế cho 2 đứa con - mà Bayer khẳng định đó là con của Hillblom. Theo lời Bauer, chỉ đến khi cô xem tivi nói về Larry Hillblom và về chuyện thừa kế, thì lúc ấy cô mới biết Hillblom đã chết.

Dưới sự chủ tọa của Chánh án William Fitzgerald, một phiên tòa sẽ được khai mạc vào lúc 10h sáng ngày 26/7 tới đây để xem xét việc có nên mở lại hồ sơ - bao gồm cả bản di chúc của Hillblom nữa hay không.

Phát biểu với báo chí, một luật sư của Bauer là ông Antonio M Altalig, cho biết: “Đây không chỉ là sự đòi hỏi công bằng cho bà Bauer, mà là cho hai đứa trẻ. Chúng có quyền được biết ai thật sự là cha chúng, và trong thâm tâm của chúng, cha chúng là ông Larry Hillblom”.

Xem ra, chuyện về ngài tỉ phú Larry Hillblom sẽ còn tốn nhiều giấy mực

Vũ Cao
.
.